Một nhóm chuyên gia quốc tế kêu gọi nên có một “câu chuyện mới” về mãn kinh – giai đoạn tự nhiên này trong cuộc đời phụ nữ.
Họ lập luận: “Phụ nữ không phải là một monolith (tảng đá), trải nghiệm của họ về thời kỳ mãn kinh không hề tiêu cực và không nên “bệnh hóa” giai đoạn này.
Khi mãn kinh bị “bệnh hoá”
Trong một bài phân tích được công bố mới đây trên Tạp chí Y khoa Anh (British Medical Journal) bác sĩ sản khoa Martha Hickey làm việc tại Bệnh viện Phụ nữ Hoàng gia (Royal Women’s Hospital) ở bang Victoria, Úc và ba giáo sư sức khỏe phụ nữ từ Anh, Mỹ và Úc cùng thảo luận về “thái độ xã hội và văn hóa đối với một giai đoạn sống phải trải qua” của hầu hết phụ nữ. Đó là khi kinh nguyệt ngừng lại, thường ở độ tuổi từ 45 đến 55.
Các chuyên gia đề nghị hãy bình thường hóa thời kỳ mãn kinh chứ đừng “bệnh hóa” nó lên. Họ đưa ra số liệu, năm 2021, có từ 16% đến 40% phụ nữ gặp phải các triệu chứng từ trung bình đến nghiêm trọng trong thời kỳ mãn kinh, chẳng hạn mệt mỏi, bốc hỏa, khó ngủ và đau nhức cơ, khớp.
Một phương pháp điều trị phổ biến để kéo giảm các triệu chứng này là “liệu pháp thay thế hormone” (hormone replacement therapy-HRT), sử dụng thuốc để thay thế các hormone bị mất trong thời kỳ mãn kinh nhằm làm dịu các triệu chứng.
Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra hiệu quả của HRT trong việc giúp phụ nữ vượt qua những khó khăn của thời kỳ mãn kinh. Theo họ, dù có những rủi ro, như tăng nguy cơ bị ung thư vú, nhưng lợi ích vượt hơn nguy cơ rất nhiều”. Tuy nhiên, Hickey và các đồng tác giả của bà khuyến cáo: “Trong khi các phương pháp điều trị như HRT rất hiệu quả đối với những phụ nữ mãn kinh phải chịu đựng các triệu chứng phiền toái, thì ‘bệnh hoá mãn kinh’ có thể làm tăng sự lo lắng và ngại ngùng của phụ nữ về thời kỳ tự nhiên này. Đó mới chính là vấn đề!
Nói tóm lại, ‘bệnh hoá mãn kinh’ bằng cách biến một quá trình tự nhiên thành một căn bệnh đã làm giảm chất lượng sống và lấy mất của phụ nữ khả năng đối phó với nó như một giai đoạn sống bình thường”.
‘Mỏ vàng’ cho kỹ nghệ dược
Lời khuyên thận trọng khi sử dụng HRT không mới. Trong cuốn “Estrogen Elixir: A History of Hormone Replacement in America”, giáo sư Elizabeth Siegel Watkins lập biểu đồ nguyên nhân của xu hướng gia tăng HRT và phản ứng với nó. Được xuất bản vào năm 2007, cuốn sách giải thích “Xu hướng ‘bệnh hóa mãn kinh’ bắt đầu từ sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, các công ty sản xuất dược phẩm và các bác sĩ phụ khoa trong hoạt động sản xuất, tiếp thị và kê đơn estrogen trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20. Họ chính là thủ phạm làm cho phụ nữ sợ hãi và lo lắng khi mãn kinh”.
Theo Watkins, sau nửa thế kỷ nghiên cứu bắt đầu từ thập niên 1890, đến thập niên 1940 và 1950, estrogen được giới thiệu ở Mỹ như “một phương pháp điều trị ngắn hạn cho các triệu chứng mãn kinh”. Giữa thập niên 1960 và 1975, liệu pháp hormone bùng nổ mạnh mẽ sau khi một số nhà nội tiết sinh sản định nghĩa “mãn kinh là một bệnh thiếu hụt estrogen”. Kết quả, từ chỉ là một triệu chứng bình thường khi đến tuổi, mãn kinh chính thức được phù phép thành bệnh và tạo ra một thị trường khổng lồ cho kỹ nghệ dược phẩm.
Lúc đó, điều trị mãn kinh không chỉ liên quan đến khoa học mà còn cả văn hóa. Watkins cũng nhắc về E. Kost Shelton, giáo sư y khoa lâm sàng tại Đại học UCLA, người đã quảng bá không mệt mỏi về liệu pháp hormone dài hạn như một giải pháp thoả đáng cho những vấn đề mãn kinh ở phụ nữ trung niên và tin rằng “estrogen không chỉ ngăn chặn sự phát triển của bệnh loãng xương (tình trạng xương yếu đi, thường gặp trong thời kỳ mãn kinh) mà còn giúp duy trì vẻ ngoài trẻ trung, thái độ tích cực và một cuộc hôn nhân hạnh phúc”!
Cuốn sách trích dẫn từ một bài báo Shelton viết năm 1954, trong đó khẳng định “Sự thiếu hụt estrogen trong thời kỳ mãn kinh thường đi kèm với việc mất đi sự quyến rũ của phụ nữ khiến họ cảm thấy bất an, thiếu thốn và cuối cùng là buông xuôi trong giai đoạn hôn nhân dễ bị tổn thương nhất”.
Đừng tin những lời quảng cáo ‘có cánh’
Đã có nhiều thay đổi từ thời Shelton, nhưng mối liên hệ giữa HRT và “hy vọng níu kéo sự trẻ trung” vẫn sống đến tận hôm nay. Bốn chuyên gia trên nhấn mạnh trong bài viết: “Hiện niềm tin quá trình lão hóa có thể bị trì hoãn hoặc đảo ngược bằng HRT không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn được củng cố bởi các phương tiện truyền thông, tài liệu y tế và thông tin sức khoẻ phụ nữ”.
Vậy, tại sao ý tưởng xem mãn kinh là bệnh cần trị liệu vẫn tồn tại? Hickey và các đồng tác giả đưa ra câu trả lời: Tiếp thị dược phẩm dành cho thời kỳ mãn kinh là một ngành kinh doanh béo bở. Hiện trên thị trường vẫn còn những loại thuốc nội tiết tố dụ dỗ phụ nữ nên dùng để trẻ đẹp lâu dài, bảo vệ làn da, tăng cường đời sống tình dục và những thứ chưa được chứng minh. Nếu bạn có một loại thuốc mà một nửa dân số nên dùng, thì đó là một khoản lợi nhuận kếch xù.
Hickey và các đồng tác giả của bà ủng hộ việc thay đổi câu chuyện méo mó về mãn kinh phụ nữ bằng những câu chuyện với hình mẫu tích cực, cũng như giáo dục phụ nữ cách kiểm soát các triệu chứng phiền toái mà không phải là bệnh.
Đọc thêm: