World Cup 2022: Những cổ động viên dỏm

“Fan cuồng” của đội Qatar (trong trận Qatar gặp Ecuador tại Al Bayt Stadium ngày 20 Tháng Mười Một 2022 (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Tại World Cup 2022, các cổ động viên hát quốc ca Qatar và gào thét đến rã họng vì Qatar. Nhưng sự hâm mộ cuồng nhiệt của họ có một “bí mật”: Họ không phải người Qatar, mà nhận tiền để la hét cho Qatar!

Nghệ thuật cổ động có trả tiền

Giữa hiệp hai trận đấu giữa Qatar với Senegal ngày 25 Tháng Mười Một, tiếng trống ngừng lại khi một người đàn ông đội mũ lưỡi trai và đeo kính râm đứng dậy và yêu cầu mọi người im lặng. Trước đó, một đám đông hơn 1,000 người trông khỏe như vâm, hầu hết là nam giới và tất cả đều mặc áo phông màu hạt dẻ giống hệt nhau có chữ “Qatar” bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập đã đồng thanh hô vang theo sự “đầu têu” của bốn thủ lĩnh. Biển người đang chờ hành động kế tiếp là gì. Họ chìm vào sự im lặng kỳ lạ khi tiếng ồn ào của trận đấu vẫn vang dội bên trong Sân vận động Al Thumama. Sau đó, một tín hiệu được đưa ra, đám đông như được “hồi sinh” và bùng nổ trở lại giống như một bầy robot được lập trình.

“Đá đi, Maroon!” họ hát đi hát lại bằng tiếng Ả Rập (Maroon là biệt danh của đội tuyển quốc gia Qatar). Trên khán đài, những người đàn ông nối tay thành hàng dài và nhảy lên nhảy xuống. Bậc thềm bên dưới rung chuyển. Khung cảnh phấn kích làm gợi nhớ đến các sân vận động bóng đá ở Nam Mỹ và châu Âu hơn là ở Qatar. Cách cổ vũ gợi nhớ đến những kẻ hâm mộ cực đoan và nền văn hóa bóng đá có tổ chức cao bắt nguồn từ Ý và nay lan ra khắp thế giới, kể cả Bắc Phi và Trung Đông. Chúng có điểm chung: Tiếng ồn của các “siêu cổ động viên” chiếm lĩnh sân vận động.

“Fan” (được thuê) diễn cũng “hơi bị sâu” (trong trận Qatar-Senegal tại Al Thumama Stadium ngày 25 Tháng Mười Một) – ảnh: Ayman Aref/NurPhoto via Getty Images

Đám đông cuồng nhiệt nói trên đã giúp truyền tải sức mạnh và truyền năng lượng nhanh như virus! Nghệ thuật cơ thể cũng được phô trương với những hình xăm, cực kỳ hiếm thấy và không được hoan nghênh trong nền văn hoá vùng Vịnh. Tất cả cho thấy những người hâm mộ khác thường này không phải là của đất nước Qatar nhỏ bé không có truyền thống “lên đồng” vì bóng đá. Vậy họ là ai? Và họ đến từ đâu?

Cổ động viên dỏm

Kế hoạch mướn cổ động viên dỏm bắt đầu vào đầu năm 2022, khi World Cup còn khoảng 10 tháng mới diễn ra. Lúc đó Qatar bị bủa vây bởi những chỉ trích kể từ khi giành được quyền đăng cai World Cup, đặc biệt là cuộc bỏ phiếu gian lận được lèo lái bởi đồng tiền hối lộ tinh vi; về cách đối xử với lao động nhập cư, và đặc biệt là sự nghi ngờ quốc gia nhỏ bé này có thể tổ chức giải đấu suôn sẻ và tiếp đón hơn một triệu du khách.

Quan trọng nhất vẫn là lời chỉ trích phổ biến: Đất nước này không có nền văn hóa bóng đá nên World Cup đã đến… sai địa chỉ! Không có truyền thống tức là không thể tạo ra không khí của một ngày hội lớn trên khán đài. Thực tế cho thấy Qatar sẽ rất khó đạt thành tích bóng đá cao để vào vòng chung kết World Cup. Vì vậy, cách duy nhất để dự World Cup là trở thành nước được miễn vòng đấu loại.

Qatar Stars League là một trong những giải đấu tốn kém nhất khu vực, với các sân vận động được trang bị máy lạnh tối tân. Nhưng đám đông cổ vũ cho các đội hàng đầu như Al Sadd và Al Rayyan chỉ đạt được vài hàng trăm chứ không bao giờ tới hàng ngàn. Khán đài luôn trống. Các khán đài mới dành cho World Cup sẽ càng trống rỗng hơn nữa nếu không có cách. Trước tình hình này, ban tổ chức tự hỏi ai sẽ lấp đầy các sân vận động khi đội Qatar thi đấu? Ai sẽ cung cấp âm thanh bùng nổ cho truyền hình trực tiếp đội bóng chủ nhà?

Nghệ thuật làm… “fan cuồng” dỏm (ảnh: Ayman Aref/NurPhoto via Getty Images)

Câu trả lời là tận dụng cách làm văn hóa cực kỳ phong phú của khu vực: “Nhập khẩu âm thanh sống”. Tháng Tư 2022, một sự kiện xảy ra tại thủ đô Beirut của Lebanon, khi hàng trăm sinh viên Lebanon và người hâm mộ câu lạc bộ địa phương Nejmeh được tuyển để quậy náo nhiệt tại Sân vận động Camille Chamoun Sports City Stadium. Đoạn video ghi lại cho thấy hàng trăm người hâm mộ hô vang, giương biểu ngữ và bắn pháo hoa. Một capo, thuật ngữ dành cho người khởi xướng các bài hát, được mời đến từ nhóm siêu cổ động của câu lạc bộ Thổ Nhĩ Kỳ Galatasaray rất có kinh nghiệm với chiến thuật này (thậm chí nhóm của anh ta được chú ý nhất trên thế giới về nghệ thuật cổ vũ). Video cách người Lebanon cổ động đã gây ấn tượng với Doha.

Thông qua truyền miệng, nhóm sinh viên Lebanon đạt được một thỏa thuận hào phóng chưa từng có: Miễn phí chuyến bay, chỗ ở, vé xem trận đấu và đồ ăn, cộng với một khoản tiền nhỏ để đưa văn hóa cổ động đến các trận đấu ở World Cup Qatar. Nhóm cổ động Lebanon đến vào giữa Tháng Mười để tập các động tác và hát các bài hát mới viết của họ. Tham dự World Cup là giấc mơ ngoài tầm với của hầu hết người hâm mộ bình thường trong thế giới Ả-rập. Lebanon chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức 30% và hàng ngàn công dân phải rời khỏi đất nước. Nếu không có tiền của Qatar, gần như không một người đàn ông nào mặc áo phông màu hạt dẻ có đủ tiền tham dự các trận đấu ở vùng Vịnh.

Nhưng không chỉ có người Lebanon mà còn khoảng 1,500 người đến từ Ai Cập, Algeria và Syria. Họ chống chế khi được hỏi về việc được mướn làm cổ động viên dỏm: “Tiền không phải là yếu tố thúc đẩy duy nhất. Nhiệm vụ chúng tôi là hỗ trợ một quốc gia Ả-rập. Chúng tôi chia sẻ cùng một ngôn ngữ, cùng nền văn hóa, là những ngón tay trên cùng một bàn tay. Chúng tôi muốn cho thế giới thấy người Ả-rập cũng làm được điều đặc biệt tại World Cup”.

The New York Times thuật: Khi trận đấu giữa Qatar và Senegal bắt đầu tại Sân vận động Al Thumama ngày 25 Tháng Mười Một, 1,500 “người hâm mộ” của đội Qatar tập trung tại khu vực được chỉ định phía sau khung thành đội nhà, mặc chiếc áo phông màu hạt dẻ giống hệt nhau với chữ Qatar ở mặt trước và “Tất cả vì (cầu thủ) Al Annabi” ở mặt sau. Quốc ca Qatar vang lên và họ hát theo vang trời. Khi bài hát kết thúc, các capo người Lebanon đánh trống và kích động đám đông gào như sấm như sét.

Đội Qatar trong trận đụng Senegal ngày 25 Tháng Mười Một (ảnh: Ayman Aref/NurPhoto via Getty Images)

Tuy nhiên, niềm hưng phấn biến thành thất vọng sau khi Senegal ghi hai bàn. Trên khán đài, thỉnh thoảng các thủ lĩnh mặc áo phông trắng lại hét lên và giục các thành viên hát mạnh hơn, bắt chước các đám đông cực đoan ở Ý, Đức: Hát càng to và ồn ào hơn khi bạn đang thua. Tiếng trống cũng mạnh hơn cùng tiếng hô vang. Toàn bộ đám đông, không chỉ các siêu cổ động có trả tiền đứng sau khung thành, đã bùng nổ như một trận địa chấn khi Mohammed Muntari ghi bàn thắng đầu tiên cho Qatar trong một trận đấu ở World Cup.

Tuy nhiên, niềm vui qua quá nhanh, khi Senegal có bàn thắng thứ ba và kết thúc trận đấu với tỉ số 3-1. Qatar trở thành quốc gia đầu tiên bị loại khỏi World Cup 2022! Các “siêu hâm mộ” đội Qatar có trả tiền chỉ đến đây để tham dự vòng bảng nên hầu hết sẽ thu dọn đồ đạc và xách gói bay về Lebanon sau trận đấu cuối cùng của Qatar gặp Hà Lan ngày 29 Tháng Mười Một. Ở trận này, họ hét coi bộ hơi yếu. Qatar đã thua ngọt Hà Lan với tỉ số 2-0.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: