Thứ Tư tuần trước, lần đầu tiên một vụ xả súng hàng loạt xảy ra ở một trường trung học, làm chấn động Cộng hòa Serbia, quốc gia Đông Nam của châu Âu. Một cậu bé gần 14 tuổi đã nổ súng vào các bạn học của mình, giết chết 8 bạn học và một nhân viên bảo vệ. Để yêu cầu chính quyền phải mạnh tay hơn trong việc kiểm soát súng, hơn 10.000 người dân Serbia đã tuần hành trước tòa nhà Quốc hội Serbia, yêu cầu kiểm soát súng và kêu gọi một số quan chức cấp cao từ chức.
Các quốc gia đồng nỗ lực kiểm soát súng
Vụ xả súng hàng loạt gần đây nhất của Serbia xảy ra cách đây 10 năm, vào năm 2013, khi một cựu chiến binh đã nổ súng giết chết 13 người. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, một siêu cường thế giới, tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 22 vụ xả súng giết người hàng loạt với tổng số người thiệt mạng từ bốn trở lên, không bao gồm thủ phạm. Vụ xả súng hàng loạt mới nhất khiến 8 người chết và 7 người bị thương xảy ra tại một trung tâm mua sắm ở Allen, Texas vào cuối tuần qua. Dữ liệu thống kê cho thấy các vụ xả súng hàng loạt ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất nơi các vụ xả súng giết người hàng loạt xảy ra. Nhưng Hoa Kỳ có tỷ lệ tử vong do súng cao nhất trong số các nước phát triển: cao hơn gấp 8 lần so với Canada và gần 100 lần so với Vương quốc Anh. Theo nghiên cứu của Đại học danh tiếng John Hopkins, cuộc khủng hoảng bạo lực súng đạn ở Hoa Kỳ không phải là mới. Trong hơn bốn thập kỷ, tỷ lệ tử vong do súng liên tục tăng cao, với khoảng 1.357.000 người đã chết vì bạo lực súng đạn. Con số này nhiều hơn số người Mỹ đã chết trong các cuộc chiến trong suốt lịch sử Hoa Kỳ.
Trong khi đó, ở các quốc gia khác như Canada, Nhật Bản, New Zealand, Vương quốc Anh, chỉ sau một, hai vụ xả súng hàng loạt, cũng đủ tạo nên sức mạnh yêu cầu chính quyền phải thay đổi.
Canada
Sau khi 14 học sinh bị giết bằng súng trong một lớp học ở Montreal vào năm 1989, Quốc hội Canada đã thông qua một đạo luật yêu cầu những người muốn sở hữu súng phải học các khóa học về an toàn súng, kiểm tra lý lịch, và tăng hình phạt đối với một số tội phạm về súng.
Vào năm 2020, sau khi một tay súng giết chết 13 người ở Nova Scotia, chính phủ Canada đã thông qua lệnh cấm hơn 1.500 loại súng và linh kiện súng trường, đồng thời đặt ra quy định giới hạn về mức độ hủy diệt của đạn. Nhờ các biện pháp kiểm soát súng, tỷ lệ giết người bằng súng của Canada giảm đáng kể, là 0,5 trên 100.000 người, so với tỷ lệ của Hoa Kỳ là 4,12.
New Zealand
Chỉ một tuần sau khi một người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng bắn chết 51 tín đồ tại hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand, vào Tháng Ba năm 2019, Thủ tướng Jacinda Arden đã công bố các cải cách sâu rộng trong việc kiểm soát súng, bao gồm mua lại súng của người dân. Theo luật mới của chính phủ New Zealand, những người sở hữu súng có sáu tháng để bán lại vũ khí của họ cho chính phủ. Kết quả là hơn 60.000 khẩu súng và hơn gấp ba lần số lượng linh kiện, bao gồm cả băng đạn dung lượng lớn, đã được bán lại cho chính phủ.
Vương quốc Anh
Năm 1996, một tay súng đã giết chết 16 học sinh và một người lớn ở thị trấn Dunblane của Scotland bằng một khẩu súng ngắn. Lúc đó, Vương quốc Anh không có đạo luật cụ thể nào quy định về súng ngắn. Tuy nhiên, sau vụ xả súng giết người hàng loạt đó, cải cách pháp lý kiểm soát súng đã trở thành một vấn đề nóng bỏng tại Anh.
Gia đình nạn nhân và công chúng kiên quuyết đặt áp lực lên chính phủ Anh, buộc chính phủ thông qua lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với súng ngắn trong vòng một năm. Sau đó, lệnh cấm này được mở rộng để áp dụng cho tất cả các loại súng ngắn. Chính phủ Anh cũng đã khởi xướng chương trình mua lại súng của người dân với 20.000 cây súng được loại khỏi các đường phố. Kể từ năm 1997 khi đạo luật cấm bán súng được áp dụng rộng rãi ở Anh, số ca tử vong do súng được ghi nhận thấp hơn rõ rệt. Cho tới nay, Vương quốc Anh chưa trải chứng kiến một thảm họa xả súng hàng loạt nào kể từ năm 1996.
Úc
Úc đã phải đối mặt với bạo lực súng đạn vào năm 1996 khi Martin Bryant, 28 tuổi, xả súng giết người hàng loạt, dẫn đến cái chết của 35 nạn nhân gồm đàn ông, phụ nữ, và trẻ em tại thị trấn yên bình Port Arthur ở Tasmania, Australia. Chỉ trong vòng hai tuần sau vụ thảm sát kinh hoàng, cả chính phủ liên bang và các nhà lập pháp tiểu bang đều ủng hộ lệnh cấm súng trường bán tự động và súng bắn đạn hơi. Chính phủ Úc cũng đã mua lại it nhất 650.000 cây súng trường từ người dân Úc. Quốc hội cũng thông qua đạo luật yêu cầu người dân phải có giấy phép chứng minh “nhu cầu thực sự” để sở hữu súng.
Sau đó, một vụ xả súng hàng loạt xảy ra vào năm 2022, trong đó kẻ xả súng đã giết chết hai sinh viên tại một trường đại học ở Melbourne bằng các loại súng ngắn khác nhau, đã thúc đẩy quốc hội Úc ban hành các đạo luật kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn: trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với việc lạm dụng súng ngắn, luật chống buôn bán và hạn chế các loại súng ngắn mà người dân có thể sở hữu. Kể từ năm 1997, tỷ lệ người Úc có giấy phép sử dụng súng đã giảm gần một nửa, tỷ lệ giết người bằng súng đã giảm đáng kể, và đặc biệt không có vụ xả súng hàng loạt nào giết từ 4 người trở lên.
Hoa Kỳ: “Bệnh tâm thần dẫn đến nạn xả súng”
Viễn cảnh sau mỗi vụ xả súng ở Mỹ diễn ra theo một quỹ đạo tương tự đến phẫn nộ: các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đổ lỗi cho bệnh tâm thần, mặc kệ dư luận đồng thanh yêu cầu thông qua các đạo luật kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn.
Nguồn gốc khiến Hoa Kỳ trở thành quốc gia duy nhất phải đối mặt thường xuyên với các thảm kịch xả súng hàng loạt là do khả năng mua súng quá dễ dàng. Ở hầu hết các tiểu bang Mỹ, một người 18 tuổi có thể dễ dàng mua một khẩu AR-15 có sức hủy diệt kinh hoàng trong vài phút, không cần trải qua khóa huấn luyện hoặc điều tra. Khi so sánh các quy luật và chính sách kiểm soát súng ở 50 tiểu bang, kết quả rất rõ ràng: 14 bang không áp dụng các biện pháp kiểm soát cơ bản, số người chết vì súng cao gần gấp ba lần so với các bang có luật.
Theo thăm dò mới nhất của đài bảo thủ Fox News, 84% đảng viên Đảng Dân chủ và 36% đảng viên Cộng hòa ủng hộ một đạo luật cấm bán súng trường. Phần lớn người tham gia cuộc thăm dò cho biết họ lo lắng sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của bạo lực súng đạn. Tuy nhiên, trong gần hai thập kỷ kể từ khi sắc lệnh cấm vũ khí tấn công liên bang hết hiệu lực năm 2004, quốc hội Hoa Kỳ vẫn không thể thông qua được chính sách đáng kể nào nhằm hạn chế súng. Nguyên nhân chính là Đảng Cộng hòa đã và đang từ chối hợp tác với Đảng Dân chủ để thông qua các dự luật kiểm soát súng.
Chỉ sau một vài thảm kịch xả súng hàng loạt, các quốc gia phát triển đã nỗ lực thay đổi luật để họ không phải chứng kiến các bi kịch súng như ở Hoa Kỳ. Hãy đặt câu hỏi: bạn có muốn sống ở nơi mà ai cũng có quyền mua súng và nơi mà ai cũng đeo súng không? An toàn và hạnh phúc của người dân là trách nhiệm của các chính quyền dân chủ. Khoa học đã chứng minh cho thấy luật kiểm soát súng toàn diện có hiệu quả trong việc cứu mạng sống.
Hoa Kỳ không cần một phép màu nào để hạn chế các vụ xả súng hàng loạt và thương vong kinh hoàng. Điều mà phần lớn người dân Hoa Kỳ cần là đừng bỏ phiếu cho những kẻ tôn thờ cây súng vì lợi ích của những kẻ tạo ra nó. Hãy bỏ phiếu cho những ứng cử viên dứt khoát cam kết ủng hộ các đạo luật kiểm soát súng vì sự an toàn của bản thân và gia đình mình.
—
Đọc thêm: