Tôi gọi là tình cũ bởi vì mối tình mà tôi sắp kể cho các bạn nghe bắt đầu từ gần 53 năm trước, năm 1968 tức năm Mậu Thân, năm tôi mười tám tuổi.
Năm 1968, tôi học đệ nhất tại trung học Nguyễn Trãi, trường nằm ở đường Trịnh Minh Thế, quận Tư, bên Khánh Hội, đối diện với kho Năm của bến cảng Sài Gòn. Thông thường, tuổi mười tám là tuổi bắt đầu biết yêu, biết mơ mộng, tương tư một tà áo, một ánh mắt, một nụ cười… Tuy nhiên, thú thật tôi là thằng cả quỷnh, ngoài giờ đến trường, học, ôn bài vở ở nhà, tôi chỉ cắm cúi vào chuyện sơn, cắt, dán mấy chiếc máy bay F-86 Sabre, F-100 Super Sabre, Phantom F-4, Thunderchief F-105… theo các mẫu bằng các vật liệu nhẹ, trong khi các bạn cùng lớp, cùng lứa tuổi hay đảo quanh các thư viện, các trường nữ trung học hoặc trường tư thục có các nữ sinh tìm bạn gái hay còn gọi là đi “cua” đào.
Nhiều đứa trong lớp tôi đã có bạn gái, hẹn hò nhau đi coi xinê ở các rạp Rex, Đại Nam, Casino Sài Gòn hay đi ăn kem Phương Lan, hủ tíu Nam Vang Thanh Xuân, uống nước mía Viễn Đông… Riêng tôi vẫn solo một mình trên chiếc Honda SS-67, thỉnh thoảng có những phim hay, do các tài tử nổi tiếng như Alain Delon, Jean Paul-Belmondo, Charles Bronson… đóng như Le Samurai, Adieu l´Ami…, tôi mới rủ thằng bạn thân nhất là Hải, tục gọi Hải Dưới cùng đi coi cho vui.
Lúc đầu tôi cũng không hiểu tại sao Hải bị gọi là “Hải Dưới”, sau có thằng bạn khác giải thích rằng Việt Nam chỉ có Hải Thượng Lãn Ông là Hải Trên, còn tất cả những ai khác có tên Hải đều là Hải Dưới, nói xong nó ôm bụng cười ngặt nghẽo. Một vài thằng bạn khác ác miệng, thấy tôi hay đi cặp kè với Hải Dưới, gọi chúng tôi là “bóng”. Tuy thế, tôi cũng như Hải thuộc loại ít nói, chịu đựng, mà thế gian thường gọi là đần nên cũng không để ý những lời trêu chọc của bạn bè. Gặp hai đứa tôi đi với nhau ngoài đường phố Sài Gòn, tụi nó cứ hay phá lên cười rồi hỏi tụi tôi có đi xem phim mới ở rạp Vĩnh Lợi chưa? Sau này khi đã có bạn gái rồi tôi mới hiểu ý lũ bạn tinh quái.
Chiến sự tại miền Nam đã bắt đầu gia tăng ở nhiều nơi từ năm 1964, nhưng ở Sài Gòn, nhờ vào sự chiến đấu anh dũng của quân đội VNCH, chúng tôi vẫn bình yên với đời sống học trò. Nhưng rồi mọi chuyện thay đổi khi vào đêm Giao Thừa tết Mậu Thân 1968, quân CSVN vi phạm lệnh hưu chiến ba ngày trong dịp Tết.
Lợi dụng tiếng pháo mừng xuân của đồng bào miền Nam, cộng sản đồng loạt nổ súng ở khắp nơi, tấn công vào các tỉnh, thành phố, quận lỵ, đơn vị trú đóng, đồn, bót của quân lực VNCH, khi một nửa số quân nhân VNCH với thỏa hiệp hưu chiến, được phép về nhà ăn Tết, xum họp với gia đình. Cộng sản cho rằng khi lực lượng chiến đấu chỉ còn một nửa, họ sẽ “ăn gỏi” miền Nam vào lúc đó. Nhưng họ đã tính toán sai lầm khi đánh giá thấp tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân dân miền Nam.
Sài Gòn cũng là một mục tiêu chính của quân cộng sản. Các khu vực Bình Triệu, Cây Quéo, Đồng Ông Cộ, Xóm Mới, Chợ Lớn… chìm trong lửa đạn. Gia đình tôi ở trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, gần ngã ba Nguyễn Minh Chiếu, tương đối bình yên nên đón gia đình bác Hiền, một người bạn của bố tôi từ Xóm Mới tản cư lên. Thế là tôi và Ngọc Dung quen nhau. Gia đình bác Hiền chỉ có ba người – hai vợ chồng bác với Toàn, anh con trai hơn tôi ba tuổi; và Dung. Ngọc Dung kém tôi một tuổi, gọi bác cả Hiền là bác ruột. Gia đình Dung sống ở Nha Trang, gần cầu Xóm Bóng. Dung vào Sài Gòn trọ học, chuẩn bị thi tú tài như tôi. Tuy kém tôi một tuổi nhưng Dung học rất giỏi, làm đơn xin miễn tuổi lúc còn ở Nha Trang, học nhẩy lớp, đậu tú tài 1 ban B hạng ưu. Nhờ học giỏi, nàng xin được vào lớp đệ nhất ở Trưng Vương.
Bố mẹ tôi dành riêng cho gia đình bác Hiền tầng thứ hai trong căn nhà ba tầng mua ít năm về trước, tôi phải dọn lên tầng trên cùng, chỉ có một phòng duy nhất, trước vốn chỉ dùng làm nhà kho. Nhà có ba tầng nhưng chỉ có một nhà bếp, do đó mẹ tôi thường phải nấu ăn sớm để có bếp cho bác Hiền gái nấu sau. Từ ngày có gia đình bác Hiền đến tạm trú, tôi cảm thấy vui hẳn lên. Tôi bớt bận bịu với những chiếc máy bay của mình mà hay lẩn quẩn bên Dung những buổi chiều nàng đi học về, phụ bác Hiền gái nấu cơm.
Dung có khuôn mặt trái soan, da trắng, đẹp thùy mị, đoan trang, nhất là giọng nói thật nhẹ nhàng, êm ái, ít người có. Vì vậy từ hôm Dung đến ở nhà tôi, lúc nào cũng có một vài chiếc xe gắn máy đủ loại từ Honda, Suzuki tới Bridgeston… rề rề theo sau những khi nàng đi học về.
Buổi tối ăn cơm xong, Dung thường lên lầu hai, nơi dành cho gia đình bác Hiền, học bài. Tôi hay kiếm cớ không giải được mấy bài toán lượng giác, đem lên hỏi để được gần gũi nàng. Mỗi lần lên gặp nàng, tôi đều pha hai ly cà phê sữa đá, thứ mà Dung rất thích, một cho tôi, một cho nàng. Có lẽ Dung cũng đoán biết ý đồ (đen tối) của tôi vì những bài toán nhờ nàng giúp, đa số giải dễ dàng, thỉnh thoảng mới có bài thật sự hóc búa. Tuy nhiên nàng không hề phản đối hay tìm cách tránh né những lúc tôi lân la tìm cớ kề cận bên nàng.
Tôi yêu Dung từ những ngày tháng đó. Tin tức chiến sự hàng ngày trên radio, báo chí. Cảnh người dân từ nhiều nơi ở ngoại ô hay các tỉnh lân cận đổ vào thành phố, gồng gánh chạy giặc; những khuôn mặt hớt hãi; những ánh mắt lo âu; những chiếc xe GMC chở đầy lính, trang bị vũ khí, phóng ào ào trên đường; tiếng vần vũ của những chiếc trực thăng Cobra bắn những tràng đạn từ súng minigun mà tiếng nổ rống lên từng tràng như những con bò… Tất cả đều không làm tôi quan tâm.
Hạnh phúc đầu đời trong tình yêu của tôi thật đơn giản. Tôi cảm thấy tâm hồn mình ngây ngất, bay bổng đi đâu những khi được ngồi gần bên Dung, ngửi mùi sà bông Dove thoang thoảng từ người nàng toát ra, nghe giọng nói ngọt ngào, ngắm nụ cười tươi với hàm răng trắng đều và đôi môi đỏ hồng tự nhiên.
Thấm thoắt Dung tạm trú ở nhà tôi được hai tháng. Tình hình chiến sự đã tạm lắng. Cộng quân bị đánh bại khắp nơi. Cuộc tổng công kích tết Mậu Thân của cộng sản hoàn toàn thất bại với số thương vong nặng nề về nhân mạng. Tuy nhiên họ cũng gây được một tiếng vang trên thế giới khiến người dân Mỹ, nhất là những người có thân nhân tham chiến tại Việt Nam bắt đầu lo âu về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Không biết Dung nghĩ thế nào về mình, tôi đem chuyện kể cho Hải Dưới nghe. Hải không đần như tôi. Nó xúi tôi rủ Dung đi chơi, đi coi xinê, nếu nàng đồng ý là coi như em chịu đèn. Tôi làm theo lời Hải. Tối thứ sáu, sau khi vớ vẩn, vờ vịt chuyện học hành một lúc, tôi hỏi Dung:
– Mai em có rảnh không Dung?
Dung nhìn tôi, hơi ngạc nhiên:
– Mai thứ bẩy hả? Có chuyện gì không anh?
– Anh định rủ em đi chơi ngày mai để cám ơn em đã kèm toán cho anh bấy lâu nay.
Dung nhìn tôi mỉm cười, ánh mắt tinh nghịch:
– Em phải cám ơn anh mới đúng. Cám ơn anh đã pha cho em những ly cà phê sữa đá thật ngon, giúp em tỉnh táo học bài tới khuya.
Nói xong Dung cúi mặt, có vẻ suy nghĩ, trong lúc tôi vẫn nhìn nàng chờ đợi vì chưa có câu trả lời rõ ràng đi hay không. Độ chừng một phút sau, khoảng thời gian tôi thấy dài như cả tháng, Dung mới ngẩng lên, gật đầu nhè nhẹ:
– Dạ! Nhưng anh phải xin phép bác Hiền cho em.
Tôi mừng quá, không dằn được chụp lấy bàn tay nàng:
– Cám ơn em! Sáng mai anh sẽ xin phép bác.
Dung để yên tay nàng trong tay tôi vài ba giây rồi ý tứ, nhẹ nhàng rút tay ra khỏi tay tôi:
– Chiều mai từ 2 giờ em có thể đi chơi với anh, nhưng phải về trước 6 giờ để phụ bác em nấu cơm. Bây giờ thì anh có thể đi nghỉ để em học bài tiếp nha.
Tôi đứng dậy, gấp lại mấy quyển sách, lòng rộn niềm vui:
– Mai hai giờ anh chờ em!
Dung nhìn tôi mỉm cười, gật đầu.
Ngày hôm sau trời nắng đẹp. Lúc xin phép, tôi chỉ sợ bác Hiền không cho Dung đi chơi với tôi nhưng không ngờ hai bác chấp thuận ngay, có lẽ cũng do quen biết với cha mẹ tôi đã lâu. Riêng bố mẹ tôi tuy không theo Tây học, cũng không ngăn cấm anh em chúng tôi trong vấn đề giao thiệp với bạn trai gái.
Tôi chở Dung ra Sài Gòn trên chiếc Honda SS-50 màu đen. Ngồi một bên trên xe, nàng rất giữ ý, kê một cái túi đeo vai vải nhỏ giữa tôi và nàng, tay phải đặt nhẹ lên hông tôi chứ không ôm. Dù vậy tôi cũng thấy rất hạnh phúc, sung sướng vì là lần đầu tiên đi chơi với bạn gái.
Sau khi gửi xe, tôi và Dung đi bộ lang thang trên đường Lê Lợi, vào nhà sách Khai Trí coi vớ vẩn vài quyển mới xuất bản, vào tiệm kem Phương Lan giải khát. Ăn kem xong, tôi rủ Dung đi coi xinê. Nàng có vẻ hơi ngần ngại nhưng rồi chiều theo ý tôi, đồng ý vào rạp Rex coi phim The Thomas Crown Affair với hai tài tử Steve McQueen và Faye Dunaway.
Lúc mua vé, Dung nhất định không để tôi trả tiền, viện lý do là tôi đã trả tiền trong tiệm kem Phương Lan. Tôi đành chiều theo ý nàng. Chiều thứ bẩy, phim hay nên rạp khá đông, hai đứa tôi vào rạp lúc đang chiếu quảng cáo, giới thiệu các phim khác. Đứng trong bóng tối, Dung nắm tay kéo tôi sát vào người nàng thì thầm vào tai tôi:
– Đứng đây một chút đi anh! Quen mắt với bóng tối rồi hãy tìm chỗ ngồi.
Sự va chạm nhẹ nhàng giữa hai thân thể, dù qua đôi ba lần vải cùng với mùi xà bông Dove mà Dung hay dùng khiến tôi đê mê, ngây ngất. Tôi nghĩ thầm, có đứng đây với Dung cả tháng cũng được. Mấy phút sau, khi đã quen mắt, thấy ít ghế trống ở hàng trên cùng, tôi nắm tay Dung đi lên. Lúc đặt người xuống, tôi cố ý ngồi sát vào nàng, hai bàn tay vẫn không rời nhau. Dung nhìn tôi, mỉm cười không nói gì, không xích người ra như những lúc ở nhà, luôn có khoảng cách giữa hai đứa.
Ngồi cạnh Dung mà hồn tôi bay bổng nơi đâu, phim diễn tiến thế nào tôi không biết bởi mắt nhìn mà không thấy, tôi mê mải ngụp lặn trong thời gian hạnh phúc bên cạnh Dung. Không biết phim chiếu được bao lâu thì tôi thu hết can đảm, choàng tay phải qua vai Dung kéo nàng vào người. Dung không phản đối, tựa đầu vào vai tôi. Không dằn được cảm xúc, tôi quay mặt định hôn nhẹ lên má nàng thì đúng lúc Dung quay mặt lại, thế là chúng tôi trao nhau nụ hôn đầu đời.
Lúc ra khỏi rạp, Dung cười tinh nghịch hỏi:
– Anh thấy phim hay không?
Tôi cũng cười nheo mắt nhìn nàng:
– Anh không biết! Em thấy hay không?
Dung mỉm cười, mặt đỏ bừng:
– Mai mốt không đi coi xinê với anh nữa!
Tình cảm giữa tôi và Dung tưởng chừng sẽ kéo dài, không ngờ lại chấm dứt nhanh chóng. Cuối tháng tư 1968, khi tình hình Sài Gòn trở lại yên ắng. Cộng quân đã bị đánh bật ra khỏi thành phố, mọi sinh hoạt thành phố đã gần như bình thường, gia đình bác Hiền trở về Xóm Mới.
Buổi tối thứ hai đầu tuần, trước ngày Bác Hiền dọn ra, sau khi học bài, cầm hai ly cà phê sữa đá, lên lầu tìm Dung, thấy nàng loay hoay sắp xếp đồ đạc cá nhân, sách vở cho vào cái va-li, tôi ngạc nhiên hỏi:
– Em làm gì vậy?
Dung cúi mặt trả lời, không ngước nhìn tôi:
– Mai em về lại Xóm Mới!
Tôi bàng hoàng, mải mê trong hạnh phúc, tôi không hề nghĩ đến chuyện lúc nào Dung và gia đình bác Hiền sẽ dọn về lại Xóm Mới khi tình trạng giao tranh chấm dứt trong thành phố. Biết hai vợ chồng bác Hiền đang ngồi nói chuyện với bố mẹ tôi ở salon phòng khách, tôi đặt hai ly cà phê xuống bàn, nơi tôi và Dung hay ngồi cạnh nhau, tiến lại gần, định ôm Dung vào lòng nhưng nàng thấy tôi đến gần đã vội lảng ra xa, nói nhỏ:
– Đừng anh! Hai bác thấy thì chết em!
Chỉ cái ghế nơi tôi thường ngồi, Dung nhẹ nhàng nhưng rất cương quyết:
– Anh ngồi xuống ghế đi! Em cho anh cái này!
Tôi làm theo lời Dung, ngồi xuống khuấy ly cà phê, nhìn nàng chờ đợi. Dung lấy ra một bao thư không dán trong một cuốn sách đưa cho tôi. Mở ra, bên trong bao thư chỉ là một tấm hình bán thân, trắng đen cỡ 6×9 của Dung. Tôi quay nhìn mặt sau của tấm hình, Dung chỉ ghi vỏn vẹn mấy chữ “Thương tặng anh yêu, Ngọc Dung” cùng với ngày tháng, chữ ký của nàng.
Tôi đẩy một ly cà phê về phía Dung:
– Em uống đi!
Dung lắc đầu, cố gắng đè nén cảm xúc, nhưng giọng nói có vẻ hơi run:
– Không! Tối nay em không uống cà phê! Anh về nghỉ đi, mai anh còn đi học. Rảnh anh lên bác Hiền thăm em.
Biết Dung không muốn biểu lộ tình cảm lúc sắp chia tay, tôi lặng lẽ cầm hai ly cà phê đứng lên về phòng mình. Tối hôm đó tôi mất ngủ bởi những hình ảnh chia ly, những nghĩ ngợi xa xôi. Dù biết rằng Phú Nhuận – Xóm Mới chẳng xa gì cho lắm, chỉ 15-20 phút xe gắn máy là tới, tôi vẫn có linh cảm sẽ mất Dung từ hôm đó. Linh cảm của tôi không sai. Ngày hôm sau, thứ ba, lúc đi học về, gia đình bác Hiền đã dọn ra. Chiếc Yamaha-Dame với cái bửng màu xanh dương của Dung không còn. Lầu hai nơi gia đình Bác Hiền và Dung ở thời gian qua đã được dọn dẹp sạch sẽ. Mẹ tôi nói tôi có thể trở về phòng cũ của mình.
Tôi vẫn cố gắng đi học bình thường như trước nhưng tâm trí chỉ nôn nóng, mong mau tới thứ bẩy sẽ xuống Xóm Mới tìm Dung. Sáng thứ bẩy, chưa 8 giờ, ăn vội đĩa bánh cuốn mẹ tôi mua ở đầu chợ Lò Đúc, tôi lấy xe chạy xuống nhà bác Hiền. Hai bác đi vắng, chỉ có anh Toàn ở nhà. Thấy tôi, anh Toàn có vẻ ngạc nhiên, mở cửa hàng rào cho tôi dắt xe vào sân:
– Vào đi Huy! Có chuyện gì quan trọng không? Bố mẹ anh đi vắng rồi.
Thấy chiếc Yamaha của Dung vẫn để trong phòng khách, nghĩ Dung có ở đó, tôi lắc đầu:
– Dạ không! Em chỉ muốn xuống thăm Dung!
Anh Toàn lại tròn mắt nhìn tôi:
– Ủa? Dung không nói gì với em hết sao? Nó về Nha Trang hôm thứ năm rồi. Mẹ nó bệnh nặng không người chăm sóc, có lẽ nó sẽ ở lại, học và thi cử ngoài đó luôn. Tội nghiêp cho nó, Dung là con một, vào đây trọ học vì bố mẹ nó không hòa thuận với nhau, đã li dị ở riêng. Nó thương cả hai người, không muốn làm mất lòng ai, không muốn nhìn thấy những tranh chấp giữa bố mẹ nên mới tìm vào học ở Sài Gòn.
Tôi bàng hoàng cả người mất mấy phút. Những ngày ở nhà tôi, anh Toàn và tôi không nói chuyện nhiều với nhau nhưng có lẽ anh cũng biết tình cảm giữa tôi và Dung. Anh nhìn tôi ái ngại:
– Anh có địa chỉ của Dung ở Nha Trang. Em có cần liên lạc, thư từ gì anh đưa cho.
Tôi cố gắng bình thản để giọng nói không run:
– Dạ thôi! Chắc thế nào Dung cũng viết thư cho em!
Nói xong tôi chào anh, dắt xe ra về lòng thầm nghĩ, nếu Dung yêu và nhớ tôi, Dung sẽ viết thư cho tôi. Tuy nhiên tôi cũng tự trách mình, yêu Dung nhưng tôi hoàn toàn không tìm hiểu, hỏi han, không biết gì về gia đình nàng. Tôi mặc nhiên coi Dung như con bác Hiền. Tôi đúng là một thằng đần.
Những tháng ngày sau đó, tôi cố gắng vùi đầu vào chuyện học hành, gạt bỏ hết mọi chuyện, quên đi hình ảnh của Dung vì ngày thi sắp đến. Cũng may là năm đó, tôi đậu tú tài 2 với hạng bình thứ. Bố mẹ tôi có vẻ hài lòng, muốn lo cho tôi đi du học tự túc ở Canada sau khi tôi thi vào trường kỹ sư Phú Thọ không đậu, nhưng tôi từ chối, tỏ ý không muốn đi ra ngoại quốc. Chính bản thân tôi lúc đó cũng không hiểu rõ lý do tại sao.
Ở lại Sài Gòn, tôi ghi danh SPCN ở Đại học khoa học. Xa mặt thì cách lòng, thật đúng như thế, nỗi buồn vì xa Dung khuây khỏa dần, phần không gặp gỡ, không nhận được thư từ, tin tức gì của Dung, phần chương trình SPCN quá nặng, tôi không còn tâm trí để nghĩ đến chuyện khác. Cuối Tháng Sáu 1968, chính phủ VNCH ban hành lệnh Tổng động viên. Đa số bạn học của tôi, những người sinh năm 1949-1950 không có tú tài 2 đều phải trình diện nhập ngũ vào cuối năm đó.
Tôi học gần hết năm dự bị SPCN thì bạn bè Nguyễn Trãi, nhìn lại chẳng còn gặp được mấy đứa, hầu hết đã nhập ngũ theo lệnh tổng động viên. Đứa đang ở quân trường, đứa đã ra đơn vị, khắp các binh chủng. Mấy thằng còn lại đang rủ rê nhau gia nhập vào không quân, hải quân… với hy vọng được đi Mỹ du học. Khi tin tức chiến sự ngày càng tăng, những cảnh biểu tình của sinh viên với phong trào đòi tự trị đại học bị giật dây bởi đám sinh viên thân cộng khiến tình hình chính trị miền Nam càng lúc càng xáo trộn, rối rắm làm tôi hoang mang và bắt đầu chán chuyện học hành, sách vở.
Một buổi chiều Tháng Sáu, đang nằm nhà chờ kết quả thi viết chứng chỉ SPCN thì Hải Dưới chạy chiếc Honda S-90 màu đỏ, ghé rủ đi nhậu. Tôi theo nó vào trong Chợ Lớn, ngã sáu Nguyễn Tri Phương, đến một quán nhậu nằm trên cái sân trải đá xanh nhỏ tiếp giáp lề đường, sát ngang hông tường một trường học Tàu. Hai thằng làm hết sáu lon bia Budweiser, bốn hột vịt lộn và mấy thau nghêu với bánh tráng nướng. Lúc sương sương rồi, Hải cho tôi biết nó rủ tôi đi nhậu để từ giã. Nó đã nhận được giấy báo thứ hai tới nhập ngũ theo học khóa 21 sĩ quan hải quân Nha Trang, đơn tình nguyện nộp từ mấy tháng trước, thủ tục khám sức khỏe đã xong.
Vậy là thằng bạn thân nhất cũng sắp xa tôi. Hải cũng cho biết không quân đang tuyển sĩ quan phi hành và không phi hành, khuyên tôi nên kiếm đường binh trước cho ngon lành, chờ tới lúc có giấy gọi trình diện thì chỉ có nước vào Trường Bộ binh Thủ Đức. Mấy ngày sau, giấu bố mẹ, theo lời Hải, tôi đến cổng Phi Long, phi trường Tân Sơn Nhất, xin mẫu đơn gia nhập không quân rồi lặng lẽ điền đơn, chụp hình, photocopy bằng tú tài 2, giấy khai sanh, thẻ căn cước… đem nộp thẳng tại văn phòng tuyển mộ.
Ước nguyện tôi ghi trong đơn là mong muốn trở thành phi công khu trục tức chiến đấu cơ. Ước muốn này trước đây thỉnh thoảng cũng hiện lên trong suy nghĩ của tôi nhưng không mãnh liệt cho lắm. Đến lúc nhận được giấy báo đi khám sức khỏe của ban tuyển mộ tôi mới cho bố mẹ tôi biết. Có lẽ biết rằng dù tôi có tiếp tục học nữa thì trước sau cũng phải đi lính, bởi tôi đã có hai anh trai du học ngoại quốc nên tôi được hoãn dịch chỉ vì lý do học vấn. Do vậy, bố mẹ tôi cũng không phản đối, la rầy.
Khám sức khỏe xong. Kết quả tốt, Tháng Tám năm 1969 tôi được đưa đi học quân sự giai đoạn một, tám tuần lễ ở trung tấm huấn luyện Quang Trung. Hết giai đoạn một, được mấy ngày phép về nhà chờ đi học giai đoạn hai, tôi nhận được thư của Dung từ Mỹ gửi về. Lá thư khiến tôi ngỡ ngàng không tin được mắt mình. Dung không viết nhiều, chỉ vắn tắt cho biết, sau khi về Nha Trang được hai tuần thì mẹ nàng chết. Không còn phải thấy cảnh lục đục giữa bố mẹ, nàng về sống với bố và thi đậu tú tài 2 tại Nha Trang với hạng tối ưu. Với hai bằng tú tài ưu hạng, Dung được một học bổng qua Mỹ học về điện tử và lên đường vào cuối Tháng Tám năm ngoái.
Đau buồn vì tang mẹ và không muốn để tình cảm nam nữ chi phối, ảnh hưởng chuyện học hành khi hai người ở cách xa nhau, đồng thời tránh cảnh buồn bã lúc chia tay chưa biết bao giờ gặp lại, Dung quyết định không gặp tôi trước khi đi Mỹ. Hơn một năm sau khi thấy lòng đã bình yên, nàng mới viết thư cho tôi, chúc mọi sự tốt đẹp và khuyên tôi nên quên nàng đi. Bên ngoài bao thư có tên người gửi, thành phố nhưng không có số nhà, tên đường, số vùng. Tôi gấp lá thư lại, nhét vào một cuốn sách. Một cảm giác bâng khuâng, trống vắng lẫn tiếc nuối len vào người, kéo dài cả mấy ngày sau đó. Khi vào quân trường Thủ Đức với tám tuần lễ huấn nhục, cảm giác đó mới chấm dứt. Gần hết giai đoạn hai quân sự, tôi được rút về Bộ Tư Lệnh Không Quân trước khi Thủ Đức mãn khóa.
Những năm tháng sau đó, học Anh ngữ, đi Mỹ học bay, ra đơn vị, rồi hành quân liên tục với những ngày bay bổng có khi tới tám tiếng đồng hồ trên phi cơ…, tôi bị cuộc sống cuốn hút đi. Những mối tình vụn vặt, ngắn ngủi với những người đàn bà gặp gỡ ở các phi trường, căn cứ đóng quân không để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Trong khi đó, hình ảnh của Dung cũng mờ nhạt dần trong tâm trí. Tôi hầu như quên bẵng mối tình đầu.
Tháng Tư 1975, tôi bị kẹt lại không di tản kịp khi cộng sản chiếm miền Nam. Đi tù gần năm năm, trở về được ít tháng, bố mẹ tôi tìm đường cho tôi vượt biên. May mắn tàu tôi tới Thái Lan không bị hải tặc. Nằm trên đảo chưa tới sáu tháng, với những giấy tờ, bằng cấp còn giữ, tôi nhanh chóng được định cư ở Mỹ.
Năm 2005, một buổi chiều khoảng 4-5 giờ, gần tan sở nhưng tôi còn đang làm việc, con gái tôi lúc đó 15 tuổi, gọi điện thoại nói tôi về nhà chở nó đi bác sĩ gấp, cả người nó bị nổi allergy đỏ và ngứa không chịu nổi. Tôi phải bỏ dở công việc, lái xe ngay về nhà. Trong lúc lái xe, dùng GPS kiếm bác sĩ da và allergist, thấy tên Dr. Nancy Luong chỉ cách nhà khoảng 3 miles, tôi liền gọi điện thoại báo trước. Lúc làm thủ tục nhận bệnh nhân ở quầy reception, thấy tấm bằng chuyên khoa allergology ghi Luong Ngoc Dung Nancy treo trên tường, dù biết tên họ trùng là chuyện bình thường, nhưng tôi vẫn có cảm giác nôn nao kỳ lạ, muốn gặp ngay người bác sĩ này.
Chờ khoảng 30 phút con gái tôi được gọi vào khám. Cánh cửa phòng khám vừa mở ra, nhìn vào trong, tôi nhận ra ngay người nữ bác sĩ tên Nancy Lương chính là Ngọc Dung của tôi ngày trước, dù thời gian đã làm khuôn mặt nàng già đi rất nhiều. Tuy nhiên tôi yên lặng, không lộ cử chỉ khác lạ để tỏ vẻ quen biết nàng. Không biết Dung có nhận ra tôi không?
Trời ơi! 37 năm tôi mới nghe lại giọng nói của Dung, hơi khàn đi theo thời gian những vẫn ngọt ngào như ngày nào khi nghe nàng khám, hỏi bệnh con gái tôi. Cử chỉ của Dung, từ vạch áo coi những chỗ nổi mề đay, mẩn đỏ trên da, hỏi từng chi tiết rõ ràng, trước khi bị allergy ăn uống thứ gì, đến đo huyết áp, chích cho nó một mũi cortisone đều rất dịu dàng, từ tốn.
Khi xong mọi chuyện, trao cho con gái tôi một vỉ thuốc antihistamine, Dung mới quay sang nhìn tôi, mỉm cười:
– Con gái anh Huy hả? Cháu đẹp quá! Giống anh ghê. Anh để cháu nằm đây độ một giờ để em coi cháu có bị nặng hơn không? Anh ngồi đây với cháu chờ em một chút. Em còn hai người khách nữa, khám xong em sẽ nói chuyện với anh. Nói xong nàng đi qua phòng khám bên cạnh bằng một cánh cửa thông nhau.
Đến lúc đó tôi mới biết Dung cũng đã nhận ra mình sau 37 năm dài không gặp lại. Con gái tôi cũng ngạc nhiên khi thấy Dung biết tên tôi. Nó hỏi tôi:
– Bố quen bà bác sĩ này hả?
Tôi gật đầu cười, thì thầm vào tai nó. Nó tròn mắt nhìn tôi:
– Really?
Nói nửa tiếng nhưng cũng phải 40 phút sau Dung mới quay lại với bố con tôi. Vạch áo nhìn lưng, bụng, khám lại cho con gái tôi thêm lần nữa Dung nói:
– Bớt sưng, bớt đỏ nhiều rồi đó cháu! Không có gì phải lo nữa. Cháu bị bệnh này gọi là contact allergy. Cháu còn thấy ngứa không? Nhớ đừng có ăn tôm, cua, đồ biển hay rờ, chạm vào những thứ đó nữa nghe cháu. Vỉ thuốc cô đưa hồi nãy, về nhà thấy ngứa uống ngay một viên nghe, không ngứa thì thôi.
Con gái tôi lắc đầu:
– Dạ! Bớt nhiều lắm rồi cô!
Đến lúc đó Dung mới quay sang tôi:
– Anh qua đây lâu chưa?
Thấy tôi nhìn đồng hồ, Dung hiểu ý:
– Đã 7 giờ hơn, em cho thư ký đóng cửa phòng mạch rồi. Giờ mình có thể nói chuyện với nhau. Thường em đóng cửa phòng mạch lúc 6 giờ. Hôm nay có thêm cháu với hai bệnh nhân nữa nên mới đóng trễ đó.
Thấy tôi và Dung gọi nhau bằng anh em, con gái tôi tế nhị đứng lên:
– Cháu ra ngoài phòng chờ nghe cô!
Dung gật đầu, con gái tôi liền bước ra ngoài, lịch sự khép của phòng khám lại. Chúng tôi ngồi đối diện với nhau, nhìn nhau im lặng thật lâu, mãi lúc sau tôi mới lên tiếng:
– Nhanh quá Dung nhỉ, mới đây mà đã 37 năm rồi. Anh không ngờ gặp lại em. Lúc mới vào phòng mạch, thấy tên em, anh có cảm giác nôn nao lạ lùng lắm dù biết rằng tên họ giống nhau rất nhiều. Hơn nữa hồi em đi du học, anh nhớ rằng em nói đang học về điện tử.
Dung gật đầu:
– Em học điện tử hai năm đầu, năm thứ ba mới đổi sang y khoa. Em đổi sang y khoa cũng có nguyên nhân, để hôm nào rảnh em kể anh nghe.
Thấy cả hai bàn tay Dung không đeo nhẫn, tôi hỏi:
– Gia đình em ra sao? Em được mấy cháu?
Dung nhìn tôi lắc đầu, nhìn lên cái đồng hồ digital treo trên tường có cả ngày tháng rồi mới nói:
– Em có một đời chồng người Mỹ, cũng là bác sĩ, anh ấy chết cách đây năm năm hơn rồi. Em không có đứa con nào hết. Hiện em sống một mình, nhiều lúc cũng thấy trống vắng, buồn dễ sợ, nhất là những ngày cuối tuần hay ngày lễ. Ngày thường công việc của bác sĩ cũng bận rộn nhiều, do đó nhiều lúc em thấy sợ cuối tuần lắm.
Lòng tôi chợt rộn lên một niềm vui khi nghe Dung nói vậy. Tôi mỉm cười nhìn nàng âu yếm. Thấy ánh mắt và nụ cười của tôi, Dung ngạc nhiên:
– Đời em buồn quá, có gì đáng cho anh cười?
Tôi lắc đầu, xoay xoay hai bàn tay trước mặt nàng. Dung chợt hiểu:
– Anh ly dị vợ hả? Bao lâu rồi?
Tôi gật đầu:
– Cách đây hai năm. Anh có hai đứa con, con trai lớn hiện là sĩ quan cảnh sát ở Chicago, còn con Jennifer đang sống với mẹ nó. Chỉ lúc nào cần gì như đưa đi bác sĩ bất ngờ như hôm nay nó mới gọi cho anh hoặc anh muốn đưa nó đi chơi đâu thì phải gọi hay plan cho nó biết trước. Anh cũng đang sống một mình.
Tôi thấy mắt Dung sáng lên một niềm vui. Nàng cười nhẹ:
– Vậy anh có định rủ em đi ăn kem Phương Lan ngày thứ bẩy này không?
Tôi lắc đầu:
– Không! Anh chỉ muốn rủ em đi coi phim The Thomas Crown Affair mới được quay lại năm 1999 với Pierce Brosnan và Rene Russo đóng vai chính, nhưng không biết rạp nào chiếu và cũng không biết em còn chịu vào xinê với anh nữa không? Tuy nhiên nếu em thích, mỗi ngày anh sẽ pha cho em một ly cà phê sữa đá.
Cả hai chúng tôi cùng cười nhìn nhau âu yếm.