Chuyện lá thư “của” bà Abe và một dân tộc khốn khổ

Người vợ goá của cố Thủ tướng Shinzo Abe – bà Akie Abe, sẽ không bao giờ ngờ được rằng, ở một quốc gia cách quê hương của bà khoảng bốn ngàn dặm, xuất hiện một bức tâm thư, nhân danh bà viết về nỗi đau khổ tột cùng và tình yêu thương vô bờ bến bà dành cho chồng mình.

Những dòng chữ thấm đẫm nước mắt được viết từ trí tưởng tượng của một tài khoản Facebook có tên Takenaga Hisashide, tự cho là vì “tấm lòng yêu thương vợ chồng ông Abe.” Lá thư nhanh chóng được lan truyền với tốc độ tên bắn. Tâm lý người đọc và người “share” rất dễ hiểu và hoàn toàn hợp lý: Họ yêu quí ông Abe và đồng cảm với nỗi đau của người ở lại, bà Abe. Kỳ lạ, lẽ ra đây là tín hiệu vui mừng vì một dân tộc đã và đang chịu nhiều áp bức, lừa dối nhưng vẫn cùng nhau rung động, ngậm ngùi chia sẻ sự mất mát của một gia cảnh khác, một dân tộc khác. Lẽ ra nên nhìn nhận đó là một ngọn lửa lương thiện trong đêm tối. Nhưng không. Trong trường hợp này, đây là ngọn lửa dẫn đến cánh cửa địa ngục, đi vào thế giới vô tri, vô minh, vô pháp.

Ngay từ đầu, tác giả của kịch bản tâm thư hoàn toàn không cho xã hội biết đó là một TÁC PHẨM HƯ CẤU. Ông ta để mặc cho người chơi mạng xã hội chia sẻ trong mặc định đó những lời từ đáy lòng của bà Abe. Ông ta mặc nhiên tự cho phép mình ở vào vị trí, suy nghĩ và cả tình yêu của bà Abe – phu nhân của một nguyên thủ quốc gia, để phóng tác ra những lời hoa mỹ, trong thời điểm bà đau buồn nhất. Người thật (bà Abe) còn bàng hoàng chưa kịp nhỏ lệ, ông ta đã khóc đau đớn thay cho bà. Đó là VÔ PHÁP!

Ông ta lừa dối chính nhân vật mà ông ta đang vào vai để kể lể tâm tư, nhắc chuyện đời xưa đời nay. Ông ta thoải mái hư cấu cả tính cách của bà Abe khi để cho bà “viết” một cách “sến súa”: “Mình bận, em cũng chả biết phải làm gì để phụ giúp Mình…”.

Trong khi đó, bà Akie Abe là mẫu phụ nữ của WOMENOMICS – khái niệm đại diện cho người phụ nữ Nhật hiện đại, mạnh mẽ, năng động, luôn ủng hộ phụ nữ tham gia vào kinh tế xã hội bình đẳng như nam giới. Chính cố Thủ tướng Shinzo Abe đã dùng quan niệm này của vợ mình làm một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính quyền của ông.

Trợ lý Biên tập của The Straits Times, ký giả Magdalene Fung cho biết bà Akie Abe nhũ danh là Akie Matsuzaki, không phải là mẫu người vợ Nhật Bản mềm mỏng và phục tùng theo khuôn mẫu. Khi cố Thủ tướng Shinzo Abe còn tại chức, bà không chấp nhận giới hạn trong vai trò một đệ nhất phu nhân tổ chức các sự kiện ngoại giao hoặc chỉ tham quan, trang trí dinh thự. Bà Akie Abe nổi tiếng là người có tiếng nói mạnh mẽ về những quan điểm tiến bộ, thường đi ngược với quan điểm ông Shinzo Abe – một chính trị gia bảo thủ. Trong một lần trả lời phỏng vấn Bloomberg nằm 2016, không cần thông dịch viên, bà nói bằng tiếng Anh lưu loát: “Tôi muốn đón nhận và chia sẻ những ý kiến nào đối lập với quan điểm của chồng tôi, hoặc thuộc đảng của ông ấy. Tôi cho là có một chút giống như đảng đối lập.”

Bà Akie Abe trong một hoạt động xã hội. Ảnh: Instagram akieabe

Hơn nữa, bà Akie Abe còn được biết đến là người cấp tiến, luôn thẳng thắn nói về quyền phụ nữ và dùng cần sa trong chữa trị y tế. Bà ủng hộ quyền lợi của LGBT và từng tham dự cuộc diễu hành Pride ở Tokyo năm 2014.

Takenaga Hisashide, điều ông làm là VÔ TRI!

Người dân Việt Nam nhanh nhẹn chia sẻ và khóc cùng “bà Abe” mà không cần hiểu về cội nguồn truyền thống của một quốc gia thân cận, có nền văn hoá rất gần với chúng ta. Trong số rất nhiều những người chia sẻ bức tâm thư bất nhẫn đó, là những người đã mạnh mẽ lên án Fake news từng làm khủng hoảng cuộc bầu cử Mỹ, dẫn đến sự chia rẽ sâu đậm trong nước chưa hàn gắn được. Đó là VÔ MINH!

Sau hơn năm giờ đồng hồ sáng tạo ra lá thư của bà Abe, tác giả Takenaga Hisashide nhận được nhiều góp ý, đề nghị ông ta nếu muốn tưởng tượng thì hãy cho biết ngay là sản phẩm cá nhân, đừng để người khác hiểu nhầm. Ví dụ, xin trích từ Facebooker Bạch Lưu Ly: “Ông tưởng tượng mà viết thì cũng hay hay, nhưng ông làm mất đi hình ảnh bà Abe vốn mạnh mẽ không sến, ông làm cư dân mạng nhầm, hãy xin lỗi bà Abe và tất cả cư dân mạng đi ông. Hoặc ông viết ngay trên Stt là ông tưởng tượng chứ đừng đính chính bằng comment sẽ ít người biết. Người Nhật sẽ nghĩ sao khi đọc thư này?” (hết trích).

Hồi đáp của Takenaga Hisashide là: “Tôi đã viết ngay từ đầu là tôi viết vì thấy nét mặt của bà, một phụ nữ mất chồng rồi mà. Đính chính gì nữa bạn.”

Khoa học gia Albert Einstein từng nói: “Tôi đủ chất nghệ sĩ để tự do vẽ theo trí tưởng tượng của tôi. Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức là hạn chế, còn trí tưởng tượng bao quanh khắp thế giới.”

Nữ văn sĩ JK Rowling, tác giả của tập tiểu thuyết Harry Potters cho rằng, “trí tưởng tượng không chỉ là khả năng độc đáo của loài người để hình dung những chuyện không có, và vì vậy, là nền tảng cho tất cả những phát minh và sáng tạo. Có thể nói rằng nó là khả năng giúp mang lại sự thay đổi và tỉnh ngộ nhiều nhất, giúp chúng ta có được sự đồng cảm với những con người có cuộc đời khác hẳn với chúng ta.”

Lá thư tưởng tượng của Takenaga Hisashide là kết quả của một kiến thức thấp kém. Nó càng không thể là nền tảng cho những phát minh và sáng tạo. Nó tuyệt đối không thể “giúp chúng ta có được sự đồng cảm với những người có cuộc đời khác hẳn với chúng ta.” Vì đó là sản phẩm của sự bất nhẫn và lừa dối. Đừng đánh đồng trí tưởng tượng với tình cảm. Đừng quên sự khác biệt giữa trí tưởng tượng và sự lừa dối.

Khi bài viết này được đăng, lá tâm thư tưởng tượng đã biến mất khỏi tài khoản Takenaga Hisashide, nhưng cư dân mạng vẫn đề nghị ông ta một lời xin lỗi. Có ba chủ thể ông ta cần xin lỗi: Người dân Nhật Bản, bà Akie Abe và những người đã giúp ông ta phát tán lá thư tưởng tượng bất nhẫn đó.

Lá thư vẫn tiếp tục được “share”, “share” và “share”. Tích cực. Nhanh nhẹn. Nguy hiểm hơn, có những người, dù biết đó là giả dối, vẫn cho rằng: “đúng là thư của người khác viết nhưng dù sao khi đọc rất cảm động.” Một dân tộc vị tha? Không! Một dân tộc khốn khổ!

Đọc thêm:

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và di sản

Cựu Thủ tướng Abe: “Nhật, Mỹ sẽ không để yên nếu Trung Quốc đánh Đài Loan”

Nước Nhật và những vụ ám sát chính trị

Chúng tôi có những ước ao

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: