“Tiếng gọi” Tạo Hóa đã mang họ đi xa nhưng những gì để lại mà họ không thể mang theo thân xác vô thường là những di sản bất tử. Có những người luôn ráng “chen” để được biết đến nhưng có những người mà tài năng tự nhiên đã đưa họ đến với đại chúng như thể sự có mặt của họ là một ơn lành mà nhân loại được ban tặng. Một Thái Thanh với tiếng hát thôi miên như vỡ ra từ lồng ngực Việt Nam thuần chất; một Lam Phương với “Phút cuối” chẳng bao giờ là sự chấm hết đối với những tình khúc của ông; một Hoàng Hải Thủy với văn chương xuất chúng; một Nguyễn Đức Sơn trần tục ngược ngạo đạp đổ tưởng chừng để phá nhưng là để xây nên những giá trị thẩm mỹ mới mẻ vượt ngoài mọi khuôn khổ từ bình thường đến tầm thường…
THÁI THANH
Mai Thảo viết về Thái Thanh (trích):
Bao nhiêu năm nay, mỗi lần nghe tiếng hát Thái Thanh, từ một ca khúc tiền chiến như hơi thở tuyệt vời duy nhất còn lại của một thời đã mất, đến những bài hát mới, phản ảnh sinh động cái hơi thở trăm lần đầm ấm hơn của âm nhạc bây giờ, tôi không khám phá mà chỉ thấy trở lại trong tâm hồn và thẩm âm của mình một số rung động và liên tưởng cố định. Những rung động ấy đã có từ lâu, những liên tưởng ấy từ đầu đã có. Chúng có từ Thái Thanh với bài hát thứ nhất, và nguyên vẹn như thế cho đến bây giờ. Chẳng phải vì con người thưởng ngoạn âm nhạc trong tôi không có những thay đổi. Cũng chẳng phải vì tiếng hát Thái Thanh là một thực thể âm nhạc bất biến và bất động, không có những thay đổi.
Mọi người dễ dàng nhận thấy như tôi là, chuyển lưu không ngừng qua nhiều vùng trời âm điệu khác biệt, hòa nhập không thôi vào mọi không khí, trào lưu âm nhạc và trình diễn thay đổi từng năm, từng mùa như mưa nắng, chính tâm hồn và ý thức người hát, trong mối liên hệ mật thiết một đời với nhạc, thế tất có những biến chuyển. Tiếng hát vì thế cũng đổi thay theo. Nói Thái Thanh hát bao giờ cũng vậy là sai. Lấy một bài hát bây giờ, một bài hát trong mười bốn ca khúc của băng nhạc Tơ Vàng chẳng hạn, cùng nghe với một bài hát cũ, ta thấy ngay, trên cái tiến trình và thành tựu rực rỡ của hai mươi năm đi tới không ngừng, tiếng hát Thái Thanh đang đích thực được lồng đựng trong một kích thước, một tinh thần mới. Sự thay đổi đó không ngẫu nhiên, chẳng tình cờ. Nó biểu hiện cho cái nỗ lực chính yếu của người hát tuyệt nhiên không bao giờ muốn ngủ yên trên những thành công đã có.
Ở một bài giới thiệu ngắn trong một chương trình Nhạc Chủ Đề thực hiện trước đây trên làn sóng điện đài Saigon, nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã nhận định về tiếng hát Thái Thanh như một giọng ca không có tuổi. Táng láng, hồng tươi, không quá khứ. Nhận định này chỉ nói đến một sự thực hiển nhiên. Tốt tươi và phơi phới, bay bổng và cao vút, tiếng hát Thái Thanh hai mươi năm nay là một hơi thở bình minh, ở đó không có một dấu vết nhỏ của tháng năm và quá khứ đè nặng. Đã là một giòng sông đầy, nó vẫn còn là cái thánh thót, cái trong vắt của một giòng suối, nước reo thủy tinh, sỏi lăn trắng muốt. Như một bông hoa không nở và tàn trong một buổi sáng, mà hoa đã mãn khai, vẻ hàm tiếu vẫn còn. Tiếng hát trẻ trung vĩnh viễn, không tuổi, không quá khứ là vì nó tạo mãi được cho người nghe cái cảm giác mát tươi đầu mùa như vậy…
MAI HƯƠNG
Nghiêm Xuân Cường viết về Mai Hương (trích):
Những năm cuối thập niên 60, Sài Gòn vẫn còn hưởng không khí tương đối yên bình. Nhiều kỷ niệm vẫn còn in sâu trong trí tôi cho đến ngày hôm nay là những buổi tối mấy chị em chúng tôi quây quần bên chiếc máy thu thanh trong căn gác nhỏ, chờ đón những chương trình nhạc mà tất cả chúng tôi đều ưa thích… Ở trong cái thế giới âm nhạc tuyệt diệu ấy, một giọng hát nhẹ nhàng và đầy đam mê đã đến với chúng tôi như một làn gió mát, một thoáng hương hoa của buổi đầu xuân. Dịu dàng nhưng thiết tha. Đó là tiếng hát của Mai Hương.
