Đại hội Nhân dân Toàn quốc (National People’s Congress – NPC) tức quốc hội Trung Quốc, đã bắt đầu kỳ họp thường niên tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào sáng Chủ nhật 5 tháng Ba 2023, giờ địa phương.
Cũng như mọi “quốc hội” ở các nước cộng sản độc đảng, quốc hội Trung Quốc chỉ là “con dấu cao su” nhằm hợp pháp hóa những đường lối, chính sách mà đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) đã quyết định trong đại hội đảng lần thứ 20 hồi tháng Mười năm ngoái. Tuy nhiên do Trung Quốc là một cường quốc đang lên, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, những chính sách của Bắc Kinh cũng có tác động lớn tới tình hình quốc tế và khu vực.
Kỳ họp quốc hội Trung Quốc được dàn dựng rất chi tiết, kéo dài chín ngày và quy tụ hơn 3,000 đại biểu, phần lớn là đảng viên đảng CSTQ và quan chức các cấp trung thành với đảng. Năm nay, quốc hội TQ họp vào lúc nước này đang vật lộn với thành tích kinh tế yếu kém, nạn thất nghiệp cao, căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ và những cú sốc từ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine.
Tổng bí thư đảng CSTQ Tập Cận Bình vẫn là người thống trị toàn bộ kỳ họp, dù đến cuối kỳ, các đại biểu phải bỏ phiếu bầu ông Tập làm chủ tịch nước Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba – một thủ tục mang tính hình thức, sau khi ông đã được đảng CSTQ bầu làm tổng bí thư.
Tại phiên khai mạc, thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) thay mặt chính phủ đọc báo cáo thường niên về tình hình kinh tế-xã hội Trung Quốc, và đề ra những mục tiêu mới cho năm 2023. Ông Lý sẽ phải thôi chức vào cuối kỳ họp vì ông không trúng vào Bộ Chính trị của đảng CSTQ. Cùng với thủ tướng Lý, hàng loạt quan chức lãnh đạo chính phủ Trung Quốc mấy năm qua cũng phải về vườn, nhường ghế cho những người khác thân cận với ông Tập hơn.
Theo các phân tích gia, hiện kinh tế Trung Quốc đang suy yếu sau gần ba năm thực hiện chính sách “không COVID”, đóng cửa các nhà máy, phong tỏa nhiều thành phố và khu dân cư cùng những biện pháp khắc nghiệt khác, lĩnh vực bất động sản vỡ nợ hàng loạt, ngân sách của chính quyền các địa phương bị thâm hụt nghiêm trọng.
Năm 2022 kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 3%, quá thấp so với mục tiêu đặt ra 5.5% và là mức thấp nhất kể từ giữa thập niên 1970 khi bắt đầu công cuộc canh tân kinh tế. Trong báo cáo sáng nay ông Lý đặt mục tiêu năm 2023, kinh tế sẽ tăng trưởng “trong khoảng 5%” khi chính phủ Trung Quốc nỗ lực phục hồi hoạt động kinh tế bị đình đốn trong thời “không COVID”.
“Những bất ổn trong môi trường bên ngoài đang gia tăng. Lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu đang mất đà và những nỗ lực bên ngoài nhằm trấn áp và kiềm chế Trung Quốc đang leo thang”, ông Lý giải thích lý do đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khiêm tốn như vậy.
Ông Lý cũng đưa ra các ưu tiên kinh tế và ngân sách mới, bao gồm các kế hoạch quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với phương Tây, bao gồm cả vấn đề độc lập của Đài Loan và cuộc chiến ở Ukraine. “Năm nay, điều cần thiết là ưu tiên ổn định kinh tế và theo đuổi tiến bộ trong khi vẫn đảm bảo ổn định,” ông Lý nói.
Mục tiêu thâm hụt ngân sách của chính phủ Trung Quốc được đặt ở mức 3% GDP, tăng so với mục tiêu 2,8% của năm ngoái.
Ông Lý cũng cam kết “tăng cường nỗ lực thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài” sau khi nhiều công ty ngoại quốc xem xét lại các khoản đầu tư của họ do bị ảnh hưởng bởi các biện pháp “không Covid”. Rất nhiều công ty đã chuyển toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất của họ sang các nước Đông Nam Á và Ấn Độ để tránh rủi ro.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết nền kinh tế Trung Quốc có khả năng phục hồi lên 5,2% trong năm nay khi chi tiêu hộ gia đình và hoạt động kinh doanh có dấu hiệu hồi phục. Hoạt động sản xuất vào tháng trước đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách “không Covid” vào tháng Mười Hai.
Về mặt quốc phòng, Trung Quốc sẽ tăng cường sức mạnh quân sự sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh chuẩn bị cung cấp vũ khí cho đồng minh Nga ở Ukraine. “Các lực lượng vũ trang của chúng ta, tập trung vào các mục tiêu kỷ niệm 100 năm thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân vào năm 2027, cần thực hiện các hoạt động quân sự, xây dựng năng lực và sẵn sàng chiến đấu được phối hợp nhịp nhàng để hoàn thành các nhiệm vụ lớn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn liên quan đến quốc phòng”, báo cáo của ông Lý nhấn mạnh.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ được tăng lên mức 7.2% GDP, vượt quá mức tăng năm ngoái và tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Với chi tiêu quân sự 1,55 ngàn tỷ nhân dân tệ ($224 tỷ) một năm, Trung Quốc đang gây lo ngại sâu sắc cho các nước láng giềng và cho cả Hoa Kỳ.
Điều đặc biệt nguy hiểm là quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ hiện đã rơi xuống mức thấp nhất. Những chính sách ngoại giao hung hăng và có phần phiêu lưu của Bắc Kinh đã gây căng thẳng với Mỹ và các đồng minh chung quanh các vấn đề nóng như cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, đe dọa dùng vũ lực với Đài Loan và thả khinh khí cầu do thám vào lục địa Mỹ.
Ông Lý lặp lại lời kêu gọi “thống nhất hòa bình” với Đài Loan, phản đối nền độc lập của hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh coi là một tỉnh nổi loạn nhưng trong bài diễn văn ông không đề cập đến việc sử dụng vũ lực như là một lựa chọn của Trung Quốc. “Chúng ta nên thúc đẩy sự phát triển hòa bình của các mối quan hệ xuyên eo biển và thúc đẩy quá trình thống nhất hòa bình của Trung Quốc. Vì chúng ta, những người Trung Quốc ở cả hai bên eo biển Đài Loan là một gia đình gắn bó máu thịt, chúng ta nên thúc đẩy trao đổi và hợp tác kinh tế và văn hóa trên khắp eo biển Đài Loan, đồng thời cải thiện các hệ thống và chính sách góp phần mang lại phúc lợi cho đồng bào Đài Loan của chúng ta,” ông Lý nói.
Kỳ họp quốc hội Trung Quốc cũng sẽ đưa ra những gợi ý về chính sách tiền tệ của Trung Quốc, các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng của người dân và hỗ trợ cho thị trường bất động sản đang bị ảnh hưởng nặng nề..
Tân thống đốc ngân hàng trung ương và các vị trí quản lý kinh tế hàng đầu khác sẽ được công bố vào cuối kỳ họp, trong khi tân bộ trưởng ngoại giao Tần Cương (Qin Gang) sẽ trình bày trước hội nghị phác thảo quan điểm của Trung Quốc về quan hệ quốc tế.
Vào cuối kỳ họp, ngày 13 tháng Ba, thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ bàn giao hội đồng nhà nước (State Council), tức nội các chính phủ Trung Quốc cho người kế nhiệm. Tuy việc bầu bán và bàn giao chưa diễn ra nhưng hầu như ai cũng đoán tân thủ tướng sẽ là ông Lý Cường (Li Qiang) – nhân vật số hai trong đảng CSTQ sau ông Tập Cận Bình.
Ông Lý Cường là cựu bí thư đảng bộ thành phố Thượng Hải, thủ đô tài chính của Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ cao nhất trong chính quyền trung ương. Ông Lý Cường được cho là người có quan điểm thân với giới kinh doanh (business-friendly) nhưng cũng là người trung thành và thân cận với tổng bí thư Tập Cận Bình. Mùa hè năm ngoái, ông Lý Cường đã chấp hành nghiêm chính sách chống Covid của ông Tập, phong tỏa Thượng Hải trong hai tháng, gây phẫn nộ cho người dân và làm các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy. Dù vậy, đến tháng Mười, tại đại hội 20 đảng CSTQ ông Lý Cường vẫn được đưa vào ủy ban thường vụ bộ chính trị – cơ quan đầu não của Trung Quốc gồm bảy thành viên – và được dự kiến làm thủ tướng.
Quốc hội Trung Quốc trước đây đã sửa hiến pháp, bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với nhà lãnh đạo tối cao, dọn đường cho ông Tập, 69 tuổi, cầm quyền suốt đời sau khi ông giành nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba chưa từng có tiền lệ tại một đại hội đảng hồi tháng Mười.
Cuộc cải tổ nội các sâu rộng của ông Tập diễn ra khi Bắc Kinh báo hiệu sẽ thắt chặt kiểm soát tài chính và các lĩnh vực quan trọng khác sau cuộc đàn áp kéo dài hai năm đối với lĩnh vực công nghệ, trong khi kế hoạch đại tu các tổ chức nhà nước cũng sẽ được trình bày tại kỳ họp.
Đọc thêm: