Khi người Sài Gòn phải chui rào xuống phố

Hẳn không hề lạ khi nhiều người đồng cảnh ngộ với nhau trong việc chui lỗ, leo hàng rào ngăn cấm để xuống phố trong tình cảnh Sài Gòn thời phong thành. Nhưng với tôi, sau hơn trăm ngày bị nhốt vì dịch cúm Tàu, cái cảm giác chui, leo lại mỗi lúc càng khác lạ đến ngạc nhiên, khi tôi từng bước chân vượt qua khoảng cách vài chục mét từ chung cư mình sống để đến với đường phố.

Tôi xuống đến bậc thang cuối, để được ra đường, việc trước tiên tôi phải vượt qua tiếp cái hàng rào dây giăng với đủ thứ các vật cản cách ly, phong tỏa, tách rời tôi khỏi không gian thành phố và cả thế giới loài người.

Để vượt qua, một con người, một công dân, một người đủ nhận thức về trách nhiệm và bổn phận, phải cố cúi xuống, chui qua cái lỗ mà ngày xưa đám trẻ con như tôi ở nhà quê gọi là chui lỗ chó.

Có rất nhiều người lớn đã phải chui lỗ chó giữa đô thị lớn nhất nước, ngay trong thế kỷ 21, có khác gì đám trẻ con không? Hẳn chẳng khác gì, dù có đưa ra lý do dịch vì bệnh cúm Tàu, phải bảo vệ mình, gia đình, cộng đồng trước sự chết chóc của đại dịch, thì bất cứ ai phải khom lưng, thu người với động tác di chuyển bằng hai tay và đôi chân, chui, leo vượt hàng rào cấm đoán cũng đều ít nhiều cảm thấy mình vừa đánh mất cái thói quen sống và đi bằng hai chân, trong không gian sống tự nhiên, tự hào giữa cộng đồng người lương thiện; đó là chưa kể nhắm mắt quên đi các quyền Tự Do con người căn bản trong thế giới văn minh.

Có thể bạn cho rằng tôi suy nghĩ quá nặng nề, vì hàng loạt hình ảnh, người Sài Gòn, miền Nam chui, leo rào cách ly đăng đầy trên mạng xã hội ảnh hưởng; làm gì mà nghiêm trọng vậy? Chỉ chui qua rào dăng bít bùng xuống phố kiếm thực phẩm để ăn thôi mà?

Vậy là chúng ta đã làm quen với chui lòn và khom lưng, đó là một câu chuyện khác bình thường. nhưng rồi dù sao thì cũng phải chui và chính tôi cũng phải chấp nhận chui rào.

Sau khi vượt rào phong tỏa, tôi đi về phía nghe đồn có cái cửa hàng tiện lợi được phép mở cửa theo tinh thần chế độ gọi là: “Nới lỏng giãn cách, an toàn đến đâu nới lỏng đến đó, chuẩn bị chung sống với dịch”. Cái cửa hàng tiện lợi thương hiệu ngoại quốc ở phố tôi vừa mới mở trở lại, nên sáng trưng sắc màu khuyến dụ chủ nghĩa tiêu thụ. Nó như chưa từng bị đóng cửa vì dịch cúm Tàu. Tôi đẩy cửa kính sáng bóng bước vô, và như một ông sống cả đời ở vùng sâu miền xa lạc hậu, tôi bị choáng ngộp trước các kệ hàng hóa như các bậc thang dẫn lên thiên đường tiêu thụ.

Hơn cả trăm ngày sống trong cái hang phong tỏa thiếu ăn, thèm ăn đến mức nằm mơ cũng thường thấy vô số món ngon đường phố, tiệm quán, nhà hàng… vậy là tôi ngó ngắm, buông thả cho thói quen tiêu thụ làm chủ đầu óc, cảm xúc của một người gần hết cả đời sống ở Sài Gòn, hưởng thụ trong khả năng túi tiền của mình; nhưng kỳ lạ thay đang lúc đói, khát tiêu dùng, tôi lại không chọn được món gì!

Tôi đứng thờ người một lúc rồi như có thế lực xấu điều khiển, tôi nói với cô gái nhân viên bán hàng: Làm ơn cho chú ly cà phê đá. Cô gái thản nhiên bật máy pha cho tôi, trong khi chờ đợi, tôi ngó qua thấy cái lò nướng điện có mấy cây xúc xích. Tôi lại nói: Cho chú thêm cây xúc xích. Cô nhân viên hỏi. Loại có phô-mai hả chú? Tôi gật đầu, cười, chắc là cách cười của tôi giống một đứa bé tham ăn, nên cô gái bán hàng nhìn tôi, cười thông cảm.

Rồi cô ta hỏi: Chú có cần gì thêm không? Tôi lắc đầu, nhưng nghĩ, Tôi cần gì thêm? Phải hơn cả trăm ngày bị nhốt vì lệnh phong thành ở Sài Gòn, tôi mới được hỏi một câu hỏi hay biết bao! Cần gì, thêm gì nhỉ? Ồ, thôi cũng tạm đủ rồi, đủ với chính thứ mà tôi đã mất bấy lâu; nay tôi đang được trả lại không gian đô thị hiện đại phục vụ mọi nhu cầu, những giao tiếp đám ứng thói quen văn minh quen thuộc, vậy là đủ rồi!

Trên đường về lại chúng cư, tôi ghé vô một cái hóc của người bán rau, cải chui. Thật kỳ cục mà cũng thân thương khi một người chui rào cách ly đi mua mớ rau, cọng hành, trái ớt… của người bán chui, nép ở hóc tối, giữa thời đại đủ các loại chuổi hàng hóa cung ứng toàn cầu.

Nếu bạn tin theo lời tuyên truyền của chế độ rằng, sau 46 năm, thu nhập đầu người người Việt Nam, dân Sài Gòn sắp vượt ngưỡng thu nhập trung bình để trở thành dân của xứ phát triển; thì chỉ cần một cơn đại dịch cúm Tàu thách thức, các biện pháp ngăn sông, cấm chợ cực đoan đến ấu trĩ, lập tức thực trạng người dân Sài Gòn, miền Nam thiếu đói rau xanh, đúng là chỉ riêng với các loại rau xanh, trái tươi cũng đủ khiến họ tỉnh mộng, rằng: ký gạo, cọng rau, con cá, chai nước mắm… mới là nhu cầu thật hơn các thứ bánh vẻ, thành tựu kinh tế hàng đầu Đông Nam Á hay đô thị công nghệ thông minh của chế độ cộng sản thị trường đầy tham nhũng đặc lợi đặc quyền…

Ở chỗ bán rau chui, bà bán cũng giăng sợi dây để hạn chế người lại gần. Thấy tôi đứng giữa khoảng cách phòng dịch với các người đến trước tôi. Bà bán rau ngó tôi, nói lớn: Ông cần mua rau gì? Thôi ông khỏi chui vô đây chi để tui mang ra đưa cho.

Câu nói bà bán rau không phải là câu nói hay ho gì, nhưng thật tử tế. Tôi nghĩ và mừng vì mình khỏi phải luồn cúi một lần nữa trong một buổi sáng xuống đường phố thân quen suốt cả đời mình; và mừng hơn là chuyện người Sài Gòn với nhau, dù trong bất cứ hoàn cảnh ác nghiệt nào vẫn không muốn bà con, hàng xóm và bất cứ ai phải khom lưng, sống chui lòn vì nhu cầu sinh tồn, mưu cầu no đủ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: