Tết đến Xuân về, người Việt thường chúc nhau “Tân niên vạn Phước,” năm mới sinh quý tử. Phước, hay Phúc – tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành… là mong ước lớn nhất của mỗi người, mỗi gia đình trong dịp Xuân về.
Và từ ngàn xưa, hình ảnh ông Phước trong tranh tượng Tam Đa (Phước Lộc Thọ) luôn bồng hoặc dắt theo một đứa bé vì quan niệm Phước gắn liền với con cái, nhà đông con là nhà có phước, nhà neo đơn là “vô phước” cho dù có tiền muôn bạc vạn.
Theo truyền thống Khổng giáo, sinh con nối dõi tông đường là chuyện hệ trọng nhất của đời người. Khổng Tử nói, “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” – có ba điều làm nên tội bất hiếu, không sinh con nối dõi là tội lớn nhất. Phụ nữ không sinh được người nối dõi gia tộc nhà chồng có thể bị ngược đãi, hoặc phải để chồng cưới thêm thê thiếp.
Thật bất ngờ, quan niệm phải sinh con nối dõi đó lại lan tới cả nước Mỹ. Trong cuộc bầu cử tổng thống 2024, ứng cử viên phó tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa, Thượng Nghị Sĩ JD Vance của tiểu bang Ohio, đã nhiều lần chê trách những phụ nữ không sinh con (childless ladies,) làm cho các bà các cô hết sức tức giận. Cô ca sĩ trứ danh Taylor Swift phản kháng bằng cách ủng hộ ứng cử viên của đảng Dân Chủ đối lập Kamala Harris.
Nhưng chuyện sinh con đẻ cái hoá ra rất phức tạp. Loài người đang bước vào một kỷ nguyên mới mà các nhà khoa học gọi là “kỷ nguyên suy giảm dân số” (the age of depopulation), trong đó càng ngày người ta càng ít sinh đẻ, trẻ em vắng bóng dần và thế giới trở nên già đi nhanh chóng.
Bóng ma nhân mãn
Trong nhiều thế kỷ qua, nhân loại thường xuyên bị ám ảnh bởi bóng ma “nhân mãn” (mãn là tràn đầy): sinh đẻ quá nhiều làm cạn kiệt nguồn lương thực thực phẩm mà đất đai sản sinh ra được.
Thời chúng tôi đi học ở miền Nam, hầu như học sinh trung học nào cũng biết công thức nổi tiếng của nhà dân số học người Anh Thomas Robert Malthus (1766-1834): “Dân số tăng theo cấp số nhân trong khi lương thực chỉ tăng theo cấp số cộng.” Hậu quả là đến một lúc nào đó, số miệng ăn nhiều hơn số lương thực làm được, thì chiến tranh tất yếu sẽ xảy ra do tranh giành tài nguyên.
Hồi năm 1968, Giáo Sư Paul R. Ehrlich, nhà dân số học nổi tiếng của Đại học Stanford, cảnh báo rằng dân số trên trái đất tăng ngoài tầm kiểm soát, đã vượt xa mức tăng sản lượng lương thực và nếu xu hướng này kéo dài thì môi trường sinh thái sẽ bị hủy hoại và nền văn minh có nguy cơ sụp đổ. Quả là một viễn cảnh đáng sợ.
Vì lo sợ nạn nhân mãn, một số quốc gia đưa ra chính sách hạn chế sinh đẻ. Cực đoan nhất là Trung Quốc với chính sách mỗi gia đình chỉ được sinh một đứa con, người vi phạm bị trừng phạt rất nặng; Việt Nam quy định mỗi gia đình chỉ đẻ từ một đến hai đứa con; sinh con thứ ba có thể bị mất việc làm trong nhà nước, bị khai trừ đảng và nhiều hình thức kỷ luật khác. Những biện pháp hạn chế sinh đẻ này có tác dụng làm chậm đà tăng dân số nhưng kéo theo nhiều tác hại nặng nề, chẳng hạn như tình trạng lão hóa, suy giảm lực lượng lao động và mất cân bằng giới tính nam và nữ… không thể sửa chữa được.
Trong một thế giới lão hoá
Những diễn biến vài thập niên gần đây cho thấy dường như định luật Malthus không còn chính xác và thay vì hạn chế, các chính phủ đã bắt đầu khuyến khích người dân sinh đẻ. Sau khi gia tăng suốt 700 năm và tăng gấp bốn lần trong thế kỷ qua – từ 1.6 tỷ người năm 1900 lên 6 tỷ người năm 2000 – dân số thế giới có xu hướng chững lại và suy giảm, tạo ra những thách thức mới về kinh tế và xã hội. Cơ quan Dân số Liên Hiệp Quốc (United Nations Population Division-UNPD) dự báo dân số thế giới sẽ ngừng tăng vào năm 2050, muộn nhất là năm 2070 hoặc 2080, và đạt mức đỉnh là 9.15 tỷ người (năm 2020 là 7.8 tỷ người); sau đó sẽ bắt đầu giảm mạnh.
Các nhà dân số học tính ra rằng, để duy trì quy mô dân số ổn định, mỗi người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (từ 15 đến 45 tuổi), phải sinh ra trung bình 2.1 đứa con – con số 2.1 này được gọi là replacement fertility rate (mức sinh thay thế), nơi nào sinh ra nhiều con hơn mức sinh thay thế thì dân số tăng, ngược lại là dân số giảm. Dữ liệu của Ngân Hàng Thế Giới ghi nhận, nếu như năm 1968, replacement fertility rate trung bình của thế giới là 5.0 thì đến năm 2022 chỉ còn 2.3, giảm hơn một nửa.
Đó là tính chung toàn thế giới; còn ở nhiều quốc gia thì con số này giảm xuống mức báo động. Theo UNPD, từ năm 2019 đã có hai phần ba dân số thế giới sống ở những quốc gia có mức sinh dưới mức thay thế – nghĩa là sự suy giảm dân số đã lan rộng khắp hành tinh.
Số liệu năm 2024 ghi nhận các nước Á châu ít sinh đẻ nhất, nước có mức sinh sản thay thế thấp nhất thế giới là Hàn Quốc (0.8); Singapore (1.0); Trung Quốc (1.2) và Nhật Bản (1.3). Việt Nam có mức sinh 1.9 trong khi Hoa Kỳ có mức sinh 1.7 – chưa thật nguy hiểm nhưng cũng đã dưới mức sinh sản thay thế.
Quốc gia có biến động dân số tiêu biểu là Trung Quốc. Năm 2022, lần đầu tiên dân số Trung Quốc bị giảm kể từ sau nạn chết đói hàng chục triệu người do chính sách Đại Nhảy Vọt năm 1961: chết mất 10.41 triệu người mà chỉ sinh được 9.56 triệu em bé – sinh suất nhỏ hơn tử suất. Sang năm 2023, Trung Quốc mất danh hiệu nước đông dân nhất thế giới về tay Ấn Độ và dự tính tới năm 2050, Trung Quốc sẽ giảm mất 109 triệu dân – nhiều hơn tổng số dân Việt Nam hiện nay. Năm 2019, các học giả Trung Quốc dự tính phải đến năm 2031 dân số Trung Quốc mới đạt đỉnh và sau đó bắt đầu giảm, nhưng thực tế cuộc khủng hoảng dân số đã đến sớm hơn mười năm, mạnh hơn, và điều đó khiến các nhà lãnh đạo quốc gia này hết sức lo ngại.
![](https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2025/02/Ngay-xuan-sinh-san-1-scaled.jpg)
Những xã hội lão hoá
Đã từng có thời kỳ các chính phủ muốn giảm dân số, sẽ có ít miệng ăn phải nuôi hơn, giảm áp lực lên môi trường tự nhiên và cơ sở hạ tầng và có điều kiện thuận lợi hơn để cải thiện mức sống người dân. Nhưng hoá ra vấn đề không đơn giản như thế: giảm dân số tiềm ẩn nhiều mối nguy. Khi sinh suất giảm thì số người lao động trẻ khỏe, làm ra của cải cho xã hội tương lai sẽ ngày càng ít. Trong khi đó số người già về hưu, sống nhờ vào trợ cấp sẽ đông thêm. Hậu quả là xã hội sẽ bị “lão hóa,” ngày càng ít người đi làm, đóng thuế để nuôi người về hưu, gánh nặng trên vai người trẻ sẽ ngày càng nặng và ngân khố quốc gia cạn kiệt. Số gia đình chỉ có một con, hoặc không có đứa con nào, ngày càng phổ biến, và cũng phổ biến như vậy là tình cảnh người già neo đơn qua đời trong âm thầm lặng lẽ không ai hay biết.
Nhật Bản là một minh chứng. Hiện Nhật là xã hội bị lão hóa trầm trọng nhất, số người già trên 65 tuổi chiếm tới 29% tổng dân số; tỷ lệ này là 20% ở Trung Quốc và 16% ở Mỹ. Mỗi năm Nhật phải đóng cửa 500 lớp tiểu học vì không có đủ trẻ em theo học! Từ một nước có nền kinh tế phát triển rực rỡ, Nhật đã rơi vào một thời kỳ ảm đạm kéo dài đến nay chưa thoát ra được do khủng hoảng dân số.
Trung Quốc là một minh chứng khác. Nhiều nhà kinh tế học dự tính quy mô kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào khoảng năm 2025, muộn nhất là năm 2035 nhưng bây giờ hầu hết đều đồng ý rằng kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ đuổi kịp hoặc vượt qua Mỹ mà người Trung Hoa “chưa giàu đã già” vì khủng hoảng dân số. Do số người lao động giảm, tiền lương tăng lên, nghĩa là lao động Trung Quốc không còn “rẻ” nữa, các công ty đa quốc gia và kể cả công ty Trung Quốc phải chuyển dần cơ sở sản xuất tới các nước khác. Khủng hoảng dân số sẽ thúc đẩy xu hướng dịch chuyển này nhanh hơn, mạnh hơn và không thể đảo ngược.
Nhưng Hàn Quốc mới là minh chứng đáng sợ nhất về khủng hoảng dân số. Năm 1980 người Hàn Quốc đẻ nhiều hơn mức sinh sản thay thế, mỗi phụ nữ Hàn Quốc bình quân đẻ 2.8 đứa con; con số này giảm còn 1.5 vào năm 2000 và chỉ còn 0.8 vào năm 2020. Nếu như vào năm 1992, Hàn Quốc có khoảng 900,000 thanh niên tuổi 18 thì con số đó hiện nay chỉ còn 500,000 người. Hiện nhiều trường đại học Hàn Quốc không thể tuyển sinh dù đã hào phóng ban phát học bổng và tặng điện thoại đời mới cho sinh viên ghi danh. Ở nhiều thị trấn vùng nông thôn Hàn Quốc có rất nhiều trường học bỏ hoang vì không có đủ trẻ em đi học.
UNPD dự báo đến năm 2050, ở Hàn Quốc tử suất sẽ gấp ba sinh suất, cứ mỗi em bé sinh ra thì có ba người lớn chết đi, 40% dân số sẽ là người già trên 65 tuổi và tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người cao tuổi là 1.2 – nghĩa là một người đi làm phải đóng thuế nuôi hai người nghỉ hưu (con số này hiện là 4.1). Những gì đang diễn ra ở Hàn Quốc đang báo trước một tương lai u ám sẽ đến với phần còn lại của thế giới.
Làm sao để đẻ sồn sồn?
Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy đà suy giảm dân số không phụ thuộc vào mức độ thịnh vượng của quốc gia, không hẳn phải giàu như Mỹ hoặc Âu châu thì dân số mới giảm dù hiện nay nhiều nước nghèo ở châu Phi vẫn “đẻ sồn sồn.” Vấn đề là do phụ nữ ngày nay không muốn sinh con, thậm chí không muốn lấy chồng mà tập trung nhiều hơn vào sự nghiệp và thăng tiến cá nhân. Sự tham gia ngày càng đông đảo của phụ nữ vào hoạt động kinh tế-xã hội, sự phổ biến các phương pháp ngừa thai giúp phụ nữ chọn lựa mang thai hay không một cách dễ dàng, cùng với chi phí sinh con nuôi con cao chóng mặt đã làm cho phụ nữ không muốn mang thai hoặc sinh con trong khi vẫn kiến tạo được một cuộc sống thoải mái và tự do.
Về phía các chính phủ, nhận ra mối nguy của tình trạng suy giảm dân số, nhiều nước đã ban hành chính sách khuyến khích sinh đẻ hoặc đảo ngược chính sách hạn chế sinh đẻ trước đây.
Ngay từ đầu thập niên 1990, Nhật Bản đã có biện pháp khuyến khích phụ nữ sinh đẻ. Chính phủ bắt buộc các chủ sử dụng lao động phải cho phép nữ nhân viên được nghỉ thai sản một năm có hưởng lương, cho thành lập thêm nhiều cơ sở giữ trẻ được chính phủ trợ cấp, khuyến khích các đức ông chồng làm việc nhà và từ năm 1992 chính phủ trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho các gia đình có con nhỏ.
Chính phủ Hàn Quốc chi ra $178 tỷ trong 15 năm qua để khuyến khích phụ nữ sinh con, phát tiền thưởng cho trẻ sơ sinh, tăng tiền trợ cấp cho trẻ em và chi trả chi phí y tế cho các trường hợp mang thai và sinh con. Nhưng cho đến nay có thể nói phần lớn những chính sách khuyến khích như vậy có kết quả rất hạn chế.
Năm 2016 Bắc Kinh bãi bỏ chính sách một con, thay bằng quy định mỗi gia đình được có hai hoặc ba đứa con, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Giá nhà ở cao ngất ngưởng, chi phí nuôi dạy con cũng cao ngất ngưởng cộng với sự cạnh tranh căng thẳng trên thị trường lao động là những yếu tố khiến người trẻ Trung Quốc ngần ngại, không muốn sinh con. Tháng Năm 2021, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, hứa hẹn sẽ có các biện pháp làm giảm chi phí giáo dục con cái, cải thiện chăm sóc y tế cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm thuế và hỗ trợ các gia đình đông con về chi phí nhà ở… nhưng dư luận Trung Quốc không mấy hào hứng.
Việt Nam chưa giàu đã già
Cũng như Trung Quốc, “chưa giàu đã già” là câu chuyện nhãn tiền của Việt Nam. Tại một số hội nghị vào đầu Tháng Chín 2024, các quan chức Bộ Y Tế cho biết 2023 là năm đầu tiên mức sinh của Việt Nam giảm xuống dưới mức 2.1, chỉ đạt 1.96. Nguyên nhân của tình trạng kết hôn trễ, không muốn kết hôn, sinh con trễ, sinh ít con và không muốn sinh con… đang lan rộng trong thanh niên Việt Nam được cho là do áp lực về việc làm, chi phí sinh hoạt, nhà ở, nuôi dạy con cái đắt đỏ.
Theo Dự báo Dân số Việt Nam 2019-2069 của Tổng Cục Thống Kê, dân số đã tăng bình quân 1.07% trong giai đoạn 2017-2020 nhưng đang giảm dần, chỉ còn 0.98% năm 2022 và 0.84% năm 2023. Nếu xu hướng giảm dân số tiếp tục kéo dài thì đến năm 2054 dân số Việt Nam sẽ bắt đầu giảm, bình quân mỗi năm giảm khoảng 200,000 người và đến năm 2200 dân số Việt Nam chỉ còn 46 triệu người.
Để ngăn chặn xu thế lão hoá, giảm dân số, các quan chức cao cấp của chính phủ Việt Nam đề nghị một số biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con, trong đó có đề nghị “bỏ quy định kỷ luật đảng viên đảng CSVN sinh con thứ ba” (!)
Nước Mỹ đất lành chim đậu
Khủng hoảng dân số cũng là một vấn đề của nước Mỹ. Trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tỷ lệ sinh sản của Mỹ là 2.1, bằng mức replacement fertility rate nhưng con số này hiện giảm còn 1.7. Năm 2020, người Mỹ chỉ sinh được 3.6 triệu trẻ em, giảm hơn nửa triệu trẻ so với con số 4.3 triệu trẻ em sinh ra năm 2007. Ngày nay, thật dễ dàng nhìn thấy những gia đình Mỹ chỉ có một đứa con, thậm chí không sinh con và nhiều nam nữ đã trưởng thành chỉ thích cuộc sống độc thân.
Trẻ em ít được sinh ra, còn người già ngày càng nhiều. Số người Mỹ hết tuổi lao động hiện chiếm khoảng 15% tổng dân số, nhưng có xu hướng tăng lên do chăm sóc sức khỏe tốt hơn, tuổi thọ kéo dài. Dự tính vào năm 2050 số người Mỹ cao tuổi sẽ chiếm khoảng 30% tổng dân số, bằng tỷ lệ hiện nay của Nhật Bản. Sự gia tăng số người cao tuổi là một thách thức không nhỏ cho hệ thống y tế và an sinh xã hội
Tuy vậy, các nhà dân số học không quá lo lắng về tình hình ở Mỹ, vì các mô hình tính toán cho thấy dù tỷ lệ sinh đẻ giảm, dân số Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng ít nhất một thế hệ nữa, sẽ đạt đỉnh vào năm 2047, lúc đó nước Mỹ có khoảng 350 triệu người. Hiện chính phủ Mỹ đã bước đầu tìm kiếm lời giải cho những thách thức về dân số.
Kế hoạch American Family Plan mà chính quyền Biden đề ra có các biện pháp khuyến khích phụ nữ Mỹ sinh con, phụ nữ được nghỉ thai sản được hưởng lương, đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc trẻ em và phụ cấp chăm sóc trẻ em, miễn phí giáo dục công lập tới hết bậc đại học và trợ cấp hằng tháng bằng tiền mặt cho trẻ em dưới 18 tuổi… Trong cuộc vận động tranh cử cuối năm 2024, Phó Tổng Thống Kamala Harris của đảng Dân Chủ cam kết mỗi gia đình có con nhỏ sẽ được hưởng khoản tín dụng thuế (child tax credit) cho trẻ em lên tới $6,000 mỗi năm, ứng cử viên Cộng Hoà JD Vance cũng đề nghị tăng mức child tax credit và nói ông muốn làm như Hungary, phụ nữ sinh nhiều con sẽ được giảm thuế… Tất cả nhằm giảm gánh nặng nuôi con cho các gia đình và cân bằng cơ cấu dân số.
Ngoài ra, người Mỹ giải quyết tình trạng sinh đẻ giảm bằng chính sách tiếp nhận người di cư từ khắp thế giới; lực lượng lao động của Mỹ luôn gia tăng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Trong khi các quốc gia khác lo ngại vì số người trẻ ngày càng ít do khủng hoảng dân số thì số người Mỹ trong độ tuổi lao động lại ngày càng đông nhờ làn sóng di dân và người nhập cư, kể cả người nhập cư không giấy tờ.
***
Trừ những kẻ tội phạm và bất hảo, mỗi con người sinh ra trên thế gian này đều là một phép lạ; mỗi con người trong cuộc đời mình đều mang lại cho thế giới này nhiều hơn những gì mà họ tiêu thụ. Bởi vậy, nhân dịp tân niên, hãy chúc nhau “phước mãn đường,” nhà nhà thêm con thêm cháu đông vui.