Cà kê sân cỏ Qatar

Huấn luyện viên Walid Regragui của đội Morocco được các cầu thủ công kênh sau chiến thắng trước Bồ Đào Nha ngày 10 Tháng Mười Hai (ảnh: Harry Langer/DeFodi Images via Getty Images)

Sau trận thắng chấn động địa cầu của Ma-rốc (Morocco) trước đội Bồ Đào Nha với tỉ số 1-0, vô số các nhà bình luận viên đã không tiếc lời khen ngợi đoàn sư tử đến từ rặng núi Atlas. Nhưng có lẽ không ai tả chiến thắng lịch sử ấy ngắn gọn nhưng đầy đủ và nên thơ bằng Peter Drury, bình luận viên người Anh được xem như Huyền Vũ của Premier League hiện làm việc cho đài CBS của Mỹ:

Drink it in Casablanca, relish it Rabat, this is your night. See it from atop the Atlas Mountains, all above the Marrakesh express, a night Morocco will never forget.”

Uống cạn đi em, Casablanca. Nếm kỹ đi anh, Rabat. Tối hôm nay thuộc về các bạn. Hãy đứng từ trên cao đỉnh núi Atlas, nhìn xuống thiết lộ Marrakesh Express, trong một đêm Ma-rốc không bao giờ quên.

CASABLANCA

Casablanca là thành phố lớn nhất Ma-rốc. Nổi tiếng với bộ phim bất hủ “Casablanca” (1942) đoạt bốn giải Oscar, kể cả Best Picture và Best Actor cho Humphrey Bogart. Bối cảnh là Ma-rốc thời Đệ Nhị Thế Chiến đang bị Nazi làm chủ sau khi nước Pháp bị Đức chiếm đóng. Thời đó Ma-rốc còn đang bị/được Pháp và Tây Ban Nha chia ra để “bảo hộ”. Tây Ban Nha lãnh hai vùng đất nhỏ phía Bắc bên bờ biển Địa Trung Hải và phía Nam giáp ranh sa mạc Sahara. Pháp chiếm phần mập nhất ở giữa với hai thành phố quan trọng là cảng biển Casablanca và thủ đô Rabat.

Màn đáng nhớ nhất trong phim – và cũng liên quan đến giải World Cup năm nay ở Doha, là cảnh Pháp kiều trong quán nhậu (và ổ cờ bạc) “Rick’s Café Americain” đồng thanh hát bản quốc ca “La Marseillaise” để át tiếng hát hò của một đám sĩ quan Đức. Sắp tới đây, “La Marseillaise” sẽ được cất lên giữa sa mạc Qatar kèm theo bản quốc ca của Ma-rốc, kể từ khi dân tộc Berber ngoan cường này giành được độc lập từ Pháp và Tây Ban Nha năm 1952.

Thắng sướng quá, cười đã ghê (cầu thủ Youssef En-Nesyri của Morocco sau chiến thắng trước Bồ Đào Nha ngày 10 Tháng Mười Hai – Harry Langer/DeFodi Images via Getty Images)

Người Berber, như ta biết, là một dân tộc theo đạo Hồi từng một thời làm mưa làm gió trên bán đảo Iberia (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay), và đã tiến quân lên đến tận Toulon (Pháp). Lần này đội banh của họ lần lượt hạ thủ Spain rồi đến Portugal để đối đầu với France trong một cuộc thư hùng mang đầy kịch tính của lịch sử. Khán giả ở Qatar, tuyệt đại đa số theo đạo Hồi, chắc chắn sẽ ủng hộ Ma-rốc đến khản cổ.

THE DARK HORSE

Các nhà phân tích thể thao gọi đội tuyển Morocco là “dark horse.” Nhiều bài báo ở Việt Nam dịch là “ngựa ô.” Vào Google tra tiếng Hán thấy dịch “dark horse” là “hắc mã”. Cả hai đều sai, vì chữ “dark” ở đây tuy nghĩa đen là “tối” nhưng bản thân con ngựa không hẳn phải là màu đen mà có thể là bất cứ màu nào (giống ngựa chỉ có bốn màu lông).

Dark horse” có nghĩa là con ngựa không ai để ý vì nghĩ nó không giỏi đủ để thắng. Ngày xưa nó đến từ trò đua ngựa. “Dark horse” xuất hiện trong sách in lần đầu trong quyển “The Young Duke” (1831) của tiểu thuyết gia Benjamin Disraeli (về sau lên làm Thủ tướng Anh).

Chữ này ngày nay được dùng chủ yếu trong các cuộc bầu cử nhiều hơn là đua ngựa, ám chỉ một ứng cử viên ít nổi tiếng nhưng lại có cơ hội thắng bất ngờ. Từ thập niên 1840 đến nay, danh sách các ứng cử viên tổng thống Mỹ được cho là “dark horse candidate” nhưng lại thắng bất ngờ phải nói là khá dài:

James Polk (1844); Franklin Pierce (1852); Abraham Lincoln (1860); Rutherford B. Hayes (1876); James Garfield (1880); Warren Harding (1920); Harry Truman (1948); Jimmy Carter (1976); Barack Obama (2008); và Donald Trump (2016).

Dựa theo đó, cách dịch sát nghĩa và dễ nghe nhất cho chữ dark horse” có lẽ là “ngựa về ngược.”

UNDERDOG

Trong trận bán kết France vs Morocco sắp tới, hầu hết ai cũng cho Morocco là “underdog” – tức xác suất thua nhiều hơn thắng. Chữ này cũng đến từ giữa thế kỷ 19, dùng trong các trận chọi chó. Con chó thắng được gọi là “Top Dog,” con nào thua bị gọi là “Under Dog.”

Theo thời gian, “underdog” được dùng một cách rộng rãi hơn – từ thể thao cho đến chính trị cũng như bất cứ các cuộc tranh tài nào mà một bên có thế thượng phong rõ rệt. Tâm lý ủng hộ phe “underdog” cũng khá phổ biến, chẳng hạn như trong cuộc chiến bất xứng giữa Nga và Ukraine.

Underdog Croatia đã quật đổ tượng đài Brazil ngày 9 Tháng Mười Hai (ảnh: Laurence Griffiths/Getty Images)

Trong môn đá gà ở miền Tây có chữ “kèo trên” và “kèo dưới” cũng khá tương đương với “top dog” và “underdog”. Kèo trên còn gọi là kèo chấp, tức bắt độ con gà được cho là mạnh hơn. Cách chấp tiền gà chọi có “đá gà ăn 1” – tức bỏ ra 10 đồng thắng 1 đồng nếu con gà kia quá yếu, cho đến “đá gà ăn 9” khi thực lực hai bên khá ngang ngửa.

Trong trận France vs Morocco thì dĩ nhiên chú gà Gaulois nắm kèo trên rồi, vấn đề là chấp 10 ăn mấy mà thôi. Người viết tuy là dân ghiền thể thao nhưng không rành cá độ, nên xin dành chuyện đó cho các bậc cao nhân xử trí.

MARRAKESH EXPRESS

Nói đến gà chó tưởng cũng nên nhắc chút đỉnh đến tuyến xe lửa mà BLV Peter Drury nhắc đến ở đầu bài. “Marrakesh Express” là tựa một bản nhạc pop khá nổi tiếng của nhạc sĩ Graham Nash vào thập niên 1960. Nash khởi thủy là thành viên ban The Hollies, sau ra riêng và lập ban nhạc Crosby, Stills, Nash & Young.

Trong một chuyến du lịch sang Phi châu, Nash bắt chuyến tàu từ thành phố Marrakesh đến Casablanca. Ban đầu anh ngồi toa thượng hạng nhưng cảm thấy chán vì mấy mụ tóc xanh – “ladies in green hair”, nói toàn chuyện trên trời dưới đất. Nash bèn mò ra phía sau để ngồi chung với đám người bình dân cùng bầy gia súc họ mang theo lên tàu. Nhờ vậy mà Nash mới có cảm hứng soạn bài nhạc bất hủ ấy. Nó mở đầu với những ca từ tả chân hết sức bình thường nhưng đậm đặc chất thơ:

Looking at the world through the sunset in your eyes

Traveling the train through clear Moroccan skies

Ducks and pigs and chickens call

Animal carpet wall-to-wall…

Peter Drury (Twitter)

Bài nhạc được chơi trước công chúng lần đầu tại đại nhạc hội Woodstock năm 1969 và leo lên đến hạng 28 trên bảng Billboard Hot 100. Tuy nó không thành công như nhiều bài nhạc khác của Crosby, Stills, Nash & Young, nhưng “Marrakesh Express” đã trở thành một dấu ấn văn hóa và biến tuyến đường sắt Marrakesh-Casablanca thành một điểm du lịch không thể bỏ qua khi viếng thăm đất nước của người Moor kiên cường.

Peter Drury tỏ ra không những hiểu biết về đá banh mà còn rành địa lý và âm nhạc. Làm bình luận viên bóng đá ít ra phải vậy chớ!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: