Hơn hai mươi năm trước, tôi được biết nhiếp ảnh gia Lê Quang Xuân trong một kỳ triển lãm Ảnh Nghệ thuật Quốc tế tại Montréal, Canada. Lúc đến xem triển lãm, tôi có dịp bắt tay chào tác giả rồi rảo một vòng nhìn những tấm ảnh nghệ thuật được trang trí bắt mắt trên tường với lòng ngưỡng mộ. Giống như một người “cỡi ngựa xem hoa”, thấy hoa nào đẹp thì dừng lại ngắm nghía, trầm trồ mà chưa có lời bình luận nào thỏa đáng.
Bẵng đi một dạo, cách nay hơn mười năm, nhờ những kỳ Đại hội Giáo chức làm cầu nối, tôi và anh đã thật sự quen biết nhau. Mối duyên văn nghệ nầy ngày càng gắn bó. Trong dịp phúng viếng một người bạn đã từ giã cuộc chơi, chúng tôi đến nhà anh cựu Hội trưởng Hội Giáo chức theo lời mời của anh ấy, để mạn đàm thế sự, tửu hậu trà dư.
Tôi mến anh Lê Quang Xuân bởi cái xiết tay rất chặt ấm nồng tình bạn, bởi sự cởi mở thân thiện – nhứt là cái đồng điệu thật thà đặc quánh Nam Kỳ Lục tỉnh. Hôm ấy, trong một kỳ Đại hội Giáo chức, chúng tôi có cuộc trò chuyện, đại khái như sau:
-Chào anh Thiết, nghe nói anh rất thích sách, nếu anh muốn, tôi sẽ tặng anh một số sách để làm kỷ niệm.
-Cám ơn anh đã “gãi đúng chỗ ngứa”. Tôi rất mê sách từ nhỏ. Nếu anh có hảo ý như vậy, tôi sẽ nhận cuốn sách nào mình cần, số còn lại để dành cho người khác.
Sau đó anh đã gởi điện thư kèm ảnh bìa sách chào hàng vô điều kiện mấy mươi cuốn sách gồm đủ mọi thể loại, tôi vô cùng cảm kích. Tôi “chấm” cuốn nào anh sẽ giữ lại cuốn ấy dành tặng tôi. Sau nhiều lần thư đi tin lại, tôi chọn một số sách và hẹn ngày đến nhận.
Chúng tôi định hẹn nhau đến một quán phở để nhận sách và hàn huyên tâm sự nhiều hơn. Nhưng vì đại dịch Covid bùng phát, tôi chỉ hẹn đến nhà anh để nhận sách mà chưa có dịp ngồi lại tâm tình với nhau. Từ sự quen biết rồi thân tình với nhiếp ảnh gia thứ dữ, đối với tôi là một hân hạnh lớn.
Tôi không dám lạm bàn về tiểu sử “nặng ký” của một nhiếp ảnh gia mà ảnh của anh đã xuất hiện nhiều trên các bìa sách và tạp chí Việt ngữ tại hải ngoại cũng như đã đoạt được nhiều huy chương và bằng khen cao quý trong các cuộc triển lãm ảnh Quốc tế.
Từ cuối năm 2020 đến nay, tôi đã nhận khoảng 30 quyển sách và 10 ảnh nghệ thuật do nhiếp ảnh gia quốc tế Lê Quang Xuân ưu ái trao tặng. Ở mỗi quyển sách, anh đã chịu khó viết lời đề tặng, ký tên và đóng dấu triện son rất trang trọng: “Thân tặng nhà thơ Trúc Lan với lòng quý mến- Thu 2020”.
Nhưng đặc biệt trong số sách tôi đã nhận là cuốn Ảnh nghệ thuật Việt Nam Quê Hương Tôi do nhà Nắng Mới phát hành tại Montréal năm 1993. Tập ảnh nghệ thuật nầy còn được các Thư khen của: Thủ tướng Canada Jean Chrétien, Bộ trưởng Québec John Ciaccia và Chủ tịch Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ Pauline Sweezey.
Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản “Tác phẩm ảnh nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Lê Quang Xuân gồm 70 ảnh màu, ghi lại từ những cảnh sông núi bờ biển miền Trung đến những kinh rạch ruộng nương miền đồng bằng sông Cửu Long”, trong đó “có một số thơ văn của nhiều thi văn hữu cảm xúc sáng tác”. Có thể nói tập ảnh nghệ thuật dày hơn 160 trang bìa cứng, chữ mạ vàng in trên giấy quý gồm 70 ảnh màu về quê hương là đề tài gợi hứng cho các văn thi hữu trong việc sáng tác, phẩm bình.
Về văn đã có sáu cây bút tên tuổi viết bài nhận xét, đánh giá, bình phẩm với sự trang trọng, chẳng hạn như: Phạm Thăng, Hứa Hoành, Võ Kỳ Điền, Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Văn Ba. Về thơ có thể nói là nơi hội tụ của các thi sĩ có tầm cỡ cảm xúc sáng tác sau khi xem tập ảnh. Mở đầu là câu thư pháp lục bát với chữ ký và triện son của tác giả: “Ảnh người chan chứa bao tình. Tha hương cứ tưởng quê mình đâu đây. Vũ Hối 4.94”.
Tiếp theo trên từng trang giấy láng đẹp, 30 thi sĩ đã trổ tài nhả ngọc phun châu. Có nhiều nhà thơ sáng tác hai bài (Phan Ni Tấn, Hoàng Xuân Sơn, Vũ Kiện); có mấy người ba bài (Xuân Vũ, Luân Hoán, Lưu Nguyễn, Thái Tú Hạp); có một người cảm tác bốn bài (Hồ Trường An); đặc biệt một thi sĩ phóng bút tới năm bài chiếm ngôi vị số một (Lâm Hảo Dũng).
Sự tán thưởng nầy chứng tỏ mối giao tình giữa nhiếp ảnh gia và các văn thi hữu thật đậm sâu tình cảm, tràn ngập quý thương. Bao nhiêu bài văn, bao nhiêu vần thơ là bấy nhiêu cái tình giữa những người yêu văn nghệ. Họ đến với nhau bằng tình yêu nghệ thuật, mỗi người biểu đạt mỗi vẻ theo từng cung bậc của sợi đàn tâm đồng điệu.
_________________
Tôi mân mê tập ảnh nghệ thuật ấy do anh Lê Quang Xuân trao tặng vào cuối mùa Đông năm qua. Mặc dầu trải qua mấy độ phong sương, bìa sách đã cong queo, giấy đã lùi xùi, nhưng tôi vô cùng trân quý. Đặc biệt, anh đã viết lời đề tặng tôi: “Bản riêng tặng bạn hiền Nguyễn Kiến Thiết với những tình cảm rất chân thành và sự quý mến của Tác giả Lê Quang Xuân. 3/21” rồi ký tên, đóng dấu triện son cẩn thận.
Tôi đoán anh phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ để ký tặng sách và ảnh nghệ thuật đó. Tôi trân quý những món quà tinh thần mà anh đã chắt chiu gìn giữ để tặng tôi. Tôi xếp sách vào một nơi trang trọng trên kệ sách gia đình.
Đặc biệt hai tấm ảnh khổ lớn “Hoa Phong Lan” và “Hoa Hoàng Hậu” đã từng triển lãm, tôi lộng kiếng cẩn thận và treo ở hai nơi bắt mắt nhứt tại phòng khách. Trong một điện thư ngỏ ý cám ơn anh, tôi có viết: “Thật vô cùng cảm động về những món quà tinh thần mà bạn hiền Nhiếp ảnh gia Lê Quang Xuân đã dành tặng tôi với ngôn ngữ đậm đà tình cảm. Làm sao tôi có thể viết mấy lời cho bạn hiền để biểu đạt tình cảm của mình, trong khi những cây bút thứ dữ đã đề cập đến rồi, đã nói đầy đủ quá rồi!”.
Để đáp tạ phần nào món nợ tinh thần nầy, tôi cảm tác 10 bài thơ gồm đủ mọi thể loại sau khi xem ảnh nghệ thuật. Xin chép bài thơ Hoa Hoàng Hậu do Trúc Lan tôi sáng tác sau khi xem ảnh ở trang 58 vẫn còn bỏ ngõ vì chưa có thơ của bất cứ thi sĩ nào cảm tác:
Hoa Hoàng Hậu
Nàng tên Hoa Hoàng Hậu
Thuần khiết và cao sang
Chính loài hoa vương giả
Lộng lẫy nét đài trang
Từng tràng hoa xòe cánh
Màu tím nhạt trinh trong
Phô nhị hoa tím thẫm
Tô điểm cuộc tình hồng
Viết về Lê Quang Xuân còn nhiều điều để nói bởi hai chúng tôi đã vun quén một thứ tình bạn chân thành, cao quý. Đem cái tình đáp lại cái tình thì tình cảm của chúng tôi sẽ nhân lên, nhân lên mãi. Tôi viết về anh không phải với cái nhìn của một nhà nhiếp ảnh hay hội họa, mà là với cái nhìn, cái “thấy” của người thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật có sức rung động mãnh liệt. Nói khác đi đó là Kỷ Niệm Không Quên- một bài thơ do tôi sáng tác khi xem ảnh chụp chung với anh mười năm trước.
_____________
Kỷ Niệm Không Quên
Đôi ta chưa phải là tri kỷ
Đã quen nhau – và quý mến nhau
Từ đây cho đến mai sau
Thời gian rồi sẽ nhuộm màu tri âm.
Trúc Lan
Và đến hôm nay sau mười năm, thời gian đã thật sự “nhuộm màu tri âm” cho tình bạn giữa Lê Quang Xuân và tôi.