Mai Hương luôn luôn hát với cả tấm lòng yêu âm nhạc, một tình yêu mà chị đã có từ những ngày còn thật bé vì vốn dĩ sinh trưởng trong một đại gia đình văn nghệ sĩ. Nghe từng bài của Mai Hương hát trong các CD của chị chúng ta nhận thấy cái trau chuốt, từ sự chọn lựa các bài hát trong các đĩa nhạc, cho đến sự trân trọng của chị qua từng nốt nhạc. Riêng tôi, mỗi lần nghe lại tiếng hát Mai Hương là như thấy lại cả một trời kỷ niệm. Quê hương và nỗi nhớ tưởng chừng đã quên nhưng vẫn còn y nguyên bên mình. Chính ở trong nỗi nhớ đó chúng ta càng cảm nhận tầm mức quan trọng của những văn nghệ sĩ đã trọn đời gắn bó với các bộ môn nghệ thuật Việt Nam. Bởi lẽ qua tiếng nhạc lời ca, qua ký ức và những kinh nghiệm sống và trình diễn nghệ thuật của họ là tiềm tàng những hình ảnh thân thương của quê nhà mà tất cả chúng ta hằng yêu mến.
Xin cảm ơn tất cả những nhạc sĩ tài hoa, và những người làm nghệ thuật nói chung, đã đem đến cho đời những bông hoa đầy hương sắc. Và cảm ơn Mai Hương, vì qua giọng hát điêu luyện của mình, chị đã nhắc lại cho chúng ta những nét đẹp tuyệt vời của nhạc Việt Nam. Tiếng hát của Mai Hương luôn đem đến cho người yêu nhạc những giây phút thật ấm lòng, và nếu ngày nào còn người Việt ly hương với nỗi sầu ưu quốc, ngày ấy tiếng hát của chị, như tiếng mẹ ru ta vào đời khi còn thơ dại, sẽ theo chúng ta trên các nẻo đời, sẽ mãi mãi bay cao “như thông đầu non. Vời cao trông mây buồn đứng. Muôn kiếp cô liêu, ngàn năm còn reo”.
ĐỖ PHƯƠNG KHANH
Michael Bui viết về Đỗ Phương Khanh (trích):
Gia đình tôi là gia đình di cư. Năm 1954, đồng 18 tuổi, Bố Mẹ tôi nắm tay nhau xuống tàu Há Mồm xuôi Nam chạy trốn chế độ CS. Vào đến Sài Gòn, Bố Mẹ tôi khởi nghiệp bằng cách hành nghề viết sách làm báo. Năm tôi còn học Tiểu Học, Mẹ tôi dùng tư gia để thành lập Cơ Sở Ấn Loát Huyền Trân. Căn nhà này được cái sâu và rộng nên tôi thấy có đến cả trăm nhân viên nhà in làm việc suốt ngày. Chỗ thì chứa các máy in, chỗ thì để những hộc chữ bằng chì, phòng này đặt máy xén, cắt giấy, phòng kia cho giai đoạn khâu bìa bằng chỉ của các cô các dì, v.v… Trong giờ làm việc thì ôi thôi vui lắm. Tiếng máy in chạy rầm rầm xen lẫn tiếng nói, tiếng cười đùa, tiếng ca vọng cổ…, tạo nên một không khí rất sinh động.
Công nhân của nhà in rất quý Mẹ tôi qua cách cư xử và đối đãi với họ rất tận tình chu đáo như đại gia đình. Tôi nghe bà thường nói, “ngày thứ Sáu là ngày vui nhất của Mẹ trong tuần đó con, vì ngày đó là ngày phát lương cho thợ. Nghĩ đến cảnh họ có tiền chạy về nhà dẫn vợ con đi chơi cuối tuần là Mẹ thấy vui rồi.” Cái chân lý này đã thấm nhuần tôi cho đến mấy chục năm về sau này, tốt với nhân viên thì họ sẽ đối xử với mình y như vậy thôi…
Sau khi nghỉ hưu có thời giờ rãnh rỗi, Mẹ tôi bắt đầu dồn nỗ lực vào việc nghiên cứu kinh kệ. Bà phụ trách và biên soạn cho chương trình về Phật Pháp Tuệ Đăng hàng tuần trên đài Hồn Việt TV phát đi khắp 50 tiểu bang và Canada. Ngoài ra Mẹ tôi còn dịch sách của Triết Gia Krishnamurti sang Việt Ngữ, cũng như phụ trách điều hành trang website khaiphong.net cho dân mạng mở mang kiến thức về các vấn đề Khoa Học Xã Hội. Nói thật, Mẹ tôi sinh tôi ra, lo lắng cho tôi từng li từng tí, cái gì tôi thích bà cũng chiều. Muốn đi chơi, Mẹ cho tiền. Muốn xe đạp có xe đạp, muốn giầy mới, đồ mới, mẹ tôi trước sau gì cũng xì tiền cho tôi mua. Chẳng bao giờ thấy Mẹ lôi la mắng gì cả. Ngay đến cái sổ học bạ hồi xưa, tháng nào mà tôi bị xuống bậc, tôi cũng nhờ Mẹ đưa cho Bố ký giùm cho xong chuyện còn đem nộp. Ngày Mẹ tôi nghỉ hưu, bà có tiền hưu, tiền già, chẳng khi nào bà cần gì ở chúng tôi cả…
(Michael Bui là con trai của nhà văn Đỗ Phương Khanh)
NHẬT TIẾN
Hoàng Ngọc Cầm viết về Nhật Tiến (trích):
“Theo kịp em rồi, Phương Khanh ơi!”… Đó là ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu tôi khi nghe tin nhà văn Nhật Tiến từ trần. Thú thật, tôi không buồn, mà lòng mừng cho ông. Mừng cho ông vô cùng, và tôi còn tưởng tượng ông vừa nói vừa cười hóm hỉnh với hiền thê của ông, “Theo kịp em rồi, Phương Khanh ơi!”. Mừng cho ông, vì thấy ông thiệt là hạnh phúc. Ông được Trời Phật thương cho ông có thể làm tròn tình nghĩa với bà cho đến giây phút cuối cùng. Ông đã nhường cho bà đi trước, lo hậu sự cho bà, viết lời Cảm Tạ mọi người trên dương gian thay cho bà, xong xuôi hết mọi chuyện rồi, ông mới đi.
Mừng cho ông, vì ông không còn phải một mình ngồi ngắm “Đóa Hồng Gai” với những “Giọt Lệ Đen” và những “Giấc Ngủ Chập Chờn” trong nỗi lòng thương nhớ bà. Mừng cho ông, ông đã được cùng bà vui hưởng “Những Ngày Tháng Êm Đềm” trên dương gian và bây giờ lại tiếp tục được bên nhau nơi an nghỉ cuối cùng. Ông bà đã buông tay để mọi điều trên dương gian “Theo Gió Ngàn Bay,” vẫy tay vĩnh biệt “Những Người Áo Trắng,” và cảm ơn ông Trời, “Người Kéo Màn” cuộc đời của ông và của bà thật đẹp, thật khéo léo.
Theo kịp người bạn đời chỉ trong khoảng ba tuần… là một Thiên Phúc, không có mấy ai được diễm phúc này. Có lẽ bàn “Tay Ngọc” của ông đã viết lên bao nhiêu tác phẩm để gieo rắc những điều chân, thiện, mỹ vào tâm hồn của nhiều người, nên Trời Phật thưởng cho ông. Tôi không biết ông là ai, nhưng vẫn nhớ tôi đã từng đọc nhiều truyện, đa số là truyện thiếu nhi của nhà văn Nhật Tiến. Bây giờ tôi mới biết cả ông và bà qua những dòng Cáo Phó! Đọc nhiều, nhưng tất cả cuốn truyện là mượn bạn bè để đọc, chứ chưa được sở hữu một cuốn truyện nào. Sau 30-4-1975, chúng ta nghèo cả vật chất lẫn tinh thần. Nhà nước đánh tư sản, bao nhiêu gia đình trắng tay. Cha, anh, những người trụ cột gia đình đều phải đi học tập cải tạo. Cơm bữa đói, bữa no. Sách truyện hay đều phải lén lút, giấu giếm, chuyền tay nhau để đọc. Nhà bạn nào có nhiều truyện trước năm 1975, coi như bạn ấy được gọi là giàu nhất xóm.
Tôi nhớ có một lần mượn được cuốn truyện “Quà Giáng Sinh” của nhà văn Nhật Tiến đúng vào dịp Giáng Sinh. Cuốn truyện sờn gáy, rách te tua, nhưng đã làm cho tôi có một đêm Giáng Sinh tuyệt vời vì có một cuốn truyện để đọc ngấu nghiến. Chúng tôi chỉ là những độc giả vô danh tiểu tốt, không có quen biết nhiều, nên bây giờ mới biết ông bà ở California, ông bà đã có những người con rất thành công và cũng đóng góp nhiều cho cộng đồng Việt Nam ở đây. Xin chúc mừng ông bà đã hoàn thành xuất sắc vai trò làm cha mẹ.
Mừng cho ông đã theo kịp bà. Còn gì hạnh phúc hơn là được gặp lại người mình yêu thương nhất, đúng không ông?
LAM PHƯƠNG
Nhà văn Duyên Anh viết về Lam Phương:
Thuở ban đầu của âm nhạc Lam Phương thuần hương vị miền Nam. Dân chúng đón tiếp anh như nhánh sông đón tiếp phù sa của Hậu Giang. Phù sa âm nhạc Lam Phương bảng lảng âm điệu hai trăm năm đất mới. Anh gần gũi người miền Nam vì anh cảm xúc niềm xúc cảm của người miền Nam. Âm nhạc Lam Phương ví như con thuyền chở đầy trăng nhẹ trôi trên mặt sông Tiền, sông Hậu. Nó buồn vui cái buồn vui của Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên. Nó được hát bởi những giọng kể Lục Vân Tiên đơn sơ và đôn hậu. Cả triệu người đã say mê nhạc Lam Phương. Nhạc Lam Phương lãng đãng trên đồng lúa bát ngát, trên sông nước mênh mông. Nó từ ngõ hẻm thành phố về đường mòn thôn ổ. Nó trong trường học. Nó ngoài sa trường. Nó xanh mắt thanh niên. Nó hồng môi thiếu nữ. Luôn luôn bình dị. Mãi mãi Lục Vân Tiên.
Hãy ví Lam Phương như Lục Vân Tiên đi…
Niềm mong ước của tôi, của những người yêu mến Lam Phương là, ngày nào đó, anh tìm lại Kiều Nguyệt Nga, đứng trên bờ sông tâm tưởng cũ, mở lối về nguồn, khơi vết trăm nhánh nghìn con. Để dân tộc có nhiều, thật nhiều ca khúc mang hơi thở nồng nàn, đôn hậu, xao xuyến, bồi hồi của miền Nam yêu dấu.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn viết về Lam Phương:
Hát nhạc Lam Phương, người ta dễ dàng nhận ra tấm lòng chan hòa của anh, khao khát được chia xẻ thăng trầm với mọi cảnh đời chung quanh. Bài tango Kiếp Nghèo không thể là những cảm xúc giả tạo. Nỗi bâng khuâng của Ngày Tạm Biệt không thể là những xao xuyến vay mượn. Phải xuất phát từ một tâm hồn nghệ sĩ có trái tim độ lượng đích thực mới cho đời được những dòng nhạc như thế.
Ra hải ngoại, Lam Phương không dừng lại. Khung cảnh xã hội mới, những khắt khe của cuộc sống xứ người, những xáo trộn bất thường về tình cảm, ở Lam Phương, không ảnh hưởng đến khả năng của người nghệ sĩ, mà ngược lại, làm phong phú thêm vốn liếng sáng tạo. Anh vẫn viết đều, miệt mài đưa ra hàng loạt tác phẩm mới trong điều kiện phổ biến khó khăn hơn, bởi cộng đồng người Việt trải rộng khắp năm châu.
Từ khoảng 1981-1982 tôi đã được nghe một loạt tình ca của anh viết ở Paris. Có lúc thấy anh buồn vì Tình Vẫn Chưa Yên. Vài năm sau lại thấy anh vui, có lẽ bởi vì Từ Ngày Có Em Về đã làm nguồn hứng gần gũi để anh viết Bài Tango Cho Em rất đặc sắc. Trong lúc nhiều nhạc sĩ trước 75 đã rút lui vào hậu trường thì Lam Phương vẫn là điểm sáng trên sân khấu hải ngoại rộng lớn… Anh cho người yêu nhạc một loạt tặng phẩm quí, gói ghém trong hai mươi tình khúc mới. Đợt tình ca có những bản nhạc đã nhanh chóng trở thành niềm yêu thương của người sành điệu. Từ Em Đi Rồi đến Cỏ Úa, đã được thâu trong băng Thúy Nga, cho tôi thấy dòng nhạc sung mãn của Lam Phương như một nguồn suối bất tận, chảy mãi, cống hiến mãi không ngừng nghỉ.
LÊ DINH
Bích Xuân (Paris) viết về Lê Dinh (trích):
Nói đến Lê Dinh ai mê nhạc cũng không quên bài: Hà Tiên, Ga chiều, Tình yêu trả lại trăng sao… Lời nhạc Lê Dinh đơn sơ dễ hiểu, mộc mạc đi thẳng vào tâm hồn người nghe một cách thích thú… Tôi đã gặp nhạc sĩ Lê Dinh một lần tại Montreal trong một buổi văn nghệ, và người nghệ sĩ này đã để lại tôi ấn tượng khó quên. Tôi kính mến thái độ vui vẻ, nhiệt thành, đơn giản mộc mạc thẳng thắn, ẩn trong cái nghiêm túc của một nhạc sĩ, có đức tin về phương pháp làm việc, với sự cần cù nhẫn nại, đã đem lại lòng quí mến và tin tưởng trong giới nghệ sĩ. Tôi biết nhạc sĩ Lê Dinh có đời sống tinh thần trong âm thầm, nhưng đầy hăng hái kiên nhẫn, đó là nền tảng cho một đời sống về tinh thần. Tâm hồn của một người nghệ sĩ dồi dào thì sự sung sướng cũng rộng rãi hơn.
Nghe những lời nhạc của Lê Dinh tôi có cảm nhận: Người nghe không có sự suy nghĩ với cái nghĩa rộng của nó, mà dòng nhạc đi thẳng một cách mạch lạc vào đời sống tình cảm người ta mà thôi. Nhạc là âm thanh để cảm nhận, tất cả chung quanh chỉ là cái khung để chúng ta sinh hoạt, nếu ta quá quan trọng sẽ làm giảm mất đi cái chân giá trị của sự sáng tạo, một sự sáng tạo trong bóng tối, trong im lặng cũng là một vết sáng của đêm đông, và người sáng tạo là người biết định đoạt hành động mình, biết trù liệu đến sự tín ngưỡng và số phận của mình.
HOÀNG HẢI THỦY
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn viết về Hoàng Hải Thủy (trích):
Hoàng Hải Thủy là một trong những nhà văn đã nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông nổi tiếng trước nhất như một người viết phóng sự, sau đó, như một dịch giả và một người viết tạp văn. Phải công nhận rằng, tất cả những gì Hoàng Hải Thủy viết đều có một sức hấp dẫn, dù nó được ký tên Hoàng Hải Thủy hay Công Tử Hà Đông… Đang viết bình thường, ông thêm vào một chữ “vưỡn“, “em vưỡn yêu anh, mí nị em thơm như múi mít”. Trong ngôn ngữ miền Bắc, hai từ “mí nị”, cũng có người nói là “mí lỵ” là hai tiếng “mới lại” được phát âm trẹo đi. Nghe một người con gái nói: “Em vưỡn yêu anh” thì có lẽ không anh nào dám tin đó là sự thật. Cái phần sự thật có thể có đó, so với cái phần sự thật có thể không trong câu nói nghiêm chỉnh hơn “Em vẫn yêu anh” có gì khác. Các bông đùa của Hoàng Hải Thủy luôn ở trên lằn ranh vui buồn, thật giả đó…
Hoàng Hải Thủy cho biết ông bắt chước ông Lê Quý Đôn ghi lại những chuyện hay đọc được cùng với những suy luận, những nhận xét của mình. Qua cuốn sách người ta được biết thêm một Hoàng Hải Thủy rất yêu thơ, đọc rất nhiều thơ Đường, dịch nhiều thơ Đường và còn có thể làm thơ bằng chữ Hán nữa. “Viết tiểu thuyết từ năm 25 tuổi, có thể nói tôi suốt một đời yêu thương, gắn bó, sống chết với việc viết truyện. Với tôi, viết là hạnh phúc. Tôi đã sống để viết, viết để sống và trước năm 1975, tôi đã sống được với việc viết truyện của tôi. Trước 1975, ở Sài Gòn, Thủ đô Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa của tôi, trong hai mươi năm, tôi đã sống để viết và đã viết để sống. Sau 1975, tuy biết viết là tù tội, tôi vẫn viết…”.
NGUYỄN ĐỨC SƠN
Võ Phiến viết về Nguyễn Đức Sơn (trích):
Bởi vì mặc dù bề ngoài Nguyễn Ðức Sơn có những điệu bộ lạ mắt, những quát tháo hung dữ, nhưng kỳ thực đó là người rất gần gũi chúng ta. Một người con trai mới lớn, bỡ ngỡ đối với thân xác mình, tha thiết mà rụt rè trong tình yêu, thèm muốn mà e ngại đối với người yêu; một người con trai mới lớn, rạo rực tưng bừng trước cuộc sống huy hoàng, mà đồng thời lặng người đau xót trước cái tịch liêu của mênh mông, cái hư ảo vô nghĩa của cuộc đời. Nguyễn Ðức Sơn là như thế, có gì kỳ cục đâu. Ông trích hai câu của Huy Cận để lên đầu sách mình, rất thích hợp: “Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu”.
Trông thấy Nguyễn Ðức Sơn khoa trương về những tác phẩm “ngợp mắt” của mình và xỉ vả tất cả những ai, “bất luận già hay trẻ, đực hay cái”, muốn lợi dụng tài năng mình, người ta tưởng tượng ông ngổ ngáo không ai bằng. Nhưng hãy đến gần một chút, sẽ thấy ông hiền lành dễ mến biết chừng nào. Con người ta chỉ làm bộ làm tịch lúc bình thường, chứ một khi có điều trọng đại xảy đến, lay động sâu xa, thì liền quên hết bộ tịch mà xuất lộ ngay chân tướng. Chuyện quan trọng trong đời có lẽ không gì hơn là cái chết của người thân và tình yêu của mình…
Ðã lâu trong thơ văn chúng ta thiên nhiên lần lần mất chỗ. Một phần vì ai nấy dồn về đô thị, xa rời cỏ cây trăng sao, một phần vì các mối tương quan giữa người với người càng ngày càng gay gắt, choán hết đầu óc tâm trí ta, ta không còn mấy cơ hội xúc cảm trước tạo vật. Trăng, gió, núi, sông v.v… chỉ còn là những ký hiệu vô vị. Ở Nguyễn Ðức Sơn thì không như vậy. Thiên nhiên trong thơ ông là những cái gì cụ thể: con nai vú dài rung rinh, vài “chú dã tràng” bu quanh khi ông giả vờ chết trên bờ biển… Ông nói rất nhiều đến sông mưa, biển hoang, cồn lạnh, nhất là đến cái bãi biển trên đó ông làm nhiều trò lạ, nhưng không bao giờ nói bằng giọng hờ hững; ông động đến cái gì là y như cảm quan ông tràn ngập vì cái ấy, từ đám mây bạc bay giữa trời trong lúc ông nằm giả chết trên cát mà cứ ngỡ mây phiêu phiêu kia đang đưa mình “về cõi tuyệt vời mai sau”, cho đến cái “nắng rụng vô thường dưới khe”…
Nguyễn Ðức Sơn có những ý tưởng cắc cớ: “Nhiều khi đợi nắng chiều tan/ tôi mông lung nghĩ theo làn mây trôi/ ngày kia nếu ở trên đời/ cha tôi không cưới mẹ tôi bây giờ/ sinh ra tôi có làm thơ/ để điêu linh vẫn như chờ riêng thôi/ những đêm sao sáng đầy trời/ bỗng nhiên tôi khóc trên đồi hư không” (Hồi Tưởng).
“Nếu” mà xảy ra cái điều tai hại nọ khiến trên đời không có thơ Nguyễn Ðức Sơn thì đối với “trời đất mang mang” chắc chắn là chuyện không đáng kể. Nhưng với chúng ta, hàng ngày vẫn khao khát mằn mò tìm văn thơ để đọc, thỏa mãn thêm một thứ nhu cầu của một kiếp nhân sinh vốn đã mang nhiều hệ lụy, đối với chúng ta sự vắng thiếu ông sẽ là một thiệt thòi đáng kể. Bởi vậy mà mặc dù ông đe dọa, cấm đoán cả việc phê bình, sau khi đọc mấy tập thơ ông tôi vẫn đánh liều bày tỏ nỗi sung sướng của mình. Làm thơ là chuyện muôn vàn khổ đau. Khen thơ, nếu có tự chuốc lấy ít nhiều nguy hiểm, đã sao!
(Tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn, số 238, ngày 1-12-1966. In trong bộ Văn học Miền Nam của Võ Phiến)
VŨ ĐỨC SAO BIỂN
Lê Văn Nghĩa (báo Tuổi Trẻ) viết về Vũ Đức Sao Biển (trích):
Viết về anh phải đề cập đến khía cạnh nào đây? Là một nhạc sĩ? Vâng, một nhạc sĩ “đóng đinh” vào âm nhạc bằng bài hát Thu, hát cho người. Một nhà văn, một nhà viết trào phúng? Hay một nhà báo, một thầy giáo, một nhà Kim Dung học, một dịch giả?
Là một giáo viên, trước 1975 anh đã dạy ở tận xứ Bạc Liêu, truyền cảm hứng văn học cho những học sinh yêu chữ nghĩa. Anh say mê tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung rồi luận bàn nhiều khía cạnh của bậc tài hoa chữ nghĩa này từ chuyện pháp luật đến nghệ thuật, đến sự chính danh, chính trực của con người khi đời ta giờ gặp quá nhiều bọn ngụy quân tử Nhạc Bất Quần… Anh là một nhà Kim Dung học dưới khía cạnh xã hội, dưới tâm thế của người đau phận con người chứ không phải chỉ biết kể chuyện “Đại Nã Di Càn Khôn”, “Hấp Tinh Đại Pháp” – mà bọn đàn ông chúng tôi thường đem ra cười đùa, tếu táo…
Nhưng dù sao, trên hết, người yêu nghệ thuật biết anh qua Thu, hát cho người… Bình tâm trong những đêm yên lặng sâu lắng, ngồi trên chiếc vỏ lãi hay tắc ráng trên dòng sông Hậu mà nghe Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang hay Điệu buồn phương Nam thì ta sẽ đặt câu hỏi tại sao một người Quảng Nam lại chia sẻ thâm tình, thấu cảm cõi giới của người cuối đất đến như vậy? Có phải những năm ăn gạo, uống nước của vùng đất “dưới sông cá nhảy trên bờ Triều Châu” (?). Có phải từ một Thu, hát cho người đến Mẹ Cửu Long đã có những biến chuyển khác trong cách nhìn đời của anh. Thu, hát cho người đến Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Mẹ Cửu Long, Hoài niệm Trường Giang… đều có hình ảnh của một dòng sông; từ dòng sông cho người tình đến những con sông mạnh mẽ như bóng cha, dịu dàng như nghĩa mẹ…
Sở dĩ tôi dám nói linh tinh với anh như vậy vì chúng tôi thường gặp nhau để bàn chủ đề cho từng số báo. Anh là một cây viết biếm chủ lực của báo Tuổi Trẻ Cười từ những số báo đầu tiên đến tận bây giờ. Trên lĩnh vực báo trào phúng, anh là một cây bút “đa-gê-năng”. Anh làm thơ, viết truyện, viết xã luận và bài viết nào cũng là một bài viết tâm huyết. Anh viết nhanh nhưng chất lượng vì những vấn đề tòa soạn yêu cầu đều trúng vào những điều anh đang đau đáu “thương những đời như lục bình trôi…”… Viết lan man vào một buổi sáng buồn. Chia tay anh – anh Đồ Bì, như mới chào nhau dưới sân báo Tuổi Trẻ hôm nào. Chép lại ở đây bốn câu kinh bái hỏa giáo từ quyển Úi chao, 60 năm của anh như nói với chính mình và bè bạn: “Chợt đến như dòng nước chảy/ Và tàn như gió qua mau/ Chẳng biết từ đâu mà đến/ Và chẳng biết về nơi đâu“.
CHÍ TÀI
Nghệ sĩ Chí Tài tên thật là Nguyễn Chí Tài, sinh năm 1958. Ông được xem là một trong những danh hài nổi tiếng nhất, cả trong nước lẫn ở hải ngoại. Ông cũng là danh hài duy nhất vừa có thể diễn hài vừa chơi nhạc cụ, mà cả hai đều rất chuyên nghiệp, nhờ nền tảng từng là một cây guitar có tiếng trong các phong trào văn nghệ và ban nhạc tại Sài Gòn và Mỹ.
Chí Tài đến với nghệ thuật từ năm 1976 khi tham gia vào đội múa và đánh guitar cho các chương trình văn nghệ của quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Năm 1981, ông sang Mỹ định cư cùng với gia đình. Sau đó, ông thành lập ban nhạc “Chi Tai’s Brothers”, với các thành viên: Chí Thiện, Quang Mỹ, ca sĩ Phương Loan, Kiều Linh, Chí Thái, Trịnh Nam Sơn… Bản thân ông giữ vai trò guitar chính và hát nền. Ban nhạc của ông dần được biết tiếng và đi biểu diễn nhiều nơi cho các đám cưới, đám tiệc và sinh hoạt cộng đồng tại Mỹ. Ngoài ra, Chí Tài còn mở studio để hòa âm, thu âm cho nhiều ca sĩ nổi tiếng khác. Chí Tài được phát hiện năng khiếu diễn hài một cách tình cờ vào năm 1990, trong một sô diễn mà Hoài Linh thiếu bạn diễn. “Biết tôi có máu hài hước, (Hoài Linh) đã nhờ tôi tung hứng trong một tiểu phẩm hài. Thế là từ đó tôi gắn với nghề diễn viên chọc cười”, Chí Tài cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Người Lao Động.
Trở về Việt Nam hoạt động nghệ thuật từ khoảng đầu những năm 2000, Chí Tài tiếp tục được khán giả yêu mến và thường xuyên xuất hiện trong các chương trình truyền hình và biểu diễn nghệ thuật ăn khách tại Việt Nam. Chí Tài chiếm cảm tình khán giả bằng phong cách nhẹ nhàng. Ông cũng là gương mặt quen thuộc của màn ảnh với hàng loạt phim: Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Lâu đài tình ái, Trái đắng, Kỳ phùng địch thủ, Những nàng công chúa nổi tiếng, Phố trọ Luxubu, Cưới chạy, Vết xước, Dạ cổ hoài lang, Chuyện xóm tui…
*****
Biên soạn và trình bày đồ họa: Mạnh Kim