Khi tổng thống trở thành God

Hình ảnh quen thuộc của các “tín đồ Trump” (Ảnh: by Andrew Lichtenstein/Corbis via Getty Images)

Ngay đúng vào ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ vừa qua, tài khoản mạng xã hội Truth Social của cựu tổng thống Donald J. Trump đã đăng lại status của một người khác viết rằng: “81 triệu lá phiếu… và tôi chưa bao giờ nhìn thấy một người đội nón có chữ Biden” kèm theo lời bình: “Đúng vậy: Không có ai đội nón Biden ở bất kỳ đâu. Chưa bao giờ nhìn thấy.”

Luật sư Ron Filipkowski, một tài khoản quen thuộc của cộng động cử tri Dân chủ, đã mỉa mai châm biếm rằng Trump viết lúc 2:30 sáng cho rằng ông ta đã thắng bầu cử tổng thống năm 2020, bởi vì không thấy ai đội nón Biden. Hơn 2000 lượt bình luận về status đó của Trump, nhưng điểm chung của đại đa số là: “Chúng tôi đã bầu cho Biden và tiếp tục với cuộc sống của mình. Chúng tôi không tôn sùng tổng thống bằng cách đội nón, hoặc mặc áo có hình ông ấy. Bởi vì chúng tôi không phải là một giáo phái cuồng tín.”

Trong một nền dân chủ đúng nghĩa, cử tri sẽ tôn trọng luật pháp và mong muốn bầu chọn một ứng viên không chỉ tài năng, nhưng đạo đức để trở thành người đứng đầu chính phủ. Bất kỳ tổng thống Mỹ nào, dù cho xuất sắc đến đâu, cũng có hạn kỳ. Trao trọn niềm tin, tới mức tôn sùng cuồng tín một tổng thống duy nhất là chà đạp các giá trị cao đẹp của dân chủ Mỹ.

Kể từ năm 2016, lãnh đạo và phần lớn cử tri Đảng Cộng hòa đã cam kết “tôn sùng” Trump, bất luận nhiều chứng cứ, sự kiện chứng minh ông ta là một người vô đạo đức, bất tài, và độc tài. Không chỉ thế, mới đây Trump còn bị Bộ Tư pháp truy tố hình sự về việc cất giữ trái phép tài liệu bí mật, đứng sau âm mưu gian lận bầu cử, và kích động cuộc bạo loạn tấn công Điện Capitol Ngày 6 Tháng Giêng.

Hai lá cờ đại diện cho hai ứng cử viên tranh cử tổng thống 2020. (Ảnh: mạng xã hội)

Bất chấp mọi thứ, sự ủng hộ của phần lớn những cử tri Cộng hòa dành cho Trump ‘vẫn sắt son một lòng’. Đối với họ, Trump là một vị God đúng nghĩa và không thể bị buộc tội hay chê bai, chỉ trích. Cách hành xử như thế là một dấu hiệu rõ ràng của hiện tượng tôn sùng lãnh tụ trong chế độ chuyên chế.

Di sản chế độ độc tài: ‘Tôn sùng lãnh tụ’

Sự sùng bái, hoặc “tôn sùng lãnh tụ” được lịch sử ghi nhận là một trong những di sản nổi bật nhất của bất kỳ chế độ độc tài nào. Các nhà lãnh đạo tối cao sẽ tự đeo hào quang cho mình và biến họ thành God. Ở hầu hết các công sở và trường học công ở Việt Nam và Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy những bức ảnh của Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông.

Thậm chí ở Bắc Hàn, tất cả người dân bị buộc phải treo ảnh của “lãnh tụ vĩ đại” Kim Kim Il-Sung, là người đã áp đặt chủ nghĩa độc tài cộng sản lên Bắc Hàn năm 1948. Nhiều người dân thành công trốn thoát khỏi nhà tù lớn Bắc Hàn và du khách cho biết nhà cầm quyền Bắc Hàn có những hình phạt nghiêm khắc đối với những người chỉ trích hoặc không thể hiện sự tôn trọng “đúng đắn” đối với chế độ họ Kim. Có thể nói, người dân Bắc Hàn không được phép tôn thờ một vị God nào khác, ngoài các lãnh tụ gia đình họ Kim.

Sự sùng bái lãnh tụ ở các quốc gia độc tài không chỉ theo nghĩa đen, nhưng còn khắc sâu trong văn hóa của các quốc gia này. Các lãnh đạo độc tài dùng sự sùng bái lãnh tụ để củng cố tính hợp pháp và duy trì quyền lực, mà không cần bầu cử dân chủ. Bởi họ muốn người dân tin rằng họ là “người khai quốc,” hay một vị God, và vì thế các cuộc bầu cử tự do và công bằng là không cần thiết.

Dưới thời Stalin cầm quyền khối cộng sản Xô Viết, các hoạt động tuyên truyền thần thánh hóa Stalin ở khắp mọi nơi. Không chỉ người dân Liên Xô bị nhồi sọ, nhưng thậm chí ở Trung Quốc và Việt Nam. Nhiều người dân bị tẩy não rằng Stalin là một vị thần, không thể phạm sai lầm, và đang làm việc vất vả để mang lại lợi ích tốt nhất đến người dân.

Một ví dụ điển hình về việc dùng vũ lực để duy trì sự tôn sùng lãnh tụ và quyền lực của Stalin. Trong một đại hội đảng, khi tên của Stalin được nhắc đến, mọi người đều đứng dậy và vỗ tay rất lâu. Cuối cùng, một ông vì quá mệt nên đã ngồi xuống. Sang ngày hôm sau, ông ta bị bắt. Stalin sử dụng bạo lực nhằm nuôi dưỡng và củng cố sự phục tùng tuyệt đối của người dân.

Hình ảnh của Stalin ở khắp mọi nơi, có những biểu tượng về Stalin ở mọi nhà, và các cuộc tuần hành có những biểu ngữ khổng lồ với hình ảnh của Stalin. Hình ảnh của Stalin đã xâm nhập vào mọi ngõ ngách của xã hội và ép buộc người dân phải đón nhận sự hiện diện thường xuyên của Stalin. Trong nạn đói khủng khiếp diễn ra năm 1932-1933 khiến hàng triệu người thiệt mạng, người dân thường nói với nhau rằng: “Không có bánh mì trên bàn, nhưng có Stalin trên tường.

Chế độ đã tô bóng sự cống hiến của Stalin, tuyên truyền liên tục rằng Stalin là một người “yêu dân, yêu nước”, đặc biệt che giấu mọi chi tiết liên quan đến cuộc sống riêng của Stalin. Bởi thế, sự sùng bái của Stalin ngày càng mạnh mẽ hơn. Thậm chí, khi Stalin chết, nhiều nhà thơ nổi tiếng miền Bắc, Việt Nam, như Chế Lan Viên, Tố Hữu, Huy Cận, và Xuân Diệu, cũng đã có những bài thơ “khóc” Stalin.

Stalin mất rồi!

Đồng chí Stalin đã mất!

Thế giới không cha nặng tiếng thở dài!” (Chế Lan Viên, Tháng Ba năm 1953)

Tuyên truyền tẩy não của chế độ Stalin đã hoạt động tốt trong việc che giấu mặt tối của chế độ, và bẻ cong sự thật. Đối với hầu hết mọi người, phải đến nhiều năm sau thời Stalin, họ mới nhận ra những sai sót kinh hoàng của nó. Như nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng người Nga, Andrei Sakharov, đã nói: “Phải mất nhiều năm tôi mới hiểu hết được mức độ lừa dối, bóc lột, và gian lận trắng trợn vốn có trong toàn bộ hệ thống của chủ nghĩa Stalin. Điều đó cho thấy sức mạnh thôi miên của ý thực hệ trong quần chúng.”

Trong “bài diễn văn bí mật” của lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Xô Viết, người thay thế Stalin, tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào Tháng Hai năm 1956, Nikita Khrushchev đã lên án Josef Stalin vì đã “xuyên tạc” các nguyên tắc của Đảng bằng cách tạo ra “sự sùng bái Stalin.”

Cuộc tuần hành của giới trẻ ở Lustgarten in Berlin, Germany, 1 Tháng Sáu năm 1950 do chính phủ Soviet bảo trợ. Những người này mang theo ảnh chân dung rất to của lãnh tụ Cộng Sản Joseph Stalin. (Ảnh: FPG/Getty Images)

Người dân Việt cũng không xa lạ gì với việc suy tôn lãnh tụ. Những gì mà chế độ Stalin đã làm để tẩy não người dân và tôn Stalin lên bậc ‘thần thánh’ cũng đã được lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) áp dụng đối với Hồ Chí Minh. Cụ thể, ĐCSVN đã đặt Hồ Chí Minh ở đỉnh cao tuyệt đối trong văn hoá Việt Nam và không thể bị chê bai và công kích. Hiểu theo một cách ngấm ngầm khác, Hồ Chí Minh là “Phật, hoặc Jesus Christ của đảng.”

Theo sử gia Frank Dikötter, các lãnh tụ độc tài khét tiếng như Stalin, Lenin, Mao, Kim Il-Sung đã hiểu rất rõ rằng phần lớn người dân nước họ mù chữ và trình độ học vấn kém. Vì thế, trốn dưới danh nghĩa một vị thần và kêu gọi người dân suy tôn và sùng bái vị thần đó thì có thể kéo dài quyền lực cai trị.

Quay trở lại chính trường Mỹ, đối với nhiều cử tri, Trump là lãnh tụ tối cao và không thể phạm sai lầm. Bà Pam Hemphill, người đã bị hai tháng tù liên bang vì tham gia vào cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng tại Điện Capitol, đã trả lời với CNN rằng bà ấy đã bị “tẩy não” và Trump là “bậc thầy lợi dụng.” Bà Hemphill cho rằng những người ủng hộ Trump bất chấp mọi dối trá từ ông ta đang ở trong một giáo phái cuồng tín.

Những hành động suy tôn lãnh tụ thái quá rất ít ở Mỹ. Nhưng điều này đã thay đổi kể từ sau khi Trump tham gia chính trường Mỹ. Đối với nhiều người cuồng tín ủng hộ Trump, việc Trump đã bị truy tố, gian dối, vô đạo đức, hoặc có khả năng bị luận tội cao, chỉ làm tăng sự ủng hộ của họ dành cho Trump. Nói cách khác, đối với họ, Trump cao hơn pháp luật và đã trở thành một “God” trong tâm trí họ.

Bản thân Trump rất hâm mộ các lãnh tụ độc tài, đặc biệt Tập Cận Bình và Kim Jong Un. Trump từng trả lời phỏng vấn truyền hình trực tiếp trên Fox News rằng người dân Bắc Hàn ngồi ngay ngắn, rất chú ý khi Kim Jong Un phát biểu và Trump cũng muốn người dân Mỹ cũng phải như thế. Dường như, Trump rất muốn mình được trở thành ‘Supreme Leader’, được nắm quyền trọn đời và không thể bị châm biếm hoặc chỉ trích.

Rõ ràng, với căn bệnh sùng bái Trump không có dấu hiệu biến mất, nước Mỹ đang ở một thời điểm quan trọng. Nhiều cử tri Mỹ và người dân các nước khác có chung một câu hỏi: Liệu Hoa Kỳ có cho phép căn bệnh sùng bái Trump bùng phát hơn nữa hay không?

Đọc thêm:

Nhân danh ‘God’ lạm dụng tình dục trẻ em

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: