Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân độc hại. Bí quyết chống Omicron ở chỗ hãy “lo” cho hệ miễn dịch.
Theo tiến sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Phòng khám Rophi, Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể phụ thuộc vào rất nhiều cơ quan. Nó là một mạng lưới phức tạp gồm tế bào bạch cầu, kháng thể, lá lách, tủy xương và tuyến ức. Các protein tăng cường hoạt động tấn công của các kháng thể và hệ thống bạch huyết giúp nhận diện, phản ứng với vi khuẩn và đối phó với các tế bào bệnh tật cũng đóng vai trò quan trọng.
Cơ thể có cả những tuyến phòng thủ khác. Ví dụ như phổi. Cơ quan này tạo ra chất nhầy để phân tử ngoại lai không tiến sâu hơn vào bên trong. Lớp màng nhầy trong đường tiêu hóa chứa kháng thể acid dạ dày tiêu diệt hầu hết vi khuẩn. Da là hàng rào chống thấm nước, đồng thời tiết ra lớp dầu có đặc tính chống virus xâm nhập.
Theo quan điểm chung của giới chuyên gia, hệ miễn dịch càng mạnh thì hiệu quả chống bệnh tật càng cao. Do vậy, các nhà khoa học đưa ra một số biện pháp giúp tăng cường các tuyến phòng thủ đó.
Ngủ từ 7 đến 8 tiếng
Đây được coi là phòng tuyến chắc chắn, giúp bảo vệ sức khỏe nói chung, đồng thời tăng cường đề kháng. Giấc ngủ chất lượng có thể tăng cường số tế bào T trong cơ thể bạn, vốn rất quan trọng để chống lây nhiễm virus, vi khuẩn và chống nhiễm trùng. Tế bào T là một thành phần quan trọng của hệ miễn dịch, có tác dụng hỗ trợ, điều tiết và trực tiếp tham gia vào quá trình phát hiện, tấn công và loại bỏ các mầm bệnh.
Bên cạnh đó, quá trình loại bỏ chất cặn bã cơ thể của não được kích hoạt trong giai đoạn ngủ sâu REM (xuất hiện trong khoảng 70-90 phút sau khi ngủ). Mục tiêu của giấc ngủ là thải độc tố tích tụ cả ngày lên não, đồng thời vận chuyển các kháng nguyên và tế bào miễn dịch khác xung quanh não để có chức năng nhận thức tối ưu. Giấc ngủ củng cố khả năng nhận thức mầm bệnh từ bên ngoài. Điều này có nghĩa một giấc ngủ ngon, đủ giấc kéo dài từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm, giúp nâng cao đề kháng của cơ thể.
Tăng cường vitamin C và D
Dữ liệu tổng hợp từ 16 thử nghiệm lâm sàng với 7,400 tình nguyện viên cho thấy vitamin D giúp giảm nguy cơ mắc ít nhất một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cúm, viêm phổi xuống còn một phần ba. Lợi ích của chúng biểu hiện rõ trong vòng ba tuần. Phân tích khác, công bố năm 2017 trên Tạp chí Y khoa Anh, với 11,000 người từ 14 nước tham gia, cho thấy bổ sung vitamin D làm giảm 11% nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.
Vitamin C không chỉ có trong quả cam, chanh, kiwi, ớt đỏ, bưởi, súp lơ,… mà có nhiều trong lòng đỏ trứng, nấm, các loại hải sản như cá, hàu, tôm,….
Uống đủ nước
Hệ miễn dịch của người phụ thuộc nhiều vào các chất dinh dưỡng trong máu. Nếu thiếu nước, máu không thể vận chuyển các chất dinh dưỡng đến từng hệ cơ quan một cách chính xác. Nước cũng rất quan trọng trong quá trình loại bỏ độc tố, củng cố hệ miễn dịch bạch huyết để đào thải những tác nhân xâm lược và chất thải ra bên ngoài. Cách đánh giá nhanh xem cơ thể có đủ nước không là quan sát nước tiểu. Nước tiểu không màu cho thấy cơ thể đủ chất lỏng.
Tập thể dục
Các chuyên gia khuyến khích người dân tập thể dục, kích thích toát mồ hôi để nâng cao thể trạng. Hoạt động này giúp lưu thông máu tốt hơn, khiến tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả. Tập thể dục có thể làm giảm mức độ hormone gây căng thẳng. Luyện tập cường độ vừa phải giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh hoặc cúm. Tập thể thao cũng củng cố sức khỏe tim mạch, từ đó đem lại nhiều lợi ích cho chức năng miễn dịch.
Và tất nhiên, vẫn còn điều rất quan trọng, là dùng các biện pháp để ngăn ngừa sự lây lan của virus như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc gần, nhất là trong giai đoạn COVID-19 đang lây lan nhanh như hiện nay.
(Tổng hợp)
Đọc thêm: