Năm cọp nói chuyện hổ vậy. Thời gian gần đây, giới “giang hồ mạng” cũng như ngoài đời thường có câu nửa đùa nửa thật rằng: “Đừng có mà ‘hổ báo’ với tôi nhé”, ý muốn nói “đừng có mà tinh tướng”, “ra vẻ hùng hổ làm… bố thiên hạ”… Về chữ nghĩa, “hùng hổ” nên được giải thích như thế nào?
Nhiều nhà biên soạn từ điển xếp hùng hổ vào diện “từ láy”. Ví dụ Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học-Hoàng Văn Hành chủ biên): “HÙNG HỔ tt. Tỏ ra hung hăng, dữ tợn, đầy vẻ đe doạ. Quân địch hùng hổ tiến vào làng. Điệu bộ hùng hổ”.
Có lẽ các nhà biên soạn từ điển cho rằng, một trong hai yếu tố (hoặc cả hai yếu tố?) hùng và hổ đều không xác định được nghĩa. Tuy nhiên, hùng hổ 熊虎 là từ ghép đẳng lập gốc Hán: hùng 熊 là con gấu, hổ 虎 là con cọp. Vì hai con vật này đều mạnh mẽ và rất dữ tợn nên nghĩa bóng của hùng hổ chỉ sự hung tợn, dũng mãnh.
Hán ngữ đại từ điển (La Trúc Phong chủ biên-1993) giảng bốn nghĩa: “hùng hổ 熊虎: ① Gấu và hổ; ② Chỉ đồ án gấu và hổ. Thời cổ đại thêu gấu hổ trên cờ xí làm hiệu, vì thế về sau mượn “hùng hổ” để chỉ cờ hiệu; ③ Tỉ dụ hung tợn, dũng mãnh; ④ Mượn để ví với tướng sĩ dũng mãnh”.
Trong tiếng Việt, hùng hổ được sử dụng với nghĩa chỉ “tướng sĩ dũng mãnh” thường chỉ xuất hiện trong cổ văn. Ví dụ văn bia Hoàng Bùi Hoàn (Hoàng Bùi Tướng công bi ký) viết: “Tướng công lại biết sáng suốt, xử sự cẩn thận, hầu hạ cửu trùng, giản dị mà long trọng. Nắm binh phiên cốt giản dị, rõ ràng, luyện ba quân mạnh như gấu hổ (nguyên văn mạnh ‘như hùng hổ’ – HTC)”.
Thực ra, cấu tạo đẳng lập của hùng hổ 熊虎 cũng giống như hổ báo 虎豹 – một từ ám chỉ những kẻ ỷ mạnh hay gây gổ, hoặc thái độ hung hăng, nóng nảy, mạnh tợn. Vài ví dụ mà báo chí trong nước dạo này hay dùng: “Bài học lớn cho thanh niên ‘hổ báo’ rút dao sau va chạm giao thông”; hoặc “Tài xế ô tô ‘hổ báo’ bị hai thanh niên hạ knock out ở Hà Nội.” (ngoisao.net)…
Cái khác là trong từ hổ báo 虎豹, cả hai yếu tố gốc Hán hổ 虎 + báo 豹 đều đã Việt hóa, lại không láy âm một cách tình cờ như hùng hổ; trong khi với hùng hổ 熊虎 (gấu và hổ) thì hùng 熊 (gấu) chưa được Việt hóa, khi ghép với hổ trở thành khó hiểu, lại thêm hiện tượng láy ngẫu nhiên khiến người ta cứ ngỡ đây là “từ láy”.
Hùng 熊 (con gấu) trong hùng hổ 熊虎 (gấu và hổ) gốc Hán, khi được “Việt tạo” (hoặc xuất phát từ sự nhầm lẫn), lại biến thành hùng với tự hình 雄 (con đực, mạnh mẽ). Với nghĩa bóng là mạnh mẽ dữ tợn (như Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh đã ghi nhận). Tuy nhiên, trong tiếng Hán, con hổ dữ gọi là mãnh hổ 猛虎 (như Mãnh hổ thiêm dực 猛虎添翼 – Hổ dữ thêm cánh); Mãnh hổ thâm sơn 猛虎深山 – Hổ dữ trong núi sâu). Còn hùng hổ với tự hình 雄虎 mà từ điển của Đào Duy Anh ghi nhận lại có nghĩa là con hổ đực (cũng như hùng sư 雄獅 = sư tử đực).
Như vậy, dù hùng hổ 熊虎 là gấu và hổ, hay hùng hổ 雄虎 là con cọp đực, cọp mạnh, thì hiện tượng “láy âm” ở đây chỉ là ngẫu nhiên… Đó là nói chuyện chữ nghĩa, còn trong đời thường, “hùng hổ” là thái độ thường không được tôn trọng, đặc biệt khi nó thể hiện một cách thái quá. Nó biểu thị sự hung dữ áp đảo không cần thiết và thường bị phản tác dụng.