“Nhà nước cho ra đường mua các mặt hàng thiết yếu là lương thực và thực phẩm. Bánh mì không phải lương thực mà là… món ăn. Lương thực là gạo, rau củ. Thực phẩm là muối, cá, thịt”.
Đó là tuyên bố làm cộng đồng mạng Việt Nam dậy sóng trong những ngày Sài Gòn bị phong tỏa. Mặc dù câu chuyện xảy ra tại Nha Trang nhưng Sài Gòn vốn nhạy cảm và đang sống trong tâm thế uất ức nên ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa vào chiều 18 Tháng Bảy, đã lập biên bản xử phạt đối với anh Trần Văn Em khi anh ra đường mua bánh mì, nước uống đã bị người dân Sài gòn lên án và ném đá.
Uất ức vì tính cách ngông cuồng coi trời bằng vung của một viên chức nhỏ bé được nhà nước nuông chìu bảo bọc, kể cả bảo bọc sự ngu dốt trơ trẽn đã làm người dân tức giận, mặc dù sự tức giận ấy vô ích đến phi lý. Người ta không tức giận vì câu định nghĩa bánh mì không phải là lương thực, nó chỉ làm người ta cười chê sự dốt nát cộng với mẫn cán. Người ta tức giận vì tính cách lộng hành, áp bức dân chúng vượt qua mọi khuôn phép pháp luật của đương sự.
Nếu người Việt sống ở hải ngoại được một cảnh sát viên cho rằng bánh mì không phải là lương thực thì ngay lập tức họ sẽ gọi cho cơ quan thẩm quyền yêu cầu làm rõ bản thân của người phát ngôn, nhưng tại Việt Nam ông phó chủ tịch phường to “ngang” với một thống đốc tiểu bang nên “quy trình” sửa sai, kỷ luật cũng kéo dài không kém một recall bên Mỹ.
Chúng ta ai cũng từng trải qua cuộc ngăn sống cấm chợ tại Việt Nam khi mà một ký thịt heo từ chỗ này sang chỗ khác cũng bị gán cái nhãn buôn lậu thì một ổ bánh mì bị “sách nhiễu” cũng không gây ngạc nhiên cho bất cứ ai từng trải qua chế độ cộng sản. Cái bánh mì con con ấy chỉ là sự lập lại của một chiếc bánh khác khi mọi thứ trở thành khan hiếm và đói khát: “Bánh vẽ”.
Cái bánh này xuất hiện trên những chiếc tủ trống trơn trong thời bao cấp khi mà tem phiếu thay cho tiền bạc có thể làm con người ngu đần và chỉ háo hức trước một đối tượng duy nhất: thực phẩm.
Cái bánh vẽ Cộng sản làm cho cơn đói được vỗ về và an ủi. Chúng ta sẽ thoát đói nghèo khi dân tộc được giải phóng. Chúng ta thắt lưng buộc bụng cho đồng bào miền Nam. Chúng ta sẽ giàu đẹp bằng mười hôm nay và nhất là chúng ta sẽ không bao giờ sống trong cảnh phồn vinh giả tạo như chế độ miền Nam của Mỹ ngụy.
Những cái bánh vẽ ấy đè bẹp chiếc bánh mì của miền Nam và nhiều người miền Bắc không tin rằng miền Nam lại đầy ắp bánh mì như thế. Cái bánh vẽ ấy bị quẳng vào thùng rác sau ngày 30 Tháng Tư và người ta thấy nó thấp thoáng trở lại sau ngày Sài Gòn bị phong tỏa.
Cái bánh vẽ bây giờ là những hộp vaccine ngừa Covid-19. Nó chỉ có trên giấy khi nhà nước kêu gọi người dân góp tiền mua thuốc. Tiền dân sau khi đóng góp lại chạy thẳng vào ngân hàng để lấy lãi còn nhà nước tiếp tục lê lết xin xỏ các nước để được cung cấp và sản xuất lấy vaccine. Hết triệu này tới triệu nọ, những chai thuốc ngừa được vẽ ra cho dân thấy mình sắp được chích, sắp được đối xử công bằng như ông Thủ tướng vẽ ra, bất kể Mỹ, Nhật, EU gửi thuốc tới cho dân thì các liều thuốc ấy vẫn vô hình như những chiếc bánh vẽ từ thời bao cấp.
Vaccine khác với những chiếc bánh vẽ trước đây, khác bởi tính thời sự của nó không thể giống như loại thực phẩm thời bao cấp. Có điều rồi đây chiếc bánh vaccine thay vì được quốc tế viện trợ nhân đạo cho người dân thì lòng tốt ấy chỉ được trao cho “nhân dân loại một” tức là cán bộ đảng viên, gia đình cán bộ, gia đình có công với cách mạng còn “nhân dân loại hai”, đại đa số quần chúng còn lại không thể ăn chiếc bánh này mà không tốn tiền. Tiền trả để được tiêm ngừa sẽ được gọi là “hỗ trợ” là “phí y tế” là “đóng góp” hay “xã hội hóa” hoặc “vì tương lai vaccine nước nhà”… và vì vậy nó vẫn là chiếc bánh vẽ to đùng như những chiếc bánh vẽ khác mà thôi.
Từ bánh mì tới bánh vẽ là một đoạn đường dài, nó dài như con đường tiến tới Xã hội Chủ nghĩa mà ông Tổng bí thư vẫn ca thán là không biết bao giờ mới tới.