Canada lạnh giá, có đĩa bánh cuốn nóng hổi quê ta…

Bánh cuốn Việt ở Canada.(Hình : Sỏi Ngọc)

Vừa bước chân xuống phi trường Mirabel (bây giờ là Trudeau) thành phố Montreal- Canada, chị Tuyền tay bồng một cháu gái nhỏ mới 6 tháng tuổi, còn tay kia nắm chặt tay thằng con trai lên ba, sợ nó chạy lạc. Đứng sát cạnh chị là anh An, chồng chị, tay xách hai cái vali cũ sờn loại lớn, hai vai đeo theo hai bịch bự nặng lỏng chỏng nào bình sữa, tã cho các con và chiếc xe đẩy con nít nhỏ cũng được đong đưa trên lưng anh, đôi gọng kính trễ xuống mũi mà không còn tay đâu để chỉnh lại cho đúng vị trí.

Hai vợ chồng chị Tuyền-anh An chân ướt chân ráo cùng đoàn di tản từ đảo Pulau Bidong- Malaysia vừa xuống tới phi trường Mirabel năm 1980. Cũng giống như bao làn sóng người tỵ nạn Cộng Sản vào thập niên ấy, khuôn mặt ai cũng còn phảng phất nét hốt hoảng chưa phai sau lần vượt biển đến đảo; tâm trạng ngổn ngang, thời gian ở đậu trên xứ người sẽ là bao lâu? Nơi ở, công việc làm trong tương lai sẽ như thế nào?

Trước mắt anh chị hiện ra một tấm bảng to lớn với hàng chữ đỏ « Welcome to Canada » như để trấn an, bên cạnh một lá cờ trắng với chiếc lá phong đỏ rực rỡ được in đậm trên đó, yên lặng và ngạo nghễ, lá cờ Canada được cắm ngay ngắn chính giữa một căn phòng mở rộng đón tiếp mấy trăm người tản cư.

Bên ngoài trời mùa đông vào Tháng Mười Hai, tuyết bay nhẹ trắng xóa khắp mọi ngõ ngách. Bám đầy trên cửa sổ, mái nhà, làm lòng người lo lắng. Đường phố từng ụ tuyết cao ngập đầu gối hai bên vệ đường, làm ai nấy ngao ngán đưa ánh mắt nhìn nhau mà không nói một lời nào, vì đã trót leo lên lưng cọp thì không còn đường lui nữa mà cần phải có sự can đảm và kiên định để vượt qua.

Anh An nhìn dáng vẻ nản chí của vợ khi thấy khí hậu ở nước Bắc Mỹ như cái tủ đông đá này thì âu yếm khích lệ chị:

-Chúng ta đã cực khổ, hy sinh mạng sống để tìm đường tự do, mình đã đạt được rồi, mình sẽ vượt qua cái lạnh như người dân bản xứ thôi… Ở đây chúng ta sẽ có sự dân chủ, sự tự do mà mình mong muốn. Anh sẽ lấy lại bằng bác sĩ, các con sẽ lớn dần và đi học ở nơi tốt, em đừng lo. Mình đã rất may mắn hơn vạn người chết ngoài biển khơi, cả ngàn người còn ở lại đảo có được cao ủy chọn đi định cư đâu…

-Em lo cho tương lai mình, chứ có…

Con gái bế trên tay ọ ọe khóc, chị liền đứng ra khỏi đám đông rung rinh ru cho bé khỏi khóc, phái đoàn người bản xứ thấy vậy vội vàng gọi gia đình anh chị lên đầu tiên, ưu tiên giải quyết cho những gia đình có con nhỏ, người già, người tàn tật…

Chị được cứu xét liền tại chỗ, được một cô y tá dẫn anh chị vào phòng bên cạnh, cho chị nước sôi với một hộp sữa cho cháu bé bú tạm thời cho khỏi đói, sau đó họ hứa sẽ cấp một căn hộ hai phòng ngủ rộng cho anh chị, cấp tiền nuôi dưỡng ba tháng đầu tiên về tiền nhà, chợ búa, đi lại, còn tiền sữa của các cháu sẽ được cấp cho đến hết năm 17 tuổi. Về y tế nếu ốm đau sẽ được vào nhà thương mà không phải trả đồng nào cả.

Anh chị nghe xong mà tưởng mình đang mơ, có ai lại cho mình không những thứ như thế chứ! ở Việt Nam phải trả tiền trước mới được vô bệnh viện nằm, không có tiền mà xin nằm ngoài hành lang chờ cũng không được! Anh chị sung sướng quá, cám ơn họ không ngớt; đã thế cuối buổi họp anh chị cùng mấy chục hộ khác được họ chở trên một chuyến xe bus thật rộng lớn, đến đường Barclay-Montreal một nơi có mấy chục building cao tầng, họ đọc tên các gia đình và cấp cho một ấp, mọi người cùng ở chung mấy building cạnh nhau, giúp đỡ nhau và cùng nhau xây dựng cộng đồng người Việt lớn mạnh nơi đây.

Họ chỉ chỗ đến một nhà thờ công giáo gần đó để xin quần áo cũ, đồ dùng trong nhà, chén đũa ly nồi cho buổi đầu tiên…Nơi ấy có in những tấm giấy với số điện thoại việc làm, ai phù hợp với công việc nào thì sẽ phone để hỏi thăm.

Anh An làm bác sĩ ở Việt Nam, qua đây không thể làm bác sĩ khi chưa có bằng hành nghề, nên anh phải đi học và thi lại. Với một vợ và hai con nhỏ, anh phải làm sao để có tiền sống sau ba tháng được nhà nước cấp dưỡng? Phải có việc làm trang trải cuộc sống đủ ăn mỗi ngày, rồi mới đi học lại sau đó.

***

Một tuần lễ, sau khi đâu đã vào đấy tạm thời, anh nghe nói trên đường Chabanel cách nhà anh 40 phút đi xe bus và metro có hãng may đồ cần người ủi đồ, anh hăng hái đến thử việc ngay, nghĩ sẽ làm nơi đây mãi vì họ trả lương thật hậu hĩnh, đến $7/giờ thay vì chỉ có $4/giờ ở những khâu khác; được một tuần không chịu nổi vì quá nóng, bàn ủi bằng hơi nước nóng, phun ra những tia nước nhỏ, cả người anh toát ra mồ hôi nóng ran giữa trời đông tuyết, mặt đỏ như gấc, thở khó khăn, chóng mặt buồn nôn, làm sao chịu nổi khi mùa hè đến đây. Anh đành bỏ cuộc!

Anh thử đi bưng phở, rửa bát trong nhà hàng, nhìn qua quảnh lại toàn những sinh viên trẻ, làm lấy thêm tiền để khóa sau đi học, không ai lớn tuổi như anh, với lại anh cảm thấy như đang giành chỗ của họ, tự thấy không đúng, anh lại xin ra khỏi chỗ làm.

Còn nhiều chỗ khác, anh mất công dậy sớm lội tuyết, chờ người đến, xin đơn, điền xong… rồi lại về.

Ngày nào chị Tuyền cũng thấy anh gục đầu vào tờ báo chỗ trang tìm việc, may mắn là tiếng Anh-Pháp anh cũng đã có vốn liếng, nhưng khổ một nỗi đi đến đâu họ cũng hỏi anh có kinh nghiệm, anh mới qua được hai tuần làm gì có kinh nghiệm chứ! Dân bên này thật lịch sự, chả ai từ chối anh cả, họ chỉ bảo anh điền đơn xin việc rồi nộp đó, họ sẽ phone nếu cần. Ban đầu anh rất hy vọng, về nhà chờ phone nhưng thực chất đó chỉ là một lời từ chối khéo của họ mà thôi!

Buổi tối về nhà mệt lả vì anh đã phải đi tìm việc từ đầu đông sang đầu tây bằng metro, bus, chờ xe ở những trạm giữa mùa đông lạnh lẽo, rồi phải lội bộ một quãng chứ có xe nào chở mình đến trước cửa nơi mình muốn tìm đâu. Nên khi về nhà lúc 6 giờ tối, anh ăn xong, chơi một chút với con là mệt lăn ra ngủ ngáy như sấm.

Chị Tuyền thương chồng không dám hỏi han gì thêm và cũng không dám tâm sự nỗi băn khoăn của mình, nhưng cứ cái đà này thì ba tháng sẽ trôi qua nhanh lắm đây, tiền đâu cho sinh hoạt của cả gia đình?! Chị suy nghĩ rất nhiều, đã lên kế hoạch từ ngày thấy anh vất vả xin việc không được, nhưng chưa dám mạo hiểm, bây giờ nếu không liều thì cả nhà sẽ đói mất thôi!

Chị nghĩ thời điểm thực hiện công việc này đúng nhất là sau khi cho con đi ngủ xong, chị ngâm bột làm bánh cuốn tráng bằng chảo, sẽ bán thử cho những nhà xung quanh ăn cuối tuần, bớt cho họ gánh nặng, thay đổi món ăn cuối tuần, và nhất là kiếm chút tiền cho gia đình.

Nghĩ là làm, chị chuẩn bị đi chợ gần nhà, lúc ấy chợ Việt Nam gần nhà chỉ có một vài mặt hàng, tìm mãi chả thấy gói bột gạo hay bột năng nào cả. Chị thất vọng bước ra, mặt buồn rười rượi, tuyết vẫn hờ hững rơi lả chả trên vai trên đầu như trêu ghẹo chị thêm nữa; khu chị ở còn có hai tiệm nữa là tiệm Steinberg của tây rất rộng lớn, và tiệm Ấn Độ mà thôi, chị nghĩ vào thử tiệm Ấn Độ xem họ bán gì.

Đi một vòng, chị ngừng lại ở một quầy tận trong cùng, bất ngờ muốn reo lên sung sướng: « Ôi… bột gạo, bột năng, bột bắp! »

Niềm vui vỡ òa đến muốn nhảy cẫng lên, đúng là ba thứ bột chị cần hiện ra trước mắt như bà tiên đã dùng cây đũa thần giúp người lành, chị vội vàng mua mỗi thứ một gói về pha trộn thử xem sao, còn dặn dò bà chủ tiệm nhớ để dành cho chị để chị sẽ trở lại mua thêm nếu thành công trong việc pha chế. Chị không dám mua về nhiều một lúc vì không tin lắm ở ngón tay thử bột của chị, trên nhãn hiệu họ đề bằng tiếng Mỹ nên chị không dám chắc bột này có thể làm giống y như loại bột của Việt Nam.

Bà Ấn Độ lớn tuổi cười nói với chị:

-Cô tưởng ở nơi này nhiều người thích dùng mấy thứ bột này lắm sao! Rất ít người mua, tôi chỉ bán được cho cô từ cả tháng nay đấy, không lo sợ hết đâu nhé, mua nhiều tôi để rẻ cho.

-Bà nhớ nhé, nhớ để dành lại cho tôi nhé!

Chị ôm khư khư ba thứ bột này vào lòng như vật quý, vội vàng gập người cám ơn bà chủ không ngớt.

**

(Pexels)

Sáng Thứ Bẩy cuối tuần khi cả building của dân tỵ nạn còn đang chìm trong cơn ngủ nướng, chị đã dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị món bánh cuốn áp chảo cho kịp lúc 7 giờ, khi mọi người thức giấc, chị định đem đến từng nhà chào hàng đặc biệt mới ra lò.

Món bánh cuốn hồi ở Việt Nam gia đình chị rất hay ăn, chị thường tự tay làm cho cả nhà vào những ngày cuối tuần, cả ba và mẹ rất thích món ăn nhẹ nhàng mềm mỏng này, làm trên mặt vải. Bây giờ không có nồi, không có vải, chị thử chế biến bằng chảo xem sao.

Trong lúc chờ bột bánh cuốn trong chảo chín, chị pha tô nước mắm chanh đường, may quá là chợ Việt Nam có bán nước mắm chứ ăn bánh cuốn nhân thịt với xì dầu tây, mất cả ngon. Chị cắt sợi dưa leo, bày giá ra đĩa, rau ngò và rau thơm.

Chị xào hành tây cho thơm, đổ thịt heo băm nhỏ vào trước, khi thấy thịt chuyển màu chị cho thêm mộc nhĩ đã băm nhỏ vào xào cùng. Trong thịt chị đã ướp sẵn chút bột ngọt, nước mắm, chút đường, chỉ cần thêm chút tiêu khi tắt lửa cho thơm ngon là xong.

Mở nắp chảo hồi hộp xem bột bánh ra sao, đã thấy chín thật vừa tay, chị vớt nhẹ ra để lên dĩa đã phết một lớp dầu mỏng, cuộn với thịt băm, chị xếp thật đều tay vì đã có kinh nghiệm làm ở nhà ăn, nhanh nhẹn chị cuộn liền vài đĩa. Đến đúng 7giờ, khi chị định bụng sẽ đem đĩa bánh đi chào hàng ở những nhà xung quanh thì đã nghe tiếng chuông ngoài cửa. Chị vội vàng đi ra mở, đã thấy chị Tiến gần nhà nở nụ cười thật tươi:

-Chao ôi cô Tuyền làm món gì mà thơm thế? Mới 6, 7 giờ sáng mà đã dậy sớm làm rồi, ngày cuối tuần sao không ngủ thêm?

-Dạ em làm món bánh cuốn nhân thịt, định mở bán cuối tuần… Tính đi chào hàng các chị đây, em xin lấy công làm lời để giúp gia đình kiếm thêm chút đỉnh; nói nào ngay anh An nhà em đi tìm việc mãi mà không được…

-Oh vậy để mình sẽ mở hàng cho nhé, mình mở hàng là sẽ mua may bán đắt cả năm đấy, cứ cho mình trước bốn đĩa đi…

-…Chị đã ăn thử chưa mà order tới bốn đĩa lận?

-Hổng cần ăn thử đâu, tôi nghe mùi là thấy ngon liền rồi, tôi sẽ giới thiệu đến các hộ gần đây cho… À mà ông nhà tôi đã xin được việc làm rồi, ổng làm ở trong nhà thương gì đầu đường nhà mình đây nè, để tôi nói ổng giới thiệu anh An vô nhe, người ta đang cần người… lau nhà đó… Thôi kệ đi, việc gì mình cũng làm, sau này tính sau nhe.

Chị Tiến mau mắn mang hai đĩa bánh cuốn với nụ cười thật tươi về nhà, hẹn sẽ quay lại lấy thêm hai đĩa nữa. Lần đầu tiên ở xứ người được cầm 25 đồng Canadien trong tay cho bốn đĩa bánh, chị Tuyền mừng và cảm động đến chảy nước mắt, chị đã làm ra tiền, đã có thể giúp anh An kiếm tiền nuôi con, lo ăn uống trong nhà, còn phần anh An nếu tìm được thêm cũng phải để dành lo cho anh ấy đi học lại lấy bằng bác sĩ.

Chị hăng say đi đến tiệm Ấn Độ mua thêm bột, bà Ấn Độ cũng rất vui khi gặp người khách hàng người Việt dễ thương đến mua bột hàng ngày và đặt hàng với bà thật nhiều, bà sung sướng bán giảm giá cho chị và dần dần trở nên hai người bạn thân thiết. Cũng chính bà Ấn Độ trở thành người trông trẻ, dắt các bé đến trường giúp chị để chị có thì giờ làm bánh cuốn nhiều hơn nữa.

Căn phòng nhà chị bỗng trở nên tấp nập vào những ngày cuối tuần bắt đầu từ thứ năm, sáu, bảy, chủ nhật, khách gần từ những buildings dân tỵ nạn thì không nói làm chi, đàng này những khách đến từ khá xa, người Việt, người Lào, Philippine đến đặt bánh cuốn, mọi người kể là được anh chị nào đó giới thiệu bánh ngon và rẻ; anh An cũng phải dậy sớm, vui vẻ giúp vợ cuộn bánh, gói đồ sửa soạn giao hàng cho khách khi họ đến nhận.

Ông Trời đã mở cơ hội cho gia đình anh chị, anh An cũng được nhà thương người Do Thái gần nhà nhận vào chân lau sàn, lúc đầu anh thấy tự ái bị tổn thương vì có bao giờ anh làm công việc lao công như thế đâu, nhưng anh nghe lời vợ khuyên:

-Đến xứ người, mình phải bỏ hết tự ái đi, nhẫn nhịn làm việc, đây chính là sự thử thách, con người phải vượt qua nghịch cảnh mới học được cái khôn cái thành công, sống có nhân cách đạo đức là được, còn tự ái… mà không ngẩng đầu lên được, không có tiền cho tương lai của anh và các con, anh nghĩ có nên làm người nữa không?!

Anh An nghe lời có lý của vợ, ráng làm việc cho đúng mức, ban đêm anh lấy thêm course; anh không thể nào chịu đựng được một thằng đã làm bác sĩ như anh mà trở thành kẻ cùng đinh của xã hội xứ người, đã thí mạng đem gia đình vợ con ra đi, vượt biển chả lẽ chỉ để làm cu ly quét dọn, phải cúi đầu lau nhà, chịu đựng những con mắt người bản xứ nhìn mình khinh bỉ như thế! Anh cũng không muốn khi các con anh lớn lên biết cha của chúng không còn ý chí học hành lại mà chỉ vì đồng tiền nhỏ nhoi quên đi cả tương lai.

Mỗi buổi sáng thứ hai đi làm, bao giờ anh cũng đem bánh cuốn của chị Tuyền làm còn dư hôm chủ nhật đi ăn, mấy người bạn cùng nhà thương ngồi ăn với nhau, thấy lạ, hỏi anh là món gì, anh kể cho họ biết đó là món bánh cuốn, ẩm thực đặc trưng của người Việt Nam, anh hứa sẽ thết đãi mọi người món này vào một ngày cuối năm khi nhà thương tổ chức giao lưu văn hóa ẩm thực của mỗi sắc tộc.

**

Bảy năm trên xứ người, quê hương thứ hai của những người tỵ nạn, gia đình chị Tuyền-anh An là biểu tượng của thời lập nghiệp 1980-1990.

Những ngôi chùa Tam Bảo, Quan Âm thành phố Montreal vào thời đó chỉ mới phôi thai, còn rất nhỏ, chỉ có đức Phật Quan Thế Âm bên ngoài, vào bên trong còn thô sơ, chỉ có đức Phật Tổ, chưa có Đức Địa tạng vương Bồ Tát, tượng La Hán… cũng chưa có tháp bảo đựng tro bên trong, chùa đọc kinh vào ngày chủ nhật, chị Tuyền bao giờ cũng thuyết phục chồng và các con đến chùa nửa tiếng nghe kinh, cúng dường và cúng Phật.

Nhờ Đức Phật sắp đặt cho gia đình chị được ngày hôm nay, chị rất biết ơn và cố gắng giúp những người mới đến nhập cư như gia đình chị.

Sau khi lấy được bằng hành nghề bác sĩ, anh An xin lại vào chính nhà thương Do Thái làm hai năm, sau đó anh cùng chung với một số bác sĩ Việt mở một thương xá Việt, trong đó có phòng khám nha khoa, pharmacie bán thuốc. Thương xá có thêm những tiệm như Hồng Mai bán áo dài cưới truyền thống Việt Nam, tất cả những đồ trang sức áo dài khăn đống, mâm quả, nhang đèn đặc trưng cho ngày cưới, tiệm bán đồ cổ xưa Việt Nam. Đặc biệt là trong thương xá này chị Tuyền có mở một quầy nhỏ bán bánh cuốn với bảng hiệu « Bánh Cuốn bà Tuyền » làm sẵn trong ngày, chị có thêm món chả giò, xôi đậu phộng nước dừa để giành cho người bản xứ nếu có đến thăm quầy của chị, chỉ cần hâm lên ăn là tìm lại được hương vị quê hương.

Từ ngày lấy anh vì tình yêu, bây giờ chị Tuyền luôn khẳng định anh là người chồng tốt, biết chia sẻ mọi công việc nhà và cảm thông với chị. Chị nguyện một lòng cùng anh gánh vác, một lòng chung vai tảo tần nuôi con nên người và gầy dựng tương lai một gia đình với nền văn hóa Việt trên đất người.

Anh chị tậu được một căn nhà vừa đủ rộng cho bốn người ở ville St- Laurent, nơi người Việt định cư mua nhà khá nhiều, họ sống tập trung quây quần tương trợ lẫn nhau. Có rất nhiều người xin học một khóa làm bánh cuốn bằng chảo của chị Tuyền, chị chỉ cười mà nói:

-Nếu chị tin tưởng thì em xin mời chị đến xem cách em pha chế bột và làm bánh, em không dấu nghề đâu, mong sao bà con tiếp tục ủng hộ bánh bà Tuyền là được ạ! Em đã từng khổ cực ra sao trong những bước đầu làm bánh, chồng em cũng vất vả lắm mới có được như ngày hôm nay, em mừng và biết ơn, em muốn giúp và chia sẻ những người đang gặp khó khăn chứ có muốn làm tiền đâu.

Chị được mọi người trong cộng đồng thương yêu. Tiệm bánh của chị luôn có khách hàng đông đúc. Đã có lúc anh An đã phải thốt lên:

-Chắc anh phải giải nghệ nghề bác sĩ để về cuộn bánh cho vợ thôi, vì họ chỉ biết tiếng bà Tuyền làm bánh ngon hơn là ông bác sĩ chữa bệnh này!

-Anh mà giải nghệ nghề bác sĩ thì em làm bánh cuốn từ xưa đến nay thật vô ích. Em làm nghề bán bánh cuốn này cũng chỉ vì muốn chồng học hành thành tài đấy thôi…

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ hai (*) con với một chồng

Lặn lội thân cò nơi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công…

(Thương vợ-Trần Tế Xương)

 

(*) câu đúng: Nuôi đủ năm con với một chồng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: