Tô Lâm xử đẹp ‘tứ trụ’ dưới thời Tổng Trọng

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và bà Trương Thị Mai bị kỷ luật. (Hình: VnExpress)

Nhóm “tứ trụ” và những “hạt nhân” dưới thời cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã bị đánh tan tác ở thời Tổng Bí Thư Tô Lâm.

Giải quyết xong ông Vương Đình Huệ, còn ông Võ Văn Thưởng thì đang chờ thi hành án, và nay giải quyết nốt Nguyễn Xuân Phúc, Trương Thị Mai… nhóm “tứ trụ”, những “hạt nhân” CSVN dưới thời cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng bị đánh tan tác ở thời Tổng Bí Thư Tô Lâm. Liệu tiếp theo, uy danh của ông Trọng có bị hạ bệ luôn hay không?

Cựu Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, thường trực Ban Bí thư Trung Ương Đảng CSVN bà Trương Thị Mai và một nhân vật nổi cộm trong quá khứ bị đưa ra “pháp đình” để nhận án. Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, ví như câu thành ngữ “chạy trời không khỏi nắng.”

“Tội danh” của những nhân vật từng ở vị trí đứng đầu một quốc gia: cựu Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, cựu thường trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng Trương Thị Mai, cựu Phó Thủ Tướng Chính Phủ Trương Hòa Bình, được công khai nêu lên trên báo chí, là “vi phạm quy định của Đảng, Nhà Nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng-chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng CSVN và Nhà Nước Việt Nam.”

Ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Trương Hòa Bình chịu “án kỷ luật” là “cảnh cáo;” bà Trương Thị Mai bị khiển trách. Trong đó, dư luận Việt Nam khá mập mờ về những sai phạm của bà Trương Thị Mai. Có ý kiến cho rằng, bà Mai có liên can đến vụ án xảy ra tại Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng, vì thời điểm xảy ra những sai phạm của vụ án, bà Mai giữ nhiều chức vụ cao trong đảng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng bà Mai là nạn nhân của cuộc đua quyền lực của giới chóp bu CSVN.

Quá trình làm việc của bà Mai gắn liền “như hình với bóng” với cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: Gần 27 năm là đại biểu Quốc Hội, trong đó có khoảng thời gian ông Trọng giữ chức chủ tịch Quốc Hội; hơn 18 năm ở cương vị ủy viên Trung Ương Đảng, chiếm phần lớn khoảng thời gian này ông Trọng giữ chức tổng bí thư; hơn 8 năm ở cương vị ủy viên Bộ Chính Trị thời Tổng Trọng.

Vì sự khăn khít “kỳ lạ” này nên có thời điểm bà Mai được nhận định có khả năng tiến thêm bước nữa là đứng vào hàng ngũ “tứ trụ,” có thể là chủ tịch Quốc Hội hoặc chủ tịch nước thay thế ông Vương Đình Huệ hoặc ông Võ Văn Thưởng.

Trước đó, vào ngày 21 Tháng Ba 2024, ông Vương Đình Huệ lúc bấy giờ là chủ tịch Quốc Hội chủ trì kỳ họp bất thường miễn nhiệm chức chủ tịch nước của ông Thưởng. Hơn một tháng sau, tức là vào ngày 2 Tháng Năm, Quốc Hội họp bất thường miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc Hội của ông Huệ. Ngày 16 Tháng Năm, Trung Ương đảng CSVN cho bà Mai thôi giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính Trị, và chức vụ ủy viên Trung Ương Đảng.

Ngày 20 Tháng Mười Một, ông Huệ nhận quyết định kỷ luật là “cảnh cáo”m vì “có những vi phạm trong thời gian giữ cương vị ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Đảng Đoàn, chủ tịch Quốc Hội gây hậu quả nghiêm trọng.”

Ông Võ Văn Thưởng cũng có “những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng chưa “bị” xem xét vì ông này đang phải điều trị bệnh.

Hiện tại, cựu Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ Tướng Trương Hòa Bình là hai nhân vật một thời có mối quan hệ cấp trên-cấp dưới, thời điểm ông Phúc giữ cương vị thủ tướng Chính Phủ (từ năm 2016 đến năm 2021), ông Bình là một trong 5 phó thủ tướng cấp dưới, cùng với ông Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, và Trịnh Đình Dũng.

Dưới thời Thủ Tướng Phúc, xảy những vụ án nổi cộm, như vụ “Kít Test COVID 19-Việt Á,” vụ án “Chuyến bay giải cứu” công dân về nước do đại dịch COVID 19, mới được đưa ra xét xử. Bản thân ông Phúc vào ngày 18 Tháng Một năm 2023, bị Quốc Hội cho miễn nhiệm chức chủ tịch nước do chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, khi để nhiều cán bộ cấp dưới sai phạm. Ngoài ra, dư luận còn rầm rộ đồn đoán vợ con ông Phúc tư lợi, dính tham nhũng ở hai vụ án liên quan đến đại dịch COVID-19.

Có thể nói ông Phúc là nhân vật có nhiều tranh cãi, nhiều đồn đoán nhất ngay sau ông rời khỏi chiếc ghế chủ tịch nước, nào là cho rằng ông chính là “trùm cuối” của vụ án Việt Á, ông Phúc và vợ là bà Trần Thị Nguyệt Thu sẽ bị khởi tố, tống giam… Nhưng đến thời điểm hiện tại, ông Phúc chỉ nhận hình thức cảnh cáo, được coi là bản án quá nhẹ mà hai cơ quan quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam ưu ái dành cho.

Nhìn lại những nhân vật như ông Phúc, bà Mai, ông Huệ hay ông Thưởng có những điểm chung đáng chú ý. Điểm chung thứ nhất: Nếu bà Mai gắn bó với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, thì ông Phúc, ông Huệ và ông Thưởng cũng bị “khui” những sai phạm ở thời Tổng Trọng, và cùng nhau bị kỷ luật ở thời Tổng Bí Thư Tô Lâm. Trước đó, ông Tô Lâm khi ngồi ghế bộ trưởng Bộ Công An, có nằm mơ cũng không “đụng” vào nổi những vị “tứ trụ” đầy quyền lực này.

Nhưng ông Tô Lâm không thuộc mẫu người cam chịu. Ông biết tận dụng chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng do Tổng Trọng khởi xướng từ năm 2013, một chiến dịch mà người tiền nhiệm ở Bộ Công An ông Trần Đại Quang không mấy mặn mà. Bằng cách, ngay khi ngồi vào chiếc ghế bộ trưởng Bộ Công An năm 2016, ông Lâm đã thẳng tay triệt tiêu những đối thủ ngang hàng với mình là những bộ trưởng, thứ trưởng của các ngành.

Ông Tô Lâm thừa hiểu, để bản thân được đứng vào hàng ngũ “tứ trụ” thì trước hết phải hạ bệ cho bằng được những thành viên tiền nhiệm. Và thời cơ đã đến với ông Lâm, khi vào ngày 3 Tháng Mười Một năm 2021, ông Võ Văn Thưởng ký ban hành Quy định số 41 của Bộ Chính Trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ “áp dụng với các lãnh đạo” chịu trách nhiệm chính trị hoặc “chịu trách nhiệm của người đứng đầu” khi cấp dưới xảy ra sai phạm. Một quy định mà hơn hai năm sau, chính ông Thưởng cũng là phạm nhân.

Chiến dịch “đốt lò” và Quy định số 41 là hai điều kiện cần và đủ để ông Lâm dùng chiêu trò “đề cao để hạ bệ,” một mặt tung hô lấy lòng Tổng Trọng, mặt khác ra tay hạ bệ những thành viên thuộc nhóm “tứ trụ” và những “hạt nhân” có khả năng kế tục nhóm “tứ trụ.”

Ông Phúc rớt, ông Thưởng thay thế, rồi ông Thưởng cũng rớt, nên ông Lâm nghiễm nhiên được ngồi vào chiếc ghế chủ tịch nước. Diễn biến sau đó là ông Huệ và bà Mai lần lượt rớt, Tổng Trọng qua đời, Tô Lâm kế tục chức vụ tổng bí thư đảng một cách đầy uy quyền.

Giờ đây và thậm chí là đến kỳ đại hội Đảng lần thứ XIV, giới chóp bu CSVN hẳn chẳng còn ai đủ khả năng là đối thủ chứ chưa nói đến khả năng đủ mạnh để đe dọa uy quyền của ông Lâm, giống như cách ông hạ bệ những đối thủ trước đó.

Ông Tô Lâm giờ đây chỉ còn chút khó chịu, đó là dù có làm tốt công tác “đốt lò” đến mấy thì cũng bị dư luận Việt Nam cho là kẻ đến sau, kẻ kế tục uy danh của ông Nguyễn Phú Trọng. Thêm mức độ nào đó, từ lúc còn sống cho đến lúc qua đời ông Trọng có vướng tranh cãi nhưng không nghiêm trọng bằng “chiến tích” của ông Lâm:

-Tháng Mười Một 2021, ông Tô Lâm gây phẫn nộ cộng đồng mạng xã hội Việt Nam khi ăn món bò dát vàng tại một nhà hàng ở Luân Đôn. Một bữa ăn xa xỉ trong bối cảnh người dân Việt Nam có hàng chục ngàn người chết và hàng triệu người gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của đại dịch COVD-19.

-Tháng Bảy năm 2017, ông Tô Lâm bị Chính Phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức cáo buộc hành vi đã chỉ đạo thuộc cấp thực hiện phi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một quan chức ngành dầu khí Việt Nam khi đang xin tị nạn ở quốc gia này.

Bất chấp “tiếng xấu đồn xa,” với quyền lực đã nắm trong tay, ông Lâm không hề cam chịu mang tiếng là kẻ kế tục uy danh của người khác, nên phải ra tay “xử đẹp” hết những đối thủ là “tay chân” của người tiền nhiệm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: