Chuyện ông Trưởng phòng Nội vụ quận Hải An, (TP. Hải Phòng) Phạm Văn Toàn (sinh năm 1972) đang yên vị bỗng bị tố trước đây học đại học luật khi chưa có bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa là vi phạm pháp luật. Dư luận đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải điều tra, nếu đúng như thế phải cách chức ông Toàn, thậm chí khởi tố vì gian lận bằng cấp, “lừa trên, gạt dưới”,…
Theo nhận định của lãnh đạo quận Hải An, người (hay một nhóm người) cố tình moi móc quá khứ (không mấy tốt đẹp) của ông trưởng phòng Nội vụ quận Hải An ra để “hạ bệ” ông ấy chắc chắn có “mưu đồ chính trị”, nếu không thì cũng bị “bọn phản động giật dây gây bất ổn xã hội”. Chuyện của ông Toàn cũng… bình thường thôi, chẳng qua là do “yếu tố lịch sử” để lại (!?)
Bọn gây bất ổn gởi cho báo Tuổi Trẻ một số bằng chứng về việc ông Toàn học đại học khi chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, yêu cầu Tuổi Trẻ điều tra. Thế nên chuyện nhỏ bị xé ra to. Một ông lãnh đạo quận Hải An giấu tên nói thế. Ông ta còn nói “lãnh đạo quân biết chuyện này rồi, chúng tôi cũng đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy và Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hải Phòng, lãnh đạo ở trên đâu có ý kiến về việc ‘nợ bằng’ của ông Toàn đâu. Nợ thì phải trả, mà ông ta đã trả rồi, có gì đâu mà um xùm!”
Có điều ông Toàn trả sau, mà điều này lại không đúng quy định. “Nợ thì phải trả”, nhưng báo Tuổi Trẻ lại muốn ông Toàn phải trả giá (vì bất lương) chứ không phải trả nợ bằng cấp. Thế là họ mở cuộc điều tra.
Của đáng tội, cuộc điều tra dù trên báo thôi, cũng làm nhiều người đổ mồ hôi hột.
Theo kết quả xác minh của UBND quận Hải An từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng xác định năm 1995, ông Toàn mới tốt nghiệp bổ túc trung học, được cấp bằng ngày 15-7-1995 sau khi đạt kết quả tại kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học diễn ra tại Hội đồng thi An Hải II.
Hồi đó ông Toàn là cán bộ phòng Tư pháp, có chút quyền hành. Nếu sau khi tốt nghiệp trung học (có thể là bằng ông ta mua), ông theo học trường Đại học Luật Hà Nội hệ tại chức thì ai nói làm gì. Đằng này, ba năm trước đó, ông Toàn đã học lớp luật kinh tế hệ dài hạn mở rộng của trường Đại học Luật Hà Nội rồi (khóa 1992-1997).
Theo hồ sơ học bạ của ông Toàn, vào năm 1992 ông Toàn mới học lớp 10 hệ bổ túc, ba năm sau ông mới được cấp bằng tốt nghiệp bổ túc trung học vào ngày 15-7-1995, do đạt kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học tại hội đồng thi An Hải II, khóa thi ngày 5 và 6-6-1995.
Rõ ràng, theo lẽ thường thì ông Toàn đã gian lận khi theo học đại học luật trong khi chỉ mới có trình độ lớp 10. Việc này được ông Dương Đình Ổn – Chủ tịch UBND quận Hải An giải thích rất có tâm:
“Cái này không phải lỗi của người học mà bối cảnh lịch sử thời điểm đó cho phép người học được ‘nợ bằng’ tốt nghiệp phổ thông. Trước khi thi tốt nghiệp đại học, nhà trường sẽ yêu cầu cung cấp bằng tốt nghiệp phổ thông, nếu đủ điều kiện thì được thi tốt nghiệp, còn ai không đủ thì chỉ được cấp giấy chứng nhận đã học chương trình đào tạo của trường”.
Ông Ổn còn nói thêm: “Tiêu chí xét tuyển thời điểm đó chỉ cần có nhu cầu học là người ta cho phép học, trong quá trình học sẽ hoàn thiện các điều kiện sau”.
Miệng ông Ổn “cứng” thật đấy! Như có gang, có thép bên trong. Tuy nhiên ông ta lại không đưa ra được căn cứ pháp lý, quy định nào của cơ quan có thẩm quyền cho phép việc chưa tốt nghiệp phổ thông nhiều năm vẫn có thể học đại học. Ông nói thời điểm đó chỉ có một văn bản của Bộ Giáo dục về thi tuyển, chứ không có xét tuyển. Một số trường đại học ngày xưa có xét tuyển, trong đó có trường Đại học Luật Hà Nội, nơi ông Toàn đã lấy bằng cử nhân luật.
Ông Phạm Văn Thái, người lấy bằng bổ túc trung học cùng thời gian với ông Toàn nói, ông Ổn giải thích lập lờ quy định này. “Theo tôi được biết, trường đại học cho phép sinh viên nộp hồ sơ tốt nghiệp trung học sau chỉ vài tháng thôi, vì khi xét tuyển họ chưa nhận được bằng tốt nghiệp. Khi nào nhận được họ sẽ nộp bổ sung, chứ đâu có trường nào cho thiếu tới 3 năm!”
Trong văn bản phúc đáp báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo trường Đại học Luật Hà Nội cho biết quá trình xét tuyển và đào tạo được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), với hồ sơ xét tuyển yêu cầu phải có học bạ và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng bổ túc văn hóa.
Tuy nhiên, hồ sơ thí sinh nộp vào trường là các giấy tờ bản sao có công chứng, chứng thực thuộc diện lưu giữ có thời hạn nên hiện nay nhà trường không còn lưu giữ các giấy tờ này.
Đến đây một câu hỏi được đặt ra: Ông Toàn có làm hồ sơ giả để được xét tuyển vào trường Đại học Luật Hà Nội hay không?
Ở đây, không còn “yếu tố lịch sử” nữa, vì theo quy định của Bộ GD-ĐT lúc đó, ông Toàn phải nộp học bạ và bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa vào để được xét tuyển. Nếu nhà trường “cho thiếu” thì cũng chỉ được thiếu vài tháng thôi. Như thế để có bộ hồ sơ tốt nghiệp, ông Toàn chỉ còn cách làm… giả, rồi đi công chứng.
Rất may cho ông là toàn bộ hồ sơ đó đã bị hủy, nếu không thì chuyện này sẽ được giải quyết theo hướng bất lợi cho đường công danh sự nghiệp của ông ta ngay rồi. Nhưng với văn bản trả lời của lãnh đạo trường Đại học Luật Hà Nội, người ta nghi ngờ lúc đó ông Toàn đã cấu kết với cán bộ phòng Công chứng quận Hải An, ký xác nhận bản sao bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa giả để ông nộp vào trường đại học.
Hồ sơ gốc chuyện xác minh bằng cấp của ông Toàn chắc chắn vẫn còn được lưu trữ ở văn phòng quận Hải An. Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận thêm hồ sơ này, ông Ổn cho biết do có nhiều tài liệu thuộc diện mật nên không thể cung cấp.
Điều này cho thấy ông Toàn được các lãnh đạo quận “chống lưng” rất mạnh. Do đó, đến nay UBND quận Hải An vẫn không xem xét việc kỷ luật ông Toàn, dù sai phạm đã rõ ràng.
Tất cả đều đã được lãnh đạo quận giải thích bằng lý do “yếu tố lịch sử”, kể cả việc để ông trưởng phòng Nội vụ giẫm đạp lên luật để lấy bằng cử nhân luật.
Có người nói “chuyện này cũng thường thôi, vì họ là đảng viên cộng sản. Mà người cộng sản làm những chuyện mà chẳng ai có thể làm được”.