1.
Ngày 3 Tháng Mười Một, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn hai ngày là diễn ra, Thủ Tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu rất chí lý rằng: “Tương lai Âu châu phụ thuộc vào chính các quốc gia trong châu lục này, chứ không phải vào bầu cử Mỹ.”
Có thể nói tư tưởng phụ thuộc vào Mỹ của Âu châu đã xuất hiện từ thời Thế chiến 2. Mỹ góp công lớn trong việc giúp Âu châu đánh bại phát xít Đức rồi kế hoạch Marshall của Mỹ giúp tái thiết nhiều nước Âu châu vốn suy sụp vì chiến tranh. Kể từ đó, cái tâm lý phụ thuộc vào Mỹ của Âu châu dần dần hình thành.
Nhiều nước Âu châu thường chờ đợi Mỹ đưa ra quan điểm trước các vấn đề quốc tế trước khi họ đưa ra quan điểm riêng. Và cái quan điểm gọi là riêng của họ thường không mấy khác quan điểm của Mỹ. Cái tâm lý phụ thuộc vào Mỹ dường như đã khiến Âu châu quên rằng họ là đồng minh của Mỹ, chứ không phải là một phần của nước Mỹ.
Xung đột Nga-Ukraine được cho là đã khiến Âu châu phải nhìn lại mình. Và họ nhận ra rằng thay vì tiếp tục phụ thuộc vào sự lãnh đạo và sức mạnh của Mỹ, Âu châu nên tăng cường sức mạnh quân sự của chính mình.
Phải thừa nhận rằng bao lâu nay sự lãnh đạo của Mỹ đối với Âu châu đã rất thành công, làm Âu châu mất đi động lực và khả năng để phát triển vai trò lãnh đạo của chính họ. Vì lẽ đó, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron từng lên tiếng kêu gọi Âu châu đóng vai trò quyết định hơn trong NATO, giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ. “Âu châu cần giành quyền tự chủ nhiều hơn về công nghệ và năng lực quốc phòng,” ông nói.
Vả chăng giờ đã khác xưa. Nhiều nước Âu châu hiện nay không hề là những nước kiệt quệ vì chiến tranh như thuở hậu Thế chiến 2 mà ngược lại, là những nước khá giả. Trong khi đó bản thân Mỹ, dù vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang phải đối phó nhiều vấn đề của riêng mình. Ông Donald Trump hoàn toàn đúng khi từng yêu cầu các nước NATO phải gia tăng chi tiêu quốc phòng. Yêu cầu như thế, hẳn ông muốn các nước đó đừng quá ỷ lại vào Mỹ nữa.
Thủ Tướng Ba Lan Donald Tusk có lý khi cho rằng kỷ nguyên của việc lệ thuộc vào Mỹ đã kết thúc. Theo ông, việc ai trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ không còn quan trọng với Âu châu. Bất kể kết quả bầu cử Mỹ thế nào, Âu châu cuối cùng phải trưởng thành và tin vào sức mạnh của chính mình.
2.
Thái Lan mới đây đã gởi công hàm phản đối tới Israel.
Công hàm này nhằm yêu cầu Tel Aviv phải bảo đảm việc các công dân Thái Lan sẽ không bị gởi tới những khu vực có nguy cơ hứng chịu tên lửa của Hezbollah.
Động thái này của chính phủ Thái Lan diễn ra sau vụ 4 công dân Thái thiệt mạng trong vụ tập kích của Hezbollah vào thành phố Metula của Israel hôm 31 Tháng Mười. Trong công hàm này có đoạn: “Là thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, chúng tôi kêu gọi các bên quay trở lại đàm phán hòa bình.”
Vấn đề là khi nhắc nhở Israel rằng Thái Lan là thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, thì Thái Lan lại khiến người ta nhớ rằng Thái Lan đang là một nước xem thường nhân quyền. Sau cuộc đảo chính quân sự Tháng Năm 2014 tại Thái Lan, chính quyền nước này bị cho là đã bắt tay với một số chính phủ khác để bắt và trục xuất người tỵ nạn ở Thái Lan. Thái Lan hiện nay không còn là nơi an toàn cho người tỵ nạn, khi chính phủ Thái đã trục xuất nhiều người Việt, Lào, Campuchia, Duy Ngô Nhĩ về quê hương của họ.
Việc một nước vi phạm nhân quyền như Thái lan mà lại là thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ thực là điều đáng xấu hổ cho tổ chức này.