Hàng rong, đẹp, u uẩn buồn

Những gánh hàng rong Hà Nội. MXH

Hàng rong, nước nào cũng có nhưng đẹp và u uẩn như Việt Nam thì có lẽ là không.

Mỗi sáng, theo báo chí trước đây, tại thành phố Hà Nội có đến hai mươi ngàn gánh hàng rong xuất hiện trong khắp hang cùng ngõ hẹp. Hàng rong Hà Nội bán không thiếu thứ gì, từ một tô cháo huyết tới một bó rau muống hay một cánh hoa thược dược, từ một lạng ớt tới nửa ký thịt heo tất cả đều được bán và mua bình thường như người ta đi chợ, Hàng rong khác với chợ ở chỗ tiện lợi, rẻ và trông có vẻ sạch hơn, người mua có thời gian lựa chọn và …tán gẫu với người bán, thường, họ đều quen biết nhau sau nhiều lần trao đổi và trong thâm tâm của kẻ bán người mua hình thành một mối quen biết khá chân thành và bền bỉ.

Hàng rong buổi sáng ở Hà Nội lấp đầy chỗ trống thị tứ như những điểm nhấn sống động bên cạnh những tòa nhà ủ dột có từ thời xa xưa. Những con người cần cù vất vả nhắc nhở cư dân Hà Nội một thời khốn khó của mình. Từ gánh hàng rong người ta gắn liền với kỷ niệm không mấy vui về những đoạn đời vất vả bởi kinh tế kiệt quệ, bởi hơi hướm chiến tranh ngày ngày đè nặng.

Hàng rong khi xưa ít hơn bây giờ rất nhiều và mặt hàng được rao bán cũng đơn điệu và buồn bã như khuôn mặt người Hà Nội trong chiến tranh. Hàng rong Hà Nội ngày nay khác với thời xưa, khác vì những vật bày bán trên cái mẹt trong từng quanh gánh đến chiếc xe đạp oằn cong dưới sức nặng của những bó hoa… nhưng có một thứ không khác đó là những giọt mồ hôi, những tiếng rao lạc giọng những ánh mắt buồn diệu vợi và những bờ vai gầy guộc gần như không còn chịu nỗi sức nặng cuộc đời

Vào Huế, người ta thấy hàng rong khác rất xa đối với hàng rong Hà Nội. Ở Huế, người ta nghe tiếng rao, tiếng mời gọi hiền hòa ấm lòng từ những o những mệ. Cung bậc tiếng rao như lấp bớt cái buồn tẻ của vật bán trong chiếc gánh nhỏ bé. Cơm hến, hột vịt lộn, bánh canh… hay đôi khi người ta còn gặp những thứ khác như búp sen, chuối ngự… tất cả cộng lại với tiếng rao, với vạt áo dài nghèo khó hình thành nên gánh hàng rong xứ Huế.

Những thân phận trầm luân, những cõi người bất hạnh xuất hiện trên từng gánh hàng rong như thách thức sự hoa mỹ, lòe loẹt của thành phố mang danh phận đất Thần kinh. Người Huế ít chú ý tới hàng rong có lẽ vì tính tiết kiệm của người nghèo cộng với tính khảnh ăn của nhà quyền quý…chỉ một ít dân trung lưu mới có hứng thú kêu một gánh bún vào sân nhà rồi bày ra một cửa hàng nho nhỏ với những chiến ghế con con quây quanh cô hàng bún.

Vào tới Sài Gòn thì gánh hàng rong như cá gặp nước. Chắc chắn một điều không đâu mà hàng rong nhiều như Sài Gòn và cũng không nơi nào mà người ta lại thích hàng rong như vậy.

Từ chú xe ôm tới cậu bé vé số, từ ông chủ quán tới cô gái hành nghề làm tóc, móng tay… tất cả đều chú ý tới gánh hàng rong của riêng mình để khi cái gánh ấy đi ngang là làm gì cũng gọi vào cho bằng được. Có khi chỉ là một dĩa bánh bèo, một gói xôi hay một đĩa ốc len xào dừa… ngay khi cái gánh hàng ấy tọa xuống đất thì người ăn cũng chính thức tươm trong miệng thứ nước của hương vị vì thèm thuồng. Gánh hàng rong Sài Gòn là một tập hợp những tinh hoa của ẩm thực. Cả nước mang về đây món ăn của từng vùng miền thông qua chiếc gánh hàng nhỏ bé. Bún miền Tây, chè Huế, rồi vật lạ Hà Nội đều thong thả đổ về Sài Gòn để người ở đây bỗng ghiền ngang xương những thức ngon vật lạ.

Gánh hàng rong Sài Gòn cũng khác với Hà Nội hay Huế, chúng được chào đón ân cần hơn, được bàn tán sôi nổi hơn về món mà nó bán. Nhưng không khác gì Hà Nội và Huế, gánh hàng rong Sài Gòn sau một ngày giong ruổi cũng trở về chiếc “chòi” của mình với tâm trạng rã rời quen thuộc.

Có những đêm chị bán hàng rong không ngủ được vì lo cho con mình dưới quê không biết học hành ra sao. Lo gì thì cũng phải thức dậy lúc 3 – 4 giờ sáng nấu tiếp nồi bánh canh hay nước lèo cho gánh bún. Công việc đuổi sau lưng họ không thương tiếc cho dù câu vọng cổ mùi mẫn nửa đêm cũng khó mà ru được cái thân xác vốn ngày một yếu đi vì cong oằn kiếp tha phương cầu thực.

Gánh hàng rong xuất hiện đưa tay cứu vớt biết bao cuộc đời trôi giạt nhưng nó không truyền được sức sống mới vào thân xác những con người đáng thương vì hoàn cảnh. Gánh hàng rong là một khuôn mặt khác của xã hội, nó lên tiếng cho nỗi buồn lớn lao của miếng ăn và niềm vui nho nhỏ khi ngồi đếm những đồng tiền đầy mồ hôi lẫn nước mắt.

Hàng rong Sài Gòn chứa đầy cung bậc buồn vui của người ngụ cư. Buổi sáng, nó lơ là nghe tiếng rao bao nhiêu thì khi màn đêm buông xuống nó thèm thuồng tiếng rao quen thuộc ấy bấy nhiêu. Buổi sáng người dân Sài Gòn cũng tất tả kiếm ăn nên tiếng rao của chị hàng rong không làm ai chú ý nhưng khi màn đêm vừa buông xuống thì cái đói kéo về thế là hàng rong được xếp hàng trong trí nhớ. Mỗi một món ăn gắn liền với sở thích là một lẽ, nó còn gắn liền với giọng rao, khuôn mặt người bán như cái căn cước khiến người ăn tin tưởng và ghé lại.

Hàng rong, tới thế kỷ sau nó vẫn vậy, có khác là người bán có tiền hơn do đó họ có thể sắm sửa gánh hàng của mình tươm tất hơn không còn chất đầy mồ hôi như ngày nay và nhất là cảnh rượt đuổi của “lực lượng chức năng” sẽ không còn nữa. Nhưng dù sao thì hàng rong vẫn là nét văn hóa của dân tộc, nét văn hóa của vất vả, tảo tần gắn chặt bởi tiếng rao thay vì tiếng khóc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: