1.
Ngày 8 Tháng Mười Hai, sau khi chế độ Assad sụp đổ, Bộ Ngoại Giao Nga tuyên bố ông Assad từ chức và rời khỏi đất nước sau khi chỉ thị chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Với những lời tuyên bố này của, người ta có thể hiểu rằng Moscow đã chủ động đề nghị ông Assad từ bỏ chức vụ và lên máy bay tới nước Nga, nơi mà ông có nhiều khả năng sẽ sống kiếp tỵ nạn tới cuối đời. Việc Nga không thể tiếp tục chống lưng cho chế độ Assad chỉ là việc chẳng đặng đừng. Sống kiếp tỵ nạn, Assad có thể sẽ mãi mãi không được ló mặt ra ngoài để tránh bị ám sát, bởi đối với người dân Syria, ông ta là kẻ có nhiều nợ máu. Không loại trừ sau này Moscow sẽ phải đối mặt với yêu cầu dẫn độ ông Assad của chính quyền mới ở Syria.
Tiếp đó, Bộ Ngoại Giao Nga bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình tại Syria. Những lời này khiến người ta tin rằng cái mà Nga thực sự quan tâm ở Syria chính là căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartus, vốn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Nga ở Trung Đông. Quá khó cho Nga để giữ được hai căn cứ này khi chế độ Assad đã sụp đổ.
Nhưng khi Bộ Ngoại Giao Nga hối thúc tất cả các bên “kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực và giải quyết mọi vấn đề liên quan tới việc chuyển giao quyền lực thông qua các biện pháp chính trị”, thì người ta chỉ biết cười khinh bỉ. Bởi 10 năm trước, nếu Nga không can thiệp quân sự vào Syria, hỗ trợ chế độ Assad và chà đạp lên Nghị quyết 2254, thì đất nước Syria đã yên ổn từ lâu.
Được Hội Đồng Bảo An LHQ thông qua năm 2015, nghị quyết 2254 yêu cầu các phe phái đối lập và quân chính phủ Syria ngừng bắn và tổ chức đàm phán, sau đó 18 tháng sẽ tổ chức ttổng tuyển cử tự do và công bằng dưới sự giám sát của LHQ.
Vì tham vọng địa chính trị của mình, Nga đã phá hỏng tất cả, đẩy đất nước và người dân Syria vào cảnh đao binh, mà giờ bày đặt lên giọng dạy đời. Thế mới biết những thằng hay nói đạo đức thường vô đạo đức!
2.
Có thể nói sự sụp đổ chóng vánh của chế độ Assad là sự thất bại thảm hại của Nga, Iran và phe Hezbollah, những thế lực từng chống lưng cho chế độ đó. Sự kết thúc của chế độ Assad cũng là kết thúc ảnh hưởng của Nga, Iran và Hezbollah ở Syria.
Nhưng sự kết thúc của chế độ Assad lại là sự khởi đầu của một nước Syria mới, mà nhiều người kỳ vọng sẽ là một Syria thống nhất, nơi “mọi người dân chung sống trong hòa bình và công lý” như cam kết của lãnh tụ HTS là Abu Mohammad al-Jolani khi các lực lượng phiến quân tiến vào thủ đô Damascus.
Để tái thiết đất nước từ tro tàn của chiến tranh, chính quyền mới ở Syria sẽ phải cần hàng trăm tỷ đôla Mỹ viện trợ. Ngoài ra, họ còn cần có sự tôn trọng dành cho mọi tầng lớp nhân dân. Người Hồi giáo Sunni chiếm đa số ở Syria nhưng nước này còn là nơi sinh sống của nhiều người thuộc các tôn giáo khác, trong đó có những người theo Thiên Chúa Giáo và đạo Alawite, một nhánh của đạo Hồi Shiite. Chỉ cần chính quyền mới đụng chạm tới cộng đồng Thiên Chúa Giáo chẳng hạn, có nghĩa là đụng chạm tới cả Phương Tây. Mà đụng tới Phương Tây thì sẽ là điều quá ư dại dột.
Một lãnh tụ phiến quân là ông Hadi al-Bahra mới đây đề xuất rằng Syria cần một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 18 tháng để tạo một môi trường an toàn và trung dung cho một cuộc tổng tuyển cử để bầu ra người đứng đầu đất nước. Nếu thế thì đúng với tinh thần của Nghị quyết 2254 được Hội Đồng Bảo An LHQ thông qua năm 2015. Mong rằng mọi thứ sẽ suôn sẻ cho người dân Syria vốn đã chịu nhiều đau thương, mất mát trong bao năm qua. Mong rằng đất nước này sẽ được lèo lái bởi những lãnh đạo biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích riêng.
Lãnh tụ HTS al-Jolani cam kết Syria sẽ trở thành “ngọn hải đăng” cho các nước Hồi Giáo. Hy vọng ông ta là người biết giữ lời để người dân Syria từ nay được sống trong “hòa bình và công lý”, để Syria mãi mãi là ngọn hải đăng trong khu vực Trung Đông vốn luôn tồn tại những bất ổn.