Côn Đảo – sự thật và những điều không thật (4)

Cầu tàu Côn Đảo thời Pháp thuộc (file photo)

CAN CỨU CHÍNH  TRỊ, HỌ LÀ AI?

Tại Côn Đảo vào những năm 1965-1975, số phạm nhân được gọi là “can cứu chính trị” khá đông, lên tới hàng ngàn người, phần lớn những tù chính trị chống đối hoàn toàn thuộc vào thành phần này. Họ dễ bị lầm tưởng với các tù binh cộng sản bị giam giữ tại trại tù binh Phú Quốc.

Khác biệt chủ yếu giữa hai loại phạm nhân này là tù binh ở Phú Quốc gồm cán bộ, binh sĩ thuộc lực lượng chính quy miền Bắc, còn can cứu chính trị ở Côn Đảo là thành phần dân sự hoạt động chủ yếu cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (dưới đây viết tắt là MTGP).

Khi bị bắt giữ, họ không trải qua những thủ tục pháp lý thông thường và không bị xét xử bởi các tòa hình sự hoạt động theo đúng Hiến pháp, mà bởi một cơ chế đặc biệt là các Ủy ban An ninh tỉnh. Biện pháp đưa ra đối với họ không được gọi là bản án và thời gian họ thụ án không gọi là tù ở, tù chung thân, tù cấm cố… như thông thường, mà gọi là “an trí”.

Thời hạn an trí dành cho thành phần can cứu chính trị thường kéo dài từ tối thiểu ba tháng đến sáu tháng, chín tháng, 12 tháng… và tối đa là hai năm. Những người bị quyết định an trí hai năm được đưa ra Côn Đảo, còn những người an trí dưới hai năm thì bị giam giữ tại các Trung tâm Cải huấn tỉnh. Sau khi hết thời hạn an trí, những người không vi phạm nội quy trại giam, tuân thủ mọi quy định, sẽ được xét ưu tiên trả tự do, những người chống đối sẽ bị tái hạn an trí tối đa hai năm nữa và cứ tiếp tục như thế nếu sự chống đối vẫn còn được duy trì.

Tại Côn Đảo, số người bị “chồng án” an trí rất đông, cứ hết hai năm này lại đến hai năm khác. Họ sinh hoạt chung với nhau trong một trại, tiêu biểu là Trại 4 vào những năm 1971-1972, tác động lẫn nhau, và những ai từ bỏ sự chống đối để chờ được hưởng biện pháp ân giảm, ân xá hay được trả tự do sau khi hết hạn an trí bị coi là thành phần “phản bội”, bị tập thể lên án nặng nề. Đó là lý do mà số người chống đối không suy giảm và sự mâu thuẫn, xung đột giữa họ với những tù trật tự do các giám thị sai phái nhiều lúc căng thẳng khiến Ban Quản đốc trung tâm phải can thiệp, giải quyết.

Cầu tàu Côn Đảo năm 1971 (file photo)

Tại miền Nam trước 1975, trong tổ chức của Tòa Hành chánh tỉnh, có Văn phòng Tỉnh trưởng và các Ty Hành chánh, Tài chánh, Kinh tế, Nội an-Quân vụ. Các cơ quan này được gọi là “Ty nội thuộc”, phân biệt với các “Ty ngoại thuộc” hay Ty chuyên môn, trực thuộc Bộ chuyên môn ở trung ương theo hệ thống dọc, thuộc quyền giám sát, phối hợp của Tỉnh trưởng theo hệ thống ngang.

Ty Nội an-Quân vụ Tòa Hành chánh gọi tắt là Ty Nội an gồm có hai phòng:

-Phòng Quân vụ có trách nhiệm phối hợp với Nha Động viên-Bộ Quốc phòng thực hiện các công tác miễn, hoãn dịch cho lớp thanh niên hội đủ các điều kiện quy định.

-Phòng Chính trị có nhiệm vụ theo dõi, giám sát hoạt động của các đoàn thể, tôn giáo tại địa phương, tiếp nhận các báo cáo về an ninh của Ty Cảnh sát, Ty An ninh quân đội, các thông tin do Tiểu khu chuyển đến, soạn thảo các văn bản chỉ thị của Tỉnh trưởng gửi các cơ quan trên. Phòng Chính trị là cơ quan trực thuộc Trưởng ty Nội an, người đương nhiên đảm nhận trách vụ Thuyết trình viên của Ủy ban An ninh tỉnh (UBAN).

Trong những năm 1972-1974, với chức vụ Trưởng ty Nội an-Quân vụ tỉnh Bình Dương, tôi kiêm giữ vai trò Thuyết trình viên UBAN, với thành phần như sau:

-Tỉnh trưởng: Chủ tịch
-Biện lý (hay Phó Biện lý) Tòa Sơ thẩm tỉnh: Cố vấn pháp lý
-Đại diện Hội đồng tỉnh: Hội viên
-Đại diện Tiểu khu: Hội viên
-Trưởng ty Cảnh sát: Hội viên
-Trưởng ty An ninh quân đội: Hội viên
-Trưởng ty Nội an: Thuyết trình viên

Cũng như ở hầu hết các tỉnh khác, vị Tỉnh trưởng chẳng khi nào tham dự UBAN, việc quyết định hầu như giao cho Biện lý tòa án, với sự góp ý, tư vấn của Trưởng ty Nội an, vừa với tư cách Thuyết trình viên, vừa là người thay mặt cho ông Tỉnh trưởng.

Năm 1972, “mùa hè đỏ lửa” lan tràn khắp nơi, đẩy cuộc chiến giữa các bên lên những tầng nấc mới, tàn khốc hơn và tất nhiên với mức thương vong của cả hai bên ngày càng tăng cao. Chẳng những thế, lửa cháy lan cả vào đời sống những người dân nghèo nàn, lương thiện sống giữa hai làn đạn, vẫn thường gọi là cảnh “một cổ hai tròng”.

Phần lớn sống trong sự kiểm soát và bảo vệ của lực lượng VNCH, song do nhu cầu sinh kế, họ phải vào những ruộng rẫy ở xa thị trấn để cày bừa, trồng trọt, và như thế, sự tiếp xúc giữa họ với người của MTGP là điều không thể tránh được.

Tại những vùng “xôi đậu” (từ ngữ đương thời chỉ những vùng có sự hiện diện của cả hai phía đối nghịch, tùy vào từng thời điểm trong ngày), những người dân bình thường này được người của MTGP tiếp xúc, đưa tiền nhờ mua giùm những vật phẩm cần thiết như pin, radio, vải dù, bột ngọt… Họ đưa tiền bạc đầy đủ, không thể từ chối nếu muốn tiếp tục ra đồng canh tác.

Người dân lén lút mang tiền của họ về, đi mua những thứ họ cần, rồi khi đi làm đồng, lén lút mang theo để giao lại họ. Giữa đường, gặp lực lượng quân đội VNCH đang hành quân, bị xét hỏi, và lòi ra nào pin, nào bột ngọt hàng chục gói, nào vải dù… những thứ chẳng dính dáng gì đến cày bừa hay trồng trọt. Họ bị quy vào tội “tiếp tế cho CSXL” (“Cộng sản xâm lược”, tên thông dụng vào thời điểm này), bị bắt giải về Ty cảnh sát để nơi đây tiếp tục thẩm vấn, lập hồ sơ chuyển qua Ty Nội an lập thủ tục đưa ra UBAN.

Bãi biển Côn Đảo năm 1971 (file photo)

Những năm 1972-1973, việc “tiếp tế cho CSXL” là hành vi dẫn đến nhiều vụ bắt bớ nhất. Chính quyền miền Nam muốn trừng phạt nặng loại hành vi đó để giảm thiểu sự liên hệ giữa người dân với phía địch. Và UBAN tỉnh chính là nơi gánh vác trách nhiệm này. Hàng tuần, Ty Cảnh sát tỉnh lập hồ sơ hoàn chỉnh từng trường hợp bị bắt giữ về hành động tiếp tế cho địch, chuyển qua Ty Nội an, tại đây Phòng Chính trị xem xét hồ sơ, lập bản thuyết trình tóm lược tội phạm, trình Trưởng ty Nội an ký với tư cách Thuyết trình viên UBAN và chuyển đến cho từng cơ quan thành viên vào ít nhất một ngày trước khi họp UBAN.

Đến ngày họp, nghi can được dẫn giải ra trước ủy ban. Họ thường gồm hai dạng chính:

-Một dạng có lập trường, có lý luận, chỉ nghe qua có thể biết họ là thành phần “trung kiên” của MTGP.

-Một dạng tỏ rõ chỉ là những người dân lương thiện bị bắt buộc phải làm công việc tiếp tế cho địch, vì không thể từ chối được.

Với thành phần một, thường quyết định của Ủy ban là từ 12 tháng đến hai năm an trí; với thành phần hai, hầu hết được quyết định trả tự do. Chính những nghi can bị UBAN quyết định an trí hai năm là những người bị đưa ra Côn Đảo, được xếp vào thành phần can cứu chính trị và hầu hết thuộc nhóm chống đối triệt để các qui định của trại giam. Lập luận chung của họ là họ chẳng có tội gì, chánh phủ bắt oan họ thì phải nuôi họ, họ không có trách nhiệm phải đi lao động khổ sai.

Có tham gia vào những phiên xét xử của UBAN tỉnh vào thời điểm này mới thấy hết nỗi thống khổ của người dân lương thiện sống trong cảnh “một cổ hai tròng”, tròng nào cũng phải mang vào cổ, không cởi được cái nào ra. Có những lúc ta không khỏi ứa nước mắt nhìn hình ảnh người phụ nữ chơn chất nách đứa con nhỏ trong tay, nói đại khái như: “Tôi biết làm như thế là có tội, nhưng thà bị ở tù quốc gia còn có ngày ra, còn ở tù bên đó không biết ngày nào về”. Những lời nói như thế dù thật lòng hay không hay cũng dễ gây xúc động cho mọi người.

Một ngày nọ, ông Tỉnh trưởng Bình Dương, Đại tá Nguyễn Văn C. (sau 1975 chết trong một trại cải tạo miền Bắc) cho mời tôi lên; và trước mặt ông Phó Tỉnh trưởng Võ Tấn V., ông Nguyễn Văn C. vào đề ngay:

-Tôi nghe ông đề nghị UBAN thả rất nhiều tội phạm tiếp tế cho cộng sản, ông đại diện cho tôi tại ủy ban, sao không chấp hành lệnh của Thủ tướng?

Tôi ôn tồn trình bày với Đại tá C. về tình cảnh của hầu hết nghi can là những người dân lương thiện sống giữa hai làn đạn, kể cả câu nói của người phụ nữ ôm con đứng giữa công đường. Nghe xong, ông vẫn nghiêm sắc mặt:

-Lệnh là lệnh, phạm tội là phải trừng phạt!

Tôi vẫn tiếp tục sự trầm tĩnh và ôn tồn:

-Tôi đề nghị Đại tá đích thân tham dự UBAN vài lần để ông Biện lý và các thành viên biết được quan điểm của Đại tá trong việc xét xử, chứ tôi cũng chỉ là thuyết trình viên, không có quyền hạn gì đối với ủy ban.

Buổi làm việc kết thúc với câu nói gọn của ông Tỉnh trưởng:

-Được, thứ năm tới tôi sẽ tham dự.

Ông đích thân tham dự hai phiên họp liền, và sau khi họp xong, về cơ quan, tôi cười thầm một mình, vì trong các phiên họp đó, ông quyết định trả tự do cho các nghi can còn nhiều hơn khi không có ông!

Những năm gần đây, đọc tin về cái chết vì bệnh nặng của Đại tá C. tại một trại cải tạo ở miền Bắc, tôi ứa nước mắt. Ông là một cấp chỉ huy mà tôi mến phục, ông đánh giá người cộng sự chỉ qua khả năng và tư cách, đưa họ vào những vị trí thích hợp nhất, loại bỏ hẳn những yếu tố riêng tư trong quan hệ giữa ông và họ. Đó là mẫu người lãnh đạo rất cần cho mọi lúc, mọi nơi, nhất là vào thời điểm hiện tại.

Kỳ tới: Hai nhóm tù đặc biệt nhất tại Côn Đảo

_____________

Hồ sơ: Côn Đảo, những điều chưa kể

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: