Kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra sẽ củng cố thêm nữa quyền lực của ông Tập Cận Bình và của đảng Cộng sản.
Tuy chỉ là “con dấu cao su” hợp pháp hóa các chính sách đã được thông qua tại Đại hội 20 đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hồi tháng Mười năm ngoái, nhưng kỳ họp thường niên 2023 của Quốc hội Trung Quốc khóa 14 đang diễn ra ở Bắc Kinh cũng cho thấy những hướng đi lớn của nước này trong thời gian tới, đặc biệt là những toan tính của ông Tập Cận Bình trong việc thâu tóm quyền lực.
Khi bắt đầu kỳ họp Quốc hội, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một chương trình nghị sự hậu Covid tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng 5%, tăng chi tiêu cho quân sự, giáo dục và các nhu cầu xã hội, sắp xếp lại bộ máy điều hành đất nước và thay thế các thành viên nội các theo hướng gia tăng ảnh hưởng cá nhân của ông Tập trong việc hoạch định chính sách.
Từ khi đột ngột bãi bỏ chính sách “không Covid” nghiêm ngặt vào tháng Mười Hai năm ngoái, giới lãnh đạo Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang khôi phục tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, trấn an các doanh nghiệp tư nhân rằng họ là một phần quan trọng của nền kinh tế quốc gia.
Về sự thay đổi đột ngột trong chính sách chống Covid, ĐCSTQ đã tính toán rằng họ có thể đảo ngược các biện pháp phòng dịch, số người chết có thể vượt quá một triệu người mà vẫn không gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và kéo dài. “Ban lãnh đạo Trung Quốc đã đánh cược lớn vào chính sách đối mặt với đại dịch, và canh bạc này, ít nhất là trên bề mặt, cho đến nay đã có kết quả tốt về mặt chính trị, bất chấp số trường hợp tử vong tăng cao trong tháng đầu tiên của sự đảo ngược,” ông Willy Wo-Lap Lam, nhà nghiên cứu cao cấp của Jamestown Foundation, chuyên nghiên cứu chính trị Trung Quốc, nhận xét với The New York Times (NYT).
Câu hỏi đặt ra là liệu ông Tập có thể khơi dậy niềm tin kinh tế, đặc biệt là của các nhà đầu tư tư nhân, trong khi tiếp tục mở rộng sự kiểm soát của ĐCSTQ hay không. “Về căn bản, ông ta không từ bỏ mục tiêu ban đầu của mình là củng cố quyền cai trị của đảng. Nhân nhượng kinh tế tư nhân chỉ là một cuộc rút lui chiến thuật tạm thời,” giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) của Claremont McKenna College, người nghiên cứu về chính trị Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Nhưng để đưa nền kinh tế thực sự trở lại quỹ đạo tăng trưởng, ông ta cần phải thuyết phục những người hoài nghi rằng giờ đây ông ấy làm thật.”
Hãy xem lĩnh vực công nghệ. Ông Tập luôn muốn nâng tầm Trung Quốc thành một siêu cường công nghệ có khả năng sánh ngang với Mỹ theo một tầm nhìn mà ông ta gọi là “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Nhưng nỗi hoài nghi cố hữu của người cộng sản đối với kinh tế tư nhân đã khiến ông mạnh tay trừng phạt các tập đoàn công nghệ lớn của nước này như Alibaba, Tencent, Meituan v.v…
Bây giờ ông ta quay lại chiêu mộ các nhà công nghệ để tạo công việc làm cho thanh niên và thúc đẩy kinh tế. Nói chuyện với các quan chức của đảng, ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải tập trung vào những vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự thăng trầm, thành công hay thất bại, của đảng và đất nước. Chúng ta cần kết hợp một cách hữu cơ nguyên tắc chiến lược với tính linh hoạt chiến thuật.”
Ông Tập cũng đã thúc giục ĐCSTQ có cách tiếp cận thực tế hơn trong việc phát triển năng lực khoa học và công nghệ của đất nước, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây. Điều đó trở nên cấp thiết hơn khi Mỹ thắt chặt hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các công nghệ tân tiến nhất.
Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc đã tìm cách hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng với Mỹ và ông Tập đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Indonesia tháng Mười Một năm ngoái nhằm ngăn chặn việc hai nước trượt sâu vào chiến tranh và đối địch.
Nhưng từ đó đến nay, quan hệ Trung-Mỹ chẳng những không tốt lên mà còn xấu thêm. Trung Quốc đã không thay đổi quan điểm đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine, vẫn liên tục đổ lỗi cho Mỹ và phương Tây gây ra cuộc xung đột và gần đây Mỹ đã cáo buộc Bắc Kinh đang tính toán gửi vũ khí sát thương hỗ trợ cuộc chiến của Nga, một tuyên bố mà các quan chức Trung Quốc bác bỏ.
Trung Quốc đã không nhượng bộ khi bị phát hiện quả tang đã thả khinh khí cầu do thám vào nội địa nước Mỹ dẫn tới việc Ngoại trưởng Antony Blinken hủy bỏ vào phút cuối chuyến công du Bắc Kinh – chuyến đi được mong đợi sẽ giải quyết một phần những bất đồng lớn giữa hai nước.
Tựu trung, quan điểm của ĐCSTQ là đấu tranh với cái mà họ coi là Mỹ tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc nhưng đồng thời cố gắng không để cho cuộc cạnh tranh với Washington vượt khỏi tầm kiểm soát vì quan hệ với Mỹ mang lại cho Trung Quốc rất nhiều lợi ích không có gì thay thế được.
Trong một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh nhấn mạnh vào tầm quan trọng của công cuộc khẳng định vị thế trên thế giới, chính phủ Trung Quốc quyết định tăng ngân sách quân sự lên 7.2%, tức là chi tiêu cho quân đội gần $225 tỷ đô la trong năm 2023, bất chấp sự căng thẳng của nền tài chính quốc gia. Chi tiêu cho các nỗ lực ngoại giao sẽ còn tăng nhanh hơn, tăng thêm 12.2%.
Đối mặt với một tình thế bất lợi cả trong và ngoài nước, ông Tập coi việc mở rộng và củng cố quyền lực của ĐCSTQ và của cá nhân ông là hết sức cần thiết để bảo đảm đà tiến lên của Trung Quốc.
Quốc hội Trung Quốc chắc chắn sẽ trao cho ông nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba, do ông đã được bầu làm tổng bí thư ĐCSTQ nhiệm kỳ thứ ba – một sự kiện chưa có tiền lệ. Và ông Tập cũng sẽ sử dụng Quốc hội bù nhìn để tổ chức lại các bộ và cơ quan nhà nước, tập trung vào thâu tóm việc hoạch định chính sách nhà nước vào tay ông và ĐCSTQ.
Thông tin từ kỳ họp Quốc hội cho biết, Trung Quốc sẽ thành lập một ủy ban an ninh nội địa mới, tích hợp cảnh sát và các cơ quan an ninh nhà nước. Có thể đây là dấu hiệu cho thấy nỗi bất an của ông ta trên đỉnh cao quyền lực.
Thực tế, từ sau khi ông trùm an ninh Chu Vĩnh Khang bị triệt hạ và bỏ tù, các lực lượng cảnh sát và an ninh nhà nước Trung Quốc đã được đặt trong tầm kiểm soát chặt chẽ của ĐCSTQ. Ông Tập cũng đã thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia để giúp đảng dập tắt các mối đe dọa, đặc biệt là những thách thức đối với quyền lực của ĐCSTQ. Việc lập thêm một ủy ban an ninh nội địa mới có thể mang lại sự gắn kết cao hơn cho tập hợp các cơ quan an ninh và nhắm vào các mầm mống phản kháng ở trong nước Trung Quốc.
Ngoài lĩnh vực an ninh Quốc hội Trung Quốc cũng sẽ phê chuẩn một “kế hoạch cải cách” các tổ chức của đảng và nhà nước, theo đó các ban của ĐCSTQ sẽ có quyền kiểm soát nhiều hơn trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ, quản lý tài chính và đối ngoại.
Một số nhân sự lãnh đạo chính phủ Trung Quốc sẽ được kỳ họp Quốc hội phê chuẩn dù việc sắp xếp guồng máy chính phủ đã được quyết định tại đại hội đảng năm ngoái. Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ thôi chức dù chưa tới tuổi nghỉ hưu; lên thay ông sẽ là Lý Cường (Li Qiang), cựu bí thư thành ủy Thượng Hải vừa được đưa vào Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, xếp thứ hai sau ông Tập Cận Bình. Một loạt các phó thủ tướng, thống đốc ngân hàng trung ương cũng sẽ thay đổi – những nhân vật “kỹ trị” có thiên hướng cải cách như Uông Dương, Hồ Xuân Hoa sẽ được thay thế bằng những quan chức thân cận và trung thành với ông Tập.
Các đại biểu Quốc hội Trung Quốc được cho là cũng sẽ phê chuẩn một số thay đổi trong quy trình làm luật, cho phép ủy ban thường vụ của Quốc hội được đưa ra quyết định lập pháp mà không cần các cuộc thảo luận trong toàn thể 3,000 đại biểu. Điều đó có nghĩa là việc soạn thảo và ban hành luật chỉ cần có một nhóm chóp bu các nhà lập pháp quan hệ mật thiết với Bộ Chính trị ĐCSTQ và ông Tập mà không cần có sự giám sát tối thiểu của các đại biểu Quốc hội, tất nhiên là không cần ý kiến của 1.4 tỷ dân Trung Hoa.
Đọc thêm: