Trump: Sản phẩm của hệ thống tư pháp hai cấp

Với nhiều người , Trump chẳng khác gì một tội phạm cần được trừng trị (ảnh: Selcuk Acar/Anadolu Agency via Getty Images)

Các bản án bất công và sự bất bình đẳng trước pháp luật là một căn bệnh khó chữa, không phải chỉ có ở Việt Nam, nó có mặt ở khắp các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Trong một cuộc thăm dò mới, đa số người Mỹ nhận định rằng hệ thống tư pháp Hoa Kỳ có hai tầng lớp riêng biệt: một dành cho các chính trị gia, những người giàu có, quyền lực, và một dành cho những người Mỹ còn lại. Chỉ khoảng 12% cho rằng hệ thống tư pháp Hoa Kỳ là bình đẳng đối với tất cả mọi công dân. Nhiều người Mỹ cho rằng đây là căn bệnh không có thuốc chữa của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ.

Xuyên suốt lịch sử Hoa Kỳ là vô số câu chuyện khác nhau phản ánh thực trạng bất công tư pháp, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chủng tộc và sự giàu có. Người Mỹ da màu có nhiều khả năng bị bắt và bị kết án lâu năm hơn cho cùng một tội danh. Hoặc cùng một sai phạm, một người nghèo có thể bị đối mặt với án tù nặng, nhưng các tập đoàn giàu có, hoặc một người quyền lực sẽ nhận bản án treo, thậm chí được tha bổng.

Chẳng hạn như không có một truy tố nào đối với các tội ác của chính quyền Bush, bao gồm bịa đặt dối trá để đổ quân vào Iraq khiến hơn 250 ngàn người thiệt mạng, nghe lén mà không có trát tòa, giam giữ vô thời hạn, và áp dụng các biện pháp tra tấn trái phép. Bộ Tư pháp thời Obama đã không truy cứu và cấp quyền miễn trừ. Rất nhiều chính trị gia cố tình nói dối, bịa đặt trắng trợn, gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào.

Một trường hợp điển hình cho hệ thống tư pháp Hoa Kỳ còn khiếm khuyết là vụ truy tố Donald J. Trump 37 trọng tội liên quan đến các tài liệu mật. Tháng Tám năm ngoái, các đặc vụ liên bang đã phải tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để tiến hành một cuộc khám xét đặc biệt, thu hồi hơn 100 tài liệu mật từ khu nghỉ dưỡng của Trump ở Florida. Lý do của cuộc khám xét là vì Trump đã liên tục từ chối giao nộp các tài liệu tối mật, ảnh hưởng an ninh quốc gia và thậm chí tính mạng của những điệp viên tình báo Hoa Kỳ.

Bất kỳ một công dân Mỹ nào phải đối mặt với bản cáo trạng khổng lồ và nghiêm trọng như Trump, khi ra hầu tòa lần đầu tiên, bị cáo sẽ được chụp ảnh và nghe các quyền, cũng như cáo buộc chống lại họ. Đối với các bị cáo bị truy tố các tội nghiêm trọng, tòa án sẽ thu giữ passport (sổ thông hành.) Tuy nhiên, Trump đã nhận được đặc cách: không bị chụp hình, không bị còng tay, và cũng không bị tòa thu giữ passport. Ngược lai, một đoàn 16 xe hộ tống Trump vào tòa án liên bang.

Ký giả nổi tiếng Garrett M. Graff bất bình tweet: “Đây thực sự là hệ thống tư pháp ‘hai tầng cấp’, rõ ràng là như thế, những người giàu được đối xử khác biệt,” ngay cả với những quy tắc cơ bản của hệ thống tư pháp. Thực vậy, pháp luật phải công bằng: nếu một thường dân bị bắt phải chụp hình và bị còng tay trong ngày đầu ra tòa, thì những người quyền lực cũng phải như thế.

Chiến lược gia chính trị nổi tiếng của phe bảo thủ, Steve Schmidt, cho rằng quy mô của đoàn xe cảnh sát hộ tống Trump là “kinh tởm” và nhấn mạnh Trump “là một bị cáo hình sự, không phải nguyên thủ quốc gia. Thật là một sự lãng phí tài nguyên và tiền đóng thuế.”

Đoàn xe hộ tống bị cáo Donald Trump ra khỏi toà liên bang ở Miami, Florida ngày 13 Tháng Sáu, 2023. (Ảnh: Alon Skuy/Getty Images)

Quan trọng hơn, cần hiểu được sự nghiêm trọng của bản cáo trạng mà Trump bị truy tố, mới thấy được rằng ông đã nhận được sự ưu ái, và đặc cách của hệ thống tư pháp – là điều mà những người dân thường sẽ không bao giờ có được. Bản cáo trạng cho biết các tài liệu mật mà Trump sở hữu trái phép “bao gồm thông tin liên quan đến khả năng phòng thủ và vũ khí của cả Hoa Kỳ và các nước khác; các chương trình hạt nhân của Hoa Kỳ; khả năng bị tấn công quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh; và kế hoạch đáp trả có thể xảy ra cho một cuộc tấn công nước ngoài.” Ngoài ra còn có các tài liệu chứa thông tin tình báo từ các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.

Cựu Bộ trưởng Tư pháp thời Trump, William Barr, đã phát biểu trên đài Fox News rằng ông đã bị sốc “bởi mức độ quan trọng của những tài liệu” mà Trump đã trái phép giữ làm tài sản riêng. Barr nhấn mạnh rằng bản cáo trạng rất chi tiết, vô cùng thuyết phục và “nếu thậm chí một nửa trong bản cáo trạng là sự thật, thì Trump toi đời.”

Luật pháp hiện hành của Hoa Kỳ cho phép Trump được tự do vận động tranh cử tổng thống trong thời gian chờ đợi ra tòa xét xử. Thậm chí, hiện tại khá nhiều người cho rằng khả năng Trump có thể bị kết án và vào tù là rất thấp.

Điều trớ trêu, Trump và “đồng minh” vẫn rêu rao rằng Trump là “nạn nhân” của hệ thống tư pháp ‘hai tầng lớp’. Nhà bình luận chính trị Juanita Tolliver cho rằng lập luận đó là “xúc phạm” cộng đồng người Mỹ gốc Phi và rất hài hước, bởi chính Trump là người đã từng sử dụng Bộ Tư pháp dưới thời ông là tổng thống để áp lực những đối thủ và kẻ thù của ông.

Donald Trump nói chuyện với những người ủng hộ tại Trump National Golf Club sau khi trở về từ toà liên bang Miami, không nhận 37 cáo buộc tội liên quan tài liệu mật quốc gia. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Cụ thể, Trump đã từng yêu cầu Bộ Tư pháp thu thập dữ liệu cá nhân của vài thành viên Đảng Dân chủ ở Hạ viện thường xuyên chỉ trích ông. Không chỉ dừng lại ở đó, Trump cũng từng chỉ đạo viên chức cao cấp tư pháp soạn thảo các lá thư để gửi cho các quan chức tại một số bang yêu cầu họ tuyên bố sai sự thật rằng có gian lận bầu cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Năm 1776, nhà cách mạng yêu nước và triết gia Thomas Paine (1737-1809) đã viết trong cuốn Common Sense: “Ở Hoa Kỳ, luật pháp là vua. Vì trong các chính phủ tuyệt đối, vua là luật, thì ở các quốc gia tự do, luật phải là Vua.” John Adams, một trong những nhà Lập quốc Hoa Kỳ và luật gia tài ba, đã mong muốn tạo ra “một chính phủ của luật pháp chứ không phải của con người.”

Nhà tư tưởng chính trị John Adams và triết gia Paine sẽ nghĩ gì khi những người ủng hộ Trump đã đặt Trump ngang hàng với luật, xem ông là vua?

Có lẽ không ai xứng đáng là người đại diện cho sự bất bình đẳng pháp luật ở Mỹ như Trump.

Như David Axelrod, thành viên cao cấp tại Học viện Chính trị Đại học Chicago và cựu cố vấn cấp cao của tổng thống Obama, diễn giải: “Không ai có thể chứng thực được hệ thống tư pháp hai cấp hơn Trump, bởi vì ông ấy đã được hưởng lợi từ nó cả cuộc đời. Trốn quân dịch. Trốn tránh trách nhiệm pháp lý. Trốn tránh các hình phạt pháp lý mà bất kỳ doanh nhân, hoặc công dân khác sẽ phải trả giá. Trốn tránh trách nhiệm cho những lời nói và hành động vô trách nhiệm của mình.”

Để có thể theo đuổi lý tưởng “quốc gia của luật pháp”, Quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ còn rất nhiều điều phải làm để bảo đảm bình đẳng pháp luật. Tuy nhiên, nếu Trump sẽ không bị kết tội và không phải chịu trách nhiệm cho các hành vi chà đạp pháp luật của mình, thì nguyên tắc “không ai đứng trên pháp luật” chỉ là khẩu hiệu mà thôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: