Tôi chỉ còn mấy tháng để sống. Thay vì liệt kê một danh sách những việc cần làm trước khi chết, thì đây là những việc tôi đang làm trước khi ra đi.
Cách đây gần 20 năm, vợ tôi, Hannah, rất giỏi đan móc, dạy cho cậu con trai 5 tuổi của chúng tôi – Abe mấy kiểu đan căn bản. Khi tôi đi làm về, Abe phấn khích chạy lại và nài nỉ tôi ngồi lại với thằng bé một lúc. Nó muốn dạy cho bố nó khả năng mới vừa học được từ mẹ. Abe cầm một đôi kim đan và một cuộn len màu tím nhạt đã được móc vào một đầu kim đan. Thằng bé bắt đầu đan một cách hãnh diện, vừa móc chiếc kim vào mũi đan đầu tiên. Vừa đan, nó vừa nghêu ngao hát.
“Rồi, giờ đến lượt bố nhe,” Abe nói sau khi đan “biểu diễn” cho tôi xem, mà cũng nhằm chỉ cho tôi cách đan. Tôi cầm lấy que đan và len, cố gắng nhớ và làm theo cách con dạy. Trong khi đó, cu cậu nhìn tôi rất chăm chú. Hannah ngồi một bên, thì thầm những hướng dẫn bổ sung cho lời hướng dẫn của thằng bé. Cứ thế, tối nào cũng vậy. Tôi được con trai dạy đan, và cuối cùng cũng đan được chiếc khăn quàng đơn giản.
Dần dà, càng ngày tôi càng đan giỏi hơn. Tôi đan được khăn quàng kiểu cá sấu, nón cho trẻ em nhập cư, túi cứu thương bằng len phớt, và nhiều đôi vớ. Nhưng tôi đan chậm lắm, mất hàng trăm giờ để đan một chiếc vớ. Nếu tính lương theo giờ của tôi, một đôi vớ tôi đan sẽ có giá $20 tiền sợi và $6,000 tiền công lao động.
Khi Abe lên đại học, tôi được chẩn đoán bị u não giai đoạn cuối. Bác sĩ nói tôi chỉ còn sống chưa đầy một năm. Đan lát giúp đôi tay tôi luôn bận rộn và tâm trí tôi bình yên. Sau khi phục hồi từ lần phẫu thuật não và sáu tuần xạ trị, tôi đã đan hàng tá khăn rửa chén đĩa bằng sợi cho bạn bè và gia đình tôi, như lời cảm ơn sự động viên của mọi người. Tôi mất nhiều giờ để đan xong một chiếc khăn, nhưng mỗi mũi đan làm cho tôi có thể kết nối một cách đầy xúc động với những người đã quan tâm đến tôi.
Lần chụp MRI sau đợt xạ trị, khối u trong não của tôi không phát triển. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng trong vài tháng đầu. vẫn biết, căn bệnh sẽ giết chết tôi ở tuổi ngũ tuần, nhưng tôi bắt đầu tin mình có thể sống lâu hơn thêm vài tháng nữa. Tôi đan khăn quàng màu kem cho mẹ tôi, mất một tuần, còn chiếc khăn cho Hannah thì lâu hơn.
Lúc tôi được giải phẫu, Abe về nhà với chúng tôi suốt mùa Hè, nhưng sau đó phải trở lại trường trước khi khóa mùa Thu bắt đầu. Trong suốt liệu trình xạ trị và hóa trị sau đó, tôi đều được con trai cập nhật tình hình học tập cũng như cuộc sống của cháu, nhưng cứ nghĩ đến nó, tim tôi lại tan ra từng mảnh. Tôi biết mình sẽ không thể khiêu vũ với con trong đám cưới của nó. Thậm chí lễ tốt nghiệp của nó, chưa chắc tôi còn hay không.
Tôi muốn đan cái gì đó cho con, như tôi đã làm cho những người tôi yêu. Là người đan chậm, có thể tôi sẽ mất hàng năm trời để đan xong chiếc áo len lớn đủ lớn cho “thằng đàn ông Abe”. Cả năm trời ư? Quỹ thời gian của tôi đâu có đủ! Thế là tôi quyết định sẽ đan cho thằng bé một đôi găng tay lòi ngón. Có thể cu cậu không hài lòng, nhưng tôi không còn nhiều thời gian.
Ngay sau khi tôi hoàn thành đợt hoá trị, tôi và Hannah có tham dự một buổi trao đổi len tại một nhà máy bia địa phương để ăn mừng. Chúng tôi dành cả buổi chiều để uống bia, trò chuyện cùng những người thợ đan khác và chiêm ngưỡng những tác phẩm đang được làm ra. Gần cuối sự kiện, trong khi Hannah đang gọi những ly bia cuối cùng, một người phụ nữ lại gần bàn và bắt chuyện với tôi. Cô ấy nói từng biết tôi và ngưỡng mộ tôi lắm, nên muốn tặng tôi một thùng len không có thuốc nhuộm. Tôi từ chối, vì nghĩ mình không thể đan lát gì được cả.
Nhưng cô ấy không nản lòng, cô rồi khỏi bàn và quay trở lại với một đống len, dư để đan một chiếc áo lớn, rồi nói với tôi: “Tặng anh này, anh chỉ cần hứa với tôi là anh sẽ cố gắng nhé. Tôi lái xe hàng trăm dặm, mang theo thùng len này với mong ước tìm được người đáng tin để trao tặng, và anh xứng đáng để nhận nói.” Khi Hannah trở lại, tôi vừa khóc vừa kể cho vợ nghe, là tôi đã được tặng một túi len lớn như thế nào.
Ngay khi về đến nhà, tôi tìm thấy một mẫu áo len phù hợp với cuộn len và nhanh tay lấy ra cặp kim đan mà tôi cần. Tôi quấn hai cuộn len thành những quả cầu trước khi đi ngủ với hình ảnh Abe đang đang mặc chiếc áo len đã hoàn thành.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, tôi lại không thể bắt đầu. Tại sao tôi phải tiếp tục khi tôi biết mình sẽ tặng cho Abe một thứ gì đó chưa hoàn thiện ? Thế là sợi len cứ nằm trong túi cả tuần.
Tại cuộc họp mặt tiếp theo của nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư của tôi, tôi nói về món quà bất ngờ là cuộn len và nỗi lo sẽ không bao giờ đan được thứ mình muốn. Đáp lại, các thành viên của nhóm chia sẻ những câu chuyện về thách thức của chính họ, bắt nguồn từ việc biết rằng họ có khả năng sẽ chết sớm. Tôi không đơn độc trong nỗi lo khi phải bắt đầu một việc mới nào đó. Cuộc trò chuyện giúp tôi hiểu ra rằng không có gì là muộn cả, nếu không bắt đầu sẽ không có kết thúc. Tôi nghĩ, mình phải giữ lời hứa với người phụ nữ tặng len cho tôi. Tôi phải bắt đầu. Tôi phải thử.
Vào một đêm nọ, qua từng mũi đen, tôi nhớ về khoảng thời gian của mình với Abe, học những bài học về cách đan từ một cậu bé, nghe nó chơi violin và guitar, chia sẻ tình yêu với Shakespeare, dạy cháu lái xe, chào tạm biệt sau khi nó chuyển sang ở trong ký túc xá, và ôm nó trước ca giải phẫu.
Thông thường, khi ai đó được chẩn đoán là họ đang trong giai đoạn cuối của bệnh ung thư, bạn bè và gia đình sẽ đưa ra lời khuyên rằng hãy luôn mạnh mẽ và lạc quan, nhắc nhở người đó rằng họ sẽ đánh bại căn bệnh ngay cả khi nó là loại ác tính. Đối với tôi, những lời nhận xét mang ý tốt này nghe không dễ lọt tai chút nào.
Khi tôi được chẩn đoán về căn bệnh, tôi biết rằng không có sức mạnh, sự lạc quan hay thậm chí là một niềm tin nào đó để có thể ngăn cái chết đến với mình. Ý nghĩ phải rời xa những người tôi yêu thương, khiến tôi đau lòng lắm, nhưng tôi chọn là sẽ đối mặt với sự thật. Tôi suy nghĩ rất kỹ về những điều có ý nghĩa nhất đối với mình để tôi có thể đưa ra quyết định sáng suốt về những việc cần làm với quỹ thời gian hạn hẹp của mình.
Thay vì lập một danh sách những việc mà tôi muốn làm, tôi quyết định sẽ tiếp tục thứ mà tôi nhận thấy nó có ích nhất, dành thời gian với bạn bè xung quanh đống lửa ở sân sau, tận hưởng những buổi chiều bên Hannah, cùng nhau đan lát trên một chiếc ghế dài.
Khi tôi đan sắp xong chiếc áo, cũng là lúc căn bệnh ung thư tái phát. Đó là vào mùa Hè vừa qua. Tôi phải tạm dừng đan để đi mổ lần thứ hai và một đợt xạ trị khác. Bây giờ tôi bắt đầu đan lại rồi, nhưng cứ đến cuối ngày thì chân tay rụng rời, mệt lắm. Tôi đan mà tay cứ bị run, mũi nọ xọ mũi kia. Tuy nhiên, tôi đang tiến bộ dần dần và chiếc áo len gần như đã gần xong. Mục tiêu của tôi là phải đan cho xong, tặng Abe khi cháu về vào dịp nghỉ lễ. Từ giờ tới lúc đó, nếu chiếc áo chưa xong, tôi tin Abe sẽ tự đan cho mình những mũi cuối cùng. Dù thế nào chăng nữa, Abe biết tình yêu của tôi dành cho cháu giúp tôi học được một cách sống trọn vẹn, ngay cả khi sắp từ giã cõi trần.
David Meyers là bác sĩ gia đình và là nhà nghiên cứu chính sách y tế ở khu vực Washington, D.C., đang sống chung với căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Ông đang viết một cuốn hồi ký cùng với vợ mình, Hannah Joyner.