Xài tiền vô ý và cách xử trí khi phải trả chi phí bất ngờ

(minh họa: Nathan Dumlao/Unsplash)

Cho dù là một chuyến mua sắm thả ga, ăn chơi quá đà… việc chi tiêu quá mức là thói quen dễ xảy ra, nhưng tất cả đều có cách giải quyết.

“Dạo này giá cả tăng cao, mình hạn chế mua sắm, nhưng tuần trước có bạn sang chơi, vui vẻ thế nào mà xài lố, giờ lo không biết lấy đâu mà trả nợ thẻ tín dụng đây!” chị Minh Phạm, cư dân Westminster than thở, sau khi kiểm tra thẻ ngân hàng bị “lõm” gần ngàn bạc.

Chị Minh không phải cá biệt, vì ai trong đời cũng có lúc xài tiền “vung tay quá trán,”, xài vô ý thức, thiếu kiểm soát.

Một trong những dấu hiệu cảnh báo lớn nhất về việc chi tiêu quá đà là che giấu hoặc nói dối về việc mua hàng của bạn với người khác, đặc biệt là khi bạn sống với ai đó, như vợ chồng, gia đình, bạn cùng phòng hoặc bạn bè thân quen.

Nếu bạn thấy mình liên tục tìm kiếm lý do để mua sắm, sau đó thuyết phục bản thân về những lý do không thuyết phục để mua những thứ bạn không cần, có lẽ bạn đang gặp khó khăn về chi tiêu. Giống như mọi cơn nghiện khác, điều bạn thực sự đang cần là mức đỉnh điểm để thay đổi bản thân.

Cũng có những lúc stress quá, thế là bạn xách xe chạy ra mall và mua sắm. Lúc này bạn tiêu xài do buồn bã hoặc suy sụp tinh thần. Thuật ngữ “mua cho vui” bị lạm dụng quá mức, nhưng nó mô tả chính xác cách một số người cảm thấy thoải mái khi mua sắm để vui lên.

Nếu bạn tránh kiểm kê các hóa đơn của mình và cho đến nay vẫn không biết được số tiền mình đã chi tiêu hàng tháng, thì tức là bạn đang tiêu xài quá đà ở một số lĩnh vực và không dám đối mặt với sự thật.

Nếu thẻ tín dụng của bạn đã hết hạn mức và thậm chí bạn còn vay tiền từ bạn bè và gia đình chỉ để mua sắm, đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đang gặp khó khăn trong việc tiêu xài, vì bạn vẫn tiếp tục mua, dù chẳng còn đồng nào trong túi.

Cách xử trí khi phát sinh chi phí bất ngờ

Không thể biết được khi nào những tình huống bất ngờ xảy ra và bạn phải dùng tiền để giải quyết. Cho dù bạn lập ngân sách và kế hoạch cẩn thận đến đâu, những chi phí không mong đợi là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống.

Tiền sửa chữa xe hơi, hóa đơn y tế hoặc bảo trì nhà cửa là những ví dụ khiến tài chính của bạn rơi vào tình trạng hỗn loạn nếu không chuẩn bị kỹ. Khi những chi phí bất ngờ này xuất hiện, điều quan trọng là bạn phải hành động nhanh chóng và đưa ra những lựa chọn thông minh về cách giải quyết vấn đề.

-Trước khi dùng thẻ tín dụng trả một khoản lớn, bạn nên kiểm tra xem có được trả dần hay không. Nhiều bệnh viện, cửa hàng sửa chữa, nhà thầu và các doanh nghiệp cho phép bạn trả một hóa đơn lớn trong vài tháng mà tính lãi suất thấp, thậm chí bạn không phải trả lãi suất.

-Nếu bạn không thể trả hóa đơn ngay lập tức, hãy lịch sự yêu cầu có thêm thời gian trước khi đến hạn thanh toán. Hầu hết các nhà cung cấp đáng tin cậy sẽ thông cảm nếu bạn giải thích tình trạng của mình và sẵn sàng trả một khoản nào đó cho hóa đơn để thể hiện thiện chí.

-Tùy thuộc vào mức thu nhập của mỗi người, nhiều bệnh viện và phòng khám có các chương trình hỗ trợ tài chính giúp miễn một phần hoặc toàn bộ các chi phí y tế cao. Các chương trình hỗ trợ khác từ các cơ quan chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận có thể trợ giúp về các tiện ích, tiền nhà ở hoặc các hóa đơn khác trong tình huống khẩn cấp.

Để dành một lượng tiền mặt dự trữ cho lúc cần đến nhất. (minh họa: Igal Ness/Unsplash)

-Để trả tiền cho một hóa đơn bất ngờ, hãy tìm những gì mà bạn có thể tạm thời cắt giảm chi phí. Giảm chi tiêu vô thức, hủy đăng ký các tài khoản xem trực tuyến, đồng thời tránh mọi giao dịch mua tùy ý cho đến khi chi phí khẩn cấp được trả hết. Sử dụng ứng dụng hoặc bảng tính ngân sách để quản lý chi tiêu của bạn.

-Quỹ khẩn cấp là một phương án lý tưởng để trang trải những chi phí bất ngờ mà không phải mắc nợ hoặc gặp khó khăn trong việc cân bằng chi tiêu ở nơi khác. Nếu bạn chưa có thì bây giờ là lúc bắt đầu để dành một lượng tiền mặt dự trữ cho lúc cần đến nhất.

Việc giữ bình tĩnh và có kế hoạch để xử lý các khoản chi lớn và bất thường sẽ giúp bạn vượt qua những tình huống căng thẳng này dễ dàng hơn nhiều. Một chút sáng tạo và ưu tiên sẽ hỗ trợ bạn khi cần đến tiền trong một thời gian ngắn.

Tránh chi tiêu quá mức

Để tránh vấn đề chi tiêu quá mức, các chuyên gia về tài chính đưa ra một số mẹo giúp bạn quản lý tiền bạc tốt hơn.

Đầu tiên là tạo ngân sách. Khi bạn gặp vấn đề về chi tiêu, nguyên nhân chính thường là do bạn không mua sắm một cách thận trọng và không để ý một cách thiết thực đến số tiền chi ra cũng như kiếm được. Hãy xem xét kỹ thói quen tiêu xài của bạn và lập ngân sách để có trách nhiệm hơn. Mặc dù nó không khắc phục được hoàn toàn vấn đề, nhưng sẽ giúp bạn đi đúng hướng.

Thứ hai là sử dụng thẻ ghi nợ thay vì tín dụng. Tránh sử dụng thẻ tín dụng khi bạn gặp vấn đề về chi tiêu, vì sự bốc đồng có thể dễ dàng dẫn đến việc nợ nần chồng chất. Việc sử dụng thẻ ghi nợ hoặc tiền mặt sẽ giúp bạn hạn chế chi tiêu bốc đồng. Chỉ cần chắc chắn bạn không có thói quen chuyển tiền từ tài khoản khác sang thẻ ghi nợ của mình, vì điều đó hoàn toàn không giúp đạt được mục đích.

Nếu bạn không thể kiểm soát được vấn đề chi tiêu của mình, cho dù bạn có cố gắng bao nhiêu đi nữa, bạn nên cân nhắc đến việc tìm kiếm sự trợ giúp từ một chuyên gia, vì đó chắc hẳn là dấu hiệu của một vấn đề sâu xa hơn nhiều.

(theo Lifehacker, Bigpayme)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: