Ở Little Saigon có đến hàng trăm quán ăn Việt, nhưng nơi bán đồ ăn vặt chỉ mới xuất hiện mấy năm gần đây, hầu hết do người trẻ làm chủ.
Little Saigon mới tròn 34 tuổi cách đây hai tháng (tên Little Saigon được đặt dưới thời Thống đốc George Deukmejian vào Tháng Sáu, 1988). Với sự bùng nổ của làn sóng những người nhập cư mới liên tục đổ vào, hàng quán ngày càng mọc lên nhiều ở địa danh không có ranh giới hành chánh này.
Tới Cali phải ghé Little Saigon
Trước đây, Little Saigon chỉ gói gọn trong khu vực khoảng 1 dặm bán kính của đại lộ Bolsa ở thành phố Westminster. Càng ngày, người Việt từ các nơi đổ về, từ Việt Nam sang định cư nhiều lên, nên Little Saigon bây giờ lan ra tới Garden Grove (nơi có Korean City của người Đại Hàn), Midway, Santa Ana, Fountain Valley.
Ở nhiều thành phố khác cũng có Little Saigon, như San Diego, San Jose, Oakland, Sacramento của California, hay Portland của Oregon, Houston của Texas,… Người Việt ở những nơi này sống rải rác, chứ không tập trung như Little Saigon ở Orange County. Đó là lý do người từ các tiểu bang khác sang California chơi, chủ đích ghé Little Saigon để được nghe, nói tiếng Việt và ăn đồ ăn Việt. Thương xá Phước Lộc Thọ là nơi có thể làm mọi người thỏa mãn. Thương xá này cứ vào mùa Hè như hiện thời và dịp Tết Nguyên Đán lại có chợ đêm, lúc nào cũng đông như kiến cỏ vì chỉ mở ba ngày cuối tuần, Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật.
Nhưng đi Phước Lộc Thọ hoài cũng chán. Mà để thưởng thức món ăn và đồ uống Việt thì ở Little Saigon thì đầy dẫy. Cứ lên Yelp, gõ “Vietnamese Food”, “Vietnamese Sandwich” hay “Vietnamese Coffee” là có thể thấy cả một list dài, tha hồ chọn. Mà đã có nhiều lựa chọn rồi thì phải la cà, mới cảm nhận được không khí… ăn chơi đường phố là thế nào.
Sài Gòn có gì, Little Saigon có cái đó
Đối với các bạn trẻ, có lẽ chỉ thích ăn vặt. Mà đâu chỉ người trẻ, trung niên, thậm chí nhiều bác lớn tuổi thỉnh thoảng cũng chán cơm thèm… ăn vặt! Có người chê, thức ăn Việt ở Mỹ, kể cả món ăn vặt, đều mất gốc. Ý là các nguyên liệu hay cách chế biến đều bị lai, chứ không giống y chang như trong nước làm. Chuyện đó… xưa rồi Diễm!
Bạn muốn ăn vặt gì nào? Xoài lắc, bánh tráng trộn, bánh mì que, chuối nếp nướng, các loại khô ăn chơi như khô cá đuối mắm me, khô mực xé sợi, mực rim, khô bò đủ kiểu, và các món mứt như mứt chùm ruột (món yêu thích của lũ học trò ngày xưa như chúng tôi), me ngào đường, cà na ngâm, mức tắc, mức cóc, thậm chí trái xay nhung ở rừng Việt Nam cũng có mặt ở Mỹ, được sấy khô với đường, ớt.
Kể ra cả ngày không hết, nhưng cứ ghé các quán có bán các món ăn vặt cổng trường, như Ăn vặt OC, Ú Nu Ú Nù, chợ Đông Ba,… thì “thượng vàng hạ cám” không thiếu gì.
Hầu hết thức ăn khô đều được nhập từ Việt Nam sang, nên hương vị không hề bị lai. Tất nhiên các món khác được pha chế để ăn liền, hay món ngâm, còn tùy người chế biến, và tùy khẩu vị của khách, nhưng khi được hỏi, đa số khách mới từ Việt Nam sang đều thích thú, nói ăn vặt ở Mỹ mà cứ ngỡ đang ở Sài Gòn.
Góc Sài Gòn ở Little Saigon
Nhiều quán bước vô là biết ngay chủ quán người Sài Gòn, vì cách trang trí, bày biện. Ở quán Ăn Vặt OC, chủ quán dành một góc là kệ đựng các món đồ cổ mà người xưa thường dùng, như tách trà, phích nước, đèn dầu, tủ chè có ốp tivi bên trong, quang gánh chứa đầy những món ăn vặt,… Ở đây, nếu chỉ tập trung nhìn vào một góc tường, sẽ không nghĩ mình đang ở Mỹ: Tường vôi tô dang dở lòi ra những cục gạch thẻ, phía trên là cửa sổ gỗ cũ kỹ không vết sơn. Vào quán, giống như về nhà, ở Sài Gòn.
Nhưng nếu ở Ăn Vặt OC chỉ có một góc, thì vào quán Ốc $7, bạn càng… hết hồn! Đập vào mắt bạn sẽ là những bước tường vàng ố loang lổ với số điện thoại quảng cáo “khoan cắt bê tông”, lối đi gắn đầy tên đường, thậm chí tên hẻm, số nhà: Đường Nguyễn Trãi, đường Lê Quý Đôn, đường Lý Chiêu Hoàng, đường Lê Văn Duyệt,… Hẻm 63 Đinh Tiên Hoàng, P.3 Quận Bình Thạnh, hay tiệm “Phở tái – nạm – gân” ở số 28A đường Bàn Cờ, P. 3, Quận 3,.. là nơi dành cho khách đông người, muốn… riêng một góc trời.
Đến Ốc $7, bạn không chỉ ăn ốc, mà có thể gọi nhiều món khác, nhưng đặc biệt vẫn là ốc và các món lẩu. Ăn xong thì đọc sách ở quầy sách báo có đề bảng hẳn hoi “Quầy sách báo Minh Khuê” ở Quận 12, “Tiệm Sách Cũ Loan Hà” trên đường Nguyễn Cư Trinh, Quận Nhất,… Nơi đây còn có Tiệm tóc nữ Minh Ánh trên đường Lê Thánh Tôn, điểm bán dầu gội bồ kết Thorakao, hay tiệm băng đá Hoàng Thanh, gốm sứ Minh Long, xà bông Cô Ba,… tất nhiên chỉ là những tấm bảng để gợi nhớ Sài Gòn.
Thay vì thiết kế kiểu Mỹ, chủ quán cho bày biện từ bàn ghế đến bốn bức tường đều là cảnh trí nhà Việt: Cửa sổ có rèm là những tấm vải hoa, cửa ra vào và cửa sổ bằng gỗ sơn xanh, sơn vàng… Còn những góc quán được xem là “nơi công cộng” còn đề rõ “cấm đái bậy”. Đặc biệt nhà vệ sinh ở quán này không phân biệt giới tính, mà ghi “all gender”.
Litlle Saigon đang trẻ hóa, do số người nhập cư mang theo con cái, hoặc du học sinh sang sinh sống và học tập ngày càng nhiều. Và như thế, các quán ăn vặt dành cho không chỉ có giới trẻ, lúc nào cũng đông khách. Và họ đến, cũng không chỉ để ăn, mà còn để đỡ nhớ Sài Gòn.
Bài và ảnh: Đoan Trang
Đọc thêm: