Một bồi thẩm đoàn ở Boston nhận định nhà khoa học Charles Lieber của Đại học Harvard phạm tội khai báo gian dối với chính quyền liên bang về sự tham gia của ông vào chương trình Ngàn Tài Năng của Trung Quốc.
Charles Lieber là nhà khoa học hàng đầu của nước Mỹ, từng lãnh đạo khoa hóa học của trường Đại học Harvard. Sự kiện ông bị Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt giữ ngày 28 Tháng Một 2020, với cáo buộc đã nói dối việc nhận hàng triệu đô la tài trợ từ Trung Quốc đã gây chấn động giới khoa bảng và xã hội Mỹ nói chung.
Một ngôi sao khoa học vụt tắt
Hôm Thứ Ba 21 Tháng Mười Hai 2021, sau cuộc nghị án dài hai giờ 45 phút, Bồi thẩm đoàn liên bang tại Boston xác định tiến sĩ Charles Lieber phạm hai tội danh: Một là, khai báo sai sự thực với chính phủ Hoa Kỳ về việc ông tham gia chương trình Ngàn Tài Năng – một chương trình của Trung Quốc nhằm thu hút các nhà khoa học được đào tạo ở nước ngoài làm việc cho Trung Quốc; và hai là, không kê khai thu nhập nhận được ở Trung Quốc và không báo cáo về trương mục ngân hàng ở Trung Quốc. Hai tội danh này có mức án tối đa khoảng năm năm tù giam; và tiến sĩ Lieber đang bị bệnh ung thư. Suốt phiên tòa kéo dài sáu ngày vừa qua, ông ngồi bất động và không nói tiếng nào.
Theo các đồng nghiệp, tiến sĩ Charles Lieber là một nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực công nghệ nano trong hóa học; các công trình nghiên cứu của ông nhắm phát minh ra các cỗ máy điện tử siêu nhỏ có thể cấy ghép vào các bộ phận cơ thể người như não bộ hoặc tròng mắt, và dẫn tới các thành quả đột phá về y học sinh điện tử, giúp khôi phục thị lực của người mù hoặc vận động các chi bị bại liệt. Tại Harvard, ông là Chủ nhiệm khoa hóa học, khoa hóa sinh và được cho là người có tiềm năng nhận được giải Nobel Khoa học.
Từ năm 2008, phòng thí nghiệm của ông tại Đại học Harvard đã nhận được khoảng $18 triệu tài trợ nghiên cứu từ Bộ Quốc phòng và Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health – NIH).
Miếng mồi Trung Quốc
Nhưng đến năm 2011, tiến sĩ Lieber đã khởi sự liên doanh với Đại học Công nghệ Vũ Hán (Wuhan University of Technology – WUT), một trường đại học ở Trung Quốc mà một học trò cũ của ông tham gia điều hành. Một bản hợp đồng có thời hạn ba năm gửi cho ông qua thư điện tử năm 2012, mà các công tố viên thu được và trình ra bồi thẩm đoàn, xác định tiến sĩ Charles Lieber là một “Chuyên gia Nước ngoài Cấp cao của Một Ngàn Tài Năng”, ấn định mức lương tháng của ông là $50,000, cộng với $150,000 phụ cấp sinh hoạt và hơn $1.5 triệu để lập một phòng thí nghiệm mà hợp đồng gọi là WUT-Harvard Joint Nano Key Laboratory.
Về phần mình, ông Lieber phải làm việc cho WUT ít nhất chín tháng mỗi năm, trong việc “công bố các dự án hợp tác quốc tế, ươm tạo các nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh tiến sĩ, tổ chức các hội nghị quốc tế, đăng ký các phát minh sáng chế và xuất bản các bài báo nghiên cứu dưới tên của trường đại học Trung Quốc,” bản cáo trạng cho biết. Theo hợp đồng dẫn trên, ông Lieber có nhiệm vụ “dẫn dắt các dự án (chủ chốt) quan trọng của quốc gia… đáp ứng những yêu cầu phát triển chiến lược quốc gia của Trung Quốc, hoặc đứng ở vị trí hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc tế.”
Việc các nhà khoa học tham gia các chương trình nghiên cứu ở nước ngoài, kể cả chương trình của Trung Quốc, không bị coi là hành vi phạm tội; nhưng họ phải khai báo sự tham gia các chương trình này với chính phủ Hoa Kỳ, là nơi cung cấp ngân sách cho các nghiên cứu của họ, và phải tránh sự xung đột lợi ích, đề phòng chuyện nhà khoa học sử dụng ngân sách nghiên cứu do chính phủ Mỹ tài trợ rồi đem kết quả nghiên cứu phục vụ cho lợi ích của nước khác.
Cuộc truy lùng của Mỹ
Năm 2018, chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu một nỗ lực gọi là Sáng kiến Trung Quốc (China Initiative) với mục tiêu nhổ bật những nhà khoa học bị nghi ngờ chia sẻ các thông tin nhạy cảm với Trung Quốc; ngăn không cho chính phủ Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại Mỹ và tiến hành các hành vi gián điệp khác. Trong số các nhà khoa học bị bắt hoặc điều tra trong Sáng kiến Trung Quốc, cho đến nay tiến sĩ Charles Lieber là khuôn mặt nổi bật nhất và không phải là người gốc Hoa.
Các điều tra viên của Bộ Quốc phòng và NIH tiếp cận ông Lieber năm 2018 và hỏi ông có tham gia chương trình Ngàn Tài Năng của Trung Quốc hay không. Ông Lieber đã phủ nhận cả chuyện tham gia vào chương trình, lẫn chuyện ông nhận tiền từ Đại học Công nghệ Vũ Hán.
Nhưng sau khi các điều tra viên đưa ra hàng loạt tài liệu, kể cả các hợp đồng mà ông đã ký trong các năm 2011, 2012, ông Liebert đã phải thừa nhận. Ông sau đó đã khai báo chi tiết các giao dịch tài chính của ông với Đại học Công nghệ Vũ Hán: Một phần tiền lương tháng của ông được gửi vào một trương mục ngân hàng ở Trung Quốc; phần còn lại – mà ông đoán khoảng từ $50,000 đến $100,000 – được trả bằng những đồng tiền $100 mà ông cất vào hành lý và mang về Mỹ. “Họ đưa cho tôi cái gói, bọc giấy màu nâu có vài chữ Trung Quốc trên đó. Tôi ném nó vào va li”, ông Lieber nói. Sau khi về Mỹ “Tôi đã không khai báo, và đó là không hợp pháp”, ông thừa nhận.
Trong các lời khai của mình, tiến sĩ Lieber thừa nhận, trường đại học Trung Quốc đã dùng tiền bạc để quyến rũ người khác. Nhưng với ông, tiền không phải là yếu tố chính. Ông cho rằng, góp phần đào tạo các nhà khoa học trẻ sử dụng công nghệ mà ông đã tiên phong là cách thức để ông xây dựng danh tiếng, gây ảnh hưởng với các ủy ban xét duyệt các giải thưởng khoa học, có thể là giải Nobel.
Ông Joseph Bonavolonta, phụ trách bộ phận FBI tại Boston nói “Ông Lieber đã lợi dung sự cởi mở và minh bạch của hệ thống học thuật Hoa Kỳ. FBI sẽ không ngần ngại làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật để tập trung vào những ai đặt lợi ích nghề nghiệp và lợi ích tài chính của họ lên trên sự phồn thịnh kinh tế của đất nước”, theo trích dẫn của báo The New York Times.
Bầu không khí lo sợ
Tuy nhiên, ông Lieber, cũng như nhiều vụ điều tra các nhà nghiên cứu khác, đã không bị truy tố tội gián điệp hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ. Họ chỉ bị cáo buộc tội không khai báo nguồn tài trợ từ Trung Quốc; và do vậy, nhiều người cho rằng truy tố và xử tội hình sự các nhà khoa học vì những “lỗi khai báo” là hành động quá đáng của các công tố viên và lẽ ra họ chỉ nên bị xử lý hành chánh trong phạm vi trường đại học.
Trong ba năm qua, nỗ lực Sáng kiến Trung Quốc của FBI đã điều tra 12 trường hợp liên quan tới các giáo sư, nhà nghiên cứu của các trường đại học Mỹ, phần lớn là người gốc Hoa, nhưng không trường hợp nào bị buộc tội gián điệp hoặc ăn cắp tài sản trí tuệ, mà hầu hết chỉ là khai báo gian dối với FBI hoặc che giấu mối quan hệ với Trung Quốc – một lỗi lầm mà theo giáo sư Brian Timko, học trò cũ của giáo sư Lieber và hiện là Trưởng khoa của Đại học Tufts, là chuyện có thể xử lý ở cấp trường đại học thay vì hình sự hóa và truy tố ra tòa.
Trong mùa Hè vừa qua, FBI đã phải hủy bỏ khoảng nửa tá trường hợp điều tra các nhà khoa học. Vụ án nhà nghiên cứu Hồ An Minh (Anming Hu), một người gốc Hoa, giáo sư Đại học Tennessee ở thành phố Knoxville, đã kết thúc bằng phán quyết ông Hồ trắng án. Phiên tòa xử tiến sĩ Lieber được giới khoa học và nghiên cứu theo dõi sát vì người ta muốn biết Bộ Tư pháp có tiếp tục truy tố các nhà nghiên cứu khác về tội không khai báo mối quan hệ làm việc với Trung Quốc hay không.
Một trường hợp nổi bật khác chưa được đưa ra xét xử nhưng thu hút sự quan tâm của giới khoa học là giáo sư Trần Cương (Gang Chen), khoa kỹ thuật cơ khí Học viện Công nghệ Massachusetts. Ông Trần là người gốc Hoa, bị bắt vào Tháng Một 2021 vì bị nghi ngờ che giấu mối quan hệ với các tổ chức của chính phủ Trung Quốc để nhận được $19 triệu tài trợ nghiên cứu của chính phủ liên bang Hoa Kỳ.
Những vụ bắt bớ và điều tra như vậy làm dấy lên làn sóng lo âu, sợ sệt ở các trường đại học và viện nghiên cứu, đặc biệt là với các học giả gốc Hoa; ai cũng sợ bị theo dõi, bị cáo buộc làm gián điệp. Nhưng khi nước Mỹ săn lùng gián điệp Trung Quốc, nhiều nhà khoa học cảnh báo sẽ có những hiệu ứng “chảy máu chất xám”, khi nhiều nhà khoa học gốc Hoa trở về quê hương, gây tổn hại cho Mỹ và có lợi cho Bắc Kinh.
Lo ngại trước tác động tiêu cực của việc săn lùng gián điệp Trung Quốc trong hệ thống đại học và viện nghiên cứu, gần 2,000 học giả tại các trường đại học lớn như Đại học Stanford, California-Berkeley và Princeton đã ký thư ngỏ gửi Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bày tỏ lo ngại về Sáng kiến Trung Quốc và thúc giục chấm dứt chương trình.
Vẫn là bài toán khó
Trung Quốc nổi tiếng thế giới về các chương trình, thủ đoạn gián điệp và đánh cắp bí mật công nghệ, bí mật thương mại bằng mọi cách. Gần đây Bắc Kinh đẩy mạnh việc sử dụng các “nhân tố phi truyền thống” là các giáo sư, học giả và sinh viên Trung Quốc – những người không phải là nhân viên tình báo nhưng có quyền tiếp cận các tài liệu nhạy cảm hoặc bí mật thông qua công việc nghiên cứu, học tập của họ; từ đó đóng góp vào việc phát triển các công nghệ mũi nhọn trong chiến lược trỗi dậy về khoa học và công nghệ của Trung Quốc.
“Hóa học, công nghệ nano, nghiên cứu chất tổng hợp polymer, robotics, khoa học máy tính, nghiên cứu y sinh học – đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên,” ông Andrew Lelling, Công tố liên bang ở Boston, nói khi đề cập tới các ngành khoa học đang trở thành mục tiêu do thám của Trung Quốc. “Đây chỉ là một mẩu nhỏ của một chiến dịch mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm biển thủ công nghệ và bí quyết của Hoa Kỳ để làm lợi cho Trung Quốc.”
Đối phó như thế nào với các thủ đoạn giấu mặt của Trung Quốc không phải là chuyện đơn giản. Làm thế nào để tìm ra được đâu là nhà khoa học tử tế và đâu là gián điệp khoác áo khoa học gia đang rình rập và ăn cắp để phục vụ cho sự lớn mạnh hơn của Trung Quốc là một thách thức lớn chưa có câu trả lời xác đáng.
Phiên tòa xử tiến sĩ Charles Lieber ở Boston đã kết thúc nhưng bản án chưa được tuyên và cũng chưa ấn định ngày tuyên án. Có thể Bộ Tư pháp và tòa án cảm thấy khó xử, và đang cân nhắc tìm một hướng xử lý sao cho vừa đủ nghiêm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa nhẹ nhàng để không gây lo ngại và hoảng sợ trong cộng đồng khoa học quốc gia.
Tham khảo The New York Times
Đọc thêm: