Xử tử hình bằng tiêm thuốc độc, tưởng nhân đạo, hóa tàn ác

Phòng tử hình Texas ở Huntsville, TX, ngày 23 Tháng Sáu năm 2000, nơi tử tù Texas Gary Graham bị hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc. (ảnh: Joe Raedle/Newsmakers)

Nghiên cứu cho thấy kể từ năm 1900, phương thức tiêm thuốc độc thường xuyên bị thất bại hơn bất kỳ hình thức hành quyết nào khác.

Cuộc xử tử kéo dài 3 tiếng!

Lịch hành quyết tử tù Alan Eugene Miller ở tiểu bang Alabama bằng cách tiêm thuốc độc vào đêm 22 Tháng Chín tại Cơ sở Cải huấn Holman (Holman Correctional Facility) được Tối cao Pháp viện đồng ý. Nhưng bản án này Miller không được thi hành đúng lịch trình. Lý do, nhân viên thực hiện việc tiêm thuốc độc không tìm ra tĩnh mạch của tử tù. Theo AP, các nhân viên nhà tù mày mò chọc kim vào tay chân Miller trong hơn một giờ, nhưng vẫn không thể đưa thuốc độc vào cơ thể tử tù này. Loay hoay mãi cho đến khi thời khắc đã chuyển sang ngày mới, mà việc “thi hành án” vẫn chưa xong, nên vụ hành quyết phải tạm dừng.

Lời kể của Miller về những giờ phút đau đớn và chấn thương trong cuộc hành quyết bất thành vào ngày 22 Tháng Chín đã được trình bày chi tiết trong hồ sơ tòa án mới do các luật sư của Miller đệ trình vào ngày 6 Tháng Mười, chỉ hai ngày sau khi văn phòng tổng chưởng lý Alabama yêu cầu Toà án Tối cao Alabama ấn định ngày hành quyết mới. Các luật sư của Miller lập luận: Bằng cách lên lịch xử tử lại, chính quyền tiểu bang đang vi phạm “quyền được bảo vệ bình đẳng” của thân chủ họ theo luật, vì Miller bị đối xử khác với Doyle Lee Hamm, người mà vụ hành quyết không bao giờ được lên lịch lại sau khi tiểu bang thất bại trong lần tiêm thuốc đầu tiên vào năm 2018. Họ cũng tố cáo tiểu bang vi phạm Tu chính án thứ 8 về “quyền chống lại sự tàn ác và hình phạt bất thường bằng cách cố gắng tiêm thuốc độc tội nhân lần thứ hai”, và “tiểu bang đang vi phạm quyền của Miller được quy định trong Hiến pháp Alabama liên quan đến các hình phạt tàn ác hoặc bất thường”.

Cuối cùng, Thống đốc Alabama Kay Ivey ra lệnh tạm dừng việc áp dụng hình phạt tử hình tiêm thuốc độc. Trong một tuyên bố vào ngày 21 Tháng Mười Một, Ivey yêu cầu Sở Cải huấn xem xét kỹ lưỡng các phương thức hành quyết, đồng thời yêu cầu tổng chưởng lý Steve Marshall, dừng hai vụ hành quyết sắp tới.

Trước đó, vào ngày 28 Tháng Bảy, 2022, cũng tại Alabama, tử tù Joe Nathan James cũng được xử tử bằng cách tiêm thuốc độc. Quá trình tiêm thuốc tưởng sẽ kết thúc trong vài phút, nhưng kéo dài đến hơn ba tiếng đồng hồ. James bị đâm kim rất nhiều lần trong cơn đau đớn khủng khiếp.

Chuyên dài nhiều tập về tiêm thuốc độc

Vấn đề của Alabama chỉ là một phần của “chuyện dài nhiều tập” về tiêm thuốc độc. Vụ Miller theo sau một loạt vụ hành quyết tiêm thuốc độc bất thành khác tại tiểu bang, trong đó có hai vụ phải hủy bỏ trước khi tìm được tĩnh mạch tử tù.

Nghiên cứu cho thấy kể từ năm 1900, phương thức tiêm thuốc độc ở các tiểu bang trên khắp nước Mỹ trong thời kỳ đó thường xuyên bị thất bại hơn bất kỳ hình thức hành quyết nào khác, từ treo cổ, điện giật, phòng hơi ngạt hay xử bắn.

Quang cảnh phòng xử tử hình ở Cơ sở Cải huấn Nam Ohio cho thấy một chiếc ghế điện và băng ca. Ohio là một trong số ít tiểu bang vẫn sử dụng ghế điện, và nó cho phép các tử tù lựa chọn giữa cái chết bằng ghế điện hoặc bằng tiêm thuốc độc. John W. Byrd, người bị hành quyết vào ngày 12 Tháng Chín, 2001, chọn chiếc ghế điện. (ảnh: Mike Simons/Getty Images).

Hình thức xử tử bằng cách tiêm thuốc độc lần đầu tiên được New York áp dụng vào cuối thập niên 1880, khi chính quyền tiểu bang triệu tập cái gọi là “ủy ban dải băng xanh” (blue ribbon commission) để nghiên cứu phương pháp xử tử thay thế hình thức treo cổ. Khi bảo vệ phương pháp tiêm thuốc độc, Tiến sĩ Julius Mount Bleyer đề nghị ủy ban hãy hình dung một tương lai trong đó “người bị kết án tử hình sẽ bị xử tử trên giường trong phòng nhà giam, chỉ bằng một mũi tiêm, không gây đau đớn.

“Khác với treo cổ, tiêm thuốc độc không phức tạp và cũng không tốn kém. Tất cả những gì cần thiết là một cây kim và một lượng nhỏ morphin,” Bleyer nói. Nhưng những người phản đối cho rằng tiêm thuốc độc cũng dễ bị va vấp, nếu không làm đúng quy trình. Mà ngay cả khi làm đúng, họ cho rằng hình thức này quá nhân đạo và làm giảm tác dụng răn đe tội ác. Cuối cùng, những người phản đối tiêm thuốc độc chiến thắng và được hỗ trợ bởi “y đức” của cộng đồng y tế. Các bác sĩ đưa ra lý lẽ, ống tiêm là để cứu bệnh nhân nên họ không thể dùng nó để giết người và sẽ không tham gia vào việc tiêm thuốc độc.

Gần 100 năm sau quyết định của New York, không có tiểu bang nào cho phép hành quyết bằng tiêm thuốc độc. Nhưng cuộc tranh luận ban đầu về tiêm thuốc độc đã quay lại vào năm 1977 tại tiểu bang Oklahoma. Những người ủng hộ lặp lại lập luận của Bleyer và tuyên bố “việc hành quyết bằng tiêm thuốc độc sẽ tránh cho tử từ phải vật vã đau đớn và không có mùi hôi thối”. Lần này họ đã thắng.

Nhưng bốn năm sau đó, hai loại thuốc natri thiopental gây mê và thuốc pancuronium bromide giãn cơ mới được chọn. Cùng với kali clorua, thuốc làm ngừng tim, sẽ tạo nên “quy trình chuẩn” tiêm thuốc độc. Những vụ hành hình “tiên phong” ở Oklahoma được lan truyền nhanh chóng và tiêm thuốc độc trở thành phương pháp hành quyết được lựa chọn tại tất cả các tiểu bang có án tử hình.

Phương pháp tiêm thuốc độc ngày càng bị ruồng bỏ

Trên thực tế, khi tiểu bang Texas lần đầu tiên tiêm thuốc độc cho tử tù vào năm 1982 đã cho thấy một số vấn đề mà sau này trở thành “những trở ngại chính” của phương pháp hành quyết này. Nhóm phụ trách hành quyết tù nhân Charles Brooks làm mọi cách nhưng vẫn không thể đưa ống truyền dịch vào tĩnh mạch trên cánh tay tử tù, khiến máu bắn tung tóe lên tấm chăn đắp. Sau khi bắt được mạch và thuốc bắt đầu chảy vào cơ thể, Brooks phải chịu đựng cơn đau khủng khiếp.

Vụ Brooks và những lần tiêm thuốc độc thất bại còn do các bác sĩ không tham gia nên các quan chức nhà tù phải tự làm lấy. Ngoài ra, liều lượng của hỗn hợp thuốc là “cố định” thay vì được điều chỉnh theo thực trạng của các tù nhân giống như trong các thủ tục y tế khác. Kết quả là, đôi khi thuốc độc không đủ để làm chết nhanh tử tù.

Nghiên cứu cho thấy trong số 1,054 vụ tiêm thuốc độc từ 1982-2010 có đến hơn 7% thất bại. Kể từ đó, do những khó khăn trong việc mua đủ ba loại thuốc tiêu chuẩn và các yếu tố khác, phương pháp tiêm thuốc độc ngày càng bị ruồng bỏ. Có tiểu bang phải mua thuốc của các nhà cung cấp thuốc bất hợp pháp không chịu sự quản lý của của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (CDC).

Trong thập niên qua, các tiểu bang sử dụng không dưới 10 loại thuốc kết hợp khác nhau để hành quyết tử tù. Một số sử dụng nhiều lần, một số chỉ sử dụng một lần rồi bỏ. Nghiên cứu cho thấy hành quyết thành công hay bại là tùy vào phác đồ thuốc độc được sử dụng. Trong một số cuộc hành quyết, các tù nhân rên la đau đớn và thở hổn hển rất lâu trước khi bất tỉnh và tắt thở. Tháng Chín, 2020, một cuộc điều tra giúp giải thích tỷ lệ cao số vụ hành quyết được thực hiện rất chật vật. Phẫu thuật tử thi phát hiện chất lỏng gây phù phổi tràn hai lá phổi sau khi bị tiêm thuốc. Một số lá phổi có dấu hiệu của người đang chết đuối hay bị bóp cổ mà cố gắng thở.

Các thất bại của tiêm thuốc độc dẫn đến quyết định của 11 tiểu bang bãi bỏ án tử hình kể từ năm 2007. Alabama, Ohio và Tennessee là ba tiểu bang mới nhất tạm dừng xử tử tù nhân để mở các cuộc điều tra, sau thất bại của phương pháp tiêm thuốc độc.

Nói về phương pháp tiêm thuốc độc, Thẩm phán Tối cao Pháp viện liên bang Sonya Sotomayor nhận xét vào năm 2017: “Thật trớ trêu khi một phương pháp hành quyết có vẻ nhân đạo nhất, lại hóa ra là thí nghiệm tàn ác nhất!”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: