“Thể chế,” “cải cách thể chế” bỗng nổi lên thành đề tài bàn tán sôi nổi ở Việt Nam gần đây do sự trùng hợp giữa hai sự kiện: một là, Giải Nobel Kinh Tế 2024 được trao cho ba nhà kinh tế học Mỹ nghiên cứu mối tương quan giữa thể chế và sự thịnh suy của mỗi quốc gia. Hai là, phát biểu của ông Tổng Bí Thư đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Tô Lâm rằng thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” cần nhanh chóng cải cách.
Có phải nhà lãnh đạo Việt Nam nhìn ra tác hại của thể chế và quyết thay đổi? Chúng tôi cho là không.
Thể chế tước đoạt và dung hợp
Trước hết, về thể chế, nghiên cứu của các giáo sư được giải Nobel Kinh Tế Học 2024 – Daron Acemoglu, Simon Johnson (Viện Công Nghệ Massachusetts), James A. Robinson (Đại học Chicago) – xác định thể chế, hay định chế, tức là các hệ thống chính trị và kinh tế của một chế độ xã hội, quyết định sự khác biệt về thịnh vượng hay nghèo đói của các quốc gia. Lý thuyết này bác bỏ những học thuyết trước đó quan niệm rằng một quốc gia thành công hay thất bại tuỳ thuộc vào vị trí địa lý, môi trường khí hậu, tài nguyên thiên nhiên hoặc truyền thống văn hoá.
Các giáo sư được giải Nobel cho rằng, thể chế có hai lĩnh vực: thể chế chính trị và thể chế kinh tế, trong đó thể chế chính trị quyết định thể chế kinh tế. Và thể chế lại có hai trường hợp đối nghịch: thể chế tước đoạt (extractive institution) và thể chế bao trùm hay dung hợp (inclusive institution). Inclusive institution còn được hiểu là hệ thống bao trùm hay hệ thống chia sẻ, còn extractive institution là hệ thống khai thác.
Trong thể chế tước đoạt, quyền lực chính trị và kinh tế tập trung vào thành phần thượng lưu thiểu số, thành phần này có khuynh hướng đưa ra những luật lệ, chính sách phục vụ cho lợi ích của họ, hạn chế, thậm chí thủ tiêu sự tham gia của công chúng vào kinh tế và chính trị. Dễ dàng nhận ra, thể chế tước đoạt luôn đi kèm với chế độ độc tài. Về chính trị, thể chế tước đoạt thủ tiêu các quyền tự do của người dân, từ đó ngăn chặn sự tham gia của người dân vào công cuộc quản trị quốc gia, bầu người đại diện vào guồng máy quản trị hoặc thiết lập các chính sách và luật lệ. Về kinh tế, thể chế tước đoạt dành ưu tiên cho các nhóm lợi ích bè phái, không tôn trọng tự do kinh doanh, không khuyến khích nỗ lực sáng tạo và vươn lên do đó kinh tế chậm phát triển và không bền vững.
Ngược lại, thể chế dung hợp đi kèm với chế độ dân chủ, tôn trọng pháp quyền và kinh tế thị trường. Chỉ có trong thể chế dân chủ thì người dân mới có quyền tự do chính trị như tự do ngôn luận và quyền tự do kinh tế, trong đó có quyền tư hữu tài sản, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Theo các nhà kinh tế học nói trên, thể chế dung hợp là điều kiện bắt buộc để một quốc gia thành công, kinh tế tăng trưởng, đất nước thịnh vượng, ngược lại là đói nghèo và thất bại.
Nam Hàn và Bắc Hàn có thể coi như hình mẫu của hai kiểu thể chế đối nghịch. Nam và Bắc Hàn có cùng điều kiện về địa lý, khí hậu, ngôn ngữ và truyền thống văn hoá nhưng kinh tế Nam Hàn lớn gấp 47 lần kinh tế Bắc Hàn ($1,340 tỷ so với $28,5 tỷ); thu nhập bình quân đầu người cũng gấp 27 lần ($33,121 so với $1,217) theo số liệu của Ngân hàng Thế Giới năm 2023. Sự chênh lệch khổng lồ này chung quy là do thể chế: sau cuộc nội chiến 1950-1953, Bắc Hàn theo chế độ độc tài gia đình trị khắc nghiệt của gia tộc họ Kim trong khi Nam Hàn chuyển dần theo chế độ dân chủ tự do; sự khác biệt về thể chế chính trị đã quyết định trình độ phát triển kinh tế một trời một vực của hai miền Triều Tiên.
Việt Nam – quốc gia ‘không chịu phát triển’
Việt Nam cho đến nay vẫn thực thi thể chế tước đoạt, cả về chính trị lẫn kinh tế, và đó là nguyên nhân lớn nhất gây ra sự trì trệ của đất nước, một quốc gia “không chịu phát triển” như nhận xét của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Sau khi thống nhất năm 1975 dưới quyền cai trị của đảng CSVN, Việt Nam đi theo cái gọi là chủ nghĩa xã hội, thực chất là chế độ độc tài đảng trị. Về chính trị, đảng CSVN nắm quyền “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”, loại trừ sự tham gia của dân chúng, trừ một số ít đảng viên cao cấp trong Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính Trị của đảng. Mọi ý kiến khác với đảng CSVN đều bị cấm đoán. Về kinh tế, mô hình “kinh tế tập trung quan liêu bao cấp,” trong đó quyền sở hữu tư nhân bị thủ tiêu, chỉ còn sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể qua các hợp tác xã, tổ hợp sản xuất. Những chiến dịch “đánh tư sản,” “hợp tác hóa nông nghiệp,” “cải tạo công thương nghiệp” liên tục sau năm 1975 đều nhằm thủ tiêu quyền tư hữu, xoá bỏ thị trường tự do. Thể chế tước đoạt về chính trị và kinh tế đã dẫn tới nạn đói thê thảm những năm 1980, buộc người dân phải “xé rào,” lách qua các quy định ngăn sông cấm chợ để tồn tại; những gia đình có điều kiện thì vượt biển tìm đường sống giữa cái chết.
Năm 1986, mười năm sau khi Trung Quốc cải cách và mở cửa theo dẫn dắt của Đặng Tiểu Bình, trước áp lực của phong trào “xé rào” của người dân trong nước và đi theo tấm gương họ Đặng, đảng CSVN buộc phải “đổi mới.” Kể từ năm 1986, lần đầu tiên Việt Nam công nhận kinh tế “năm thành phần,” tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập xí nghiệp, nông dân được “tháo khoán” để tự do nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm, thương mại được nới lỏng… Chỉ vài năm sau đó, từ đói rách Việt Nam trở thành nước xuất cảng gạo, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào làm bùng nổ các khu công nghiệp, khu chế xuất (sản xuất để xuất cảng). Có thể nói, năm 1986 đánh dấu một bước cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam trong khi chính trị vẫn tiếp tục bị bóp nghẹt.
Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda Nhật Bản, cho rằng, “cải cách ở Trung Quốc hay đổi mới ở Việt Nam đã chuyển thể chế kinh tế từ C [thể chế kinh tế tước đoạt] sang D [thể chế kinh tế dung hợp], (nói chính xác là tiến gần đến D) nền kinh tế đã phát triển”. Nhưng Giáo sư Thọ nói thêm “đổi mới ở Việt Nam chưa toàn diện (chưa tiến gần hơn đến D) nên thành quả phát triển hạn chế. Chất lượng thể chế chưa tốt nên doanh nghiệp trong nước yếu, ảnh hưởng lan tỏa công nghệ từ FDI [đầu tư trực tiếp của nước ngoài] sang doanh nghiệp trong nước bị hạn chế.”
Nói “chưa toàn diện” như Giáo Sư Thọ là nhẹ nhàng quá. Việt Nam “đổi mới” một phần thể chế kinh tế nhưng giữ nguyên thể chế chính trị tước đoạt, sinh ra cái quái thai “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, công nhận kinh tế đa thành phần nhưng kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Chính việc duy trì chế độ chính trị độc tài và đổi mới kinh tế nửa vời như vậy là môi trường sinh ra nền kinh tế bè phái, tệ nạn tham nhũng ngày càng khủng khiếp và triệt tiêu tinh thần kinh doanh của người dân. Hậu quả là Việt Nam ngày nay trở thành một dân tộc làm thuê làm mướn, đại bộ phận nền kinh tế nằm trong tay các tập đoàn tư bản ngoại quốc và nhóm tập đoàn quốc doanh làm ăn lời giả lỗ thật, tiền lời thì các quan chức chia nhau bỏ túi, lỗ thì lấy tiền dân đóng thuế hoặc vay mượn khắp nơi bù vào. Các tập đoàn điện lực, dầu khí, hàng không, hoả xa, khoáng sản… do nhà nước làm chủ, được kỳ vọng là những “quả đấm thép,” nhưng chỉ có tác dụng đấm nát mặt nhân dân.
Những chuyện kể trên không mới. Ở trong nước các bậc thức giả đã nhiều lần nêu ra và yêu cầu cải cách thể chế, từ bỏ cái thể chế tước đoạt và chuyển hoàn toàn sang thể chế dung hợp để huy động trí tuệ, tài năng và tài lực của gần một trăm triệu dân cả trong và ngoài nước vào công cuộc phát triển quốc gia. Nhưng cho đến nay, những đề nghị tâm huyết đó đã không được giới lãnh đạo đảng CSVN lắng nghe, người đề nghị nhẹ thì bị mất chức, bị vô hiệu hoá, nặng thì bị đàn áp, tù tội…
‘Điểm nghẽn của điểm nghẽn’
Ngay sau khi ngồi lên chiếc ghế tổng bí thư đảng CSVN mà ông Nguyễn Phú Trọng để lại, ông Tô Lâm luôn miệng nói đến “thể chế,” “cải cách thể chế,” “đột phá về thể chế” cứ như đó là phương thuốc mầu nhiệm chữa bệnh tham ô và trì trệ, đưa Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc!” Trong chuyến thăm Hoa Kỳ cuối Tháng Chín 2024, ông Tô Lâm khẳng định tại Đại học Columbia: “Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại.” Về nước, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc Hội hôm 21 Tháng Mười,ông nói tới “điểm nghẽn thể chế.” “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là ‘điểm nghẽn’ của ‘điểm nghẽn,’” ông Tô Lâm khẳng định.
Thực ra những người lãnh đạo đảng CSVN trước ông Tô Lâm như các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng đều nhiều lần nói tới sự bất cập của thể chế và yêu cầu cải cách thể chế, nhưng chưa có ai hành động để thực hiện yêu cầu đó. Bây giờ, những phát ngôn của ông Tô Lâm, người đã thâu tóm quyền lực cao nhất của cả đảng và nhà nước chỉ trong một thời gian ngắn, làm dấy lên một niềm hy vọng đã đến lúc nhà lãnh đạo đảng CSVN nhận ra nhu cầu cấp thiết phải thay đổi thể chế chính trị và kinh tế theo hướng dung hợp (inclusive) cho phù hợp với thế giới, gỡ cái nút thắt kìm hãm sự tiến bộ. Người ta hy vọng ông Tô Lâm sẽ mang lại một sự thay đổi theo hướng cởi mở hơn, thông thoáng hơn, cho dù chưa tiến tới một “thể chế dung hợp” hoàn toàn như các quốc gia dân chủ thì cũng bớt toàn trị, bớt tước đoạt.
Niềm hy vọng đó đã thôi thúc nhiều nhà trí thức trong và ngoài nước viết thư ngỏ, ra tuyên bố kêu gọi đảng CSVN, quân đội và công an Việt Nam thực hiện cải cách. Họ đề nghị về chính trị, đảng CSVN phải trả lại quyền quản trị quốc gia để người dân được tự do tham chính, được cử người tài đức đại diện cho mình vào guồng máy công quyền, dung hợp những quan điểm khác biệt, tôn trọng pháp quyền và quyền tự do; về kinh tế đảng CSVN phải bãi bỏ cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa,” tôn trọng quyền sở hữu, tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là phải tạo thuận lợi cho những nhà tư bản nội địa phát triển và cạnh tranh hiệu quả với tư bản nước ngoài.
Trí thức trong nước như các ông Nguyễn Quang A, Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Đình Bin, ngoài nước như luật sư Vũ Đức Khanh (Canada), chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành (Mỹ) đã lên tiếng rất thuyết phục… Họ tin rằng, đảng CSVN đã từng “đổi mới” một phần thể chế kinh tế năm 1986 thì bây giờ cũng có thể đổi mới thể chế chính trị để Việt Nam hòa nhập với “xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại” như phát ngôn của ông Tô Lâm tại Mỹ.
Những đề nghị này hoàn toàn đúng đắn và cấp bách. Nhưng thực tế, nó chỉ có tác dụng đánh động dư luận, khơi mào để người dân động não suy nghĩ về thân phận của mình, của đất nước mình mà không dẫn tới sự thay đổi trong đường lối chính sách của đảng CSVN như mong muốn. Tại sao vậy?
Đảng CSVN ‘sống trong sợ hãi’
Một là, giới lãnh đạo đảng CSVN, và những nhà lý luận của đảng, hiểu khái niệm “thể chế” hoàn toàn khác xa ý tưởng của các giáo sư kinh tế học được giải Nobel nói ở trên. Ở Việt Nam, các khái niệm “thể chế,” “định chế,” “cơ chế,” và “chế độ” thường được dùng lẫn lộn với nhau, thay thế cho nhau. Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên, “thể chế là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo (nói tổng quát)”, tức là gần với khái niệm “chế độ,” còn các nhà lý thuyết của đảng CSVN chỉ hiểu đơn giản rằng thể chế là “thủ tục hành chính,” là “quy trình ban hành quy định pháp luật.”
Điểm nghẽn thể chế, theo phát biểu của ông Tô Lâm trước phiên họp thứ 8, Quốc Hội Khóa 15, là “chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn… thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu. Phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm. Còn tình trạng chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp.”
Hiểu “thể chế” một cách hạn hẹp như vậy nên theo ông Tô Lâm, cải cách thể chế là “đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trước hết là chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.”
Ông hoàn toàn không đề cập tới việc cải cách thể chế như là thay đổi chế độ chính trị và kinh tế theo hướng “dung hợp” để tạo điều kiện cho người dân tham gia công cuộc quản trị quốc gia cả về chính trị và kinh tế.
Hai là, cho dù giới lãnh đạo đảng CSVN hiểu thể chế giống như mọi người hiểu thì họ vẫn không muốn, hoặc không dám thay đổi vì lo sợ bị mất quyền lực và quyền lợi. Sống trong sợ hãi, đảng CSVN phải tìm mọi cách cấm đoán những tiếng nói phản biện, ngăn chặn dòng chảy thông tin, càng ngày càng gia tăng tuyên truyền dối trá và đàn áp bạo lực để duy trì thể chế tước đoạt, tập trung quyền lực. Bộ Chính Trị, ông vua tập thể, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng CSVN có đến ba phần năm số uỷ viên (9/15) là tướng công an và quân đội, ba trong bốn “tứ trụ” cũng là tướng, cho thấy trong thời bình mà đảng vẫn lo sợ và cố bám lấy quyền lực như thế nào. Họ tâm niệm bằng mọi giá phải duy trì và củng cố quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng, vì “bỏ điều 4 Hiến Pháp là tự sát” như câu nói nổi tiếng của ông cựu chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết. Thay đổi thể chế theo cách hiểu thay đổi một chế độ xã hội vẫn là điều hoàn toàn cấm kỵ mà người nói ra có thể bị tù tội vì bị cho là vi phạm điều 331, điều 117 Bộ luật Hình sự.
‘Kỷ nguyên mới’ của Tô Lâm, hay chỉ là chiếc bánh vẽ?
Từ khi lên cầm quyền cao nhất ở Việt Nam, ông Tô Lâm thường phát biểu những ý kiến được coi là cấp tiến. Trong khi đó, đảng ông vẫn tiếp tục gia tăng bắt bớ, đàn áp mạnh tay những tiếng nói trái chiều, đồng thời nỗ lực “vũ trang hóa” guồng máy cai trị bằng cách bố trí thêm nhiều sĩ quan công an vào chức vụ lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy “kỷ nguyên mới” dưới quyền ông Tô Lâm sẽ thông thoáng hơn, cởi mở hơn.
Có người cho rằng, năm 1986 những ý định đổi mới thể chế kinh tế đã manh nha trước đó nhưng phải đợi đến đại hội lần thứ sáu của đảng CSVN mới “chung quyết” được thì lần này việc cải cách thể chế chính trị cũng phải đợi đến đại hội lần thứ 14, dự tính tổ chức vào đầu năm 2026, mới quyết định được. Người ta còn nói, ông Tô Lâm phải bỏ chức chủ tịch nhà nước, chỉ làm tổng bí thư, để tập trung chuẩn bị cho đại hội 14 của đảng CSVN, hứa hẹn là một cuộc thay đổi ngoạn mục về đường lối của đảng. Cũng có nguồn tin cho biết, trong thời gian ngắn giữ chức lãnh đạo tối cao của Việt Nam từ Tháng Năm 2024 đến nay, ông Tô Lâm có những phát ngôn và hành xử có phần cấp tiến, có xu hướng ngả về phương Tây nên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hài lòng; ông Tập bí mật khích lệ các phe thân Trung Quốc trong đảng CSVN quậy phá. Nguồn tin còn cho rằng, ông Tô Lâm chưa chắc đã giữ được chiếc ghế tổng bí thư trong đại hội 14 đầu năm 2026 mà có thể bị thay bằng một nhân vật gần gũi với Bắc Kinh. Nếu ông Tô Lâm bị “cưa” ghế tổng bí thư thì những hứa hẹn hão huyền của ông ta về cải cách thể chế, về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chỉ là những lời nói gió bay mà không có chút giá trị nào.
Xem ra, người dân Việt Nam phải chờ đợi ít nhất một năm nữa thì mới biết “kỷ nguyên mới” của ông Tô Lâm có thực sự bắt đầu, hay đó cũng chỉ là một thứ bánh vẽ như cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” mà đảng CSVN lôi cả dân tộc đi theo, đến cuối thế kỷ này vẫn chưa biết có tới được hay không như lời ông cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng!
Học thuyết về thể chế và thịnh vượng của quốc gia đã được ba nhà khoa học được giải Nobel 2024 nói trên trình bày khá dễ hiểu trong cuốn sách Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity and Poverty, đã được dịch ra tiếng Việt dưới nhan đề Tại sao các quốc gia thất bại – nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói và xuất bản ở Việt Nam năm 2013 với sự hỗ trợ của Phòng Thông tin thuộc Đại Sứ Quán Hoa Kỳ. Cuốn sách quý này, sau đó đã bị nhà cầm quyền cấm tái bản, nhưng vẫn còn được lưu truyền trong nhân dân. Chỉ mong sao các nhà lãnh đạo đảng CSVN bớt thời gian tiệc tùng và đấu đá để đọc cuốn sách đó và suy ngẫm: con đường đi tới thịnh vượng đã được chỉ ra, vấn đề là các người có biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên quyền lợi của đảng phái và cá nhân hay không mà thôi.