Cứ mỗi ba người trưởng thành ở Mỹ, thì một người không được coi là “hiểu biết về tài chính,” theo cuộc thăm dò của Ipsos năm 2022, rõ ràng là rất nhiều người không sớm nhận được những bài về cách kiểm soát tiền bạc.
Hiểu biết về tài chính là hành trình suốt đời. Một số người may mắn lớn lên với cha mẹ hoặc giáo viên, những người có kiến thức và kinh nghiệm giúp họ hiểu các khái niệm về tiết kiệm và đầu tư từ khi còn nhỏ.
Mới đây, ba nhà báo, biên tập viên của CNBC: Kamaron Mcnair, Steve Liesman và Kelli Grant có buổi nói chuyện với hơn 1,000 học sinh trung học ở Queens, New York. Họ chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của mình để giúp sinh viên hiểu biết cơ bản về cách thức hoạt động của tiền bạc.
Họ đã chia sẻ 10 bài học về tài chính quan trọng nhất mà học sinh trung học cần biết trước khi tốt nghiệp:
1-Xác định mục tiêu, giá trị và mong muốn của bản thân (ngoài bạn bè và mạng xã hội)
Tài chính cá nhân là thuộc về cá nhân. Trước khi bạn có thể bắt đầu đặt ngân sách và nỗ lực hướng tới mục tiêu của mình, bạn cần xác định những mục tiêu đó là gì và chúng cần phải quan trọng đối với bạn.
Ví dụ như mua nhà là một mục tiêu tài chính rất phổ biến vì tính thực tế và tiềm năng trở thành một khoản đầu tư sinh lời của nó. Tuy nhiên, nếu bạn muốn dành nhiều thời gian đi du lịch hoặc sống ở những nơi khác nhau thì việc sở hữu một ngôi nhà có lẽ không phải là ước mơ to lớn nhất của bạn.
Đừng cảm thấy bị áp lực khi phải hướng tới một cột mốc nhất định không phù hợp với những gì bạn mong muốn trong cuộc sống.
2-Đừng xem nhẹ sự quan trọng của lãi suất kép. Hãy bắt đầu đầu tư ngay bây giờ
Khi nói đến đầu tư, thời điểm tiền của bạn có mặt trên thị trường thường quan trọng bằng số tiền bạn đóng góp. Đó là vì lãi suất kép: Số tiền mặt bạn đầu tư sẽ kiếm được tiền lãi, số tiền này sẽ được cộng vào khoản đầu tư ban đầu và khi đó bạn bắt đầu kiếm được tiền lời từ tiền lãi.
Các chuyên gia đầu tư như Warren Buffett đều đồng ý một điều rằng: Lãi suất kép là một trong những cách dễ dàng nhất để xây dựng sự giàu có và cách tối đa hóa nó là giữ tiền của bạn đầu tư càng lâu càng tốt. Đó là lý do tại sao mà bạn nên bắt đầu đầu tư càng sớm càng tốt.
3-Có chủ ý với tiền bạc của mình
Hầu hết mọi người đều phải tìm cách sống với một số tiền nhất định. Ngay cả khi bạn bù đầu bù cổ với rất nhiều việc làm, bạn vẫn rất dễ bị phá sản hoặc thua lỗ nếu không theo dõi sát sao số tiền mình có. Hãy nghĩ xem có bao nhiêu người trúng xổ số hoặc vận động viên chuyên nghiệp trở về với con số không trong tài khoản của mình.
Mua sắm ngẫu hứng là một thú vui khá hấp dẫn. Hãy dành thời gian khi mua sắm để cân nhắc xem mục đích sử dụng thẻ của bạn có thực sự là cách bạn muốn tiêu tiền hay không.
Hiểu được mong muốn và nhu cầu có nghĩa là xác định được những thứ bạn cần phải tiêu tiền vào, như nhà ở, thực phẩm và hóa đơn tiền nước, điện, so với những thứ chỉ phục vụ cho sở thích của bạn, như mua vé cho những chuyến du lịch hoặc buổi hòa nhạc.
Viết ra mọi thứ bạn tiêu tiền trong một tháng là cách tốt để bắt đầu xác định tiền mặt của bạn sẽ đi đâu. Từ đó bạn sẽ biết chính xác số tiền bạn thực sự còn lại sau khi nhu cầu của bạn được đáp ứng. Sau đó, bạn có thể quyết định phải làm gì với phần còn lại hoặc tìm kiếm những cách để cắt giảm chi tiêu hòng đạt được những mục tiêu nhất định.
4-Cởi mở về vấn đề tiền bạc
Trước đây, người ta thường cau mày nhướng mặt khi nói về tiền bạc. Tuy nhiên, thái độ đó tạo điều kiện cho các vấn đề tài chính, như bất bình đẳng về tiền lương và thiếu kiến thức trong việc tồn tại.
Nói chuyện về tiền bạc với những người lớn tuổi, dày dặn kinh nghiệm và đáng tin cậy sẽ giúp bạn tìm hiểu các khái niệm như cách sử dụng thẻ tín dụng một cách khôn ngoan hoặc những rủi ro khi đầu tư.
Càng thoải mái nói về tiền bạc trong những tình huống xã giao, thì bạn càng dễ dàng đề cập đến vấn đề đó khi nó thực sự quan trọng, chẳng hạn như lúc bạn thương lượng mức lương hoặc đưa ra lời đề nghị mua một căn nhà.
5-Học cách đàm phán
Càng sớm thành thạo nghệ thuật đàm phán thì bạn càng có lợi. Khi nói đến cả tiền “đến”, như tiền lương, và tiền “đi”, như tiền thuê nhà, bạn cần đặt mình vào vị trí tốt bằng cách yêu cầu một thỏa thuận tốt hơn.
Việc đàm phán một lời mời làm việc đầu tiên nghe có vẻ khá đáng sợ, nhưng bạn sẽ không biết mình có khả năng nhận được gì trừ khi bạn mở miệng hỏi. Nếu người sếp của bạn không đưa ra mức lương cao hơn, hãy yêu cầu những phúc lợi khác như thời gian nghỉ phép hoặc tiền thưởng trong quá trình ký hợp đồng.
Tương tự như vậy, khi bạn đi thuê một căn hộ, đừng ngại yêu cầu mức giá hàng tháng thấp hơn, hoặc bao gồm quyền được sử dụng các tiện ích thiết yếu trong số tiền thuê nhà. Trong hầu hết mọi trường hợp, điều tệ nhất cũng chỉ là chủ nhà trả lời bạn bằng hai từ: “không được.” Nhưng chí ít bạn hãy thương lượng trước đã.
6-Hãy biện hộ cho chính mình và nếu không hiểu điều gì đó, hãy đặt câu hỏi
Bạn sẽ thành thạo hơn với chuyện tiền nong khi cảm thấy thoải mái khi đặt câu hỏi về nó.
Nếu tiền lương của bạn thấp hơn bạn mong muốn, hãy tham khảo bộ phận nhân sự để bảo đảm khoản khấu trừ thuế của bạn là chính xác. Có thể ngân hàng hoặc bác sĩ của bạn đã tính cho bạn một khoản phí mà bạn không hiểu, hãy gọi và hỏi xem có vấn đề gì sai sót không.
Làm sao cải thiện tình hình hiện tại nếu bạn không hiểu vì lý do gì mà mình lại rơi vào tình trạng đó, ngay từ đầu.
7-Học hỏi từ những sai lầm của chính mình
Ai mà chẳng mắc sai lầm. Hãy ví những sai sót này như một phần của quá trình học tập, miễn là bạn phải học hỏi từ chúng và đừng để những sai lầm này trở thành lãng phí.
Hãy tự hỏi tại sao lỗi lại xảy ra và làm cách nào ngăn chặn chúng trong tương lai. Sau đó hãy mang theo kiến thức ấy theo mình để sau này bạn không mắc phải sai lầm tương tự nhiều lần.
8-Giữ quan hệ với những người ủng hộ mục tiêu kinh tế của bạn
Nếu bạn đang cố gắng tiết kiệm cho chuyến đi nghỉ mát vào dịp Tết, nhưng bạn bè lại đang rủ bạn đi ăn tối vào mỗi cuối tuần và đi mua sắm quần áo mới mỗi tháng, thì bạn sẽ khó đạt được mục tiêu ban đầu của mình.
Không phải ai cũng đều ở trong tình trạng tài chính giống nhau, nhưng những người bạn thường gây áp lực, buộc bạn phải móc túi của mình để xài số tiền mà bạn không có hoặc dụ bạn mua những món đồ khiến bạn phải trả giá đắt, đó là những người mà bạn nên tránh xa.
Mặt khác, nếu bạn có những người thân thiết trong cuộc sống luôn khuyến khích bạn kiên trì với mục tiêu của mình và nhắc nhở bạn có trách nhiệm với bản thân, bạn sẽ cảm thấy thành công sẽ dễ dàng đến với bạn hơn rất nhiều.
9-Tìm những sở thích và hoạt động miễn phí hoặc chi phí thấp mà bạn thích
Đặc biệt là khi bạn đang học cách quản lý tiền bạc và bắt đầu xây dựng sự giàu có, bạn nên tìm các hoạt động miễn phí hoặc chi phí thấp mà bạn thích, chẳng hạn như dành thời gian ngoài trời để hòa mình vào thiên nhiên, tham gia các hoạt động tình nguyện tại các tổ chức phi lợi nhuận ở địa phương, viết thơ, chơi thể thao hoặc làm nghệ thuật.
Bằng cách đó, bạn vẫn có khả năng vui chơi cùng những người có cùng chí hướng khi tiền bạc thực sự eo hẹp hoặc bạn đang cố gắng tiết kiệm cho tương lai.
10- Sự giàu có thực sự không chỉ là về tiền bạc
Những người giàu có nhất không thường là những người có mức lương cao ngất ngưởng.
Các chuyên gia tài chính và những người giàu có đều đồng ý rằng: Nếu bạn có thể đặt mình vào vị trí mà bạn không phải lo lắng về tiền bạc vì bạn có đủ khả năng để làm những việc mang lại cho mình niềm vui, bạn sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn, bất kể trong túi mình có bao nhiêu.
Thật ra, nói dễ hơn làm, đặc biệt khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Tuy nhiên, nếu bạn có kiến thức và kỹ năng để quản lý tiền của mình một cách hiệu quả, thì mọi việc đều là khả thi.