Châu Âu: Virus thách thức Schengen

HIẾU CHÂN

Sự phát tán “thần tốc” của virus corona từ Ý ra nhiều nước châu Âu chỉ trong vài ngày đã đặt ra thách thức mới cho cơ chế “biên giới mở” của Liên Âu, có thể chấm dứt việc đi lại tự do qua biên giới của nhiều nước mà không cần có visa hoặc kiểm soát hộ chiếu.

Schengen – thành tựu lớn nhất của châu Âu

Từ năm 1985, tại châu Âu hình thành một khu vực miễn hộ chiếu bao gồm 26 quốc gia, gọi tắt là khu vực Schengen, theo tên một thị trấn ở Luxemburg, nơi đại diện của 26 nước họp và ký kết hiệp ước miễn hộ chiếu.

Theo hiệp ước, người dân của một trong 26 nước – và phương tiện di chuyển của họ như xe cộ – được tự do đi đến 25 nước kia mà không cần có hộ chiếu hay giấy phép đặc biệt nào. Công dân các nước ngoài châu Âu chỉ cần có hộ chiếu và visa nhập cảnh vào một trong 26 nước thì có thể đi đến tất cả các nước còn lại trong khu vực Schengen mà không bị hạn chế.

Biên giới giữa các quốc gia trong khu vực dường như chỉ còn trên bản đồ. Và châu Âu coi cơ chế “biên giới mở” này là một trong những thành tựu lớn nhất của Liên Âu, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu chuyển tự do con người và hàng hóa giữa các nước trong khối, hình thành thị trường chung rộng lớn mà còn củng cố một “bản sắc châu Âu” chung cho các dân tộc của châu lục.

Cơ chế mở đó đang bị thách thức nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 đã lan ra 21 quốc gia châu Âu với tốc độ chóng mặt

Kêu gọi đóng cửa biên giới

Tính đến chiều ngày 27-02, Ý – “ổ dịch” Covid-19 của châu Âu – đã ghi nhận 650 trường hợp mắc bệnh và 17 người tử vong. Từ Ý, virus cornona phát tán mạnh sang hàng chục nước châu Âu khác – Tây Ban Nha (24 ca), Hy Lạp, Croatia, Pháp (38 ca), Thụy Sĩ, Đức (26) và các nước Bắc Âu.

Nhân sự lây lan của dịch Covid-19, những tiếng nói kêu gọi đóng cửa biên giới cất lên mỗi lúc một to. Các chính trị gia cực hữu và dân tộc chủ nghĩa từ lâu đã không ủng hộ cơ chế biên giới mở và định chế Liên Âu nói chung vì cho rằng nó xói mòn quyền tự quyết của mỗi quốc gia, giờ được dịp thể hiện chính kiến của họ.

Tại Áo, ông Herbert Kickl thuộc đảng Tự do cánh hữu đối lập đòi đóng cửa ngay lập tức biên giới với Ý ngay sau khi Áo công bố trường hợp nhiễm virus đầu tiên của nước này là một đôi thanh niên từ Ý đến vùng Tyrol miền Tây nước Áo hôm thứ Sáu 21-02 và được xét nghiệm dương tính với virus vào thứ Hai 24-02.

Báo The New York Times cho biết, tại Pháp, Eric Ciotti, nghị sĩ quốc hội, thành viên đảng Cộng hòa cánh hữu, đại diện cho vùng giáp ranh với Ý, kêu gọi siết chặt kiểm soát biên giới “trước khi quá trễ.” Bà Marie Le Pen, lãnh đạo Phong trào Quốc gia cực hữu cũng vào cuộc, đòi đóng cửa biên giới với Ý.

Tại Thụy Sĩ – một quốc gia không phải là thành viên của Liên Âu (EU) nhưng tham gia hiệp ước Schengen – ông Lorenzo Quadri của đảng đối lập cánh hữu Lega dei Ticinesi, cũng kêu gọi ban hành chính sách “đóng cửa”.

Những lời kêu gọi này có vẻ hợp lý và hợp thời khi “phong tỏa”, “cách ly” là những biện pháp chủ yếu để ngăn chặn sự lây lan của virus. Các nước láng giềng châu Á đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc, các nước vùng Vịnh đóng cửa biên giới với Iran là những ví dụ.

Thích hợp hay không?

Nhưng các nhà lãnh đạo EU không muốn đi đến giải pháp đóng cửa biên giới. Cuộc họp giữa bộ trưởng y tế Ý và những người đồng nhiệm các nước láng giềng vào chiều 25-02 cho rằng đóng cửa biên giới là “không thích hợp”, thay vì vậy các nước cần đẩy mạnh hợp tác với nhau, chia sẻ thông tin và nguồn tài nguyên phục vụ việc chống dịch.

Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza cho rằng, “virus không biết tới biên giới, không dừng ở biên giới”; hàm ý nói đóng cửa biên giới, ngăn chặn dòng chảy tự do của con người và hàng hóa cũng không cản trở được đà phát tán của virus.

Bác sĩ Clare Wenham thuộc chương trình Sáng kiến Y tế toàn cầu của Trường Kinh tế London nhận định: “Hạn chế đi lại không khả thi: người ta sẽ tìm cách khác để đi lại, nó chỉ có thể làm chậm đà lây lan của virus”.

Bác sĩ Andrea Ammon, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh châu Âu cũng không đề cập tới biện pháp đóng cửa biên giới khi trình bày đánh giá tình hình dịch Covid-19 và những giải pháp phòng tránh, đề nghị các quốc gia châu Âu hợp tác chặt chẽ hơn nữa.

Tuy nhiên, trong chốn riêng tư, nhiều chính trị gia châu Âu cho rằng do tình hình dịch chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, các chính phủ sẽ sớm phải thay đổi chính sách “biên giới mở”.

Tạm ngừng Schengen?

Đây không phải là lần đầu tiên EU đứng trước lời kêu gọi đóng cửa biên giới. Khi làn sóng di dân và tị nạn đổ vào châu Âu năm, sáu năm trước, nhiều quốc gia cũng kêu gọi đóng cửa biên giới, phục hồi các biện pháp kiểm tra ở cửa khẩu để ngăn chặn những người di cư bất hợp pháp. 

Lãnh đạo EU năm 2015 đã phải ban hành chính sách “tạm dừng” hiệu lực của hiệp ước Schengen, cho phép một số quốc gia phục hồi sự kiểm soát toàn diện biên giới của nước họ, ngăn chặn các đoàn người di cư từ châu Phi, Trung Đông đến Hy Lạp rồi từ Hy Lạp “tự do” đi tới các quốc gia giàu có hơn như Đức, Pháp, Anh quốc ở phía Bắc.

Sự thay đổi chính sách này cho phép dựng lại các chốt kiểm soát biên giới vì những lý do đặc biệt như tấn công khủng bố, làn sóng di dân tăng vọt hoặc tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng.

Tuy nhiên, luật quy định muốn dựng lại chốt kiểm soát biên giới, các quốc gia cần phải lý giải được nguyên nhân của hành vi đó, và việc kiểm soát biên giới không được kéo dài quá hai năm.

Hồi chuông báo tử cho Schengen?

Với đà bùng phát nhanh chóng hiện nay của dịch Covid-19, rất có thể châu Âu lại phải tạm dừng hiệp ước Schengen và khôi phục việc kiểm soát biên giới như đã làm thời ngăn chặn di dân bất hợp pháp. Nhưng tình hình hiện thời có nhiều điểm khác so với năm 2015.

Chính trường châu Âu những năm gần đây chứng kiến sự thoái trào của cánh tả với chủ trương một châu Âu cởi mở và hội nhập, cùng với sự trỗi dậy của cánh hữu – thậm chí cực hữu – với chủ trương quay về với chủ nghĩa quốc gia, củng cố chủ quyền và bản sắc dân tộc. Các chính trị gia cánh hữu phản đối quyết liệt chính sách cởi mở với người nhập cư, đòi hỏi tôn trọng chủ quyền quốc gia trong tất cả các lĩnh vực từ hệ thống tài chính tiền tệ, hành chính tới biên giới và ngoại giao.  

Cánh hữu đã giành được chính quyền ở Hungary, Ba Lan, đã trở thành lực lượng đối lập chính trong quốc hội Pháp và Đức và đã thành công trong Brexit – đưa nước Anh ra khỏi EU sau 47 năm chung sống.

Vụ bùng phát đại dịch Covid-19 “xuyên quốc gia” đem lại cho các chính trị gia cánh hữu thêm một cơ hội để đẩy mạnh chủ trương đóng cửa biên giới, và với thế lực chính trị đang mạnh lên của họ lần này sẽ không đóng cửa tạm thời mà có khả năng sẽ là vĩnh viễn; kết thúc một khu vực Schengen, một thời kỳ châu Âu mở và thông thoáng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: