Sir Jonathan Ive: Thiên tài đứng sau những sản phẩm Apple

Nhân dịp ra mắt sản phẩm iPhone thứ 15 của Apple
Share:
Jonathan Ive, thiên tài đứng sau những sản phẩm Apple. Ảnh: Mike Windle/Getty Images for Vanity Fair

Những hình ảnh quen thuộc đại diện cho nước Anh như hoa hồng, cây kê, hoa thuỷ tiên (daffodil) và cây shamrock (một loại cỏ ba lá) đã được sử dụng làm các chi tiết tạo thành vương miện Thánh Edward – biểu tượng chính thức trong ngày lễ đăng quang của Vua Charales III ở Cung điện Buckingham Tháng Hai vừa qua.  

Đây là tác phẩm của nhà thiết kế người Anh, Sir Jonathan Ive (Jony Ive). Ý tưởng của ông là truyền tải “niềm lạc quan của mùa Xuân” và tình yêu thiên nhiên của nhà vua.

Ảnh: Logonets

JONY IVE – THIÊN TÀI THIẾT KẾ

Jonathan (Jony) Ive cũng chính là cựu giám đốc thiết kế của Apple. Nếu Steve Jobs là linh hồn của Apple, thì Ive là thiên tài đứng sau tất cả sản phẩm mang thương hiệu quả táo khuyết: iMac, MacBook, iPod, iPhone và iPad. Chính Steve Jobs đã từng gọi Ive là “spiritual partner” của ông. Wayne Goodrich, giám đốc sản xuất của Steve Jobs đã thừa nhận: “Khi có sự hiện diện của Jony trong phòng, Jobs luôn cảm thấy nhẹ nhàng trong mọi vấn đề.”

Jonathan Ive, Phó Chủ Tịch, Giám đốc Thiết Kế của Apple được phong tước Hiệp Sĩ tại Cung điện Buckingham, vào ngày 23 tháng Năm, 2012 ở London. Ảnh: Rebecca Naden – WPA Pool/Getty Images

Có thể nói, nếu không có Jony Ive, Steve Jobs không thể đơn thân độc mã thay đổi thói quen dùng “cái alo” của cả nhân loại trên thế giới. Jony Ive là người lặng lẽ đứng phía sau sự thành công của Apple, tạo ra một đế chế “quả táo khuyết” lừng danh hơn ba thập niên qua.

Jonathan Ive sinh ra ở Chingford, vùng ngoại ô London. Cha của ông là một thợ bạc. Mẹ ông là bác sĩ tâm lý. Những năm học tiểu học, Ive phải vật lộn với chứng bệnh khó đọc (dyslexia). Sau đó, ông thi đậu vào khoa thiết kế công nghiệp của Newcastle Polytechnic, giờ là Northumbria University.

Ông bắt đầu sự nghiệp thiết kế trên xứ sở hoa hồng, quê hương của ông. Năm 1992, 30 tuổi, Ive chuyển đến California để gia nhập Apple. Lúc đó, Steve Jobs đã rời Apple (năm 1985) sau bất đồng không giải quyết được với CEO lúc đó là John Sculley.

Mãi đến 1997, khi Steve Jobs quay về giành lại Apple, nhiều nhân viên lo lắng họ sẽ bị đuổi việc. Họ thậm chí soạn trước lá thư từ chức để gửi tân CEO. Trong đó, có Jony Ive.

Có một sự thật là khi ấy, Jobs đã tìm và mời gọi Richard Sapper, nhà thiết kế của ThinkPad của hãng máy tính IBM. Nhưng Sapper không muốn rời IBM để đầu quân cho một công ty nhỏ đang có quá nhiều khó khăn.

Jony Ive là người lặng lẽ đứng phía sau sự thành công của Apple, tạo ra một đế chế “quả táo khuyết” lừng danh hơn ba thập niên qua. Ảnh: Paul Harris/Getty Images

Nhưng khi Jobs gặp Ive lần đầu, giữa hai người khá gượng gạo, vì “cả hai đều kỳ quặc,” theo lời Ive kể với NewYorker. Cả hai người họ không quen với buổi gặp gỡ đầu tiên đó. Ive đưa cho ông chủ mới của mình xem một số thiết kế ra đời trong studio của Apple. Và Jobs, một người nổi tiếng với những phản ứng khắc nghiệt, bật nói: “F..k, anh làm việc không hiệu quả lắm phải không?”

Nhưng thật ra đó không phải là một sự xúc phạm! Ý của Jobs hoàn toàn khác. Ông nói rằng những thiết kế mà Ive trưng bày trong studio rất thú vị và mới lạ, nhưng Ive đã không thể khiến những người còn lại trong công ty chú ý nhiều đến công việc của anh.

Steve Jobs đã nhìn thấy trước mặt mình là một thiên tài thiết kế. Ông đặt Jony Ive vào vị trí trưởng bộ phận Thiết Kế Công Nghiệp năm 1997, lúc đó chỉ là một nhóm nhỏ, chịu trách nhiệm về phần cứng của sản phẩm Apple. Steve Jobs là người luôn bị ám ảnh bởi tầm quan trọng của hình thức sản phẩm. Cho nên ông bảo đảm rằng các quyết định của nhóm Thiết Kế Công Nghiệp có thể tạo ảnh hưởng đến bất kỳ quyết định của bộ phận nào khác trong Apple.

SỰ KẾT HỢP HOÀN HẢO

Bắt đầu ngay ngày đó, cả hai cùng làm việc với nhau mỗi ngày để ra đời máy tính iMac, sản phẩm đầu tiên mở đường cho sự phục hồi của Apple, dẫn đến một chuỗi dài các sản phẩm không có đối thủ suốt ba thập niên, biến Apple thành công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới.

Steve Jobs giới thiệu bộ sản phẩm iMac gồm 5 màu khác nhau. Ảnh: John Green/Bay Area News Group

Khi Apple chuẩn bị ra mắt iMac đầu tiên vào Tháng Năm năm 1998, Jobs đã phát hiện ra thứ mà ông cho là lỗ hổng chết người trong cấu tạo của máy. Ông mong đợi chiếc máy tính này có khe (slot) đĩa CD nhưng thay vào đó nó là một cái khay (a tray). Bản tính mưu cầu sự hoàn hảo tuyệt đối của Jobs thổi bùng ngọn lửa tức giận. Ông đe dọa sẽ hủy bỏ buổi ra mắt.

Sau khi Jobs la mắng nhân viên xong, Ive đã tìm gặp Steve Jobs ở hậu đài. Một câu nói của Ive đã làm thoả lòng người đàn ông đang muốn thay đổi thế giới. Ive nói: “Ông đang nghĩ đến một chiếc máy iMac khác.” Khi đó, sự tức giận trên gương mặt của Jobs dần biến mất. Ông thở phào. Còn Ive thì nói: “Tôi đã hiểu.”

Jobs khoác vai Jony Ive đi ra khỏi phòng.

Và chính từ đây, Jony Ive, người có giọng nói “nhẹ như tơi”, là người bạn tri kỷ thân thiết nhất mà Steve Jobs từng gặp trong cuộc đời mang sứ mệnh thay đổi thế giới của ông. Sự thành công của iMac đã gắn chặt mối quan hệ bạn bè – công việc giữa Jobs và Ive. Họ tìm thấy điểm tương đồng trong triết lý thiết kế: Tối giản. Họ cũng cân bằng tính cách của nhau. Jobs bộc trực, hoạt ngôn, kiên quyết. Ive trầm lặng, điềm tĩnh và kiên nhẫn. Họ thường ngồi ăn trưa với nhau và nơi mà Jobs thích ghé đến nhất ở Apple là xưởng thiết kế.

 

Máy tính iMac đầu tiên của Apple. Ảnh: Getty Images

Ive mô tả bản thân mình là người “luôn lo lắng” và “luôn mệt mỏi.” Hình ảnh Jony Ive trong trí nhớ của bạn bè ông sẽ là một người luôn trong trạng thái “thở dài”, dù là lúc ông ngồi trên chiếc ghế đẩu bằng nhôm trong phòng thiết kế của Apple hay ghế sau của chiếc Bentley Mulsanne. Đó là trạng thái của một người mang công việc vào từng hơi thở, từng mạch suy nghĩ.

Thói quen của Ive là nghe đài CNBC trên hành trình chạy xe từ San Francisco đến văn phòng của Apple ở Silicon Valley. Ive rất không thoải mái khi biết hàng trăm ngàn nhân viên Apple đều phụ thuộc và chờ vào các quyết định của ông. Ive đã nói ra điều này trong bài phát biểu khi rời Apple.

Như đã nói, Steve Jobs hoạt ngôn bao nhiêu thì Jony Ive kiệm lời bấy nhiêu. Những ngày ra mắt sản phẩm mới của Apple, Jobs (và bây giờ là Tim Cook) luôn là người làm chủ sân khấu. Có thể có những diễn giả khác, nhưng không phải là Jony Ive. Jobs “miễn trừ” cho Ive khỏi hầu hết các trách nhiệm diễn thuyết trước công chúng, từ buổi ra mắt iPhone đầu tiên với thế giới năm 2007. Dưới thời của Tim Cook, vẫn là Ive như thế.

Steve Jobs trong ngày giới thiệu chiếc điện thoại “thay đổi thế giới” iPhone đời đầu tiên, ngày 9 Tháng Giêng, 2007 tại SAN FRANCISCO, CA. Ảnh: David Paul Morris/Getty Images

“Tôi rất ngại.” Ive nói với âm giọng London vẫn nguyên vẹn sau hơn 20 năm ông rời quê hương, theo NewYorker.

“Tôi luôn tập trung vào công việc thực tế và tôi nghĩ đó là cách mô tả ngắn gọn những gì bạn quan tâm hơn bất kỳ bài phát biểu nào của tôi.”

Thế giới đã được nhìn thấy rất nhiều “công việc thực tế” đó trong 25 năm của Jony Ive ở Apple. Tất cả sản phẩm làm thay đổi thế giới của Apple mang đậm phong cách thiết kế Jonathan Ive, và cái đầu của Steve Jobs.

Ngày 5 Tháng Mười, 2011, một đoạn nhạc vang lên khắp khuôn viên của Apple. Màn hình iPhone của nhân viên hiện lên dòng chữ: “Steven P. Jobs, đồng sáng lập Apple, qua đời ở tuổi 56.”

Cách đó khoảng 15 miles, Ive đang ngồi trong mảnh sân vườn bên nhà của Jobs. Bầu trời Tháng Mười hôm đó mờ mịt. Ive cảm thấy toàn thân tê cứng. Ông cảm giác như mình sắp bật khóc khi nhớ lại lời cuối cùng mà Jobs đã nói với ông: “Tôi sẽ nhớ những cuộc nói chuyện của chúng ta.”

Chiếc máy tính iMac đời thứ hai, mang về cho Jonathon Ive giải thưởng nhà thiết kế của năm trị giá $25,000. Ảnh: John Stillwell – PA Images/PA Images via Getty Images

Jony Ive đã đọc điếu văn trong ngày tiễn Jobs trong khuôn viên Apple ở Cupertino. Và kể từ đó, “tôi không lên tiếng với về tình bạn của chúng tôi, hoặc những cuộc phiêu lưu công nghệ hay sự hợp tác giữa hai người. Nhưng tôi nghĩ về Steve mỗi ngày,” Ive nói, theo một bài viết của Wallpaper năm 2022.

Trong những tháng sau đó, Ive, cũng như các nhà thiết kế khác ở Apple, họ dường như lạc thỏm vào chốn hoang vu đau buồn. Ive dành cả ngày để nói chuyện với một đồng nghiệp, như những buổi trị liệu bất tận.

Và ý tưởng tạo ra một chiếc đồng hồ thông minh – Apple Watch đã giúp Ive thoát khỏi nỗi chơi vơi đó.

Sau khi Steve Jobs qua đời, vị trí của Ive tại Apple ngày càng lớn. Tác phẩm cuối cùng mà Ive đã dành nhiều thời gian vào, đó là tòa nhà Apple Park. Ông xem như đó là sản phẩm cuối cùng của Steve Jobs mà ông phải hoàn thành, hơn là công việc hàng ngày của ông.

Cuối cùng, sau 27 năm, Ive rời vai trò giám đốc thiết kế của Apple để thành lập LoveFrom, một công ty sáng tạo có trụ sở tại London và San Francisco gồm các nhà thiết kế, kiến trúc sư, nhạc sĩ, nhà làm phim, nhà văn, kỹ sư và nghệ sĩ. Ive cho rằng cái tên LoveFrom là “động lực mạnh mẽ và duy nhất của Steve.”

Không cần nói về lý do Joanthan Ive rời Apple, vì lý do gì cũng không quan trọng. Đó là quyết định của một nghệ sĩ thiết kế khi họ không còn tìm thấy những sáng tạo của họ mang giá trị và ý nghĩa như thưở ban đầu. Ive chia tay Apple khi ông hoàn thành tác phẩm cuối cùng quan trọng nhất của Steve Jobs.

Quan trọng nhất là linh hồn của Apple mãi mãi thuộc về thiên tài thiết kế của Jonathan Ive và bộ óc không ngừng khám phá cái mới của Steve Jobs. Trên tất cả những điều đó, là tình tri âm tri kỷ của hai người đã một lần thay đổi thế giới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: