Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ là yêu cầu và cũng là cơ hội để những người đứng đầu trong hệ thống chính trị CSVN chọn đúng “người tài,” nhưng đồng thời cũng đối diện với thách thức vấn nạn “người nhà,” liệu có dẹp được?
Chiếm phần lớn thời lượng phát sóng chương trình thời sự Việt Nam trong những ngày qua là việc Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN và Bộ Chính Trị Khóa XIII triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đây là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được những người đứng đầu Đảng CSVN, Nhà nước và Chính phủ CSVN như Tổng Bí Thư Tô Lâm, Chủ Tịch Nước Lương Cường và Thủ Tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại các phiên họp ở cả Trung Ương lẫn địa phương xác định là việc khó, thậm chí là rất khó vì chắc chắn sẽ đụng chạm đến lợi ích của cá nhân và phe nhóm.
Tuy vậy, khó cũng phải làm bởi chính họ thừa nhận tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Việt Nam hiện quá cồng kềnh và lạc hậu, không còn phù hợp với những tiến bộ của xã hội, tình thế cấp bách phải thay đổi để thích ứng.
Tinh gọn bộ máy sẽ đi cùng với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ-công chức, lựa chọn đúng người tài và đồng thời loại bỏ những cán bộ vô dụng, vô công rỗi nghề để nâng cao chất lượng đội ngũ, tránh lãng phí ngân sách.
Lâu nay dư luận Việt Nam nghe nhiều đến vấn nạn quan chức CSVN tuyển dụng, bổ nhiệm và quy hoạch “người nhà.” “Người nhà” ở đây có thể hiểu là người sống trong cùng một ngôi nhà, người thân thích, người quen… như cha mẹ bổ nhiệm con cái, anh chị bổ nhiệm em út, vợ chồng quy hoạch lẫn nhau, người trong họ hàng tuyển dụng lẫn nhau… Đây là hành vi tư túng, kéo bè kéo cánh vào chức này chức nọ trong cơ quan hành chính. Hình thành hiện tượng cả họ làm quan, “chủ nghĩa gia tộc,” phe nhóm lợi ích, thâu tóm quyền lực địa phương hoặc tổ chức, biến việc công thành việc tư, người có tài có đức không thuộc diện “Quan hệ, Tiền tệ và Hậu duệ” nên “Mặc kệ”, bị bỏ lọt hoặc không có nơi để trọng dụng.
Ví dụ như ông Tô Lâm, thời điểm đương giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Công An CSVN đã bổ nhiệm con của mình là Tô Long làm ở cục an ninh đối ngoại, kinh qua các chức vụ từ cán bộ, phó phòng, trưởng phòng, phó cục trưởng và hiện tại là giám đốc Công An tỉnh Hải Dương .
Hoặc là trường hợp của Thủ Tướng Chính, em trai của ông Chính là Phạm Trí Thức từng giữ chức phó chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc Hội CSVN thuộc ủy ban thường vụ Quốc Hội, đại biểu Quốc Hội khóa XIII, XIV và người em gái của ông Chính là bà Phạm Thị Thanh hiện đang là vụ trưởng Vụ Nội Chính-Văn Phòng Chính Phủ CSVN.
Việc tuyển dụng, bổ nhiệm và quy hoạch người “nhà” dù chọn đúng người tài đức thì cũng là vấn đề “nhạy cảm,” rất khó thuyết phục niềm tin ở người dân, huống chi đằng này có nhiều trường hợp nhầm phải người cơ hội, bất tài vô dụng gây nguy hại cho xã hội khiến người dân phẫn nộ.
Đơn cử như vụ cựu Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, vào năm 2016 bị phanh phui vụ việc bổ nhiệm người con trai mới 28 tuổi của mình là ông Vũ Quang Hải từ vị trí cán bộ bình thường lên phó tổng giám đốc, thành viên Hội Đồng Quản Trị Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (gọi tắt là SABECO).
Trước đó, vào năm 2011, ông Hải cũng từng được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Tổng Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Tài Chính Công Đoàn Dầu Khí Việt Nam (gọi tắt là PVFI). Trong hai năm ông Hải điều hành, PVFI hoạt động thua lỗ 220 tỉ VNĐ.
Tháng Mười Một, 2016, Ban Bí Thư Trung Ương Đảng CSVN tổ chức phiên họp nhận định ông Vũ Huy Hoàng thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm chức vụ cho ông Vũ Quang Hải, vi phạm quy định của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban Bí thư Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, Chống tham nhũng…
Ngày 25 Tháng Mười Hai 2016, Bộ Công Thương phát thông tin đã nhận đơn của ông Hải xin rút khỏi Hội Đồng Quản Trị SABECO.
Hoặc là trường hợp Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Thanh Nghị, 48 tuổi, con trai đầu của cựu Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng.
Trước đó là vào Tháng Mười Một năm 2011, ông Nghị được Thủ Tướng Dũng bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Xây Dựng, phụ trách mảng kiến trúc và quy hoạch.
Tháng Tư năm 2018, Thanh Tra Chính Phủ CSVN đã công bố kết luận ông Nguyễn Thanh Nghị cùng bảy lãnh đạo tỉnh Kiên Giang mắc sai phạm trong việc chấp hành pháp luật quy hoạch, sử dụng đất đai, khoáng sản, môi trường ở tỉnh Kiên Giang (giai đoạn 2011-2017), gây thất thoát hơn 2,300 tỉ VNĐ. Với sai phạm này, ông Nghị và 7 cán bộ đã tiến hành kiểm điểm và cùng xin chịu hình thức kỷ luật rút kinh nghiệm.
Và cuối cùng là một trường hợp rất nổi bật là trường hợp “gia đình trị” của cựu bí thư tỉnh Hà Giang-Triệu Tài Vinh. Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2019, dư luận Việt Nam xôn xao việc 8 người nhà của ông Vinh gồm vợ, anh em ruột, em rễ đều giữ các vị trí chủ chốt của nhiều ban ngành ở địa phương.
–Triệu Tài Phong (em trai ) – Bí Thư Huyện Ủy Huyện Quang Bình.
–Triệu Sơn An (em trai) – Phó Chủ Tịch UBND Huyện Hoàng Su Phì.
–Triệu Tài Tân (em trai)- Phó Phòng Hành Chính Viễn Thông.
–Triệu Thị Giang (em gái) – Phó Giám Đốc Sở Kế Hoạch – Đầu Tư.
–Mạc Văn Cường (em rể) – Phó Trưởng Công An Thành Phố Hà Giang.
–Triệu Là Pham (anh họ) – Phó Trưởng Ban Nội Chính Tỉnh Ủy Hà Giang.
–Triệu Thị Tình (em họ) – Phó Giám Đốc Phụ Trách Sở Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch.
Hiện tại chưa có kết luận ông Vinh có sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ hay không ? Tuy nhiên, vào năm 2016, ông Vinh trả lời trước câu hỏi của giới báo chí rằng: “8 người thân của tôi được bổ nhiệm đều đúng quy trình, không có khuất tất”.
Như vậy, để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, giới chóp bu CSVN đang gặp phải thách thức rất lớn, thách thức của chính bản thân là kiên quyết giữ “người nhà” đánh mất “người tài” hay là công bằng, đúng pháp luật, đúng trách nhiệm giao phó là chọn đúng “người tài” dẹp “người nhà”?
Vào Tháng Bảy 2023, Bộ Chính Trị CSVN ban hành Quy định số 114 về việc kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đây được xem là Quy định nghiêm trị bất kỳ ai, nhất là những người có chức quyền dùng quyền hạn của bản thân để can thiệp, thao túng công tác nhân sự, công tác cán bộ.
Tuy nhiên, luật cho dù chặt chẽ đến mấy cũng có cách lách luật. Như một cán bộ muốn ngồi vào chiếc ghế bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch, phó chủ tịch UBND …thì phải trải qua trình tự: tiêu chuẩn, quy hoạch lãnh đạo và quy trình bổ nhiệm lấy phiếu tín nhiệm.
-Về Tiêu chuẩn? Cán bộ dễ dàng chuẩn bị trước cho người nhà, ví dụ cha mẹ chạy trường, chạy bằng cấp cho con cái, thậm chí viện dẫn đặc thù địa phương, đặc thù ngành để bỏ qua Tiêu chuẩn.
-Về Quy hoạch lãnh đạo? Cán bộ đặc biệt là cán bộ cấp cao dễ dàng chỉ đạo cấp dưới, chỉ đạo Bộ, Ngành liên quan tổ chức thực hiện cho người nhà
-Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm ? Điều này rất dễ dàng, cứ làm đúng trình tự, bài bản theo những gì lãnh đạo cấp cao đưa ra hoặc chỉ đạo
Rõ ràng, chính yếu của vấn nạn “cả họ làm quan” “người nhà làm quan”, “người tài” không có chỗ đứng là nằm ở chính người cầm chịch chỉ đạo. Ông Tô Lâm, ông Phạm Minh Chính hay giới chóp bu CSVN nói chung đang đối diện với thách thức và sẽ xử lý ra sao hoặc làm sao để dẹp được vấn nạn “người nhà”? Câu trả lời như thế nào phải để hạ hồi phân giải.
Trước mắt, người dân Việt Nam cần ở người đứng đầu phải là tấm gương trong sáng, công tâm và minh bạch trong khâu tổ chức thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Đây cũng là điều người dân mong muốn trên mọi mong muốn, còn ngược lại thì cuộc cách mạng chỉ dừng ở lời nói chứ chưa làm, chỉ dừng ở mức “gọn” chứ chưa “tinh.”