Nếu bạn xem những bộ sạc điện thoại nơi công cộng là “kẻ ăn cắp thông tin” và ngại cung cấp số điện thoại di động cá nhân cho Facebook vì sợ lộ mật thì bạn đã sai…
Nên cảnh giác với WiFi công cộng?
Chester Wisniewski, chuyên gia bảo mật kỹ thuật số của công ty Sophos khẳng định WiFi công cộng là “rất an toàn”. Nếu cách nay 5, 10 năm việc sử dụng WiFi chia sẻ trong quán cà phê, nhà hàng, sân bay… là không an toàn thì giờ đây, hầu hết các trang web và ứng dụng “sạch” đều có thể bảo vệ khiến kẻ đột nhập thứ ba khó hành nghề lúc bạn kết nối WiFi công cộng.
Wisniewski, người làm công việc có nhiều thông tin nhạy cảm, cho biết anh luôn kết nối với WiFi ở sân bay và khách sạn trong mọi chuyến công tác và không ngại sử dụng WiFi công cộng tại một hội nghị ở Las Vegas, nơi có các tin tặc máy tính giỏi nhất thế giới tham gia. Wisniewski rất hiếm sử dụng lớp bảo mật bổ sung gọi là VPN, dù công ty của anh có thể yêu cầu điều đó. Anh chỉ tránh sử dụng WiFi công cộng ở Trung Quốc khi chuyển nhận các thông tin nhạy cảm. Bạn chỉ nên cảnh giác với WiFi công cộng nếu biết mình là mục tiêu giám sát của chính phủ hoặc những kẻ rình mò khác.
Đừng “dị ứng” với bộ sạc điện thoại công cộng
Trong hơn một thập niên qua, cơ quan thực thi pháp luật đã cảnh báo chúng ta là không được cắm điện thoại vào bộ sạc công cộng tại sân bay, trung tâm thương mại và những nơi công cộng khác. Lý do: kẻ gian có thể cài phần mềm đánh cắp dữ liệu vào bộ sạc để ăn cắp thông tin cá nhân khi bạn cắm sạc. Nếu có thể, tốt hơn hết là nên mang theo bộ sạc điện thoại cá nhân để cắm vào ổ cắm. Nếu bạn sử dụng bộ sạc công cộng, hãy để điện thoại trong chế độ tắt sẽ an toàn hơn.
Nhưng bây giờ tình hình đã khác. Chúng ta nên sống với thực tế của thế giới thực, nơi không người nào có thể cảnh giác tuyệt đối trước mọi mối đe dọa trên không gian mạng. Nếu để tâm quá nhiều về bộ sạc công cộng, bạn sẽ mất tập trung vào những rủi ro quan trọng hơn. Các chuyên gia bảo mật khẳng định trộm cắp kỹ thuật số qua WiFi công cộng rất khó xảy ra. Kẻ trộm phải đích thân đến sân bay hoặc trung tâm thương mại để cài cái gì đó vào bộ sạc. Nói chung là bạn đừng quá lo lắng về bộ sạc điện thoại trừ khi bạn biết mình đang là mục tiêu của bọn tội phạm hoặc gián điệp.
Đừng ngại khóa thiết bị bằng dấu vân tay hoặc quét khuôn mặt
Lý do đơn giản, chúng an toàn và tốt hơn! Một số người luôn cảnh giác với các công nghệ mới như Face ID quét khuôn mặt hoặc cảm biến vân tay trên điện thoại. Nhưng hãy hiểu những cách này an toàn hơn nhiều so với việc chỉ sử dụng mã PIN để khóa và mở khóa thiết bị cá nhân. Nếu sợ những người thân không thể truy cập vào điện thoại của mình nếu có bất trắc xảy ra, cách tốt nhất là bạn hãy chia sẻ mã PIN thiết bị với họ. Đây là tùy chọn dự phòng tốt nhất khi bạn sử dụng tính năng quét khuôn mặt hoặc khóa vân tay để khoá điện thoại. Nếu dấu vân tay không hoạt động bình thường trên điện thoại, nó sẽ hỏi mã PIN.
Mã QR rất an toàn
Nhiều người tỏ ra không tin tưởng vào những ô vuông đen trắng khi dùng camera điện thoại quét vào để mở một đường link trang web. Mối quan tâm này có thể hiểu vì mã QR có thể gây phiền nhiễu, kể cả tiết lộ vị trí bạn đang ngồi. Đúng là khi bạn nhấp vào liên kết hiện ra sau khi quét mã QR tại cửa hàng bánh pizza địa phương, nhà hàng có thể sử dụng tín hiệu kỹ thuật số đó để kết nối với chương trình khuyến mãi bánh pizza gửi đến bạn.
Nhưng thực ra đừng quá lo lắng về tính riêng tư và an toàn của mã QR. Nhà hàng pizza vẫn có thể theo dõi bạn dù bạn có quét mã QR hay không. Mã QR không phải là “tội đồ” mà là một tiện ích cần làm quen. Nếu nhìn thấy mã QR được in trên nhà vệ sinh hoặc trong một quán bar thì bạn đừng đưa điện thoại vào đó và quét vì phần tiếp theo sẽ làm bạn khó chịu. Cũng không nên nhấp vào liên kết mà một người lạ chuyển cho bạn trong tin nhắn. Nó có thể chứa mã độc. Nhưng nếu đó là mã QR trên tờ rơi tại thư viện công cộng hoặc để trả tiền trên ứng dụng thanh toán Venmo thì không sao cả.
Có nên cung cấp cho các công ty số điện thoại để giúp bảo mật hai lớp tài khoản?
The Washington Post thuật, Gordon Miller sống ở New Hope, Pensylvania tự hỏi liệu việc cung cấp số điện thoại cá nhân cho các ứng dụng tài chính có an toàn không, khi họ yêu cầu làm thế để họ nhắn tin một mã code đăng nhập vào tài khoản của anh ngoài mật khẩu. Facebook và Twitter thường sử dụng số điện thoại chúng ta cung cấp vừa để tăng độ bảo mật vừa giúp các nhà quảng cáo giới thiệu sản phẩm của họ cho người dùng. Kẻ gian có thể chặn một tin nhắn để đột nhập vào tài khoản cá nhân nhưng nếu cung cấp cho một ứng dụng số điện thoại để được bảo mật tài khoản theo chế độ “xác thực hai yếu tố” thì sẽ an toàn hơn nhiều so với không sử dụng chế độ này. Quy trình hai bước đăng nhập vào tài khoản là điều tốt duy nhất bạn có thể làm để tự bảo vệ mỗi khi truy cập mạng và bảo vệ email.