Iran trừng phạt thêm 61 người Mỹ khi đàm phán hạt nhân bế tắc

Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton (trái và luật sư Rudy Giuliani đứng trước ảnh chân dung 52 người bất đồng chính kiến Iran thuộc tổ chức Mujahedeen-e-Khalq (MEK) bị giết hại trong một sự kiện do MEK tổ chức ở New York ngày 24-9-2013. Ông Bolton và ông Giuliani là hai trong số 61 người vừa bị Iran đưa vào sổ đen trừng phạt. Ảnh Mario Tama/Getty Images.

Iran đã ra lệnh trừng phạt thêm 61 người Mỹ, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo vì ủng hộ một nhóm bất đồng chính kiến ​​Iran, Tehran cho biết hôm thứ Bảy 16 tháng Bảy 2022 trong lúc cuộc đàm phán để khôi phục một thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vẫn bế tắc.

Hãng tin Reuters cho biết, trong nhóm những người mới bị Bộ Ngoại giao Iran đưa vào danh sách trừng phạt còn có luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, Rudy Giuliani và cựu Cố vấn An ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Bolton. Truyền thông nhà nước Iran cáo buộc những người này đã lên tiếng ủng hộ nhóm bất đồng chính kiến ​​lưu vong của Iran có tên là Mujahideen-e-Khalq (MEK).

Các ông Giuliani, Pompeo và Bolton, tất cả các chính trị gia Cộng Hòa, đã công khai tham gia các sự kiện của MEK và lên tiếng ủng hộ nhóm. Cả Pompeo và Bolton đều phục vụ dưới thời Trump.

Lệnh trừng phạt được công bố vào lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden thuộc đảng Dân Chủ đang có chuyến công du đến Trung Đông và chủ trì hội nghị của các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh mà một trong chủ đề chính là bàn cách ứng phó với tham vọng vũ khí hạt nhân của Iran.

Trước đây, Iran đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt, nhắm đến hàng chục người Mỹ với nhiều lý do khác nhau. Biện pháp trừng phạt cho phép chính quyền Iran thu giữ bất kỳ tài sản nào mà người bị trừng phạt nắm giữ ở Iran. Nhưng do khả năng không có các tài sản như vậy, nên các biện pháp trừng phạt được công bố phần lớn chỉ mang tính biểu tượng.

Iran đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 51 người Mỹ vào tháng Giêng 2022 và 24 người khác vào tháng Tư.

Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Hoa Kỳ về việc khôi phục hiệp ước hạt nhân năm 2015, còn gọi là hiệp ước P5+1 ký kết giữa Iran với năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức đã bắt đầu vào tháng Mười Một năm ngoái tại Vienna và tiếp tục tại Qatar vào tháng Sáu. Hiệp ước có nội dung chính là Iran từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân có sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Hạt nhân quốc tế (IAEA) để được các cường quốc hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cuộc đàm phán ở Vienna và Qatar đã nhiều tháng bị bế tắc.

Năm 2018, cựu Tổng thống Trump đã từ bỏ thỏa thuận, cho rằng nó quá mềm mỏng với Iran. Sau đó Mỹ áp dụng lại các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Iran, đẩy Tehran vào việc vi phạm các giới hạn hạt nhân đã thỏa thuận trong hiệp ước.

Phản ứng với lệnh trừng phạt của Iran, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cam kết hỗ trợ tất cả người Mỹ dù có bất đồng về chính trị hay chính sách, dù người đó làm việc dưới chính quyền Trump hay chính quyền Biden. “Hoa Kỳ sẽ bảo vệ công dân của mình, bao gồm những người phục vụ Hoa Kỳ bây giờ và trước đây”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Bảy 16 Tháng Bảy. “Chúng tôi thống nhất trong quyết tâm chống lại các mối đe dọa và khiêu khích, đồng thời chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để ngăn chặn và đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào do Iran thực hiện.”

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: