Ứa nước mắt nghe lại hành trình Việt bằng âm nhạc

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa cùng các nghệ sĩ ở cuối chương trình (Ảnh: TK)

Những tràng pháo tay kéo dài, tiếng huýt sáo cổ vũ, và cả những giọt nước mắt thầm lặng đã rơi xuống vào cuối chương trình hòa nhạc A Legacy Of Sounds tại nhà hát Performing Arts Center tại thành phố Allen, Texas đã nói hết về giá trị của buổi biểu diễn và tấm lòng của những khán giả Việt Nam về một dòng chảy không ngừng của văn hóa Việt, dù cách trở quê hương, ngôn ngữ và tư tưởng. 

Nói đến chương trình hòa nhạc đặc biệt này, mở đầu cho hành trình Tháng Tư thường niên của người Việt ra đi tìm tự do, không thể chỉ nói đến tài nghệ của những người tham gia chương trình, mà cả lòng hãnh diện của thế hệ người Việt xa xứ đã dựng lên những thế hệ tài hoa tiếp nối, phối hợp với dòng nhạc classical chính mạch ở Mỹ Quốc.

Dàn nhạc Allen Philharmonic và hai ban hợp xướng Allen Symphoby Chorus, Dallas Chamber Choir đã thể hiện tuyệt luân những âm điệu và tiết tấu Việt Nam qua từng chương trong bản Symphony Vietnam 1975 của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, dựng hợp xướng bài Đừng Đứng Bên Mộ Tôi Mà Khóc của Patrick Vũ, tấu khúc Chiều Làng Tôi của Dylan Trần… và không thể không nhắc đến tiếng hát đẹp đến sững sờ người nghe của hai giọng ca đoạt giải Grammy là Teresa Mai (2022) và Hilá Plitmann (2019 và 2022), cùng các nghệ sĩ khác đã làm đầy một không gian nhà hát đầy khán giả Mỹ – Việt.

“Đây là là một chương trình độc nhất, chưa từng có, và quý vị là những khán giả may mắn là người được thưởng thức”, giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, cây đại thụ của văn hóa Việt, đại diện cho di sản Việt Nam Cộng Hòa đã nói với khán giả ở phần cuối chương trình. Cùng với sự cảm nhận sự diễm tuyệt của chương trình, còn có cả lòng tự hào của khán giả Việt Nam, khi nhìn lại một chặng đường vượt qua và dựng lên thế hệ Việt Nam bên ngoài Việt Nam, có những cây đại thụ như giáo sư Lê Văn Khoa, và có những người trẻ tiếp nối mạnh mẽ, góp sức gìn giữ và phát huy sự tự hào của dòng di dân khắc khoải và ngơ ngác từ bên kia đại dương như Đức Đạt (guitar), Phạm Hà (tenor), Sumo Bùi (cello), Hải Yến (cổ nhạc), Lily Nguyễn (cổ nhạc), Chí Tâm (cổ nhạc), Ngọc Hà (soprano), Duy Trần (piano, composer), John Lê Culpepper (soạn nhạc và chỉ huy hợp xướng) Ianbui (dịch giả, và điều phối chương trình)…

Hai tiếng đồng hồ trôi qua, nhưng khán giả vẫn háo hức chờ đợi các tiết mục tiếp theo, vì mọi thứ đều là những bất ngờ và cảm nhận độc đáo. Chương trình khéo léo dắt mọi người đi từ những ngày đầu của âm nhạc Việt Nam với tác phẩm Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sư Cao Văn Lầu. Trải qua những tác phẩm con người (Chiều Làng Tôi, Mừng Xuân), dẫn đến những đề tài thời sự Đừng Đứng Bên Mộ Tôi Mà Khóc, Hòn Vọng Phu…) và cuối cùng cái kết là sự dâng trào mãnh liệt trong tâm thức người Việt nghĩ, nhớ về cội nguồn, là ca khúc Việt Nam, Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy, với sự trình bày bởi dàn nhạc  Allen Philharmonic và dàn hợp xướng Allen Symphony Chorus- được hát nguyên bản với tiếng Việt (cùng tiếng Anh) bởi các nghệ sĩ Mỹ cùng những tiếng vỗ tay, hát theo của các khán giả. 

Dịch giả, điều hợp chương trình, Ian Bùi (Hình: Tuấn Khanh)

Ông Ianbui, dịch giả của các ca khúc cũng như là người giúp phiên âm và luyện tập cho các nghệ sĩ trong dàn hợp xướng người Mỹ, kể rằng quá trình để hát được toàn vẹn tiếng Việt là một câu chuyện vô cùng khó với những người không quen âm vị tiếng Việt. “Khởi đầu tôi phải phiên âm quốc tế toàn bộ các chữ tiếng Việt để phía các người Mỹ hiểu là phát âm như thế nào, rồi tự mình ghi âm, hát lại bài hát một cách chậm chạp bằng âm tiếng Việt, để họ nghe, tập hát theo, rồi sau đó đến buổi tập của họ điều chỉnh từng đoạn để có thể gần với ngôn ngữ Việt nhất, ” ông Ian Bùi nói.

Thời gian để luyện tập thực chất của dàn nhạc với dàn hợp xướng không nhiều trong một tháng, nhưng những nghệ sĩ này đã hoàn thành công việc của mình xuất sắc đến mức những khán giả phải ngạc nhiên.

Ngược lại, hiền thê của của giáo sư nhạc sĩ Lê Văn Khoa, là ca sĩ Ngọc Hà, cũng trình bày một vài phân khúc trong bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương bằng tiếng Anh (cũng được chuyển ngữ bởi Ianbui) để khán giả người Mỹ có thể hiểu được câu chuyện của một giai đoạn lịch sử Việt Nam những năm chinh chiến và hỗn loạn.

Teresa Mai và Guitarist Nguyễn Đức Đạt (Hình: Tuấn Khanh)

Điểm nổi bật của chương trình, có lẽ đó là phần song ca của hai giọng ca đoạt giải Grammy là Teresa Mai (nghệ danh quốc tế là Sangeetar Kaur) và Hilá Plitmann với bài Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn qua hòa âm và đệm piano của Duy Trần. Thật sự cách trình diễn đẳng cấp thế giới cùng nền hòa âm phương Tây đã đem lại một cảm giác kinh ngạc cho người nghe. Cả cách mà hai nghệ sĩ này nương nhau một cách điệu nghệ qua phần bè và hát đuổi, như dắt khán giả vào một con suối âm nhạc trong vắt. 

Hilá Plitmann (Grammy 2019) trong tác phẩm Diễm xưa (Hình: Tuấn Khanh)

Ở ngoài đời, Teresa Mai và Hilá Plitmann là hai người bạn thân thiết, sống gần nhau và cùng chia sẻ đam mê âm nhạc. Và đó có thể là lý do khi trình bày ca khúc Việt Nam quen thuộc này, Teresa Mai đã nhường cho Hilá Plitmann hát chính và hỗ trợ cho bạn mình hát hoàn toàn bằng tiếng Việt. Diễm xưa trong đêm 6 Tháng Tư 2024 ở Dallas, có lẽ là phiên bản đẹp và hút hồn chưa từng có trong nhạc Việt.

Teresa Mai (Grammy 2022). (Hình: Tuấn Khanh)

Hoàn hảo thưởng thức và tự hào trong tâm thức của người Việt làm trọn vẹn đêm diễn. Khán giả phải ứa lệ khi nhìn thấy những thế hệ người Việt đã lớn lên, tài năng được nhìn nhận và thành công ở khắp mọi nơi trên nước Mỹ cũng như thế giới. Từ giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, người đã đem âm nhạc Việt Nam đến thế giới và trở thành nhân vật biểu tượng, đã có thêm những gương mặt nối tiếp, chẳng hạn như Patrick Vũ, 1998 (Giải Raymond Bock Prize 2023 của American Choral Directors Association), Dylan Trần, 1994 (đoạt nhiều giải thưởng và là nhà soạn nhạc, biểu diễn khắp thế giới), John Lê Culpepper, 1978 (Giải thưởng mới nhất 2021 American Prize, là Dale Warland trong hạng mục chỉ huy hợp xướng), Nguyễn Đức Đạt, 1970 (đoạt nhiều giải thưởng và được mời tham gia nhiều chương trình lớn, và mời biểu diễn chung với Stevie Wonder tại Universal Studio), Duy Trần (đoạt nhiều giải thưởng, và là nhà soạn nhạc cho nhiều dự án lớn của Sony, Samsung, Tetra Pak)… và còn nhiều người khác nữa, đã dựng nên bức tranh sống động của Tháng Tư, không thể nào kể hết.

Trong chuyến xe rong ruổi cùng nhạc sĩ Lê Văn Khoa, khi người điều hợp chương trình, ông Ianbui, hỏi rằng ông muốn chương trình lần sau sẽ như thế nào, ở đâu. Con người thiên tài này đã nói dứt khoát rằng “không cần như thế nào, diễn ở đâu cũng được, diễn như thế nào cũng được, miễn sao là người Việt được nghe thấy mình trong nền văn minh thế giới, và để cho thế giới được biết về một di sản cao đẹp của người Việt tự do.” 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: