Con người làm lịch sử hay là nạn nhân của lịch sử cũng thế thôi. Thành ra không thể không nói, viết hay kể về lịch sử.
Lịch sử Việt-Nam trước hết là một chuỗi dài chinh chiến. Từ 1954 đến 1975 thôi, Đất Nước đã qua bao cuộc đổi đời. Bao cuộc bể dâu. Và với chúng ta, bể dâu rồi lại dâu bể, bể dâu… cứ thế. Biết bao nhiêu là điều đau đớn lòng. Bao nhiêu tủi nhục. Và cũng biết bao nhiêu vinh quang hiển hách.
Giang sơn Việt Nam như một dòng sông. Có lúc hiền hòa, có khi cuộn sóng. Mỗi chúng ta, mỗi thế hệ, khác nào những đợt sóng, những hạt nước. Dù có trôi xa, vẫn mang theo hương vị của suối nguồn và ấn tích của dòng nước xiên khe, đào núi, khắc lên bộ mặt của Non Sông.
Vì thế mà ranh giới giữa lịch sử và huyền sử thường không minh bạch như ta tưởng. Con Rồng cháu Tiên là huyền thoại, thánh Gióng là huyền thoại. Song khi huyền thoại nuôi dưỡng chí khí của nòi giống để làm nảy sinh những anh hùng hào kiệt, những người dám liều thân, quên mình vì nghĩa lớn… thì không còn là huyền thoại nữa mà là lịch sử. Hồi thập niên 40 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Hùng Lân đã hiền hòa, sâu lắng, gợi lên những trang sử hào hùng của tổ tiên và khẳng quyết ý chí bảo vệ non sông:
Máu ai còn vương cỏ hoa
Giục đem tấm thân trải với sơn hà
Non sông gấm vóc được dệt bằng máu, bằng nước mắt vì dòng giống Lạc Hồng vẫn bị tàn phá.
Trước Tháng Tư đen, Trịnh Công Sơn hát:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày…
Trịnh Công Sơn lầm rồi, không có nội chiến. Hai bên đều là người Việt cả, nhưng cuộc chiến này không như cuộc Nam Bắc phân tranh trước kia. Cũng không thật sự là Miền Bắc đánh Miền Nam, mà là Cộng sản đánh cả hai miền. Làm đục ngầu Dòng Sông Dân Tộc.
Phạm Minh-Tâm đã ở trong tình tự này:
Tôi thử nhẩm tính trên đầu ngón tay. Ba mươi năm đầu đời, tôi là mầm non nảy lộc và sinh hoa kết trái giữa vườn ruộng Quê-hương với bao bàn tay vun tưới. Rồi chưa kịp dâng đời được bao nhiêu sức sống thì mùa đại-hạn tiếp đến bằng cơn bão cát xã-hội chủ-nghĩa và giai-cấp đấu-tranh. Từ đó tôi bị cuốn đi theo vận-mệnh chung của Đất Nước.
Rồi cứ thế mà bị đẩy-đưa theo những năm tháng thật bàng-hoàng xa-lạ và lạc-lõng của một kẻ bị đánh cắp hết tuổi đời ngay khi vẫn còn phải sống giữa cuộc đời. Vẫn từng ngày nhìn mặt người trong băn-khoăn là mình hay người đã biến-dạng. Và tiếp nối đếm từng ngày, từng tháng, từng năm đời mình trong sự mất-mát dần, rơi rụng dần, bị tách lìa dần hết với những tình-tự đẹp lành của truyền-thống dân-tộc. Và cuối cùng mang thân-phận lưu vong…
Bị đánh cắp hết tuổi đời… phải chăng cũng là thân phận của từng người dân Việt-Nam. Từ 1954 và nhất là từ 1975 đến nay. Và còn cho tới bao giờ… Ai thấu được những mất mát đã, đang và vẫn còn sẽ xảy ra?
Phạm Minh-Tâm có viết không nếu không thấy bị đánh cắp? Và vì bị đánh cắp nên có viết cũng là viết về cái thân phận chung, dù ý thức hay không ý thức, của mọi người bị đánh cắp. Vậy dù muốn dù không, viết ở đây cũng là viết cho nhau.
Tôi có hân hạnh được Phạm Minh-Tâm tuần tự gửi cho đọc từng phần cuốn sách khi đang viết.
Cảm tưởng đầu tiên của tôi khi đọc, là thích thú vì cứ như nghe kể chuyện. Chuyện nhà, chuyện xóm làng, chuyện Nước.
Phạm Minh-Tâm không viết sách mà kể chuyện.
Với một ngôn ngữ có khi bình dị có lúc văn hoa, thậm chí bác học, tùy hoàn cảnh. Nhưng ngôn ngữ của chị luôn luôn giàu có và chính xác. Chính tả cũng vậy. Không châm chước như tôi.
Chính vì thế mà chị đi vào chi tiết một cách cặn kẽ. Chẳng hạn, nhắc tới ông nội của mình làm chánh tổng, chị nói rõ luôn thế nào là chánh, là tổng. Như thế chưa đủ, chị còn nhắc tới những chức vụ tương đương tại Nam kỳ.
Cả đến tên Nước, từ một thuở là Giao-chỉ quận đổi thành An-nam quốc… Rồi lý do có tên thành phố Hà Nội để gọi thay Thăng Long khi nhà Nguyễn đem kinh đô vào Huế… Cả đến lai lịch tên gọi “Cochinchine” ở mãi đâu đâu trên bản đồ châu Á từ thế kỷ 17, người Pháp lấy dùng lòng vòng ở Đông-dương mãi cả thế-kỷ rồi mới nằm yên ở đất Nam-kỳ. Người đọc học hỏi được rất nhiều.
Tôi thán phục trí nhớ và ngôn ngữ của Phạm Minh-Tâm. Nhớ kỹ, nhớ chi li và nhớ nhiều. Nhớ trong ray-rứt và trăn-trở theo nỗi bùi-ngùi quá-khứ. Càng đọc, càng thấy đúng là mọi việc, mọi cảm tưởng, cảm giác được ‘‘xếp lớp trong ký ức’’.
Khi kể về những giai đoạn lịch sử hệ trọng của Đất Nước, đương nhiên tác giả có tham khảo nhiều để tra cứu; song khi nói về nếp sống thường ngày của người dân thì rõ là trí nhớ. Chính chị cũng bỡ ngỡ thú nhận về điều này… Thành vậy mà từng mảnh vụn rời-rạc trong nhiều năm tháng bỗng dưng được gợi dậy hết.… Vào khoảng đời xế chiều này, chính là lúc từng hồi-ức cứ ùn-ùn kéo về như lũ âm-binh quậy nhức đầu, buốt óc. Như những vết dao sắc nhọn từng ngày cứa nát hiện-tại.
Những dòng này hàm ẩn nhiều tâm tình. Người đọc chỉ biết cúi đầu, trân trọng. Nhưng không chỉ có những điều buốt óc. Cũng có những nét hiền hòa.
Một Bác Cả hy sinh nhiều tham vọng chính đáng để lo cho đám con cháu. Một Bà Mẹ sống như một cái bóng trong gia-đình nhà chồng nhưng hiện diện bằng chính sự lặng yên của mình. Và Bà Nội, mực thước, tề chỉnh như một nội tướng trong đại gia đình. Điển hình cho vai trò các bà nơi đồng quê. Đàn ông lo chuyện ngoài làng, thôn, xóm. Nhưng tề gia, nội trợ, thì đúng là quyền riêng của nội tướng.
Và đến nếp sống thôn dã trong sinh hoạt đời thường của dân nghèo sau lũy tre xanh. Từ cái vó tép sơ sài, cái lều vó cá thô thiển ven sông mà đã góp mặt với các biểu tượng làng mạc vùng châu thổ miền Bắc. Mấy ai để ý đến cây cói thiên nhiên đã được đan dệt thành hàng loạt các đồ dùng như chiếu cói, bị cói, dép cói, mũ cói của miền Bắc và lại thay họ đổi tên thành cây lác làm chiếu đệm, giỏ đệm, túi đệm cho người miền Nam quen dùng.
Bên cạnh trí nhớ này, còn phải kể trí nhớ của Dân-tộc là Lịch sử. Phạm Minh-Tâm kể chuyện mình, chuyện gia đình, nhưng dòng đời của gia tộc luôn được đặt trong hành trình của Dân Tộc. Và người đọc không thể không nhận ra phần nào hành trình của riêng mình trong hành trình chung của Đất Nước.
Người có tuổi sẽ nhớ lại rõ ràng hơn nhiều việc, nhiều hoàn cảnh đã trải qua. Người trẻ sẽ thấy rõ hơn con đường gian nan của lớp người đi trước với những thành công cũng như thất bại. Nhất là những thất bại. Cảm nhận thứ hai là choáng ngợp trước cái khung thời gian tác giả mở ra một cách tự nhiên và gần như tất yếu. Vì không thể hướng tới tương lai mà không tìm về quá khứ. Cũng không thể nhận ra và đánh giá hiện tại mà không mở rộng tầm nhìn.
Hai mươi năm nội chiến từng ngày… như nhắc nhở ta cái bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ đã năm mươi lên Núi, năm mươi xuống Biển. Với cả giặc Tàu lẫn giặc Tây, người Việt Nam đều cần mở rộng tầm nhìn.
Cuối cùng và trên hết là sự đồng cảm của tôi với tác giả. Khi đọc Phạm Minh-Tâm, có thể có những điều không đồng ý; những trách móc hơi quá đáng; những đòi hỏi khó thích hợp. Nhưng chị viết như một lời trăn trối cho con cháu, như một cách chia sẻ hoàn toàn vô tư.
Cụ thể như điều chị muốn tìm ra cái lằn mức giữa Việt-minh và Quốc-gia được rõ nét từ bao giờ… Chính sự khó-khăn vừa đặc-biệt vừa quá phức-tạp của giai-đoạn lịch-sử này đã là động-lực bắt buộc và thúc đầy tôi phải tìm hiểu kỹ-càng từng sự-kiện cần để lưu giữ. Trước là cho chính mình, cho con cháu mình và nếu được thì cũng hy-vọng giúp thế-hệ trẻ sau này được chút nào chăng. Đơn-giản và chính-xác nhất là ngay từ trong giới-hạn của bản-thân, tôi thấy cần nỗ-lực tìm đọc lại lịch-sử, cô-đọng các dữ-kiện khả-tín như một bản tóm-lược những điều cần nhớ.
Phạm Minh-Tâm đã viết với Một Tấm Lòng.
Đây là tác phẩm một đời của một con người quá nặng lòng với Dân Tộc và Đất Nước. Ước gì, đọc Phạm Minh-Tâm, mỗi người sẽ tự thắp đuốc cho mình. Để dù ở đâu cũng mang bộ mặt Quê Hương. Và trong mọi hoàn cảnh, cố giữ tình Đồng Bào. Vì Phạm Minh-Tâm có viết cũng là để… nói với nhau…
Cám ơn Phạm Minh-Tâm
Được biết, một buổi sinh hoạt ra mắt tác phẩm “Còn ai giữa mênh mông đời mình” của tác giả Phạm Minh Tâm, định cư tại Úc sẽ được tổ chức tại Westminster Civic Center, địa chỉ 8200 đường Westminster CA 92683, Hoa Kỳ từ 1 giờ 30 đến 4 giờ PM, Chúa Nhật 22 tháng 10 năm 2023.
Sách do Báo Thời Luận của Nhà Văn Đỗ Tiến Đức chủ trương xuất bản. Đặc biệt, ngày RMS sẽ có sự hiện diện của tác giả.
Ước mong được các thức giả và quý đồng hương yêu sách, yêu tiếng Mẹ đến tham dự.