Proffer Agreement và cái gọi là “đâm sau lưng chiến sĩ”

TIẾNG ANH THEO DÒNG THỜI SỰ
Rudy Giuliani (giữa) – một thời rất “hổ báo” khi phục vụ ông Donald Trump (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Hôm nay là ngày 30 tháng Sáu – hạn chót cho các nghi can trong vụ điều tra của công tố viên đặc biệt Jack Smith tự nguyện ra khai báo để được giảm án nếu bị truy tố. Theo các bản tin gần đây nhất thì Rudy Giuliani, cựu luật sư cho Donald Trump, đã có buổi làm việc với văn phòng ông Smith và rất có thể đã ký tờ cam kết gọi là proffer agreement để hy vọng được khoan hồng.

Proffer Agreement là một thuật ngữ pháp lý mà dân thường hay gọi là “Queen for a Day” agreement [*]. Nó thường được sử dụng trong trường hợp bên công tố muốn mượn lời khai của một người đang bị điều tra (và sẽ bị truy tố) làm bằng chứng để buộc tội một người khác quan trọng hơn. Tiếng Việt ta nói thả con tép bắt con tôm.

Rudy Giuliani là người nắm nhiều thông tin quan trọng trong cuộc đảo chánh hụt ngày 6 Tháng Giêng, do đó ông ta đã nằm trong tầm ngắm của Jack Smith ngay từ đầu. Song, Giuliani xưa nay vẫn một mực từ chối hợp tác với Jack Smith. Thế nhưng cuối cùng Rudy cũng ra gặp Jack. Điều này chứng tỏ cuộc điều tra của Jack Smith đang đến hồi cuối, và luật sư của Rudy chắc đã khuyên ông ta nên “make a deal” với Bộ Tư Pháp trước khi quá muộn.

Proffer Agreement là một văn bản thoả thuận giữa nghi can và bên công tố. Nó hoàn toàn tự nguyện và phải được chấp thuận bởi toà án. Có vài điểm quan trọng cần nhấn mạnh.

Proffer Agreement không bảo đảm nghi can sẽ không bị truy tố hoặc được ân xá. Đa số các nghi can thường được hứa hẹn sẽ được giảm tội nếu họ thành khẩn khai báo những gì họ biết. Ngược lại, bên công tố sẽ không dùng những lời khai ấy làm bằng chứng để tố họ.

Thông thường chỉ những ai biết chắc mình sẽ bị buộc tội và có xác suất cao sẽ phải ngồi tù mới chấp nhận hợp tác với chánh quyền để “đâm sau lưng” các đồng đội của mình – tiếng bình dân gọi là “flip on somebody”.

Việc mượn lời khai của thuộc hạ để kết án tên đầu sỏ là một trong những chiêu thức cơ bản nhất trong ngành tư pháp khi cần kết án những tay trùm mafia. Từ tài xế cho tới cận vệ, bất cứ ai có dính dáng đến tội phạm đều có thể tự nguyện làm nhân chứng để được giảm án. Cần nói rõ thêm là Proffer Agreement chỉ được dùng cho các vụ án không dính dáng đến bạo lực như giết người.

Tuy nhiên, dù cho công tố có hứa hẹn gì chăng nữa, nghi can vẫn có thể mất tất cả nếu họ nói dối với điều tra viên hoặc không trả lời các câu hỏi một cách thành thật, đầy đủ nhất. Cho nên tại các buổi làm việc với bên công tố, họ cần có luật sư giỏi về Proffer Agreement để giúp họ tránh tiết lộ những điều, hoặc ký những cam kết, có thể gây bất lợi cho mình khi ra toà.

Có hai loại Proffer Agreement. Loại thứ nhất được ký trước khi nghi can bị buộc tội (charged). Khi ấy họ có thể cố gắng thuyết phục công tố không đưa họ ra toà bằng cách thương lượng những gì công tố muốn hoặc cần biết. Loại thứ nhì xảy ra sau khi họ đã bị buộc tội. Lúc bấy giờ họ chỉ có thể điều đình để được nhẹ tội hay xin được tha trắng án, nhưng vẫn phải bị xét xử đúng luật.

Theo quy trình, cả hai phe trong vụ tranh tụng đều có quyền yêu cầu gặp gỡ để bàn về Proffer Agreement. Bên nghi can có thể đề nghị một số điều khoản, bên công tố có thể đưa ra những yêu cầu cụ thể. Tất cả phải bằng thư từ chứ không chỉ nói miệng khơi khơi vì phải được quan toà chấp phép.

Cách đây vài tuần, CNN cho biết một trong những kẻ thân cận nhất của ông Trump là Mike Roman đã có buổi làm việc, gọi là “proffer meeting”, với văn phòng Jack Smith. Tất nhiên các buổi họp đó đều diễn ra trong phòng kín và công chúng không được cho biết hai bên đã điều đình những gì. Nhưng dựa trên sự kiện đó, ta có thể đoan chắc 99% Mike Roman đã “flip on Trump” để chạy tội cho mình. Và giờ đây đến lượt Rudy Giuliani, một nhân vật mà ta biết chắc chắn thế nào cũng sẽ bị Jack Smith mần thịt.

Ngoài hai nhân vật nói trên còn có một số người khác từng tham dự các buổi họp tại khách sạn Willard Hotel – “command center” của nhóm đảo chánh, vài ngày trước khi xảy ra cuộc phiến loạn. Không biết trong số đó có bao nhiêu người đã “flip on Trump,” nhưng giới truyền thông hiện đang bám sát những khuôn mặt cộm cán như Sidney Powell, John Eastman, Jeffrey Clark… để xem có tên nào rục rịch, rụt rè đi kiếm ông Smith để bàn chuyện phải trái. Họ đều là những người tay đã nhúng chàm trong vụ đại cử tri giả (fake electors) tại bảy tiểu bang swing states mà Tư Pháp đang truy tìm chứng cớ để buộc Donald Trump tội Sedition (Ly khai) cùng nhiều tội danh khác.

Xem chừng Màn Một của vở bi hài kịch MAGA sắp kết thúc. Cách đây vài tuần Trump đã bị Jack Smith truy tố tội cất giấu tài liệu mật một cách phi pháp. Sắp tới đây là Màn Hai về cuộc đảo chánh bất thành. Nhưng đó mới chỉ là vở kịch trên sân khấu Liên Bang. Ta còn ít nhất hai vở kịch nữa để xem: một của Georgia do Fani Willis đạo diễn; một của New York do Alvin Bragg chỉ đạo.

Còn rất lâu để biết công tố viên nào sẽ là người đầu tiên thành công trong việc kết án một cựu tổng thống Mỹ, nhưng với đà này các ủng hộ viên của ông trùm còn khá nhiều cơ hội móc túi đưa tiền cho Donald mướn luật sư – tiếng Việt gọi là trao thân cho tướng cướp.

[*] Tên một chương trình Radio và TV ở Mỹ vào thập niên 1950-60.

__________

TIẾNG ANH THEO DÒNG THỜI SỰ

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: