Sự khủng khiếp của di chứng COVID-19 và cách ‘giải’ bằng thiền

(minh họa: Unsplash-CDC)

Số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong những ngày gần đây. Nhưng chuyện bị COVID-19 giờ đây không còn quá kinh khủng như thời kỳ đầu, mà sợ nhất là di chứng COVID-19!

Khỏi COVID-19, chưa chết, khoan vội mừng!

Di chứng COVID-19 là tình trạng xuất hiện các triệu chứng mới sau khi đã được điều trị dứt bệnh được ba tháng, kéo dài sáu tháng, mà không được lý giải.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận hơn 200 triệu chứng sau COVID-19 được báo cáo. Trong đó, ba triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức. Các vấn đề này ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, có thể khởi phát sau khi hồi phục hoặc kéo dài từ đợt nhiễm bệnh cấp tính, thay đổi và tái phát theo thời gian.

Mới đây nhất, một bệnh viện ở Sài Gòn tiếp nhận 16 người bị hoại tử xương hàm, trong đó có năm người bị hoại tử lan đến sọ. Tất cả đều là bệnh nhân COVID-19.

Một số triệu chứng khác cũng khá phổ biến, như đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực… Vấn đề là các triệu chứng này có thể xuất hiện cùng lúc hoặc sau khi bệnh nhân bình phục, hoặc tồn tại dai dẳng, tái phát kéo dài.

Mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, là biểu hiện của di chứng COVID-19. (mnh họa: Unsplash)

Các chuyên gia y tế đưa ra năm nhóm di chứng nổi bật, mà bất cứ bệnh nhân COVID-19 nào cũng phải theo dõi để kịp thời được can thiệp nếu gặp phải:

-Cảm thấy khó thở khi hoạt động nhẹ, tình trạng này không cải thiện sau khi thực hiện các tư thế nghỉ ngơi như nằm sấp, nằm nghiêng, ngồi cúi đầu ra trước, đứng dựa lưng vào tường…

-Bị khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, hay khi tập các bài tập phục hồi chức năng.

-Bị đau ngực, tim đập nhanh, chóng mặt khi thực hiện một số tư thế hoặc trong lúc tập thể dục, thể thao.

-Lẫn lộn trong ý thức, tình trạng ngày càng xấu, ngày càng cảm thấy khó nói, khó hiểu lời nói.

-Bị thay đổi cảm giác và vận động các cơ mặt, tay, chân, đặc biệt khi các dấu hiệu này chỉ ở một bên cơ thể; hoặc bị lo âu, tâm trạng xấu đi, có ý nghĩ làm hại bản thân.

Ngoài ra, sau một thời gian lành bệnh, một số bệnh nhân COVID-19 bị ảnh hưởng trên tim mạch, trên thận, như chức năng thận, tim kém đi, hoặc mắc một số bệnh lý như rối loạn nhịp, thiếu máu cơ tim… Tất cả những yếu tố đó đều làm cho huyết áp không ổn định và cần được theo dõi.

Các di chứng khác nữa như khàn tiếng, hay nổi mề đay, rối loạn kinh nguyệt, ù tai, giảm thị lực, gan yếu, khó ngủ, hoặc hay buồn ngủ,… cũng xảy ra đối với bệnh nhân COVID-19 sau khi được chữa khỏi.

Thiền trong COVID-19

Một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu thiền chánh niệm như một chiến lược đối phó với những nghịch cảnh sức khỏe tâm thần là di chứng COVID-19. Thiền mang lại nhiều tác động tích cực, giúp tăng cường hệ miễn dịch, từ đó cải thiện di chứng COVID-19.

Chánh niệm thiền đề cập đến trạng thái tinh thần tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, và chấp nhận trạng thái hiện tại của thân và tâm mà không phán xét. Thiền chánh niệm là thực hành tinh thần giúp đạt được trạng thái tâm trí đó. Luyện thiền có tác dụng điều chỉnh mọi hoạt động của cơ thể, tạo sự cân bằng nội tại. Ngoài tác dụng thư giãn, nó còn giúp phòng và chữa các bệnh do mất cân bằng chức năng cơ thể.

Thiền mang lại nhiều tác động tích cực, giúp tăng cường hệ miễn dịch, từ đó cải thiện di chứng COVID-19. (minh họa: Unsplash)

Thiền là ngồi thở, không suy nghĩ, chỉ tập trung vào hơi thở, đưa tâm trí về hợp nhất với thân trong trạng thái tĩnh lặng. Ngồi thiền phải làm sao để toàn thân thật thoải mái. Thế ngồi thiền vững nhất là hai bàn chân chéo vào nhau, chân phải đặt trên bắp chân trái và chân trái trên bắp chân phải. Thế này gọi là kiết già (hoa sen). Nếu không ngồi được tư thế kiết già, có thể ngồi thoải mái, giữ lưng thẳng, thả lỏng toàn thân, hai tay đặt ngửa trên đầu gối.

Theo các nhà tâm lý, ngồi thiền có thể giúp con người kiềm chế cảm xúc, thoải mái hơn. Nghiên cứu y học hiện đại cũng chứng minh thiền giúp giảm stress, bình ổn huyết áp, giảm cholesterol và hoạt chất cortisol trong máu, tăng cường miễn dịch, từ đó cải thiện di chứng COVID-19. Tác dụng thư giãn của thiền định có được do người tập điều khiển vỏ não, chủ động ức chế hệ thần kinh động vật, từ đó dẫn đến ức chế hệ thần kinh thực vật, trước tiên là các trung khu hô hấp, làm giảm nhịp thở kèm buông lỏng cơ.

Bạn có thể tự thiền tại nhà bằng cách chọn nơi yên tĩnh, nhắm mắt, thả lỏng, ngồi tĩnh tâm, đẩy mọi suy nghĩ ra khỏi tâm trí, kết hợp với phương pháp thở, để bù đắp năng lượng bị thiếu hụt. Khi năng lượng tràn vào cơ thể, đến những vùng bị bệnh, sẽ tự điều chỉnh, xác lập cân bằng năng lượng sinh học, đưa khí độc thoát ra ngoài, thu nguồn dưỡng khí tốt vào. Đó chính là khả năng phòng và điều chỉnh bệnh của thiền.

Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, thiền đã được ứng dụng vào đời sống hằng ngày với nhiều mục tiêu khác nhau: thiền để tĩnh tâm, thiền để khai mở tâm trí, và thiền để khỏe mạnh. Vậy, bạn còn chần chừ gì mà không tập thiền từ hôm nay!

Đọc thêm:

-“Đại dịch thầm lặng” hậu COVID-19

-Chữa trị “sương mù não”, triệu chứng “hậu COVID-19”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: