Lâu ngày rồi, tôi không đi ăn cơm chùa ngày Rằm lớn, có khi do tôi có cơm chùa tại gia. Nhớ hồi tuổi con nít, không hướng tưởng Phật-Trời-Thần-Thánh gì ráo, mà chỉ chờ tới ngày Rằm, canh chùa nào đãi món chay ngon là nhào tới mần một bụng no nê. Không ai chấp con nít, và con nít có đặc quyền của Thần-Thánh để hưởng mùi chay lạt mà nhớ đường về đức tin tín ngưỡng lúc trưởng thành.
Tục ăn cơm chùa vốn có từ lâu đời, trên khắp Việt Nam. Ở Sài Gòn ngày nay, cơm chùa chính là những bữa tiệc chay thịnh soạn được các chùa lớn thết đãi đại chúng. Tất nhiên là đãi theo tinh thần hỉ xả. Bá tánh không phân biệt già trẻ, có đạo hay ngoại đạo, người ăn xin hay đại gia tiền tỉ… muốn ăn cơm chùa thì sau khi đảnh lễ Phật và chư tăng, cứ thấy nhà khói, chùa có bàn, có mâm là ngồi vào ăn tự nhiên. Chưa kể, nhiều người đi ăn cơm chùa còn đem theo túi nylon để gói mang về. Của chùa mà!
“Cơm chùa” ở chùa Hải Quang (quận Tân Bình) là một bữa tiệc kiểu Huế như bún bò Huế, bánh bèo Huế… Nghe tên thì mặn nhưng thực là món chay và thanh tao, ngọt lành hơn món mặn nhiều. Có lần, chúng tôi mời một nhà báo chuyên viết ẩm thực đến chùa thưởng thức. Gắp được vài đũa, ông nói: “Tôi ngờ rằng bún bò Huế, bánh bèo Huế có gốc là món chay. Chắc do mấy tay nhậu bày đặt thêm thịt, làm vẩn đục vị thanh tao của mấy món này”.
Món chay được cho là truyền thống chính hiệu ở các chùa gốc miền Nam là món kiểm – món “đinh” trong mỗi tiệc chay. Chùa nào nấu món kiểm dở, dân ăn cơm chùa sẽ đi cúng chùa khác. Món kiểm tùy chùa nghèo, giàu mà có kiểu nấu khác nhau. Chùa nghèo nấu kiểm có khi chỉ có chuối, khoai mì, khoai lang, nước cốt dừa, đậu phộng đâm mà thơm ngon hết biết; trong khi chùa giàu cho thêm nấm mèo, nấm hương, bún tàu nuốt không vô.
Bữa tiệc chay chúng tôi vừa được dự ở chùa Già Lam có đủ các món chay ba miền: Lẩu, cơm chiên, bánh ít, ram, lọc… Món bánh ít ngon đến nỗi vị thi sĩ rất nổi tiếng của làng thi ca Việt Nam đương thời khều tôi: “Ông bạn ăn hai cái bánh ít rồi đúng không? Tôi cũng vậy. Bên bàn mấy người đàn bà còn ba cái. Tôi hai, ông một, mình chơi luôn đi. Bánh ngon quá, bỏ uổng”. Tất nhiên tôi gật đầu.
Bánh ít là một trong những món chay Nam kỳ nổi tiếng, thường được đãi ở các chùa. Tuy chỉ là món tráng miệng, người ăn cơm chùa khó mà ra về nếu chưa được thưởng thức; có khi còn ráng chấp tay xá mấy chú tiểu ở nhà bếp xin thêm vài cái.
Một số chùa giờ đãi cơm có phần khác xưa. Có lẽ do cảnh chùa hẹp, người đông mà sinh ra kiểu bày tiệc chay buffet với các món ăn nhanh. Hôm Phật Đản, chúng tôi dự một bữa buffet chay ở chùa Định Thành (quận 10), thầm thán phục cách tổ chức bữa tiệc chay cho hàng ngàn người của ngôi chùa nằm lọt trong con hẻm nhỏ, tín đồ đa phần thuộc giới lao động bình dân. Chúng tôi chọn món mì chay kiểu Ý và món kiểm thuần Việt, nghĩ tiệc chay buffet với các món vừa Tây vừa Ta lại có tính đại chúng hơn hẳn những món chay cổ điển.
Ngoài những bữa tiệc, tưởng cũng nên nhắc đến chén cơm, chén canh ở những ngôi chùa đang nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi. Chúng tôi nhớ lần đến chùa Cẩm Phong ở Cẩm Giang (Trảng Bàng, Tây Ninh). Đó là một ngày bình thường, thầy trụ trì mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa. Mâm cơm chỉ gồm món canh bắp cải và bầu xào dầu, riêng cơm thì để trong cái thau lớn. Thầy trụ trì đúng kiểu miền Nam phóng khoáng nên nhoáng cái đã ăn xong hai tô cơm. Phía bàn ăn gần đó, những đứa trẻ mồ côi cũng ăn ngon lành, trong khi chúng tôi nuốt không trôi được nửa chén vì gạo không mềm, đồ chay không ngon.
Chùa cũng có chùa giàu chùa nghèo, chùa có tâm đức lớn hay có vẻ ngoài lòe loẹt nhưng đạo đức trớt huớt. Thế nên, nói ăn cơm chùa cũng phải nói cho rõ là ăn tiệc chay hay ăn cơm thường nhật của nhà chùa. Nói thì mang tội, thường người đi ăn cơm chùa đều mong có món chay ngon, có vị chay thanh khiết để gọi là tận hưởng thực phẩm thế gian chứ nào có mục đích cao cả như mấy vị xuất gia và các tu sĩ thuần thành.
Bá tánh, Phật tử đi ăn cơm chùa, thoạt nhìn bề ngoài cứ tưởng chỉ là xáp vô ăn một bữa không tốn tiền; nhưng kỳ thật ăn cơm chùa là nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống lâu đời, cần được gìn giữ. Người Việt từ xưa đến nay, dù nghèo khó đến mức nào, nếu đã đến chùa ăn cơm đều luôn có ý thức thực hiện việc làm công quả bù lại. Họ dọn bàn, rửa chén, phụ bếp… chứ không ai ăn rồi chùi miệng ra về để tự thấy có lỗi, có tội bao giờ.
Nhìn từ góc thế tục, ăn cơm rồi cúng cho nhà chùa các phần vật chất theo điều kiện kinh tế của từng cá nhân chính là thực hiện ý thức cộng đồng với các giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc. Phong tục ăn cơm chùa của xứ ta, suy cho cùng cũng đâu khác các dân tộc văn minh trên khắp thế giới, nếu đặt trong tương quan so sánh với những bữa tiệc gây quỹ từ thiện hay hun đúc tinh thần tương ái, khuyến khích hành thiện.
Ăn cơm chùa là cách người Việt học nhận, học cho, thực hành ứng xử trong cộng đồng xã hội dân sự, nhưng giận thay, thời nay nói và nhất là khen tinh thần, hành động trong giá trị văn minh xã hội dân sự thì bị chính quyền… canh me liền.
Sài Gòn, 1 Tháng Sáu 2023