Bạn nếm thử “băng tửu” chưa?

Giới sành điệu rượu không ai là không biết băng tửu. Tên gốc là einswine (icewine). Lần đầu tiên tôi được mời einswine là ở Rotterdam, Hà Lan từ bác sếp người Đức Altman Frisberg tại một buổi tiệc cuối năm của công ty. Tôi đang lang thang chơi các trò chơi trong hội trường lớn thì bác sếp vẫy tay “Hello! Come on, hãy bỏ ly Heineken qua một bên đi, hãy lại đây và thử cái này, cô có nghe qua einswine chưa?”. “Dạ, chưa”. “Ôi, đây là đặc sản Đức đấy, cô nhất định phải thử”.

Thế là bác bước lại quầy einswine, nơi bác phụ trách phần phục vụ, mỉm cười rót cho tôi hẳn một ly einswine vàng óng như champagne, vừa trao ly rượu vừa chỉ sang khay chocolate bên cạnh, “uống cái này cô phải ăn chocolate hay bánh ngọt thật béo mới sành điệu nhé”.

À, thì ra einswine là rượu dessert – để uống tráng miệng chứ không như các loại cabernet, merlot, pinot, chardoney…, để uống kèm với các món chính. Wow! Rượu vừa chảy qua cuống họng là tôi đã cảm nhận được vị ngọt của nó. Rượu gì kỳ lạ quá? Tôi nhớ mình đã thắc mắc, sao mà trên đời có thể có loại rượu ngọt ngào, thanh cảnh, tao nhã đến mức này? Không hề chua, không hề đắng, không hề gắt.

Vị ngọt dịu êm ái của nó làm tôi không thể không nhớ đến câu “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” mình từng học. Mà “bồ đào mỹ tửu” thì đã từng được các nhà “tửu học” giải mã rồi: đó chỉ là rượu nho mà thôi… Thế đây là rượu gì? Icewine là cái gì? Tôi im lặng không dám hỏi các anh Tây xung quanh, đơn giản là không muốn tỏ ra là mình là người… ngu ngốc. Ký ức về ly băng tửu ngọt ngào đẹp đẽ đó nằm trong tôi mãi đến một thập kỷ sau.

Sau này sang Mỹ, các bạn bè Mỹ rủ tôi uống icewine “made in Canada” với cheesecake, tôi đã có duyên gặp lại icewine… Tìm hiểu thêm thì tôi mới biết icewine có nguồn gốc từ Đức và Áo, từ thế kỷ 18, khi mùa đông nước Đức phủ đầy vạn vật và các bác nông dân Đức không kịp giờ để thu hoạch, người Đức bị buộc phải làm ra một giống rượu mới – einswine để tránh hoang phí nhiên liệu. Thế là einswine ra đời! Dù vậy, hiện nay Canada là nhà sản xuất chính trên thế giới về loại rượu này Chiếm 70% sản lượng icewine thế giới.

Băng tửu – icewine thật ra là một loại rượu nho nhưng cách thức làm hoàn toàn khác với các loại rượu thông thường. Nho không được hái để ủ rượu vào mùa thu hoạch như các loại rượu trắng, rượu đỏ thông thường mà phải để trên cành đợi mùa đông tới. Khi nhiệt độ ngoài trời thật thấp, xuống âm, băng tuyết rơi xuống, nước bên trong quả nho đông cứng lại, và lượng đường bên trong vẫn nguyên vẹn là lúc các nhà làm rượu chuyên nghiệp quyết định những quả nho ấy có nên được hái xuống (bằng tay – handpicked) hay không, có nên được đầu tư qua khâu chế biến công phu để cho ra đời mẻ icewine hay không?

Chai icewine nhỏ xíu (200ml) chỉ bằng nửa dung tích rượu thường nhưng “đắt lòi”, vì sao? Vì phải mất gấp 3-4 lượng nho bình thường mới ra được từng ấy rượu. Bạn cứ tưởng tượng hàng nghìn, chục nghìn quả nho đông cứng như đá, bỏ vào cối xay/nghiền để lấy ra lượng juice cần thiết thì phải mất bao nhiêu nho và bao nhiêu lâu mới ủ được băng tửu? “Đắt lòi” là đúng rồi, phải không? Tết năm nay tôi không biết bạn sẽ uống rượu gì, nhưng nếu được, bạn hãy thưởng cho mình một ly băng tửu.

Xuân Diệu tiên sinh từng viết:

“Tôi không quên được chất rượu Xuân năm ấy. Nó sánh quyện đầu lưỡi, ngọt mà tê lịm, mềm môi mà say ngất lúc nào không biết. Rượu đựng trong nậm sứ cổ, rót vào chén nhỏ men trắng như ngọc. Chưa bao giờ tôi uống được thứ rượu ngon như thế. Không phải tôi chủ quan. Tất cả các anh em đều công nhận là rượu tuyệt ngon: thuần chất hơn Mai Quế Lộ, say đượm hơn Thanh Mai, thanh khiết hơn các thứ rượu Cúc, rượu Cẩm. Uống rượu ngon thì biết là rượu ngon nhưng không ai đoán được biết được là rượu gì! Thạch Lam cười bí mật, gọi người nhà bưng cả vò rượu lớn ra, chỉ vào tờ giấy hồng điều dán làm nhãn hiệu. Tờ giấy viết bốn chữ nho “Bồ Đào Mỹ Tửu”.

Năm nay biết đâu băng tửu – icewine sẽ là “bồ đào mỹ tửu” của bạn.

Thương chúc bạn một xuân mới ấm áp yêu thương!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Em phải sống
Cắm xong ba nén nhang, tôi liếc nhìn bức hình của anh trên bàn thờ. Đại uý Nguyễn Tường Lân trong chiếc áo trận bạc màu, mất ngày 25 Tháng…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: