Bạo lực gia đình và tình trạng “đồng lệ thuộc”

Minh họa

Nguyễn Minh Thanh

Trước đây, tôi và bạn gái cũ được hai gia đình gặp mặt thuận tình tiến tới hôn nhân, đây là một “nghi thức” trước lễ cưới đánh dấu việc trở nên vợ-chồng. Bạn gái tôi nói: “Cưới nhau về em xin anh một điều nha!”. Tôi hỏi là điều gì? Cô ấy trả lời: “Anh đừng đánh em”…

Tôi lặng người khá lâu. Định thần lại rồi đáp “em yên tâm, không có chuyện đó đâu”. Bạn gái ngày trước của tôi khá chững chạc, tự lập và cá tính, nên khi cô ấy thốt ra lời đó làm tôi băn khoăn rất nhiều. Tôi hỏi “sao em nghĩ anh đánh em?”. Cô ấy trả lời “em không biết, nhưng gia đình em từng có chuyện ba em đánh mẹ nhiều lần, mẹ khóc và chịu đựng. Mỗi lúc vậy, mấy chị em trong nhà rất sợ và giận ba”. Lúc ôm cô ấy vào lòng, tôi như muốn che chở và trấn an cô ấy, như một cách trả lời vô tâm thức về sự bình an trong gia đình nhỏ sắp tới. Sau đó, khi tìm hiểu thêm, tôi biết quá khứ gia đình cô ấy có tình trạng bạo lực gia đình, chồng đánh đập vợ vì nhiều lý do, và phần nhiều do những áp lực công việc cũng như lúc say xỉn…

Sau này, vì vài lý do cá nhân, chúng tôi chia tay. Nay mỗi người đều có cuộc sống gia đình nhỏ riêng. Tôi không biết giờ cuộc sống cô ấy có còn ám ảnh về hành vi bạo lực hay không, song câu “cầu xin” đừng đánh em ám ảnh tôi tới tận bây giờ. Vừa rồi, vợ tôi gấp gáp bắt chuyến bay sớm từ Sài Gòn về Rạch Giá (Kiên Giang) để an ủi một cô bạn thân. Cô bạn ấy đã giấu nhiều người, kể cả cha mẹ và anh chị em ruột, cho tới lúc không chịu đựng được về hành vi xâm phạm tính mạng của bản thân và an toàn của con cái, nên cuối cùng cô ấy mới gởi các đoạn ghi âm và tin nhắn về đời sống hôn nhân nhiều bạo lực của chồng cho một người bạn.

Minh họa

Về hoàn cảnh gia đình, chồng cô ấy làm ở một chi nhánh điện lực, công việc khá tốt, gia đình có hai đứa con trai. Cô vợ làm ở của hàng kinh doanh đồ trang sức. Thoạt nhìn gia đình hạnh phúc, nhưng đằng sau đó là chuỗi ngày bị chồng bạo hành, mắng chửi và đánh đập. Các đoạn băng ghi âm mà cô bạn ấy gởi khiến vợ tôi kinh sợ đến mức lúc đầu không dám nghe vì những từ ngữ xúc phạm nhân phẩm cùng với tiếng đánh đấm hung tợn từ người chồng.

Đêm đó, vợ tôi xót xa viết trên facebook rằng “Có thể từ nay về sau điều duy nhất mà tôi cần chúc bạn ấy mỗi khi đến sinh nhật không phải là vui vẻ, không phải trẻ mãi mà chỉ là sự bình an!”. Sau những đắng cay và tủi phận, cô ấy viết thư, quyết định sẽ ly hôn. Tuy nhiên, ít ngày tiếp theo, anh chồng lại đã đón cô ấy về, xem như chưa xảy ra chuyện gì, kể cả việc xin lỗi tối thiểu về hành động đánh chửi vợ trước đó cũng không màng nhắc đến. Vợ tôi, một chuyên viên tâm lý trị liệu, cũng thốt lên một cách tiêu cực rằng “em gặp cô ấy không phải để hỗ trợ điều trị, không phải để giúp cô ấy thoát khỏi tình trạng đó, mà chỉ là an ủi chính bản thân, rằng “gặp nó để không hối tiếc, vì nếu lỡ không có lần gặp cuối cùng“.

Trong cuốn “Ngừng Lệ Thuộc”, tác giả Melody Beattie nhắc rằng tình trạng “đồng phụ thuộc” là khái niệm về việc đánh mất bản thân trên danh nghĩa giúp đỡ người khác. Sự lệ thuộc về tinh thần vô hình mà ghê gớm, có thể khiến một người vợ chọn tiếp tục chịu đựng bạo hành trong hôn nhân trên danh nghĩa “giữ cho con cái có đủ cha lẫn mẹ“. Nhưng họ không biết họ đang nuôi nấng ý niệm bạo lực cho những đứa con, tạo ra một thế hệ đầy bạo lực mà “được tha thứ”. Người chồng là người bạo hành, là người lệ thuộc vào tiền, địa vị xã hội, danh dự, thường xuyên chịu áp lực và sử dụng bạo lực để giải quyết áp lực, giải quyết vấn đề… Vợ là người đồng lệ thuộc, góp phần cho hành vi bạo hành được xảy ra và tha thứ cho hành vi đó như thể là cứu cánh đối với người kia (chồng) và con cái của họ.

Cả hai, dù là người gây bạo lực hay chịu đựng bạo lực đều, xứng đáng được trị liệu để trở nên khỏe mạnh về mặt tâm lý để có thể tái lập một cuộc hôn nhân đúng nghĩa. Trị liệu phải đi tới viễn cảnh “không để mình kệ thuộc người khác và không để người khác lệ thuộc mình”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: