Hai chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Kentucky Fried Chicken (KFC) và Chipotle vừa quyết định mở rộng quy mô cung cấp các sản phẩm có nguồn gốc thực vật trên toàn quốc. Nhưng họ không phải là người cuối cùng cho thực khách thêm những chọn lựa mới. Thông báo của hai chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh được đưa ra trong bối cảnh thị trường các loại thịt thay thế dựa trên thực vật đang chuyển động tích cực, một dấu hiệu cho thấy thịt thay thế bắt đầu có chỗ đứng vững chắc để phát triển.
Thăm dò trên toàn quốc trong thời gian ấn định
Món thịt gà chế biến từ thực vật của KFC, do công ty Beyond Meat phát triển, đã có mặt trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 10 Tháng Một. Trong khi Chipotle thông báo món thịt chorizo dựa trên thực vật của họ cũng đã có mặt tại tất cả các nhà hàng ở Mỹ.
Cả hai công ty cho biết, trước mắt các tùy chọn dựa trên thực vật chỉ có sẵn trong một thời gian giới hạn để thử thị hiếu của người tiêu dùng. “Thông điệp của chúng tôi thật đơn giản, phục vụ món Gà rán Kentucky nổi tiếng thế giới làm từ thực vật thay vì thịt gà – Chủ tịch KFC Kevin Hochman nhấn mạnh trong một tuyên bố – Quyết định mở rộng ra toàn quốc là dựa vào phản hồi tích cực của chiến dịch ‘Beyond Fried Chicken’ thịt thực vật phát động từ năm 2019 ở quy mô nhỏ”.
Các thông báo của hai chuỗi cửa hàng được đưa ra trong bối cảnh các loại thịt thay thế dựa trên thực vật đang trở thành lựa chọn ngày càng nhiều của thực khách tại các nhà hàng và cửa hàng thực phẩm. Một chuyên gia dinh dưỡng nhận định: “Không có gì ngạc nhiên khi các công ty thức ăn nhanh muốn nắm bắt xu hướng mới. Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn lựa protein thực vật và thịt thực vật không còn hiếm như trước với nhiều loại khác nhau. Sắp tới chúng ta sẽ thấy, nhiều chuỗi thức ăn nhanh và nhà hàng sẽ tiếp tục nối gót KFC và tung ra các sản phẩm làm từ thực vật của riêng họ”.
Khi giá thực phẩm ăn nhanh tăng, thịt thay thế rẻ hơn sẽ bán được nhiều hơn bánh mì kẹp thịt động vật Big Meat. Sean Cash, chuyên gia kinh tế của Trường Khoa học và Chính sách Dinh dưỡng tại Đại học Tufts, nhận xét: “Việc một công ty thức ăn nhanh quyết định đi theo xu hướng này không còn là điều lạ nữa vì thịt thực vật đã trở thành một xu hướng chủ đạo trong ẩm thực, thậm chí là cần thiết đối với những người có ý thức giữ gìn sức khoẻ và muốn có một trái tim lành mạnh”.
Dĩ nhiên, giá rẻ cũng là một điều kiện ảnh hưởng đến tăng nhu cầu và sự có sẵn của các loại protein nguồn gốc thực vật. Cash giải thích: “Đại dịch buộc nhiều người phải mua sắm trực tuyến và ăn uống ở nhà hơn. Các cửa hàng cũng tăng cường những sản phẩm thay thế thịt động vật cho khách có nhiều lựa chọn hơn. Ngoài ra, những trục trặc trong chuỗi cung ứng các loại thịt động vật truyền thống cũng thúc đẩy người tiêu dùng thử các lựa chọn thay thế. Họ cũng có ý thức tốt hơn về tác động xấu đến môi trường của các sản phẩm làm từ động vật”.
Marion Nestle, Giáo sư danh dự về dinh dưỡng, thực phẩm và sức khỏe cộng đồng tại Đại học New York viết trong email gửi tờ The Washington Post: “Các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và cửa hàng thực phẩm hiện đang nhắm mục tiêu đến thành phần dân số dù còn tương đối nhỏ nhưng đang tăng nhanh. Đó là những người quan tâm đến các loại protein thay thế cho thịt, vốn được xem là gây hại cho sức khỏe và môi trường. Trên tinh thần đó, các công ty cung ứng thức ăn nhanh và cửa hàng thực phẩm phải hiểu rõ hơn ai hết là đang có một nhu cầu lớn về thịt thực vật và họ phải đưa thêm những chọn lựa thay thế vào cửa hàng của mình”.
Và sẽ giữ vĩnh viễn trên thực đơn nếu không ảnh hưởng đến doanh thu
Theo Cash, một “thương hiệu đam mê” như KFC không thể chậm chân trước trào lưu mới. “Công ty đã mở chiến dịch thử nghiệm đón đầu thăm dò phản ứng của thực khách để không đánh mất một thành phần tiêu dùng đầy tiềm năng, trong đó có cả những người phản đối thức ăn nhanh với lý do không tốt cho sức khoẻ. Nói rõ hơn, khi đưa thịt thực vật vào trong thực đơn, KFC đã vượt qua một ‘cuộc bỏ phiếu phủ quyết’ trong thời đại bảo vệ môi trường và an sinh thú vật – ông nói – Giả sử ai đó đưa con cái đến một cửa hàng ăn nhanh, nếu cửa hàng không có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu cho mọi người, nó sẽ lúng túng”.
Đối với Chipotle, việc tăng cường cung cấp thịt thực vật chỉ là mở rộng chiến thuật đa dạng nguồn cung mà công ty đã và đang làm. Chipotle khẳng định thịt chorizo thực vật của nó là “protein thuần chay thứ hai trên thị trường Mỹ”. Trong tuyên bố gửi cho tờ The Post, KFC cũng khẳng định đang nhắm mục tiêu vào những người ăn chay và những người không ăn chay nhưng muốn giảm lượng protein động vật trong chế độ ăn của họ.
Chris Brandt, Giám đốc tiếp thị của Chipotle nói về tương lai: “Xu hướng sống thiên về thực vật ngày càng phổ biến đã buộc chúng tôi phải tìm cách đa dạng hơn chọn lựa cho những người không thịt hoàn toàn và những khách hàng tò mò muốn thử lần đầu protein thực vật trước khi điều chỉnh chế độ ăn”.
Nestle lạc quan nói: “Lấy ví dụ, một nhóm khách đến nhà hàng và một người chọn món thịt thực vật. Một vài người khác tò mò nếm thử và kêu lên ‘Hương vị quá tốt, ăn khá ngon’. Tôi tin chắc sẽ có thêm nhiều người khác nếm thử ở lần sau”.
Cả hai chuỗi cửa hàng đều tuyên bố: “Dù các sản phẩm mới thịt thực vật chỉ được cung cấp trong thời gian giới hạn, nhưng chúng tôi sẽ tuỳ theo kết quả để xem có thể mở rộng thời gian hay giữ vĩnh viễn thịt thực vật trên thực đơn chính thức”.
Cash lưu ý: “Chắc chắn quyết định đa dạng chọn lựa không chỉ có ở KFC và Chipotle mà sẽ còn nhiều người noi theo. Càng nhiều chuỗi cửa hàng và nhà hàng tham gia, cơ hội của thịt thực vật càng lớn”.
ĐỌC THÊM:
Cuộc chiến thịt thật và thịt… giả!
Công nghiệp fastfood “thịt” thực vật lên ngôi
Giá thịt ở thị trường Mỹ sẽ đắt hơn, tất cả tại… California!