Tiệm bánh mì mang tên Hà Nội (Ha Noi Bakery) là tiệm bánh lớn nhất ở Đắk Lắk, với mặt tiền là 5 căn nhà từ số 121 đến 129 đường Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột, nhìn lớn như cái rạp xi nê.
Chẳng biết làm ăn thế nào, sai sót ra sao, mà ngày 11 Tháng Bảy 2023, tiệm bán ra một bịch bánh sandwich lát nhỏ, ghi rõ ngày sản xuất là 12/07/2023, và hạn sử dụng đến ngày 17/07/2023.
Sau khi mang bánh về nhà, khách hàng mới tá hỏa vì đây là lần đầu tiên họ được cầm trên tay một loại thực phẩm được sản xuất vào… ngày mai!
Không thể ăn loại thực phẩm “chưa sản xuất nhưng đã có mặt trên thị trường” được, anh khách hàng này gọi điện thoại cho phóng viên báo Người Lao Động để lại sự việc, kèm theo hóa đơn và hình “bịch bánh ngày mai”. Anh nói:
“Nếu bánh này có thể sản xuất nhiều ngày trước và cửa hàng lại lấy sản phẩm cũ đóng gói, in ấn, thay đổi ngày sản xuất thì chất lượng có thể không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tôi nghĩ đây là cửa hàng đánh lừa người tiêu dùng”.
Để tìm hiểu sự thật, phóng viên Người Lao Động gọi điện thoại đến cửa hàng và người phụ nữ tự giới thiệu là quản lý, xác nhận việc bày bán bánh mì Sandwich vào chiều 11 Tháng Bảy, nhưng trên bao bì ghi sản xuất ngày 12 Tháng Bảy, là không sai, vì cửa hàng đã hỏi ý kiến từ Sở Công Thương và một đơn vị khác”!
Chẳng biết “đơn vị khác” là đơn vị nào mà có “quyền năng” lớn hơn Thượng đế, có thể “kéo” một thứ ngày mai mới sản xuất về trước quá khứ một ngày.
Thấy có gì đó “sai sai”, phóng viên báo Người Lao Động bèn đi hỏi một lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, thì được một ông lãnh đạo giấu tên khẳng định đơn vị không bao giờ cho phép doanh nghiệp thực hiện việc in ngày sản xuất sản phẩm như vậy để bán cho khách hàng. Ông này giải thích thêm:
“Điều này là trái quy định và không được phép làm. Sản phẩm khi bán ra cho người tiêu dùng, đặc biệt là thức ăn phải in ấn đúng theo quy định, thời gian sản xuất, hạn sử dụng để người tiêu dùng rõ”.
Sáng hôm sau, ngày 12 Tháng Bảy, phóng viên báo Người Lao Động tới Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk để trình bày sự việc này. Tuy nhiên, không có bất kỳ ai ở cơ quan.
Sau khoảng 20 phút, có một người ở ngoài vào và phóng viên đề nghị được gặp lãnh đạo để làm việc thì người này nói: “Lãnh đạo không có mặt ở cơ quan. Anh muốn phản ánh với cơ quan nhà nước hay ở đâu thì đi mà phản ánh”.
Có người khen chiến thuật “vườn không nhà trống” của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk. Nếu thấy không “nói chuyện” được với báo chí truyền thông, thì rút êm, chứ ở lại họ hỏi không biết đường trả lời, lại lộ ra nhiều chuyện khác.
Một độc giả báo Người Lao Động tên Chóe viết: “Cái chuyện tiệm bánh gian dối này thì rõ rồi, nhưng cái Hội Bảo vệ người tiêu dùng lập ra chỉ để sáng tới uống trà nói dóc rồi tới tháng lãnh lương thôi. Cũng như mấy hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em hội phụ nữ, thấy có làm gì đâu, có bảo vệ ai ngoài cái túi tiền lương của hội”.
Độc giả Nguyen Tan Duoc cho rằng chuyện in ngày sản xuất trễ hơn nhằm trừ hao thời gian vận chuyển, phân phối đến các đại lý thôi. Tiệm nào cũng làm vậy cả, và làm lâu rồi. Chắc lần này họ sơ suất nên mới bị lộ.
Nghe đâu UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao cho Sở Công thương kiểm tra vụ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bỏ nhiệm sở. Nhiều người dân nói rồi cũng chẳng đi tới đâu, vì lãnh đạo, cán bộ hai bên thân thiết lắm, “họ nhậu chung hoài mà… Đã là ‘đồng chí’ thì xử lý nhau làm gì!”
Không thấy lãnh đạo tỉnh nói đến chuyện tiệm bánh Hà Nội sản xuất “bánh mì ngày mai”. Chắc chỉ là chuyện sơ suất nhỏ thôi mà!