Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung mà Tổng Thống Donald Trump khởi xướng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Nay ông Trump sắp trở lại Tòa Bạch Ốc và sắp bắt đầu cuộc chiến thuế quan (tariff) thứ nhì với Trung Quốc, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Liệu Hà Nội có tiếp tục được hưởng lợi như trong nhiệm kỳ trước của ông Trump hay sẽ bị trừng phạt vì đi theo Trung Quốc?
Đầu năm 2017, ông Donald Trump nhậm chức tổng thống với quyết tâm “Make America Great Again” mà một trong những cam kết chính của ông là cân bằng cán cân thương mại hàng hóa đang nghiêng mạnh về các đối tác nước ngoài, gây thâm hụt (deficit) lớn cho nước Mỹ. Là nhà kinh doanh, ông Trump có khuynh hướng coi thâm hụt thương mại là dấu hiệu cho thấy dòng tiền của nước Mỹ đang chảy ra ngoài, đất nước mất sức sống và công ăn việc làm, còn các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, thì mạnh lên.
Ngư ông đắc lợi
Năm 2016, thâm hụt của Mỹ trong buôn bán với Trung Quốc đã lên tới $346.9 tỷ, Trung Quốc bán nhiều hàng sang Mỹ, trị giá $462.42 tỷ, trong khi chỉ mua từ Mỹ $115.6 tỷ. Ông Trump rất cay cú chuyện đó và quyết sửa đổi, không để nước Mỹ tiếp tục bị lợi dụng.
Tháng Giêng, 2018, ông Trump bắt đầu đánh thuế 25% lên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc trị giá $360 tỷ, khởi động cuộc thương chiến Mỹ-Trung bất chấp sự can ngăn của các chuyên gia kinh tế. Cuộc thương chiến đã gây hại cho cả hai nước: ở Mỹ giá hàng hóa tăng lên do phải gánh thêm tiền thuế, còn hàng Trung Quốc giảm sức cạnh tranh so với hàng hoá các nước khác. Sau một năm bị áp thuế nhập cảng, giá trị hàng Trung Quốc bán sang Mỹ đã giảm từ mức $538.5 tỷ năm 2018 xuống còn $449.1 tỷ năm 2019 và tiếp tục giảm còn $279.1 tỷ năm 2023.
Tục ngữ phương Đông có câu “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi” (Con trai và con cò tranh nhau khiến ông câu cá được lợi). “Ngư ông” Việt Nam đã hưởng lợi rất nhiều từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Để tránh mức thuế trừng phạt của ông Trump, hàng loạt công ty đã chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam trong đó có rất nhiều công ty Trung Quốc. Báo The New York Times trích số liệu của ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu Việt Nam tại Singapore cho biết trong sáu năm (2017-2023), các nhà tư bản nước ngoài đã cam kết đầu tư vào Việt Nam $248.3 tỷ trong 19,701 dự án – nhiều hơn một nửa tổng số vốn đầu tư ngoại quốc mà Việt Nam nhận được từ khi mở cửa kinh tế năm 1986.
Các tỉnh miền Bắc Việt Nam nhờ nằm gần nguồn cung cấp nguyên liệu và phụ kiện ở Trung Quốc, lại được nhà cầm quyền Việt Nam đầu tư mạnh vào các cơ sở hạ tầng như hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đã nhanh chóng được các tập đoàn chọn làm căn cứ mới để sản xuất hàng hoá xuất cảng. Cuộc chuyển dịch đã giúp miền Bắc Việt Nam thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu, vượt qua Sài Gòn và miền Nam để trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp chính của đất nước. Tuy vậy, một cái nhìn gần cho thấy các doanh nghiệp ngoại quốc ở miền Bắc chủ yếu chỉ làm công việc lắp ráp những bộ phận nhập cảng từ Trung Quốc, hoặc đơn giản chỉ thay đổi bao bì, nhãn hiệu trước khi xuất cảng sang Mỹ dưới xuất xứ “Made in Vietnam” để né thuế.
Kết quả của sự chuyển dịch này là Mỹ giảm được thâm hụt thương mại với Trung Quốc nhưng lại tăng thâm hụt với Việt Nam. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, thâm hụt thương mại với Trung Quốc giảm từ $418.23 tỷ năm 2018 xuống $307.97 tỷ năm 2020. Trong thời gian này thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã tăng từ mức $39.46 tỷ năm 2018 lên $69.67 tỷ năm 2020, vọt lên $116.12 tỷ năm 2022 và xu thế đó tiếp tục cho đến nay. Trong 10 tháng đầu năm 2024, với thặng dư $102.2 tỷ, Việt Nam xếp thứ ba trong danh sách các nước mà Mỹ bị thâm hụt thương mại nhiều nhất, chỉ sau Trung Quốc ($242 tỷ) và Mexico ($141 tỷ).
Người Mỹ không phải không biết tình trạng hàng hóa Trung Quốc “núp bóng” Việt Nam để né thuế khi xuất cảng vào Mỹ. Ông Trump nhiều lần nhận xét, trong việc lạm dụng thị trường Mỹ, Việt Nam còn tệ hại hơn Trung Quốc. Nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn tránh né được sự trừng phạt kinh tế của Mỹ, kể cả dưới thời chính quyền Trump và chính quyền Joe Biden.
Chuyện cũ: chọn Mỹ hay Trung Quốc?
Chẳng phải Việt Nam tài giỏi gì trong việc lợi dụng mâu thuẫn Mỹ-Trung để hưởng lợi mà nhờ Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Các chính phủ Mỹ, trong mục đích kiềm chế ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, luôn muốn lôi kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh, trở thành một đối tác của Mỹ trong chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Mở” (FOIP) khởi động dưới thời chính quyền Trump thứ nhất. Người Mỹ hy vọng, do hai nước Việt Trung đang tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, người Việt có ác cảm nặng nề với Trung Quốc sau một ngàn năm Bắc thuộc, Việt Nam sẽ sớm biết chọn đứng về phía có lợi cho tiền đồ phát triển của đất nước.
Vì lẽ đó, Việt Nam đã được Mỹ “ngó lơ” trước tình trạng Việt Nam tự nguyện làm kho bãi chứa hàng Trung Quốc xuất cảng sang Mỹ, cán cân thương mại Việt-Mỹ ngày càng thiên lệch trầm trọng. Cũng vì vị thế của Việt Nam mà cả trong lĩnh vực nhân quyền, Mỹ cũng “làm ngơ” trước những chiến dịch đàn áp thô bạo những tiếng nói bất đồng ở trong nước, kể cả giam giữ những nhà hoạt động từng được đào tạo tại Mỹ như ông Huy Đức, bà Phạm Đoan Trang, bà Hoàng Thị Minh Hồng… Tháng Chín năm ngoái, Tổng Thống Joe Biden còn ký kết nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên mức đối tác chiến lược toàn diện, dù ông Biden chưa chịu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 12 nền kinh tế “phi thị trường” như lời van nài khẩn khoản của Hà Nội.
Bây giờ thì ông Donald Trump sắp trở lại Tòa Bạch Ốc với những tuyên bố nảy lửa về một cuộc thương chiến mới. Ông dọa đánh thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc, 20% lên hàng hóa các nước khác và bổ nhiệm những nhân vật nổi tiếng cứng rắn vào các chức vụ điều hành kinh tế thương mại trong nội các chính phủ Mỹ. Rút kinh nghiệm từ cuộc thương chiến nhiệm kỳ trước, lần này ông Trump sẽ giáng đòn thuế quan trừng phạt vào hàng hoá các nước bị Trung Quốc núp bóng, chặt đứt vòi bạch tuộc kinh tế của Bắc Kinh. Không chỉ Trung Quốc mà tất cả các nước đang có thặng dư trong buôn bán với Mỹ đều sẽ bị chính quyền Trump ra đòn trừng phạt bằng thuế quan, kể cả các đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan hoặc Mexico, Canada. Việt Nam chắc chắn là nước đầu tiên mà chính sách thuế của ông Trump nhắm tới. Triển vọng Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung xem ra sắp thành chuyện của ngày hôm qua.
Hà Nội đang lo lắng. Đã có nhiều người đề nghị Việt Nam tăng mua hàng Mỹ để giảm thặng dư thương mại với Mỹ, chẳng hạn mua vận tải cơ quân sự C-130 Hercules đang được Mỹ đưa sang trưng bày tại Triển Lãm Quốc Phòng Việt Nam 2024 hoặc tăng mua khí đốt hoá lỏng (LPG) và nông sản Mỹ. Nhưng Việt Nam mua vũ khí, quân trang quân dụng của Mỹ sao để không chọc giận Bắc Kinh; vả lại chênh lệch thương mại giữa hai nước hiện quá lớn, khó mà cân bằng nổi.
Báo The New York Times số ra ngày 17 Tháng Mười Hai nhận định, chênh lệch thương mại với Việt Nam sẽ ít được Washington quan tâm nếu Hà Nội tỏ ra là một trở ngại cho sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực, ngược lại “nếu ông Trump nhìn Việt Nam như một đồng minh của Trung Quốc, cùng chia sẻ hệ giá trị của đảng Cộng Sản, ông ta sẽ đối xử với Hà Nội như với một mối đe dọa cạnh tranh.” Tiếc là, ban lãnh đạo mới của đảng CSVN dưới quyền ông Tô Lâm, tổng bí thư, và ông Lương Cường, chủ tịch nước, tỏ ra ngày càng nghiêng mạnh sang phía Trung Quốc, chẳng những là đồng minh ý thức hệ cùng “chia sẻ tương lai” mà hai bên còn thành lập “cơ chế đối thoại chiến lược 3+3 quốc phòng, an ninh và ngoại giao” – chuyện hiếm thấy trong quan hệ giữa hai quốc gia – và giao cho doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng các công trình chiến lược như hệ thống đường hoả xa kết nối hai nước. Với lựa chọn như vậy, Việt Nam khó mà tránh được búa rìu tariff của ông Trump cho dù Hà Nội đã cố trải thảm đỏ mời mọc Trump Organization đến xây khách sạn, sân golf ở Hưng Yên, quê nhà ông Tô Lâm.
Chưa rõ tân Tổng Thống Mỹ Donald Trump sẽ nhìn Việt Nam như thế nào, như một đối tác làm ăn tin cậy được hay như một mối đe dọa cạnh tranh của Mỹ, nhưng mối lo về đòn trừng phạt thương mại của ông Trump đã bắt đầu thôi thúc một số công ty ngoại quốc tại Việt Nam lập kế hoạch mở rộng hoặc chuyển cơ sở sản xuất sang các nước lân cận như Ấn Độ, Malaysia hoặc Cambodia, theo tin của New York Times.