Những câu nói để đời

Đừng tin những gì cộng sản nói…Minh họa của Dân Làm báo

Một thời gian ngắn sau khi nhiều đường phố Sài Gòn đổi tên, xuất hiện hai câu đối làm cho bất cứ ai khi nghe tới cũng đều trầm trồ tán thưởng. Tán thưởng bởi sự chính xác khi so sánh, ẩn nghĩa của nó có sức mạnh làm cho cả một giai đoạn lịch sử sống lại. Sống lại và nhẹ nhàng chỉ cho công chúng Sài Gòn sự thật đàng sau mỗi cái tên bị đổi:

“Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do”

Phải nói ngay, hai câu đối chỉ thêm hai chữ “tiêu” và “mất” mà nói lên được cả hàm ý mà nó muốn chuyển tải. Công Lý là con đường bắt đầu từ Lăng Cha Cả chạy ngang chùa Vĩnh Nghiêm, Dinh Độc Lập, Dinh Hoa Lan, Phủ Phó Tổng thống, Thương xá Crystal Palace-Tam Đa… Con đường bị đổi tên thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vốn là phong trào của người cộng sản từ thập niên 40 nổi lên chống Pháp và Nhật. Phan Đăng Lưu cùng với Võ Văn Tần là người nảy sinh ra ý tưởng toàn bộ Sài Gòn Gia Định nổi lên đồng khởi. Phan Đăng Lưu ra tới Hà Nội xin chỉ thị và trong khi quay vào Nam thì bị Pháp bắt nhưng vì không kịp thông tin, phong trào Đồng Khởi vẫn được phát động và thất bại nặng nề.

Còn Đồng Khởi?

Tự Do là con đường sang trọng bậc nhất Sài Gòn. Nó mang nhiều dấu ấn lịch sử của thành phố, kể cả trận khủng bố phòng trà Tự Do vào năm 1971. Con đường mang biểu tượng chính trị rõ rệt nhất vì nói tới nó người ta nghĩ ngay đến khách sạn Caravelle nơi tập trung những người làm báo khắp thế giới, Trụ sở Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa nay được gọi là Nhà hát Thành phố, khách sạn Continental, nơi được xem là khách sạn đầu tiên của Sài Gòn đậm nét văn hóa Pháp vẫn còn tới ngày nay.

Vài tháng sau năm 1975, hai chữ Tự Do biến mất mà thay vào đó là Đồng Khởi. Dân chúng Sài Gòn ngơ ngác không biết Đồng Khởi là gì cho tới nhiều tháng sau mới mở mắt ra chứng kiến tại sao Đồng Khởi lên rồi lại mất Tự Do.

Lịch sử công bằng, Phan Đăng Lưu không thỏa được giấc mơ lật đổ người Pháp, sau 1975 ông được Đảng “phân công canh giữ” nhà tù nổi tiếng nhất của Sài Gòn: Trại giam Phan Đăng Lưu, nơi giam giữ hàng trăm văn nghệ sĩ miền Nam và những người bất đồng chính kiến sau này.

Hai câu đối vừa dẫn xứng đáng lưu danh với lịch sử, rất tiếc không ai biết tên tác giả. Mà cần gì, người nghĩ ra nó chắc vẫn âm thầm thỏa mãn vì điều mình nghĩ ra được dân chúng đồng cảm và trên hết nó minh họa được nội dung mà chế độ đã và đang theo đuổi.

Bây giờ thì cả nước đã hiểu ra tại sao người cộng sản lại sợ hai cụm từ Công lý và Tự do đến thế. Công lý còn thì cán bộ đảng viên không thể tự tung tự tác như hôm nay. Tự do nếu có thì dân chúng sẽ triệt tiêu mọi thủ đoạn của Đảng từ trong trứng nước qua quyền được bày tỏ chính kiến và phản biện.

Trước khi hai câu đối này xuất hiện, hai câu khác đã từng xuất hiện trong Nam ngoài Bắc. Câu trong Nam của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”

Còn ở ngoài Bắc chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có một câu được nhiều người cho là hay: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi” Thật ra chỉ 50% là đúng vì vế đầu hơi lấy lệ, bởi Nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam chưa bao giờ là hai cả!

Hai câu này trước 1975 không ai chú ý. Trước 1975 người dân miền Nam chưa biết Cộng sản nên nghe và nhìn những gì Cộng sản nói chỉ áp dụng cho giới nghiên cứu và quân đội, còn đa số dân chúng miền Nam do bị cách ly với người Cộng sàn nên không thể nghe hay thấy được toàn bộ những gì mà họ làm. Còn ngoài Bắc người dân nghe khẩu hiệu đến phát nhàm nên “sông cạn núi mòn” gì họ cũng không chú ý bằng nhu cầu “tem và phiếu”.

Sau 1975 thì câu nói của ông Thiệu trở thành chân lý và cái chân lý ấy được người dân dí dỏm lồng ghép vào câu thứ hai qua khẳng định tuyệt đối của ông Hồ Chí Minh nữa thì thật là hoàn hảo. Hoàn hảo đáng ngạc nhiên. Hãy đọc lại câu này theo cách của người dân:

“Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: