Ảnh minh hoạ: Unsplash
Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Miền Trung yêu dấu
Loading
/

(SGN: Đây là bài viết giành giải Sơ kết của cuộc thi Muôn Nẻo Đường Đời; đã đăng ngày 14 Tháng Mười 2021; repost ngày 19 Tháng Một 2022, kèm podcast)

Thầy, mẹ tôi quê quán ở Ninh Bình, thiên cư vào miền Nam giữa thập niên 50. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn bên cạnh những láng giềng tứ xứ người miền Nam, miền Trung như ông “Tư chè”, anh “Tám thợ nề”, ông “Già Ba Tri” và lớn lên với những bạn người Nam: Anh em Đực, Nghĩa và chị Lộc, anh em Thái Thành Tri và Năng, cho nên tuy là dân xứ Bắc nhưng giọng nói của tôi không ra giọng Bắc, không ra giọng Trung. Nó chịu ảnh hưởng cách ăn nói của các bạn miền Nam, nên giọng tôi là “giọng Sài Gòn”.

Cho đến khi lên ngưỡng cửa trung học, giọng của tôi lại pha một chút giọng Trung vì tôi chơi thân với những người bạn người miền sông Hương, núi Ngự như Diệu Cầm, Tăng Diệu Ái. Người bạn xứ Huế tôi thân nhất thuở đó là Tôn Thất Tú. Tết năm đó, Tú rủ tôi tới nhà dự tiệc đầu năm với gia đình. Trong mùi hương trầm thoang thoảng trên bàn thờ gia tiên, gia đình Tú dùng rặt tiếng Huế nói chuyện với nhau. Tôi như lạc vào một thế giới khác. Tôi không hiểu mạ của Tú và các ôn, các mệ, các o của Tú nói với nhau điều gì. Cô em gái và người o xinh đẹp của Tú thấy mặt tôi ngớ ra, càng thích chí xổ ra từng tràng tiếng Huế để chọc quê.

Nhưng càng về lâu, về dài tôi càng yêu mến những âm thanh lên bổng xuống trầm, nhẹ như hơi gió nghe dễ thương chi lạ: “Can chi mô”, “Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc, nhớ ngoài nớ ghê nơi, “Tui van xin, mà răng cứ làm ngơ”, “Mi đi mô rứa”, “Ở bên ni, qua bên nứa”, “Huế mình chừ ra răng”… và những mâm cỗ Tết với các món lạ mắt, lần đầu tiên tôi được thấy, được thưởng thức. Những món ăn được cắt tỉa công phu khéo léo thành hình con rồng, con phượng, hình hoa sen từ các o của Tú: Măng hầm, thịt heo ngâm nước mắm, tôm chua, nem chua, dưa món, gà bóp lá răm, bò kho mật mía, giò bò, xôi đỗ xanh và những món tráng miệng: Bánh ít lá gai, bánh nậm, bánh tổ, bánh tét và mứt gừng với trà mạn sen… Tôi còn được lì xì như con cháu trong nhà với một không khí thân mật ấm cúng, pha một chút vương giả, rất kiểu cách, rất “Huế”.

Sau bữa tiệc Tân niên với gia đình Tú, tôi trở thành một người em, một người bạn nhỏ của một trong những o của Tú. O là một giảng sư rất trẻ của Đại học Vạn Hạnh và có gương mặt đẹp thanh tú như thiên thần. Tôi đã nhiều lần ngồi uống chè xanh, bàn chuyện văn chương, văn nghệ và nghe o tâm sự với giọng Huế nhẹ thanh thoát về xứ Huế và chuyện tình ngoài nớ với một sinh viên học trò. “Vòng tay học trò” của o trong sáng, cảm động làm tôi mơ hồ thấy lòng mình bỗng… bâng khuâng.

Riêng trong gia đình tôi. Ông anh cả của tôi, sau khi ra trường Khóa 17 Thủ Đức về phục vụ Sư đoàn 1 Bộ binh ở Huế một thời gian. Mỗi lần về phép, anh thường đem về những món quà chỉ có ở miền Trung từ một Công tôn nữ đài các anh đang yêu: Dầu tràm Huế, kẹo mè xửng, mứt trái quất dẻo ngon, vàng óng ánh. Đặc biệt là những chiếc nón lá, khi soi lên ánh mặt trời làm hiện lên những bài thơ. Và ông anh hai của tôi, thuở còn sinh viên cũng đã có một cuộc tình thơ mộng với một Công huyền tôn nữ lãng mạn xứ Huế. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in những bài thơ và nét son môi đậm nét cuối thư chị gởi cho anh.

Ảnh minh hoạ: Unsplash

Những thân thương về miền sông Hương, núi Ngự từ gia đình những người bạn xứ Huế, từ người o của Tú, từ hai ông anh của tôi và những Nhã Ca “Mưa trên cây sầu đông”, “Giải khăn sô cho Huế”, Túy Hồng “Tôi nhìn tôi trên vách” và “Những sợi sắc không”, Nguyễn Thị Hoàng với tập thơ “Sầu riêng” trong có bài “Chi lạ rứa” dùng toàn tiếng Huế, Trịnh Công Sơn “Diễm xưa”, Dương Thiệu Tước “Đêm tàn bến Ngự “, Duy Khánh “Ai ra xứ Huế”, Hoàng Nguyên “Tà áo tím”, Minh Kỳ “Thương về miền Trung”, tranh sơn dầu Nghiêu Đề, Trịnh Cung, Hàn Mạc Tử “Đây thôn Vỹ Dạ và “Tình quê”, Lưu Trọng Lư và Phạm Duy “Vần thơ sầu rụng”, Hà Thanh “họa mi xứ Huế”. Những địa danh như: Đại nội, chùa Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền trên sông Hương, núi Ngự, phá Tam Giang, Nam Giao, các thành quách, lăng tẩm… Khi được đọc và nghe đã làm tôi xao xuyến về chốn xưa sơn thủy hữu tình. Tôi yêu mến xứ Huế lúc nào không hay.

Vì chỉ được biết  xứ Huế qua thi ca, âm nhạc và văn chương. Tôi ao ước có một ngày được ra thăm miền quê hương thật xa nhưng cũng thật gần đó. Nhưng tôi chưa một lần có cơ hội đặt chân đến quê miền Trung của Phạm Đình Chương: “Quê hương em đẹp lắm ai ơi, bài thơ trên nón, nụ cười đắm say” khi còn ở Việt Nam. Vì cuộc chiến giữa hai miền Nam, Bắc ngày càng trở nên ác liệt, ngăn cản đường đi. Cho tới hôm nay, sau hơn bốn mươi năm bỏ nước ra đi. Từ Mỹ tôi đã làm một cuộc du lịch về thăm miền Trung, miền quê hương nghèo với những cơn lũ lụt hằng năm. Một miền quê hương trong tưởng tượng, có bóng dừa, ngàn thông đẹp tuyệt vời, luôn sống mãi trong tiềm thức.

Phi cơ hạ cánh xuống phi trường Đà Nẵng lúc xế chiều. Mưa nhỏ hạt lóng lánh trên những hàng dương. Mùi hơi đất vương lên ngọt ngào sau cơn mưa, gợi nhớ những cơn mưa đầu mùa chỉ có ở quê hương ngày cũ. Chung quanh tôi đầy tiếng cười nói với giọng Huế vừa xa lạ, vừa quen thuộc. Quê miền Trung trong tâm tưởng là đây sao? Tôi chưa một lần được biết về miền Trung nhưng không khí và phong cảnh cho cảm giác gần gũi, không xa cách. Làm như trong tiền kiếp, tôi đã mở mắt chào đời và trưởng thành ở nơi đây. Lòng phi đạo sạch bóng như gương sau cơn mưa, cho cảm giác yên bình êm ả. Xe rời phi trường theo đường Phan Châu Trinh chạy ngang cầu Rồng, cầu tình yêu trên sông Hàn. Dãy đá vôi Ngũ Hành với những ngọn Kim sơn, Mộc sơn, Thủy sơn, Hỏa sơn và Thổ sơn là tên vua Gia Long đặt cho năm ngọn núi hùng vĩ xứ Quảng, vươn lên giữa nền trời tím thẫm đổ bóng dài xuống những bãi biển cát trắng mịn.

Ít ai còn nhớ, Đà Nẵng hơn 55 năm về trước vào ngày mùng Tám tháng Ba, 1965 khoảng 3,500 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đầu tiên đã đổ bộ lên bãi Nam Ô, giữa một rừng nữ sinh áo trắng đang chờ đợi với những vòng hoa. Đà Nẵng cũng là nơi xẩy ra cuộc biến động miền Trung năm 1966 với bàn thờ Phật xuống đường và các xáo trộn chính trị. Và những ngày Tháng Ba năm 75 hỗn loạn ở phi trường với đám đông tuyệt vọng, điên cuồng đạp lên nhau, tìm đường lên chiếc World Airways 727 vượt thoát Đà Nẵng với chân một người lính đã chết còn đong đưa trong bộ phận hạ cánh.

Và nơi bến tầu Đà Nẵng, thân xác biết bao người đã chìm xuống lòng đại dương vẫn hằn sâu trong trí nhớ. Bãi Non nước, Tiên Sa và Mỹ Khê không xa là những hàng dừa trĩu nặng, đang nhạt nhòa trong ráng chiều. Nắng quái chiều hôm yếu ớt trên mặt biển không đủ sức xua đuổi ánh đèn neon cực mạnh từ những nhà hàng, khách sạn năm sao ồn ào du khách và tiếng nhạc trên bờ. Bãi biển Đà Nẵng một mùa Hè có cậu học trò nhà văn Phan Nhật Nam với các bạn cùng trường đi cắm trại. Buổi sáng tắm biển, trưa nằm trên ghềnh đá nghe sóng vỗ về dưới lưng, đêm ngủ bờ cát nhìn lên bầu trời tìm sao Hiệp sĩ, đốt đèn đi bắt ghẹ. Đám ghẹ được luộc ngay ở bờ biển trên đống lửa trại bập bùng trong đêm khuya ngã về sáng, nay đã trở thành một quá khứ xa xăm…

Đèn lồng Hội An. Ảnh Unsplash

Từ Đà Nẵng đi xuôi về hướng Nam khoảng 30 km là khu phố cổ Hội An. Hội An như một viên kim cương lóng lánh, nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn gần cửa Đại. Phố cổ Hội An được thành lập cuối thế kỷ 16, dưới thời nhà Lê như một làng chài lưới nhan nhản khắp miền Trung, cho đến triều đại nhà Nguyễn. Nguyễn Hoàng đã ra sức phát triển kinh tế Đàng Trong. Từ đó mở rộng giao lưu buôn bán với các nước ngoài, đã đưa Hội An thành một thị cảng sầm uất bậc nhất vùng Đông Nam Á. Vì tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau như Nhật Bản, Trung Hoa và Hòa Lan nên phổ cố Hội An có những kiến trúc đặc thù được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Tôi bước đi giữa lòng con phố với những lồng đèn mầu đỏ, tím và xanh giăng mắc khắp nơi. Hai bên là những ngôi nhà cổ mầu lam với cửa sổ mầu xanh dương. Những hàng quán mái ngói âm dương rêu phủ với cơm gà và cao lầu nổi tiếng. Những tà áo dài mầu trầm, bên cạnh những bước tường vàng loang lổ nhuốm màu thời gian… Hội An còn là quê hương của La Hối “Xuân và tuổi trẻ”. Và những cặp tân nhân trong lễ phục xứ Huế: Cô dâu áo dài Nhật Bình đeo kiềng vàng, đầu đội mấn, chú rể áo tấc, khăn đóng làm đám cưới bên cạnh chùa Cầu, dưới bóng những giàn hoa giấy mầu trắng, đỏ khoe sắc lộng lẫy trong nắng đẹp như một bức tranh của Nguyễn Thị Hoài. Khi màn đêm buông xuống, khu phố cổ bừng lên như một phép mầu với những lồng đèn muôn màu tỏa sáng và những chiếc thuyền giấy hình hoa sen trôi lấp lánh trên sông Hoài. Tất cả đã vô tình tạo nên một không gian thơ mộng, lãng mạn. Thời gian cô đọng lại như… ngừng trôi, làm cho tôi có cảm giác được trở về một thế giới xa xăm nay chỉ còn trong dĩ vãng.

Đi ngược lên Quốc lộ số Một, đèo Hải Vân nằm giữa Đà Nẵng và Huế. Đây là một trong những thắng cảnh thiên nhiên đẹp nhất của quê hương miền Trung với 60 khúc quanh 90 độ. Tôi ước mơ được một lần đặt chân lên đỉnh đèo để từ đó nhìn ngắm bốn phương trời. Từ hướng Đà Nẵng ngược lên phía Bắc, tôi vượt làng Nam Ô, là nơi nổi tiếng với nước mắm Nam Ô, ngon không kém nước mắm Phú Quốc. Có ba con đường  để vượt qua đèo Hải Vân: Đường thứ nhất quanh co, khúc khuỷu có ba khúc quẹo hiểm nghèo đã có tự ngàn xưa.

Một khúc gần Hải Vân quan và hai khúc kia ở địa phận Đà Nẵng. Đường thứ hai là đường tầu hỏa cũ thời thuộc địa. Đường thứ ba là đường hầm Hải Vân dài 6.28 km, là đường hầm xuyên núi dài nhất Đông Nam Á, khởi công xây dựng từ năm 2000 và khánh thành vào năm 2005. Dùng đường hầm sẽ tiết kiệm được hơn một tiếng đồng hồ để vượt qua đèo nhưng sẽ không được mục kích thắng cảnh trời mây sơn thủy đẹp mê hồn. Lẽ đương nhiên, tôi đã chọn con đường thứ nhất dù nguy hiểm.

Càng lên cao con đèo càng dựng đứng, có chỗ phủ đầy sương mù như đường lên ngọn đỉnh trời, như con rắn khổng lồ đang uốn lượn trên triền núi xanh lục. Rải rác đó đây những bãi cỏ xanh mướt điểm vài bông hoa dại vàng, những am miếu nhỏ bên vệ đường nghi ngút khói hương. Trơ gan cùng tuế nguyệt, Hải Vân quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ bẩy, chắn ngang đường đi giữa Huế và Đà Nẵng. Phía trước cửa quan khắc ba chữ: “Hải vân quan”, phía sau khắc sáu chữ: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” do vua Lê Thánh Tông ban tặng. Thỉnh thoảng lại gặp một bầy bò hoặc một bầy dê đủng đỉnh giữa lộ. Lên đến đỉnh đèo sẽ thấy toàn vịnh hiện ra sau màn sương mỏng.

Phong cảnh đẹp đến nao lòng. Bên trái, cánh rừng già dựa lưng vào dẫy Trường Sơn đang thay đổi mầu sắc từ ánh mặt trời lúc tỏ, lúc lu dưới những cụm mây hồng lam pha sắc tím. Ngọn Trường Sơn cao vút, đỉnh đội mây trắng, chân soãi ra tận biển Đông. Bên phải sau những rừng dừa bát ngát, vài cánh hải âu lượn lờ trên dãi cát trắng tinh của bãi biển chạy vòng cung đến tận chân trời. Gần bờ, nước biển có mầu xanh nhạt, càng ra xa, càng xanh ngắt đậm mầu, mặt biển dường như càng nhô cao, giao thoa với mây và bầu trời. Biển và trời, mây quyện lẫn vào nhau, tôi không còn nhận ra nơi nào là mặt biển, nơi nào là bầu trời…

Con đường đèo bắt đầu xuống dốc, qua một vài khúc ngoặt cuối cùng của con đường, một phong cảnh hữu tình bất ngờ hiện ra trước mắt. Làng chài lưới Lăng Cô như một viên ngọc tỏa sáng nằm trên bãi cát trắng đầy vỏ sò, nhô lên từ mặt biển. Đây đó thấp thoáng vài hàng quán với mái ngói âm dương, vài nếp nhà tranh ẩn mình dưới bóng dừa xanh bạt ngàn, những chiếc lưới đánh cá phơi phất phơ trong gió. Ngoại trừ một số khách sạn “hiện đại” nằm “hoành tráng” dọc bãi biển. Dưới bóng tà dương,thấp thoáng vài cánh buồm nâu nhấp nhô theo ngọn sóng. Lăng Cô đẹp như một bức tranh thủy mạc…

Theo Quốc lộ số Một về phía Bắc, tôi đi ngang Hương Thủy với những ruộng lúa nho nhỏ lác đác vài ngôi mộ cổ. Vượt qua khoảng đường gió bụi trồng đầy chuối và hoa kiền kiền mầu đỏ nhạt, những thửa vườn xanh mát trồng cây ăn trái và nhà cửa, hàng quán đông đúc xen kẽ lẫn nhau, tôi đã đặt chân lên xứ Huế. Xứ Huế như một quê ngoại trong ước mơ được trở về hằng in đậm trong ký ức qua bao năm tháng…

Khu chợ Đông Ba nằm giữa cầu Tràng Tiền và cầu Gia Hội bên bờ Bắc sông Hương, chợ Đông Ba là chợ lớn nhất của Huế với lịch sử hơn 100 năm bị phá hủy và xây dựng lại. Vì được đặt gần cửa Chánh Đông của kinh thành nên thoạt tiên chợ có tên là Đông Hoa. Năm 1887 vua Đồng Khánh cho chỉnh trang và đổi tên thành chợ Đông Ba vì kỵ tên húy của bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Thiệu Trị. Tôi đến chợ một buổi chiều có nắng đẹp chan hòa trên ba chữ mầu đỏ “Chợ Đông Ba” trước lối vào.

Tôi đi khắp ba gian chợ nhìn ngắm những món hàng, những món ăn lạ mắt… trong một không gian tràn ngập màu sắc, âm thanh rao hàng, trả giá, cãi lộn dễ thương xứ Huế. Sau đó lang thang trên đường Trần Hưng Đạo có nhiều cây sầu đông của Nhã Ca. Tôi nhớ về những ngày Tháng Ba năm 72 khi chợ Đông Ba và khu phố chung quanh bị đốt cháy, phá hoại bởi đám đào binh, tù nhân không người chỉ huy rút chạy hỗn loạn về Huế, từ đại lộ kinh hoàng Quảng Trị… nay không còn một dấu vết…

Đại Nội và Tử Cấm Thành sáng nay tầm tã dưới cơn mưa xứ Huế, nhưng vẫn giữ được vẻ uy nghiêm. Điện Thái Hòa là nơi cử hành các lễ lớn của triều đình như lễ Đăng quang, các đám cưới, hỏi của hoàng gia. Trên các tường bên trong có treo nhiều tờ biểu của các quan trình lên vua. Chữ của các quan viết bằng mực tầu, phê chuẩn của nhà vua viết bằng mực son. Vua Tự Đức là ông vua thông minh, hay chữ nên trên nhiều tờ biểu, phê chuẩn mực son của vua còn nhiều hơn chữ của các quan.

Thăm Đại Nội cho tôi cảm giác hoài cổ, nhớ về một thời đã qua, nay chỉ còn lại “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”… Mưa gió xứ Huế dai dẳng không dứt cả ngày trong Đại Nội, mưa như trời sầu, đất thảm, mưa mù mịt bốn phương trời. Khu vực Kỳ Đài với chín khẩu thần công là nơi cho tôi rất nhiều xúc cảm lẫn lộn khi nhìn lá cờ hiện tại đang bay trong mưa gió. Bỗng dưng tôi nhớ lại ngày đầu xuân Mậu Thân năm xưa với Huế đổ nát, điêu tàn. Dân và quân xứ Huế với nước mắt lưng tròng đã cất cao giọng hát bài “Này công dân ơi…” khi lá cờ vàng ba sọc đỏ được từ từ kéo lên Kỳ Đài…

Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử của nước nhà. Cầu Trường Tiền sáu vài, mươi hai nhịp, sau ba lần gẫy đổ và xây dựng lại, vẫn bắc ngang dòng sông Hương cho đến tận bây giờ. Cầu được ví như một cô gái Huế duyên dáng với mái tóc xõa dài ngang lưng, soi bóng mình dưới dòng Hương giang. Những ai ra Huế mà chưa đứng trên cầu Trường Tiền ngắm những chiếc nón bài thơ, những tà áo tím phất phơ trong gió, nhìn dòng sông Hương rợp bóng phượng vĩ lững lờ trôi, được coi là chưa đến Huế.

Ảnh minh hoạ: Unsplash

Đêm hôm nay trăng 16 sáng vằng vặc. Tôi đang sống trong một ước mơ đã ấp ủ từ lâu. Đó là ước mơ được ngồi trên một con thuyền nhỏ lênh đênh trên sông Hương… “Lướt theo chiều gió, một con thuyền theo trăng trong”. Thuyền trôi êm đềm ngang chùa Thiên Mụ và tháp Phước Duyên ven bờ. Tháp Phước Duyên với bẩy tầng tháp tỏa sáng, đứng sừng sững trên nền trời tím đậm như đã đứng từ trăm năm. Văng vẳng trên không có tiếng chuông chùa vang nhẹ, đưa hồn tôi lâng lâng thoát tục.

Thuyền cứ lững lờ trôi trên sông, dọc theo núi Ngự Bình mờ sương lam. Chung quanh không một tiếng động, chỉ có tiếng nước vỗ nhẹ mạn thuyền. Thoang thoảng trong gió đêm có mùi hương dịu nhẹ từ hoa ngọc lan, hoa sói, hoa bưởi, hoa cau trong các thửa vườn ven bờ. Bỗng nhiên lòng rung động, tôi thèm được nghe một giọng hò mái nhì xứ Huế trên sông vào khoảnh khắc này. Nhưng không gian im lặng như tờ. Xa xa cầu Trường Tiền bừng sáng trong đêm với ánh đèn neon xanh, đỏ, tím, vàng tương phản với vẻ đẹp thiên nhiên của dòng Hương. Cầu Trường Tiền ban đêm, trông trơ trẽn như một cô gái Huế lỡ thì trang điểm quá tay…

Thôi nhé Huế, những ngày vui chóng qua mau. Tôi chưa từ biệt xứ Huế mà đã nghe Huế nhắc nhở:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên…

Cách nhau ngàn vạn dặm.
Nhớ chi đến trăng thề…
(Thơ Hàn Mạc Tử)

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: