Mùa Thu năm ấy, chiếc máy bay to như một con chim sắt khổng lồ, cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất (Việt Nam), nó bay vút lên bầu trời xanh để đưa gia đình tôi đi định cư tại Hoa Kỳ. Chuyến đi này vợ chồng tôi và hai con theo diện đoàn tụ gia đình, được mẹ tôi bảo lãnh sau tám năm chờ đợi.
Sáng hôm đó trời mát mẻ và trong xanh, từ trên cao nhìn xuống tôi thấy đường phố, nhà cửa, sông rạch… cứ nhỏ và mờ dần. Thế là tôi đã xa quê hương yêu dấu và những người thân yêu còn lại, mà lúc chia tay tiễn biệt ai cũng bịn rịn vì không biết ngày nào gặp lại, tự nhiên lúc đó tôi buồn và sụt sịt muốn khóc. Nhưng nghĩ lại gia đình mình có người thân đưa tiễn, là may mắn lắm rồi. Hồi tưởng lại những chuyến vượt biên của cha mẹ, hai anh và bốn em ra đi như trốn chạy trong đêm tối rất nguy hiểm, gian khổ biết chừng nào.
Năm 1978 bố mẹ và chú thím tôi cùng vài người thân ở Vũng Tàu hùn tiền, vàng đóng chung một con tàu lớn để tổ chức vượt biên. Sau nửa năm, tàu hoàn tất và đi đánh cá xa bờ, có khi tàu đi một, hai tuần mới mang cá về. Ngày ấy công nghệ thông tin chưa tân tiến như bây giờ, nên việc liên lạc rất khó khăn. Chú tôi thường đi chiếc xe Cup 50 màu xanh từ Vũng Tàu lên Bà Rịa, mang tôm cá mới đánh bắt cho bố tôi và bàn tính việc vượt biên.
Có những con cá thu, cá dưa to dài cả mét rất tươi ngon. Tàu ra biển chủ yếu đi dò đường trước để đi vượt biên, còn đánh bắt là hình thức che mắt công an và mọi người xung quanh bến tàu. Chú và bố tôi còn đang bàn tính lương thực, dầu máy và ngày để vượt biên. Một đêm đang đánh bắt cá trên biển, một nhóm thanh niên bịt mặt đã cướp mất tàu. Chúng có súng đe dọa, ép buộc chú tôi xuống ghe nhỏ của chúng để ra về, ai không nghe thì chúng sẽ bắn. Chú tôi và mấy người đánh cá trên tàu đành xuống ghe nhỏ của chúng.
Việc ra đi của bố mẹ và chú thím tôi coi như thất bại, bao vốn liếng dồn vào đóng tàu, chưa kịp khởi hành đã bị cướp mất. Bố mẹ tôi nói: “Không thể đi cả gia đình chung một chuyến nữa, mà tách ra hai người một, lỡ bị bắt ở tù, còn có người ở nhà mà thăm nuôi”.
Gia đình gồm cha mẹ và anh em tôi là tám người, đi vượt biên bốn chuyến khác nhau, mỗi lần vượt biên hai người.
Chuyến vượt biên của hai anh tôi (10/06/1980)
Tối hôm đó hai anh em sắp xếp quần áo và đồ dùng vào cái ba lô rồi nói với tôi: “Anh đi vượt biên đây”. Tôi thật bất ngờ, hèn gì mấy hôm tôi rửa chén đĩa ngoài giếng nước, anh lấy quạt tay, quạt muỗi cho tôi. Vừa quạt anh vừa kể chuyện vui buồn đời lính Không quân của anh đóng ở Pleiku cho tôi nghe…
Hai anh cùng mấy thanh niên gần nhà vác những can dầu ra ghe nhỏ và cùng nhau chuyển lên tàu lớn. Tàu này là của gia đình anh hàng xóm đóng mới để vượt biên. Tàu gồm những người trong gia đình và hàng xóm, tổng cộng là bốn mươi bốn người. Đúng một giờ sáng ngày 10 Tháng Sáu năm 1980, tàu rời bến Long Hương – Bà Rịa bắt đầu cuộc hành trình.
Con tàu như chiếc lá nhỏ bồng bềnh trôi trên mặt biển rộng bao la, trên trời dưới nước không thấy đâu là bến bờ. Trời yên biển lặng, những con cá heo hai bên thành tàu nhìn rất đẹp mắt, nó vừa bơi, vừa lộn vòng hai bên thành tàu như cổ vũ cho tàu vượt biên đang lướt sóng. Đến ngày thứ ba, bỗng trời tối sầm, mây đen ở đâu vần vũ kéo về, báo hiệu một cơn giông bão lớn. Bão lớn kinh hoàng, tưởng lật tàu luôn.
Con sóng đến nhìn nó to đồ sộ như căn nhà, nó đưa tàu lên cao, rồi rớt xuống ầm ầm. Con tàu cứ trồi lên tụt xuống giữa lòng đại dương bao la, với nước biển đang động đen ngòm. Giông bão lớn, gió gầm rú, sấm chớp và mưa to xối xả như muốn phá nát con tàu. Trên tàu lúc này mọi người đã ói mửa, nằm la liệt, hai anh cùng mấy thanh niên không bị say sóng cùng nhau tát nước trong tàu ra. Trận bão lớn đã qua, ngày hôm sau lại thêm trận bão nữa, người và tàu lại một phen cố chống chọi, oằn mình để qua cơn giông tố bão dữ của đại dương.
Lênh đênh trên biển cả đã chín ngày đêm, đến ngày 19 Tháng Sáu, tàu cập vào đảo nhỏ tên Tambelam của nước Indonesia. Người dân đảo ở đây rất tốt, họ niềm nở tiếp đón ân cần và nấu cơm cho ăn. Ngày hôm sau họ liên lạc được tàu Cao Ủy Tị Nạn đến và đưa bốn mươi bốn người về trại Galang của Indonesia, nơi tập trung những tàu vượt biên đi trước của người Việt mình. Anh chủ tàu đã tặng lại con tàu của anh cho ngư dân trên đảo. Con tàu được sơn dòng chữ “TA 190644”. TA là tên đảo, 1906 là ngày tháng tới đảo và 44 là số người trên tàu.
Hai anh của tôi được phái đoàn phỏng vấn định cư vào Hoa Kỳ, một gia đình đi nước Áo, gia đình anh chủ tàu và một số người nữa hiện nay đang định cư ở nước Úc.
Đêm tối trời tàu anh lướt sóng
Bỏ lại xóm làng những dòng sông
Biết vượt biên là bao gian khổ
Tìm tự do dù đổi mạng sống.
Biển như mẹ hiền dang tay đón
Sóng vỗ nhẹ nhàng ôm ấp con
Nhưng khi mẹ biển bỗng giận dữ
Gầm thét kinh hoàng thử thách con.
Sau cơn mưa bầu trời lại sáng
Tàu đến bến bờ đã bằng an
Tự do ơi! tàu mang ta đến
Trời mới! đất mới rộng thênh thang.
Chuyến vượt biên của hai em trai (19/05/1981)
Năm sau, bố mẹ tôi lo tìm tàu cho hai em đi vượt biên. Hồi đó bố mẹ rất lo lắng vài năm nữa thôi, hai em đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Campuchia. Trời tối đen như mực, tôi chở hai em bằng chiếc xe đạp cọc cạch tới nhà ở gần cánh đồng mà thương hai em quá. Em lớn 14 tuổi, em nhỏ mới 12 tuổi, bố mẹ chắc suy nghĩ kỹ lắm rồi, nên dù thương con còn bé dại, cũng dứt khoát mà cho đi vượt biên.
Tàu này cũng ra đi tại bến Long Hương (Bà Rịa), vì còn nhỏ hai em được ở trong hầm tàu. Tàu cũng gặp giông bão, hư máy mấy ngày, lương thực cạn kiệt, nên đói và rất khát nước. Mỗi người một ngày chỉ được một nắp nhỏ bình nước vào buổi sáng và một nắp buổi chiều, cho tạm ướt khỏi khô cái cổ họng.
Sau 12 ngày gian nan, tàu được vớt và 71 người trên tàu được đưa vào đảo Galang của Indonesia. Khi hai em đến đảo, hai anh đã đặt chân đến mảnh đất Hoa Kỳ rồi.
Chuyến vượt biên của em gái và em trai út (10/12/1982)
Khoảng Tháng Mười năm 1982, bạn trong xóm gọi tôi ầm ĩ: “Mau đi xem nhanh lên!”. Thì ra tối hôm qua có chuyến vượt biên ở bến Long Hương. Tàu lớn này không biết ở đâu ghé lấy thêm người vượt biên. Mọi người ai cũng sợ mất tiền mà không được lên tàu lớn, họ hỗn loạn tranh nhau leo lên làm tàu bị nghiêng một bên và lật úp khiến nhiều người kẹt trong hầm tàu và số người không biết bơi bị chết đuối thương tâm. Nhìn cảnh họ vớt người chết đuối lên, đắp chiếu để ven đường, chờ người thân đến nhận về chôn cất, mà thương cho thuyền nhân của dân tộc Việt Nam quá. Trong làng tôi cũng có hai cô gái bị chết đuối vì không biết bơi, ba mẹ, anh em than khóc thảm thiết.
Thương quá thuyền nhân tôi!
Ra đi trong đêm tối
Chưa rời khỏi quê hương
Đã nằm đây bên đường!
Có một tàu lớn cũng đi vượt biên tại bến Long Hương này, lúc trên biển đã gặp cướp Thái Lan. Nó hung hãn lắm, tay cầm dao tay cầm búa, miệng thì la hét để áp đảo tinh thần mọi người. Tất cả đàn ông, thanh niên nó bắt đứng gọn vào bên tàu, cởi bỏ hết quần áo để chúng nó khám xét, cướp hết tiền vàng. Còn đàn bà, con gái, nó thả dây thừng xuống tàu Việt Nam, để kéo lên tàu nó, hãm hiếp và cướp của cải. Thiếu nữ trong làng tôi, không chịu đi, hai tay ghì chặt thành tàu, nó phóng cái búa đứt bàn tay, máu tuôn quá chừng, còn cái búa dính chặt vào tàu, gỡ mãi mới ra. Đến nay cô ấy vẫn chưa lập gia đình, một nỗi tổn thương đau đớn trong cuộc đời, thương quá cho số phận con gái Việt Nam trên đường đi tìm tự do.
Làng tôi có ba chuyến tàu vượt biên, đến nay không có tin tức, có thể gặp cướp biển hoặc giông bão đã đắm tàu. Biết bao nguy hiểm gian nan, 9 phần chết, hy vọng 1 phần sống, mà ngày ấy mọi người vẫn quyết tâm ra đi, để tìm sự sống trong cái chết, vì hai chữ “tự do”.
Hai tháng sau, chủ tàu báo cho mẹ tôi biết ngày đi vượt biên của hai em tôi. Chứng kiến cảnh vượt biên kinh hoàng chết người tại bến Long Hương, và đọc thư gửi ở đảo về, kể chuyện gặp cướp Thái Lan thấy sợ lắm, nhưng bố mẹ tôi nhất định cứ lo cho hai em đi.
Chiều hôm đó mẹ đưa tôi cuộn chỉ màu đen và chiếc nhẫn một chỉ. Tôi cuốn chỉ đen vào nhẫn và cột chặt vào tóc cho em gái, mẹ bảo để phòng khi đến đảo bán đi mà tiêu. Hai chị em tôi cứ ôm nhau mà khóc, em nói không muốn đi, em trai út 7 tuổi thì thích lắm, chạy tung tăng vì tưởng sắp được đi chơi xa.
Tối hôm đó trời mưa rất to, đường ruộng ra bãi đậu ghe nhỏ trơn trượt, đêm tối không thấy đường mà đi, nên té lên, té xuống, mất cả dép. Mọi người quần áo đều ướt sũng, ngồi chen chúc nhau trong hầm tàu, hôi tanh đủ mùi tôm cá, mùi nước tiểu, bùn đất, nước thì lình sình ngập qua bàn chân hợp lại thành mùi hôi hám ngột ngạt khó thở vô cùng. Thỉnh thoảng có tàu từ xa, mừng nhưng cũng lo, vì sợ gặp tàu của hải tặc. Chủ tàu lại đưa xuống hầm một bình nhớt, nói các bà các cô bôi nhớt lên người cho nhọ nhem xấu đi, đề phòng gặp hải tặc Thái Lan.
Tiếng sóng vỗ ầm ầm đập vào thành tàu, nó inh tai nhức óc, đói khát lả người, dù lịm đi nhưng lúc ấy nỗi lo sợ nhất vẫn là sợ gặp tàu cướp Thái Lan mà thôi.
Sau 10 ngày mọi người trên tàu được vớt và đưa đến Mã Lai. Ai cũng bị ghẻ lở loét hết người, hai em đi không nổi phải khiêng trên cáng và nằm bệnh viện hai tuần mới bình phục.
Em kể chuyện vui buồn ở trên đảo Mã Lai trong lá thư dài: Mã Lai có nhiều chuột lắm, nó to như con mèo, đêm khuya ra phá phách tìm lương thực. Nhóm người có bình dầu ăn treo cao trên xà nhà, chẳng may đêm nó cắn đứt dây, đổ hết bình dầu. Ở Mã Lai kiêng ăn thịt heo, mọi người lén lút mua thịt heo về kho ăn.
Ngoài hàng rào có người Mã Lai bán, nếu mình vỗ mông là mua thịt mông, vỗ đùi là mua thịt đùi, tiền trả bằng cách cột tiền vào cục đá ném ra cho họ. Về kho thịt, nếu gặp bảo vệ đi tuần tra, thì tắt bếp lấy thùng giấy đậy lên. Có cô kia đi vượt biên với em trai, em chết bị bỏ xuống biển, khi lên đảo cô buồn và đau lòng quá mà hóa điên dại, cứ nói nói, cười cười, rồi khóc hu hu, nhìn rất thương tâm.
Hai em được phái đoàn phỏng vấn và rời đảo vào Hoa Kỳ với các anh tại vùng Little Saigon, tiểu bang California.
Chuyến đi của bố mẹ tôi (29/12/1983)
Sau khi sáu con đã đến bến bờ bình an, bố mẹ tôi đi vượt biên sau cùng. Chủ tàu là hàng xóm cách nhà tôi một căn nhà. Tàu này 78 người và cũng ra đi tại bến Long Hương Bà Rịa.
Hôm đi vượt biên, mẹ tôi chuẩn bị lương thực: Mẹ luộc 10 quả trứng gà, 10 củ khoai lang, bánh kẹo, thuốc tây, đường cát, chanh… Nhưng tàu đông quá, mẹ tôi ở dưới hầm tàu, cứ đưa củ khoai lang, hay gói bánh cho bố tôi bên trên tàu, đều bị người ta nhanh tay giật ăn mất, bố tôi không được ăn nên rất đói.
Tàu lênh đênh trên biển tám ngày, cũng gặp mấy tàu buôn nhưng họ không vớt, cũng may tàu đến được đảo Pulau Bidong của Mã Lai. Bố mẹ tôi đến không gặp hai con vì hai em đã đi định cư rồi.
Anh tôi qua Hoa Kỳ rất ham học và siêng làm. Anh làm ba công việc một ngày. Sáng sớm anh bào hành tây cho tiệm phở, rồi mới về đi học. Chiều học xong anh ghé làm cỏ thuê trong nông trại, vì lúc đi học anh để sẵn bộ quần áo cũ mang theo rồi. Đến tối anh còn phụ tiệm bán cà phê, anh tranh thủ vừa học, vừa đi làm thêm. Tiền kiếm được anh mua dầu xanh, vải, thuốc Tây rồi đóng thùng gửi về Việt Nam. Mẹ tôi bán hàng đó đi rồi mua vàng để cho các em đi vượt biên. Anh rất thông minh và học giỏi lắm, anh luôn dìu dắt ba em trai, cố gắng học hành nên đã tốt nghiệp đại học ngành điện tử như anh.
Vợ chồng tôi đi vượt biên sau, trong chuyến bố chồng tôi tổ chức nhưng thất bại vì người cháu phản bội. Chúng tôi cũng đi vượt biên hai chuyến nữa, nhưng không thành công.
Với đức tính siêng năng làm việc, và chịu thương chịu khó của đa số người Việt mình, vợ chồng tôi sau khi vào Mỹ vài tháng đã làm công nhân của hãng thịt bò ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ.
Sau nhiều năm ở đất Hoa Kỳ, đến nay vợ chồng tôi đã ổn định cuộc sống. Các con học hành thành đạt và đã lập gia đình.
Nhìn lá cờ Hoa Kỳ tung bay trong gió đẹp làm sao! Tôi thầm cảm ơn nước Hoa Kỳ đã cưu mang và tạo cơ hội cho anh em, và các con tôi học hành, việc làm. Tôi rất nhớ ơn cha mẹ, các anh, các em đã hi sinh vượt biển với bao gian khổ của 40 năm về trước trên “đường tìm tự do”, để gia đình tôi có cuộc sống ổn định trên đất Hoa Kỳ này.
Florida 06/2022