Afghanistan trước nguy cơ sụp đổ

Không khí căng thẳng ở thủ đô Kabul khi lực lượng Taliban gia tăng tấn công và chiếm được nhiều tỉnh thành, cô lập thủ đô. Ảnh Haroon Sabawoon/Anadolu Agency via Getty Images.

Tin tức dồn dập từ chiến trường Afghanistan cho thấy chính quyền Kabul được Hoa Kỳ bảo trợ sắp sụp đổ nay mai sau khi quân đội và chính quyền cấp tỉnh ở nhiều nơi tan rã hàng loạt và Taliban nhanh chóng chiếm được các thành phố lớn như Herat và Kandahar. Tình hình rất giống với miền Nam Việt Nam Tháng Tư năm 1975, gợi lên nhiều suy nghĩ, lo âu và thất vọng, thậm chí tức giận, ở những người Việt Nam lưu vong – nhất là những quân nhân đã từng can trường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để rồi sau đó bị đày đọa hàng chục năm trời trong các trại tù cải tạo nơi rừng xanh núi thẳm.

Nỗi phẫn nộ được trút vào Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vì cho rằng quyết định của ông rút hết quân đội Hoa Kỳ và đồng minh ra khỏi Afghanistan trước ngày 11 Tháng Chín – đúng 20 năm sau ngày tổ chức khủng bố Al-Qaeda tấn công Trung Tâm Thương Mại Thế giới ở New York – là “hết sức sai lầm”, làm cho phiến quân Taliban phấn khởi lên và quân đội Afghanistan nhanh chóng rã đám. Đài Fox News bình luận, nếu có một người phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của Afghanistan thì đó là Tổng thống Joe Biden.

Nhưng bình tĩnh suy xét thì việc Hoa Kỳ và đồng minh rút ra khỏi Afghanistan không hẳn là sai lầm và cũng không hẳn là trách nhiệm của ông Biden và chính phủ Hoa Kỳ đương nhiệm. 

Việc rút quân rõ ràng là một thất bại, vì sau 20 năm tham chiến, Hoa Kỳ vẫn chưa tiêu diệt được lực lượng Taliban và những phần tử phiến loạn chống đối chính phủ hợp pháp ở Kabul, giống như trước đây Hoa Kỳ không tiêu diệt được lực lượng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Chẳng những vậy, hy vọng giành được một thắng lợi chung cuộc về quân sự ở Afghanistan là hoàn toàn viển vông dù cho Hoa Kỳ và đồng minh có đổ thêm vào đây bao nhiêu binh lính, vũ khí và tiền bạc nữa. Trong hoàn cảnh đó, thừa nhận thất bại, thừa nhận bế tắc để quyết định rút ra khỏi vũng lầy càng sớm càng tốt có khi là một quyết định khó khăn nhưng đúng đắn. 

Cũng nên để ý rằng, rút quân đội ra khỏi Afghanistan không phải là quyết định riêng của ông Biden mà đã được chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra trước khi ông Biden lên cầm quyền. Mong muốn sớm kết thúc cuộc chiến, “đưa binh sĩ về nhà”, ông Trump đã từng có ý định mời đại diện Taliban tới trại David ở Maryland – nơi nghỉ ngơi và tiếp khách không chính thức của tổng thống Hoa Kỳ – để đàm phán một thỏa thuận hòa bình, nhưng ý định đó không thực hiện được do sự phản đối của công chúng Mỹ và thái độ hiếu chiến của Taliban. Sau đó, chính quyền Trump đã đàm phán và ký thỏa thuận hòa bình với Taliban ở Doha Tháng Hai 2020, trong đó Hoa Kỳ cam kết rút hết quân đội trong vòng 18 tháng. Ông Biden chỉ tiếp tục thực hiện cam kết đó của chính phủ tiền nhiệm.

Có điều, ông Biden và các tướng lĩnh của ông bị bất ngờ trước sự sụp đổ quá nhanh chóng của chính phủ Afghanistan dù Kabul đã được Washington viện trợ rất lớn và các lực lượng vũ trang của chính phủ Afghanistan được quân đội Hoa Kỳ và đồng minh huấn luyện, trang bị rất chu đáo. Chính phủ và quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước đây còn tiếp tục chiến đấu can trường trong hoàn cảnh thiếu thốn trầm trọng hơn hai năm sau ngày người lính Mỹ cuối cùng rút đi cùng với viện trợ quân sự, vũ khí và nhiên liệu. Ở Afghanistan, nguy cơ sụp đổ hoàn toàn hiển hiện ngay cả trước khi Hoa Kỳ hoàn tất cuộc rút quân. Vài ngày qua, Mỹ, Canada và một số nước NATO đã phải vội vã gửi binh sĩ quay lại Kabul để bảo vệ các đại sứ quán và hỗ trợ an ninh cho cuộc di tản thường dân Afghanistan. Sự sụp đổ nhanh chóng đó càng chứng tỏ những nỗ lực xây dựng mà Hoa Kỳ và đồng minh đầu tư vào Afghanistan hàng chục năm qua dường như đặt không đúng chỗ, không đúng người tin cậy và do đó không có hiệu quả.

Hậu quả của việc Afghanistan sụp đổ sẽ là gì? Đó sẽ là sự tái lập chế độ thần quyền Hồi giáo Taliban từng cai trị nước này trước khi bị Hoa Kỳ lật đổ năm 2001. Những tiến bộ về nhân quyền, tự do và dân chủ mà người dân Afghanistan đạt được sẽ bị xóa bỏ. Rải rác đã có tin từ các vùng mà Taliban chiếm được cho biết quân nổi dậy đã bắt đầu thực hiện những chính sách hà khắc như cưỡng bức kết hôn, xóa bỏ trường học dành cho phụ nữ và trả thù tàn khốc những người làm trong chính quyền. Một thảm họa nhân đạo trầm trọng đang xảy ra khi hàng trăm ngàn người dân rời bỏ đất nước, tìm cách tị nạn ở các nước láng giềng và xa hơn.

Người dân Afghanistan rời bỏ nhà cửa do đụng độ ác liệt giữa quân Taliban và quân đội Afghanistan. Họ phải tìm nơi trú ngụ tạm thời trong một công viên ở Kabul, Afghanistan, vào ngày 10 Tháng Tám năm 2021. Theo UNHCR ước tính, hơn 270,000 người Afghanistan đã phải đi lánh nạn do chiến tranh kể từ Tháng Giêng năm 2021 – Ảnh: Haroon Sabawoon/Anadolu Agency/Getty Images

Afghanistan sụp đổ sẽ làm giảm lòng tin vào Hoa Kỳ của các quốc gia đồng minh, gây lo ngại cho những đối tác đang trông cậy vào sự bảo vệ của Mỹ như Đài Loan và làm cho các đối thủ như Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn có cớ để thêm hung hăng trong ý đồ bành trướng của họ. Các nước này đang hối hả lợi dụng “khoảng trống quyền lực” mà Hoa Kỳ bỏ lại để bành trướng thế lực. Trung Quốc là một ví dụ: Quân Taliban chưa vào được thủ đô Kabul nhưng Bắc Kinh đã mau chóng công nhận “chính phủ Taliban” về mặt ngoại giao sau khi đã long trọng đón tiếp đại diện Taliban đến họp tại thành phố Trùng Khánh hồi đầu tháng. Việc Taliban chiếm được Afghanistan và đưa nước này vào quỹ đạo chuyên chế của Trung Quốc là điều đã được dự đoán trước từ lâu. 

Những tổn thất như vậy là rất lớn. Nhưng chúng tôi vẫn cho rằng, chừng đó không đủ để biện minh cho việc tiếp tục duy trì quân đội Mỹ ở Afghanistan sau 20 năm can dự, tổn thất 2,448 binh sĩ và khoảng $2,000 tỷ. Suy cho cùng, người Afghanistan phải quyết định số phận đất nước họ, nếu không chấp nhận chế độ thần quyền Taliban thì người Afghanistan phải tự mình chiến đấu chống lại quân phiến loạn. Trong 20 năm có sự hỗ trợ tận lực của Hoa Kỳ và đồng minh mà các phe phái Afghanistan vẫn chưa thể đoàn kết để chống Taliban một cách hiệu quả thì sự có mặt của Hoa Kỳ thêm một số năm nữa cũng chẳng giải quyết được gì. 

“Quân đội Mỹ không nên được sử dụng như một con bài thương lượng giữa các bên tham chiến ở các quốc gia khác,” ông Biden nói và nhấn mạnh: “Việc quân Mỹ đóng ở Afghanistan không bao giờ có nghĩa là một công việc của nhiều thế hệ. Chúng ta đã bị tấn công. Chúng ta đã ra trận với những mục tiêu rõ ràng. Chúng ta đã hoàn thành được những mục tiêu đó. Và đã đến lúc kết thúc cuộc chiến mãi mãi.” 

Cục diện thế giới đã thay đổi chóng mặt so với thời điểm nước Mỹ bị tấn công ngày 11 Tháng Chín 2001 như tổ chức khủng bố Al Qaeda bị xóa sổ, thủ lĩnh Osama Bin Laden bị tiêu diệt và Afghanistan không còn là một điểm nóng chiến lược của Mỹ. Trong 20 năm Hoa Kỳ sa lầy trong các cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan, Trung Quốc đã nổi lên thành một “đối thủ cạnh tranh chiến lược” toàn cầu, còn Nga thì mở rộng ảnh hưởng ở Đông Âu và Trung Đông. Cục diện thay đổi đó đòi hỏi Hoa Kỳ phải thay đổi chiến lược để đối phó.

Ông Mark Esper, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần bày tỏ ý định của Ngũ Giác Đài “tái bố trí lực lượng” tới vùng châu Á-Thái Bình Dương để đề phòng Trung Quốc. Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ashraf Ghani ở Kabul, Afghanistan hôm 29 Tháng Hai 2020, ngay sau khi ký thỏa thuận hòa bình Doha với Taliban, ông Esper vẫn nhấn mạnh ý tưởng rút quân khỏi Afghanistan để đối phó với Trung Quốc.

Trước đó nữa, Tổng thống Barack Obama năm 2010 cũng có kế hoạch tương tự, rút quân Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan, đề ra chiến lược “xoay trục” (pivot) sang châu Á với bóng ma Trung Quốc trong ý tưởng. Nhưng rồi các tổ chức khủng bố IS và Taliban trỗi dậy, và Mỹ lại phải tập trung lực lượng vào Trung Đông và Afghanistan; cuộc “xoay trục” gần như không thực thi được. Trung Quốc có thêm mười năm quý giá để bành trướng thế lực ở Đông Á, cả về quân sự lẫn kinh tế. 

Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, phương thức tiến hành chiến tranh cũng thay đổi đáng kể, trở nên toàn diện hơn, bao gồm cả kinh tế thương mại, công nghệ và ý thức hệ; cuộc đụng độ trên chiến trường được thay bằng đấu vũ khí công nghệ cao và công nghệ thông tin. Thứ vũ khí đáng sợ nhất hiện nay không phải là những vụ đặt bom xe, tấn công cảm tử vào chỗ đông người của các đạo quân khủng bố bịt mặt mà là những vụ tấn công điện toán được nhà nước bảo trợ từ bên kia đại dương có thể đánh sập những hệ thống hạ tầng thiết yếu nhất của quốc gia. Đối phó với các đối thủ như vậy, không chỉ quân đội mà cả xã hội Mỹ cần chuẩn bị chu đáo và tập trung nguồn lực, không thể tiếp tục phân tán vào các mặt trận nhỏ và rải rác như hiện nay.

Kể lể dài dòng như vậy để thấy, quyết định rút quân khỏi Afghanistan (và Iraq) để tập trung vào Đông Á – với Đài Loan và Biển Đông là điểm nóng – không hẳn là sai lầm mà là một tính toán chiến lược, cũng là chính sách chung, nhất quán của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, cho dù ông Trump hay ông Biden ngồi trong Tòa Bạch Ốc thì cuộc rút quân khỏi Afghanistan vẫn cứ diễn ra.

 

Tại một quán cà phê Internet ở Kabul, người Afghanistan từng cộng tác với Hoa Kỳ chen chúc nộp hồ sơ xin thị thực định cư ở Hoa Kỳ theo chương trình đặc biệt (SIV) để tránh sự trả thù khi Taliban chiếm được quyền lực. Ảnh Paula Bronstein/Getty Images

Cũng như sự kiện Sài Gòn thất thủ năm 1975, sự sụp đổ của Afghanistan là một thất bại đau buồn trong chiến lược của Mỹ, nhưng không có giải pháp nào khác, tốt hơn để chấm dứt chiến tranh tái lập hòa bình ở đất nước tan hoang này. Trong những giờ phút cuối cùng, người Mỹ đã cố gắng để di tản ra khỏi nước hàng chục ngàn người Afghanistan đã từng cộng tác với người Mỹ, tránh cho họ viễn cảnh bị Taliban trả thù tàn bạo như trường hợp hàng trăm ngàn quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa trước kia. Đó có lẽ là việc tốt cuối cùng mà người Mỹ làm được cho người Afghanistan trước khi khép lại một trang sử nhiều máu và nước mắt.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: